Ẩm thực theo thuyết âm-dương, ngũ hành

|

Theo quan niệm triết học của người xưa, trời đất có âm dương, ngũ hành tương sinh tương khắc, tạo nên sự cân bằng của vũ trụ. Trong đông y, cơ thể của con người cũng phân chia theo âm dương, ngũ hành và sức khỏe thể hiện sự cân bằng của cơ thể.  

Trong đông y, ngũ cốc, rau cỏ, thịt thà cũng được coi như thuốc để bồi đắp cho cơ thể, nên có câu: "Dược bổ bất như thực bổ" (uống thuốc không bằng ăn uống đúng), lại có câu: "bệnh tòng khẩu nhập" (bệnh tật theo miệng mà vào, tức là ăn uống không đúng cách thì sinh ra tật bệnh). Nguyên lý Âm - Dương, Ngũ hành được vận dụng để tạo ra sự cân bằng không thiên lệch giữa các loại thực phẩm với nhau, không nên ngộ nhận rằng thức ăn nào bổ thì cứ ăn thật nhiều, bởi vì cái "hữu ích" mà cứ nạp vào quá mức sẽ tạo ra cái "hữu dư", mà dư thừa là mầm mống của mất cân bằng, dẫn đến phát sinh tật bệnh. Vậy cái hay chính là phải cân bằng, cân bằng âm dương, cân bằng tính vị.

Tính có nóng - lạnh - ấm - mát, vị có chua - cay - mặn - ngọt - đắng. Ðã ăn thức ăn có tính hàn (lạnh) thì phải ăn thêm cái nóng để chế cái lạnh đi; ăn nhiều đồ ngọt quá thì phải thêm vào vật phẩm có vị chua; ăn nhiều đồ cay thì phải kèm theo vị đắng để tiết bớt... đó chính là sự vận dụng của ngũ hành sinh khắc trong khí vị.

Bánh chưng được làm khéo léo từ chiếc lá dong, nhu mễ (gạo nếp), lục đậu (đậu xanh), trư nhục (thịt lợn) tẩm ướp, sau khi luộc lên bóc ra cho một mầu xanh, mùi thơm rất đặc biệt của riêng ngày Tết, khi ăn ta nên có cùng dưa góp là xu hào, cà rốt ngâm chua để giúp cho tiêu hóa. Gà luộc là món không thể thiếu được khi thắp hương tổ tiên trên ban thờ nên lúc ăn những miếng thịt gà chặt thơm ngon phải được chấm với muối tiêu chanh và nhớ phải có lá chanh thái như sợi chỉ, thịt gà bổ, ngon nhưng dễ "động phong" mà lá chanh sẽ "khử" bớt tính "phong" của thực phẩm này, cũng cần biết thịt gà không ăn cùng rau kinh giới.

Thịt lợn ngày Tết được chế biến thành nhiều món ngon như: thịt quay áp chảo, hầm chân giò măng khô, thịt kho tàu... ăn vào cảm thấy "khoái khẩu", nhưng những cái béo mỡ ngọt thỉu này cần phải ăn cùng với hành củ muối. Củ hành có tên gọi là Thông bạch hành khí, tiêu trệ rất tốt, giúp cho sự chuyển hóa nhanh, không để chất béo, cay trệ lại trong ruột dễ sinh ra rối loạn tiêu hóa. Thế nên trong câu đối ngày Tết các cụ dùng chữ "dưa hành" đi với "thịt mỡ" là chí lý. Còn những miếng măng lưỡi lợn ninh kỹ, hút hết cái tinh chất của thịt vào thì ngon tuyệt, vì măng giúp cho tiêu hóa rất tốt mà lại không có hại gì. Vậy là, bên cạnh bát canh mọc bóng thanh khiết, ngọt nhẹ, các loại giò gà, giò bò, giò lợn cũng được bày ra,  mỗi thứ một chút, ăn vào vừa khỏe vừa ngon. Chỉ có điều cần nhớ là đừng ăn quá no, chỉ ăn vừa đủ.

Ngày Tết ít người thịt dê làm cỗ, nhưng chắc rằng trong năm ai mà đi du lịch qua vùng Ninh Bình cũng đều dừng chân thưởng thức đặc sản thịt dê nổi tiếng. Theo sách cổ, thịt dê có vị ngọt, tính đại nhiệt, bổ tạng hư hàn, người có thân thể yếu, yên được tâm, giảm ra mồ hôi trộm, ích thận tráng dương, làm cho khớp xương vững chắc. Xương dê trị hàn trong xương, lui được nhiệt ở đầu. Tiết dê chữa các bệnh về huyết. Khi dùng phải lưu ý các điểm sau: người có bệnh nhiệt không được ăn, không ăn thịt dê cùng mắm cá và sữa, trong móng chân dê có hạt châu trắng ăn vào làm cho phát điên. Con dê trắng đầu đen thì không nên ăn não của nó vì dễ mắc bệnh tràng ung, gan dê ăn với hạt tiêu sống hại ngũ tạng, phụ nữ có thai kiêng ăn thịt dê vì rất nóng. Thế nhưng phụ nữ sau khi sinh, mất huyết nhiều, người xưa dùng bài thuốc "Ðương quy Dương nhục thang" để bồi bổ lại huyết rất tốt.

Ngày Tết, cũng không thể không nói đến rượu. Trước đây phổ biến chỉ có rượu gạo ở đồng bằng, còn miền núi thì rượu được cất từ ngô, sắn, còn bây giờ thì tràn lan các loại rượu ngoại. Rượu có tính bình, hành huyết, dùng ít rất tốt cho cơ thể, tiêu hóa tốt, tinh thần thư thái. Nhưng cái khó nhất khi uống rượu là biết dừng! "Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu" (gặp người tri kỷ, uống đến ngàn chén vẫn thấy ít) tức là khi vui, gặp bạn tâm giao người ta khó dừng được. Thế nhưng uống rượu say thì khổ lắm: đầu đau muốn vỡ ra, người mệt mỏi vật vã, nói năng loạn ngôn... dễ để phí hoài mấy ngày Tết. Người xưa nói: "Tam bôi thông đại đạo, nhất túy giải thiên sầu" - chỉ uống ba chén rượu là thông tỏ mọi chuyện, say một trận thì quên đi ngàn chuyện buồn, vậy nên chỉ uống ba chén thôi là đủ. Tiện đây cũng xin mách thêm cách giải rượu, nếu có lỡ uống quá chén: cuống lá dong (gói bánh chưng) đun cỡ một bát ăn cơm, uống khi say, hay đun nước đỗ đen với cam thảo thì giải rượu rất nhanh.

Quây quần bên mâm cỗ Tết, uống chén rượu xuân, cùng những câu chuyện bên cành đào, chậu quất là niềm vui chỉ ngày Tết mới có được.