Gian nan chống tảo hôn ở Gia Lai

|

Một trong những nguyên nhân gây nghèo “bền vững” trong người dân tộc thiểu số (DTTS) ở Gia Lai là nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Năm 2016 trên địa bàn tỉnh có 824 cặp tảo hôn (trong đó dân tộc Gia Rai là 570 cặp, dân tộc Ba Na là 247 cặp, dân tộc khác là bảy cặp).

1/ Tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật hiện hành, nam đủ từ 20 tuổi trở lên, nữ đủ từ 18 tuổi trở lên song nói như Bí thư Đảng ủy xã Đác Trôi huyện Mang Yang, PLanh thì: Cứ học hết lớp 8, 9 là tụi nó lại nghỉ học, ở nhà đi làm rẫy, làm thuê và đòi cưới nhau, tuyên truyền vận động, nghe thì nghe đấy mà vẫn cứ làm sai.

Gặp một số em gái người Ba Na làng Đê Klong ở xã Đác Trôi, huyện Mang Yang “bắt chồng” khi 15, 16 tuổi. Nhìn các em gầy gò, nhỏ thó, xanh xao với đứa con ốm yếu địu trước bụng, lòng tôi buồn day dứt. Hỏi các em sao lấy chồng sớm, sao bỏ học sớm, các em chỉ cười cười. Những bà mẹ trẻ con như thế ở Đác Trôi năm 2016 là hơn 10 em. Cán bộ tư pháp xã bảo: Khi chúng đến xã đăng ký kết hôn, thấy không đủ tuổi, cán bộ khuyên bảo thì chỉ cười rồi về. Chẳng cần đợi xã ký giấy kết hôn, cha mẹ chúng đã mổ heo, làm rượu mời dân làng đến ăn cưới, mời cán bộ xã đến uống rượu cưới. Phạt ư? Tiền đâu cha mẹ chúng có 2-3 triệu đồng để đóng phạt. Xuê xoa thế rồi đành thôi không phạt, chỉ còn cách nhắc nhở, tuyên truyền mỗi ngày mỗi tháng để bà con nhận thức dần…

Xã Đác Trôi có 594 hộ, 2.780 khẩu, có 95% dân số là người Ba Na, người nghèo toàn xã năm 2016 là 318 hộ, chiếm 54%. Ở một huyện khác, Kbang, từ năm 2010 đến 2015, toàn huyện có 191 cặp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, chủ yếu là đồng bào DTTS cư trú tập trung ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện như: Đác Rong, Krong, Lơ Ku, Đác Smar, Kon Pne.

2/ Tại huyện Đác Pơ, từ năm 2015 đến nay xảy ra 54 trường hợp tảo hôn trong đó có hai vụ hôn nhân cận huyết. Chính quyền các địa phương luôn làm nhiều cách để giảm tình trạng này. Nhưng theo anh Lê Văn Châu, Trưởng phòng Tư pháp huyện Đác Pơ thì việc kết hôn của đồng bào DTTS Gia Rai, Ba Na ở Gia Lai chủ yếu được thực hiện theo phong tục, tập quán, chỉ cần sự đồng ý của những người đứng đầu trong làng hoặc của cha mẹ hai bên nam nữ, sự chứng kiến của gia đình, họ hàng, làng xóm là xong. Quan niệm kết hôn trong họ tộc để lưu giữ tài sản của gia đình không mang của cải sang họ khác, các hủ tục lạc hậu như: bắt chồng, tục “nối dây”, ép hôn nhân... là nguyên nhân chính khiến vấn đề tảo hôn vẫn tồn tại trong các buôn làng DTTS ở Gia Lai.

Bên cạnh đó, tác động, ảnh hưởng mặt trái của cơ chế thị trường, trong đó có tư tưởng, lối sống cởi mở ảnh hưởng từ nhiều luồng văn hóa khiến các em tùy tiện chung sống như vợ chồng sớm, làm tăng tỷ lệ mang thai sớm dẫn đến tăng tỷ suất sinh con vị thành niên, làm tăng tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng DTTS. Cũng như vậy, đời sống kinh tế của bà con còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí và ý thức pháp luật của đồng bào còn hạn chế, vấn đề giáo dục giới tính cho thanh, thiếu niên chưa thường xuyên, cha mẹ chưa quan tâm chu đáo đến con, trong một số trường hợp cha mẹ còn đồng tình ủng hộ con trong việc tảo hôn…

3/ Chính quyền các cấp đã làm nhiều việc để hạn chế tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS như đẩy mạnh tuyên truyền; tăng cường biên soạn và phát hành các tài liệu pháp luật liên quan tảo hôn… Thời gian tới, các địa phương rất cần phổ biến, cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật hôn nhân và gia đình, các quy định liên quan tảo hôn tập trung trọng tâm vào địa bàn nơi đồng bào DTTS sinh sống, có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, tình trạng tảo hôn xảy ra nhiều. Đồng thời, cần nâng cao năng lực nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa - xã hội cấp xã để có kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và kết hôn cận huyết thống trong vùng DTTS… Như vậy mới thiết thực, từng bước giảm tình trạng tảo hôn trong đồng bào DTTS, nâng cao chất lượng công tác dân số, ổn định kinh tế - xã hội địa phương.

Gia Lai có 34 dân tộc anh em. Dân số toàn tỉnh 1.414.424 người, trong đó, đồng bào DTTS chiếm 44,80% (Gia Rai chiếm 30%, Ba Na 11,72% và các dân tộc khác chiếm 3,08%). Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2016 chiếm 16,55% tổng số hộ dân trên địa bàn tỉnh. Trong đó tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào DTTS chiếm 85,81% tổng số hộ nghèo.