Những lo lắng ban đầu
Năm 2009, đoàn chúng tôi được đưa xuống đáy lò ở độ sâu hơn 375 mét thẳng đứng và sâu hơn 300 m so mặt nước biển. Và hiện tại, lò khai thác này đang nắm kỷ lục sâu nhất so với các lò khác ở đất mỏ Quảng Ninh.
Lần đó, chúng tôi được trang bị như một công nhân thực thụ: đèn lò, quần áo, mũ bảo hộ, bình dưỡng khí. Bước tiếp theo, trèo thang sắt lên miệng quả cầu kim loại cắt làm đôi, nó giống như một cái tổ chim, từ đáy lên thành quả cầu khoảng 1,5 m. Số người không quá 10, đứng chen chân trong đó. Quả cầu sắt kéo lên cao một chút, miệng hầm được mở ra. Ngó xuống hầm, “trộm vía”: một mầu đen ngòm. Khi quả cầu được ròng rọc thả xuống qua ngưỡng mặt cắt, hầm đóng nắp. Giám đốc Hương (nay đã chuyển) đi cùng, giải thích, phải đậy nắp hầm, tránh tình trạng gió thổi, người vô ý làm sỏi rơi. Chỉ một viên sỏi bằng hạt ngô bay xuống, tốc độ và nỗi khiếp sợ giống như một hòn đá tảng... Nghe vậy, tôi nhắm mắt, ù tai, trong đầu hình dung nếu chẳng may đứt cáp? Chẳng may bộ phận kỹ thuật sai sót, mở nắp đóng hầm ra? Chẳng may bốn bức tường bê-tông này bị lực đẩy của đất bóp nát bim bim. Mình sẽ thế nào nhỉ? Nó giống như bị chôn sống, mà chôn ở một nơi quá sâu. Thôi! Cốc vào đầu mình một cái, thoát ra khỏi ý nghĩ vẩn vơ đó.
Tời vẫn chạy đều đều, chúng tôi “chìm” xuống độ sâu. Thành đứng của hầm đã được gia cố bê-tông, với độ dày an toàn. Những “túi nước” trong lòng đất, chảy qua “cổng dẫn” bê-tông ầm ào trong không gian hẹp, cảm giác như một cơn lũ ống. Càng xuống sâu, nước gầm gào như thác đổ, trong người, cứ nóng lên rồi lạnh đi vì tiếng nước chảy. Hầm lò tối thui, ý nghĩ chập chờn... Khi chuyển động ngừng lại, một khoảng sáng yếu ớt mở ra, chúng tôi đồng thanh gọi: “các anh ơi”. Tiếng những người công nhân đào lò đáp lại: “ơi, ơi”. Chúng tôi bước ra, với một niềm tin cậy rằng, an toàn rồi. Trở lại ý nghĩ ban nãy, dàn trải, “thiếu sức khỏe” đã bị bật lên khỏi miệng hầm. Đáy hầm, đá lởm chởm, dòng nước vẫn cuộn chảy không ngừng, nó mất hút ở một điểm nào đó đặt ống bơm. Đáy hầm rộng hơn một chút, nó là công trường ngổn ngang. Chúng tôi cũng chỉ được đi lại giới hạn, lưu lại hình ảnh trong trí nhớ.
Và ngạc nhiên
Lần này, tôi bước chân vào thang máy (còn gọi là thùng s-kíp) nhẹ nhàng. Một cái gì đó khẽ rung thánh thót trên đầu, tung tóe. Nước, những giọt nước. Thang máy xuống hầm lò, chưa đạt độ khoan khoái, khô ráo như khi ta đi thang cao ốc. Nhưng những giọt nước thỉnh thoảng vẫn nhỏ xuống mũ bảo hiểm, bờ vai nhắc nhở rằng chúng ta đang đi xuống... âm. “Hẳn, tôi sẽ ướt như chuột lột khi xuống đến đáy?”. Tôi buột miệng nói ra điều này. Một người đứng bên cạnh, trấn an: “Ẩm tý ở vai áo thôi”.
Thang chạy khá nhanh, êm, đường xuống vẫn tối, không nghe tiếng nước chảy ào ào như lần trước. Xuống âm, nhưng có vài người trong thang máy đang nói câu chuyện khác. Còn tôi, một sự co cụm diễn ra, lát nữa, mình phải bò, cúi, luồn từng tấc một như đi trong địa đạo. Và còn đủ sức khỏe để ngoi lên mặt đất không? Một công trường khai thác mỏ, bụi bặm, thiếu dưỡng khí, con người mình bị “gói lại” như nhân trong “cái bánh” khổng lồ là than.
Thang máy ngừng lại, cửa mở ra, một cảm giác vỡ òa. Hầm khá rộng, trần hầm cao, có khi đút vừa… máy bay boeing 787, gió mát, cảm giác như ta bước vào bên trong thân máy bay mà họ chưa ráp phần vỏ. Đường hầm dài hút mắt. Những đường dây điện bọc nhựa bên ngoài, to như cánh tay, nằm song song, đối xứng, được vít ốc vào tường hầm. Bước trong đường hầm mấy chục mét, có hai ba ngách đường hầm khác lớn tương đương nhau, mở ra. Tôi không được lựa chọn để đi. Những người kỹ sư, kỹ thuật, công nhân đi cùng họ lựa chọn đường cho tôi đi. Thực tế, họ không dời tôi nửa bước.
1,7 km đường hầm, ngồi trên tàu nhỏ giống như tàu chạy trong công viên trò chơi, công nhân vẫn gọi là xe “song loan”. Gió vẫn thổi phía sau lưng, không khí dễ chịu, người khô ráo, chưa có một hạt bụi than nào rớt vào người. Tàu dừng lại, tất cả bước xuống, đi bộ đến tời treo ngược trần hầm, mỗi boong hai người. Người ngồi bên cạnh tôi cho biết, chiều dài tuyến đường thứ hai này là 1,6 km. Hầm tóp lại, nhỏ hơn, đường có vẻ như đang đi ngược lên? Tôi đặt câu hỏi, người bên cạnh, cho biết: “Đường hầm “ăn” theo vỉa than, than đi theo hướng nào, hầm theo hướng đó”. Dọc đường hầm, thỉnh thoảng gặp cỗ máy, thỉnh thoảng cũng gặp công nhân lặng lẽ lắp ráp đường dây cáp điện, xà gồ. Không gian làm việc chật hẹp, im lặng. Trong tuyến đường hầm này, có chỗ gặp luồng gió nóng thổi qua, kéo dài mấy chục mét, bụi rào rào... Tàu dừng lại ở điểm treo leo, chúng tôi bước xuống bằng một cái thang để sẵn. Tôi đi thêm vài trăm mét nữa, dừng lại ở cỗ máy to xù và phân vân: “Không biết cỗ máy đó xuống đây bằng cách nào và làm sao mà đưa nó “chui” được vào đến đây?
Đáy hầm năm 2009 - Ảnh do mỏ than cung cấp.
“Chôn chân” trong hầm lò
Quả thực, xuống mới biết, lấy được hòn than không dễ dàng. Cỗ máy đồ sộ đập vào mắt tôi. Máy được thiết kế theo hình bình hành, phần nghiêng là giá đỡ trần, phần đáy là hệ thống khấu vào vỉa, gạt than vào băng tải ngắn. Từ băng ngắn, than được chuyển qua băng tải dài, đưa lên mặt đất. Máy khấu với những trụ sắt nặng nề, chỉ nhìn thôi, nó cũng đã “đè bẹp” mình. Tôi đứng bên cạnh máy khấu, không muốn đi nữa, quần áo, mặt mũi đã đen xì, gió vẫn thổi, bụi than bay rát mặt. Thấy tôi không chịu bước đi, một người công nhân đi cùng, căn dặn: “Nếu, anh đứng lại thì đứng nguyên xi chỗ này. Nếu thấy hệ thông máy chuyển động, bên cạnh, bên dưới. Anh không được nhảy, tránh”. Nghe mà hết hồn. Nhìn trên cánh tay áo, tôi đọc được tên: Linh. Tôi gật đầu. Linh, kiểm tra máy móc gần chỗ tôi đứng.
Một hệ điều khiển ở đâu đó mà tôi không hề biết được, cỗ máy bắt đầu làm việc, với sự rung chuyển răng rắc như khoan vào… người tôi. Dưới chân “rần rần” một hệ thống băng tời chìm trong lớp đá vụn, than nhão. Khi Linh quay ra, đến chỗ tôi đứng, tôi biết, Linh được giao, vừa làm việc, vừa trông coi tôi trong phạm vi an toàn. Tôi yêu cầu được đi sâu vào trong cỗ máy, Linh Đồng ý. Linh giảng giải cho tôi khá nhiều về kỹ thuật của máy và cách thức khai thác than đang diễn ra ở đây. Tôi nghe xong và “tặng” lại Linh luôn bởi không tài nào mà nhớ được. Tôi trở lại vị trí đứng ban đầu, Linh cũng đứng cạnh, cách chỗ chúng tôi, khoảng 70 m, có nhóm công nhân đang vận hành máy khoan. Linh giải thích, đó là hệ thống khoan, bơm nước vào vỉa than, làm “ướt, mềm” than, giảm bụi, phòng cháy nổ bởi khí gas.
Khi có lệnh quay về, người mừng nhất lại là tôi. Bước từ hệ thống ròng rọc xuống tàu, tôi chuyển trạng thái, mình đang có chuyến du lịch đặc biệt. Hầm sáng choang, khô ráo, mát mẻ. Nhiều đường hầm khác mở ra với một sự tò mò. Và nghĩ, sau này, khi đóng khai thác hầm lò, có thể biến nơi đây thành một điểm du lịch “đi sâu vào lòng đất mẹ”. Một ý nghĩ kích thích vô cùng.
MỞ CỬA LÒ BẰNG BA GIẾNG ĐỨNG Giếng chính có chức năng vận tải than và đưa gió trời xuống lòng đất, đường kính D = 5 m đến mức âm 345 m. Giếng phụ, có chức năng vận chuyển người, thiết bị, vật liệu, phế thải mỏ, đường kính D = 6,5 m, chiều sâu của giếng là 395 m. Giếng đứng thông gió, có chức năng hút gió thải và thoát hiểm khi có sự cố, với đường kính D = 5 m, đến mức âm 300 m.