Từ Tổng đội người Mông
Từ thị trấn Mường Xén, trung tâm huyện biên giới Kỳ Sơn, chúng tôi ngược con đường cheo leo “ngang trời” lên xã Huồi Tụ. Con đường hôm nay đã được thảm nhựa tận “cổng trời mường quên lạc” (Mường Lống), gần đúng nghĩa với điều ước lâu nay “đường ra đường” đối với một huyện nằm trong diện nghèo nhất nước như Kỳ Sơn.
Ngày trước, ai có dịp vượt dốc Phá Đánh (miền trời đỏ) lên Huồi Tụ, là thấy cả dãy núi Huồi Pịa như mái đầu bị cạo trắng, trơ cằn bởi người Mông ở những vùng bản heo hút cao xanh này đã nhiều lần mồi lửa đốt rừng tra hạt và gieo anh túc. Hôm nay, khi vượt “cổng trời” Huồi Đun, trong làn sương bảng lảng, thấy dưới thung núi Huồi Pịa đã xanh mầu chè shan tuyết, bàng bạc những mái nhà lợp tôn hay tươi mầu ngói đỏ. Dưới nắng ban mai, những hàng chè như những đường kẻ xanh ngát viền quanh thung núi.
Nhờ có Tổng đội Thanh niên xung phong Xây dựng kinh tế 8 (TNXP 8) mà những năm gần đây, Đảng bộ xã Huồi Tụ đã xác định rõ cây, con cho hiệu quả kinh tế cao. Bây giờ bà con các bản Huồi Đun, Huồi Khả, Huồi Mụ... chung quanh tổng đội và bà con người Mông các bản Huồi Đun, Huồi Khả, Huồi Khe, Phà Xắc đã trồng hàng trăm ha chè shan tuyết, phát triển nhiều trang trại tổng hợp cho thu nhập mỗi hộ hàng trăm triệu đồng/năm.
Trở lại đây, lại nhớ câu chuyện về Dềnh Bá Lầu, đội viên người Mông đầu tiên ở Huồi Tụ gia nhập Tổng đội TNXP 8. Mồ côi cha, mẹ bỏ ba anh em Lầu đi bước nữa. Của cải không có gì ngoài một căn nhà ba gian tuềnh toàng lợp tranh và một con bò. Điều kiện đặt ra: Khi mẹ đi lấy chồng, mẹ lấy bò thì phải để nhà lại cho anh em Lầu, hoặc ngược lại. Lầu xin được lấy nhà để ba anh em có nơi tá túc. Từ đó, Lầu lam lũ phát rẫy trồng lúa, ngô nuôi hai em trưởng thành. Lấy vợ, ngoài căn nhà cũ nát được chia, của cải không có gì đáng giá. Năm 2003, khi Tổng đội TNXP 8 Huồi Tụ thành lập, Lầu xin gia nhập. Năm đầu, tích cóp được hai triệu đồng từ lương của tổng đội, vợ chồng Lầu mua một con bò cái. Năm tiếp theo, cũng từ lương tích cóp mua thêm bò, rồi cứ mỗi năm mua thêm một con để đến nay hai vợ chồng đã phát triển được đàn bò 12 con. Cuối năm 2007, được tổng đội hỗ trợ năm triệu đồng, bản, xã bình xét cho hưởng hỗ trợ từ Chương trình 134 sáu triệu đồng, Lầu quyết định bán bốn con bò để làm nhà. Bây giờ, căn nhà gỗ ba gian lợp tôn thưng ván đánh sơn dầu lên nước bóng loáng trị giá khoảng 30 triệu đồng của vợ chồng Lẩu nằm ngay đầu bản Huồi Khả, nó cao to và đẹp nhất bản.
Biến đất cằn thành vàng
Đến bản Huổi Khả, chúng tôi theo chân ông Vừ Vả Chống vào thăm trang trại của gia đình. Ông Vả Chống cho biết, con đường dài hơn 1 km đi vào trang trại vừa được mở rộng nhờ sự giúp sức của các tình nguyện viên và lực lượng đoàn viên thanh niên trong xã.
Trang trại của ông Vừ Vả Chống ngút ngát mầu xanh của chè, sa mu, pơ mu, gừng, dứa… Ông kể: Năm 2000, được Nhà nước giao 10 ha đất vùng đồi núi. Đất này nhiều năm trước bà con người Mông làm rẫy đã bạc màu, mọc đầy lau lách. Nhận đất rồi ông không biết trồng cây gì cho hiệu quả. Tình cờ, một lần sang thăm người bà con ở xã Tây Sơn trên dãy Pu Lon, cách Huồi Tụ khoảng 40 km, nơi được mệnh danh thủ phủ của cây pơ mu và sa mu. Thấy hai loại cây này phát triển rất nhanh, vợ chồng ông xin giống về trồng thử. Cây phát triển tốt, ông tiếp tục mua 3.000 cây giống về mở rộng diện tích lên 3 ha. Nhờ được chăm sóc, bảo vệ nên cây phát triển nhanh, đến nay có những cây đường kính gốc lên đến 30 cm.
Năm 2003, ông Vừ Vả Chống cũng là người tiên phong trồng 2,5 ha chè shan tuyết khi Tổng đội TNXP 8 đưa giống chè này về Huồi Tụ. Quá trình chăm sóc, ông nhận thấy cây pơ mu và sa mu không chỉ phủ xanh đất trống đồi trọc mà còn làm cho đất tơi xốp, tạo bóng mát cho cây chè phát triển. Đến năm 2015, gia đình ông tiếp tục mở rộng diện tích trồng thêm 1.000 cây pơ mu, sa mu.
Thấy được hiệu quả của mô hình trồng chè shan tuyết dưới tán pơ mu và sa mu của gia đình ông Vừ Vả Chống, bà con trong xã đến học hỏi. Không nề hà, ông tận tình hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc và sản xuất giống cung cấp cho bà con với giá 15 nghìn đồng/cây. Hiện nay, đã có 50 hộ trong xã làm theo mô hình trang trại của gia đình ông.
Không chỉ có thu nhập từ cây chè shan tuyết, sản xuất giống sa mu, pơ mu và các loại rau, dứa, sắn, cỏ voi, gừng… ông Vừ Vả Chống còn phát triển được đàn bò 15-17 con. Mô hình trang trại tổng hợp của gia đình ông đem lại thu nhập từ 150 - 170 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho bốn lao động trong vùng. Từ chỗ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” phát rừng tra hạt mà cơm vẫn không đủ no, nhờ cần cù chịu khó, nay vợ chồng ông Vừ Vả Chống đã có nhà xây kiên cố, mua sắm được nhiều vật dụng gia đình có giá trị. Niềm vui lớn nhất đối với vợ chồng ông là các con được học hành đến nơi, đến chốn. Hai con của ông hiện nay đang theo học đại học và cao đẳng ở Hà Nội. Ông Vả Chống chia sẻ: Thời gian tới, gia đình sẽ đầu tư vốn nuôi thêm bò, tăng diện tích trồng pơ mu và sa mu, mua máy ấp trứng gà đen để nhân giống cho bà con. Xa hơn, ông có ý định đầu tư khu du lịch kiểu nhà vườn để thu hút khách đến thăm và tạo việc làm cho con em người Mông trong xã…
Rừng pơ mu, sa mu của ông Vừ Vả Chống.
Huồi Tụ có diện tích tự nhiên 11.150 ha, chủ yếu là đồi núi hiểm trở. Nhưng hơn 230 đảng viên ở đây đang cùng 4.800 người dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông khai thác tốt tiềm năng, lợi thế đất đai để phát triển kinh tế. Phó Bí thư Đảng ủy xã Vừ Bá Lỳ phấn khởi cho biết, hiện nay, Huồi Tụ có tám trang trại và gia trại đang được người dân đầu tư phát triển. Được thế, phải nói có đóng góp lớn từ ý chí “đi đầu, làm trước” của nhiều gia đình, trong đó có gia đình ông Vừ Vả Chống. Gia đình ông là một trong những hộ đại diện cho bà con dân tộc Mông huyện Kỳ Sơn đón nhận danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh năm vừa qua. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Vừ Vả Chống còn là Bí thư chi bộ gương mẫu, năng động, từng đoạt giải ba cuộc thi “Bí thư chi bộ giỏi” cấp huyện.
Sau hơn 10 năm từ khi Tổng đội TNXP 8 lên sát cánh với bà con, nay cây chè shan tuyết đã có một vị trí quan trọng trong cuộc sống đồng bào Mông ở Huồi Tụ. Hiện tại, tổng diện tích trồng chè shan tuyết của xã đã lên tới hơn 400 ha; trong đó, có gần 100% số hộ ở các bản Huồi Khả, Huồi Khe, Pà Xắc, Huồi Mú, Trung Tâm và Huồi Đun trồng chè shan tuyết. Cây chè shan tuyết và mô hình trồng rừng, sản xuất rau, chăn nuôi bò, gà đen, lợn đen… đã cho đồng bào Mông cuộc sống no đủ. Từ tỷ lệ 90% số hộ nghèo, nay Huồi Tụ chỉ còn dưới 58% số hộ nghèo. Và điều quan trọng, người Mông Huồi Tụ bây giờ đã thay đổi cách nghĩ, cách làm.
Miên man đi giữa bạt ngàn rừng pơ mu, sa mu xanh, mang theo hương vị chè shan tuyết chát ngọt đầu môi, thấy khuôn mặt rạng ngời của vợ chồng ông Vừ Vả Chống, chúng tôi tin sắc hoa anh túc đối với người Mông Huồi Tụ đã lùi vào dĩ vãng. Một mùa xuân mới đang về nơi vùng đất mù mây.
Mường Xén - Vinh, Xuân 2017