Ngọn lửa thiện nguyện

|

Sống yêu thương, khát khao mang đến niềm vui, hạnh phúc cho người khác, thiện nguyện giờ đây đã trở thành việc làm thường xuyên của nhiều người. Bằng nhiều hình thức kết nối, những tấm lòng nhân ái đang chung tay sẻ chia, để người yếu thế, người nghèo không bị bỏ lại phía sau.

Thiện nguyện làm nên sự thay đổi !

Theo chân Hoàng Hoa Trung, sinh năm 1990, Trưởng nhóm Thiện nguyện Niềm Tin (trực thuộc Hội Thanh niên Tình nguyện Hà Nội), ra bãi giữa sông Hồng, tôi thật sự ngạc nhiên trước cảnh những chàng trai, cô gái trẻ xắn tay áo đóng những bao đất phù sa. Họ tỉ mẩn, thận trọng để sao cho việc gom đất phù sa không ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Hồng. Từng bao đất được bán đi lấy quỹ làm từ thiện.

Hoa Trung cùng các thiện nguyện viên đặt quyết tâm dựng ngôi trường mới tại Điểm trường Nậm Vì, nằm ở bản xa nhất của xã vùng biên Chung Chải (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên). Với hơn 20 cách gây quỹ và sự chung tay góp sức của cộng đồng, năm 2015, Điểm trường Nậm Vì kiên cố trị giá hơn 380 triệu đồng được khánh thành. Với tư duy, làm từ thiện mang tính bền vững, sau khi có trường, có lớp, nhóm tiếp tục giúp người dân Nậm Vì xóa đói, giảm nghèo bằng dự án tặng dê giống. Cùng đó, 40 học sinh đang theo học tại điểm trường được hỗ trợ bữa cơm trưa và đồ dùng cá nhân từ nay cho đến năm 2017. Mô hình Điểm trường Nậm Vì sẽ được Nhóm Thiện nguyện Niềm Tin tiếp tục triển khai tại điểm trường bản Xà Quế (xã Chung Chải) trong năm 2016. “Giúp các em nhỏ những bữa cơm dinh dưỡng, quần áo mặc ấm, sách vở chỉ là vấn đề trước mắt. Xây điểm trường, chúng tôi mong muốn trao cho các em sự quan tâm, yêu thương thật lòng. Đó mới là điều để các em hình thành nhân cách, trở thành người tốt về sau”, Hoa Trung chia sẻ.

Ca sĩ Thái Thùy Linh trong một chương trình thiện nguyện trao áo ấm cho trẻ em Mường Nhé, Điện Biên. Ảnh: MINH LÝ


Sinh ra, lớn lên ở một trong những tỉnh vùng cao biên giới xa xôi, khó khăn nhất của cả nước - tỉnh Lai Châu, mỗi chuyến công tác đến vùng cao, Hoàng Trường Giang, sinh năm 1985, phóng viên báo Quân đội Nhân dân, như nhìn thấy tuổi thơ của mình. Day dứt, nặng lòng, Trường Giang tìm đến những chương trình hỗ trợ giáo dục cho trẻ em vùng cao. Bởi, chỉ có tri thức mới có thể giúp được các em học sinh miền núi có được tương lai tươi sáng hơn.

Nhưng, một trong những điều khó khăn của công việc thiện nguyện chính là gieo “Niềm tin”. Nhờ vào lòng kiên trì và việc thiện nguyện bằng thực tâm, anh đã kéo được nhiều người tham gia và ủng hộ. Điểm trường mầm non Thèn Pả (xã Sa Lông, huyện Mường Chà, Điện Biên), hay nhà bán trú tại Trường THPT Bán trú Tá Bạ (Mường Tè, Lai Châu), cùng nhiều điểm trường được dựng mới trong những năm qua là sức mạnh lan tỏa của thiện nguyện và niềm tin ấy. Trở lại điểm trường mầm non Lả Nhì Thàng (xã Sì Lờ Lầu, huyện Phong Thổ, Lai Châu) nằm ở độ cao 2.000 m mới đây, Trường Giang gần như không kìm nén được cảm xúc, nghẹn ngào khi nghe cô Hiệu trưởng Phạm Bạch Ngọc nói: “Nhờ có mái trường được xây mới này mà biết bao học sinh ở Lả Nhì Thàng đã vượt qua được mùa đông lạnh giá”. Hôm ấy, thời tiết miền bắc bước vào ngày đại hàn, cái lạnh cắt cứa da thịt.

Những mạch nguồn không bao giờ cạn

Những năm qua đã có nhiều chương trình, nhiều câu lạc bộ, tổ chức thiện nguyện đến với những mảnh đời, người yếu thế, người có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trong xã hội. Nhiều phong trào xã hội kết nối yêu thương có sức lan tỏa, như chương trình “Cặp lá yêu thương”, một dự án thiện nguyện do Trung tâm Tin tức VTV24 khởi xướng đang gây hiệu ứng mạnh trong cộng đồng. Hay câu chuyện đẹp về chị Trần Mai Anh và cậu bé Thiện Nhân.

Từ việc cứu chữa cho một đứa trẻ phải chịu nhiều đau khổ như Thiện Nhân, nay chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” ra đời đã mang đến phép màu cho hàng trăm đứa trẻ cùng hoàn cảnh khác. Chị Trần Mai Anh chia sẻ: “Trong hành trình này, chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ đi mãi. Nhưng tôi vẫn cứ đi, lại cuốn vào hành trình giúp những đứa trẻ khác”.

Thiện nguyện là để chia sẻ, để gắn kết yêu thương hơn. Điều cảm kích là có nhiều người yếu thế trong xã hội, ngoài nỗ lực vượt lên khó khăn của bản thân, đã đứng ra tổ chức những chương trình từ thiện. Với cựu vận động viên Pencak Silat Nguyễn Kim Hoàng, dù bản thân đang mắc lupus ban đỏ - căn bệnh dần phá hủy những bộ phận trong cơ thể, nhưng anh đã vượt qua để mở lớp dạy võ miễn phí. Khi sức khỏe yếu dần theo thời gian, mọi hoạt động của anh hầu như đều phụ thuộc vào người thân, thì số lượng học sinh, sinh viên tìm đến anh học võ ngày một tăng lên. Mình anh đảm đương truyền võ ở ba địa điểm, mỗi điểm có khoảng 40 học viên theo học. “Dạy võ là niềm đam mê của tôi. Song điều quan trọng hơn là tôi mong muốn các em qua học võ có sức khỏe để biết tự bảo vệ mình”, Kim Hoàng tâm sự.

Thiện nguyện giờ đây đã trở thành hoạt động mang tính sâu rộng, liên tục ở nhiều nơi trong cộng đồng. Tiến sĩ Phan Thị Thùy Trâm, Chủ tịch Mạng lưới Doanh nghiệp xã hội Việt Nam - VSEN, là người tiên phong khởi xướng chương trình “Bình minh cho em” - chương trình cộng đồng đầu tiên vì người tự kỷ Việt Nam. Bằng những hành động thiết thực, chương trình không chỉ giúp những đứa trẻ mắc tự kỷ hòa nhập được cộng đồng, mà các em có thể tìm được cánh cửa để bước ra khỏi thế giới của mình. Các nhánh của chương trình “Bình minh cho em” liên tiếp được ra đời, đó là các ngôi trường đào tạo cho các bà mẹ có con tự kỷ, trường đào tạo mang tính hướng nghiệp cho các em, giúp mang lại cơ hội có một công việc trong tương lai cho người tự kỷ. Tiếp nối chương trình này, chị Thùy Trâm và VSEN đang cùng chung tay với chương trình mới “Xương rồng trên cát”, nhằm hỗ trợ phụ nữ bị bạo hành và trẻ em bị mua bán.

Vòng tay thiện nguyện đang ngày một tiếp tục được nối dài. Nhiều chương trình thiện nguyện đang lan tỏa giữa cuộc sống như mạch nguồn không bao giờ cạn.

Thiện nguyện giờ đây đã trở thành hoạt động mang tính sâu rộng, liên tục ở nhiều nơi trong cộng đồng.