Từ những năm 80 của thế kỷ trước, buổi tối ở Hà Nội đã vắng dần bóng các chị quần đen áo nâu đội chiếc thúng trên đầu với tiếng rao lảnh lói: "Ai lạc rang, ngô rang, hạt dẻ!". Sống ở đô thị nhưng người Hà thành vẫn không quên các món quà quê, năm xu một hào là có bát ngô rang nóng hổi đong bằng chiếc bát gỗ bé tí xíu, hoặc vài chục hạt lạc hay hạt dẻ rang nóng đựng trong chiếc phễu giấy cuốn như loa kèn, ăn thì chẳng bao nhiêu, nhưng lại thỏa mãn cái thú ăn vặt như đã "nằm trong máu" của không ít người.
Lạ một nỗi, ăn vặt không no nhưng nhiều người vẫn thích. Ngay cây lúa thân thiết và quan trọng đến thế mà để thỏa mãn thú ăn vặt, đám trẻ cũng hành cho tơi tả. Khi lúa mới ra đòng thì tuốt đòng, mới có câu "Ăn đòng đòng bà đánh còng lưng!", lúa nếp vừa đọng "sữa" là đã bị vặt đem về cầm cả bông hơ qua trên bếp lửa hay tuốt ra rồi đảo qua trên chảo, thế là đã có thứ để "cắn chắt". Cắn chắt được hâm mộ như thế, nếu có thành mode cũng không phải là sự lạ.
Lần đầu lên Buôn Ma Thuột, ăn tối xong, mấy anh em tôi đi uống cà- phê. Vừa ngồi vào bàn, nhà hàng đã đặt một đĩa hạt dưa, tôi nhìn chung quanh thấy đĩa hạt dưa bày đủ các bàn, vỏ hạt dưa dày cả tấc dưới đất, thế mới biết mọi người "cắn" kinh thật. Vài năm nay, vào buổi chiều đi ngang qua quán nước chè ở đầu phố Nhà Thờ chỗ rẽ sang phố Lý Quốc Sư, thấy cánh thanh niên ngồi cắn hạt hướng dương, "nhè" vỏ trắng đường. Hóa ra kẹo cao-su với vô số mẫu mã và mùi vị, có thể nhai bỏm bẻm suốt ngày vẫn không thay thế được cái món "cắn chắt"!
Theo tôi, cắn chắt là một kiểu thói quen ăn vặt, vừa để thưởng thức một món gì đấy có vẻ khoái khẩu, vừa không cho cái miệng nghỉ ngơi. Kẹo kéo, kẹo bột, kẹo vừng, kẹo dồi... thịnh hành một thời có lẽ là để đáp ứng nhu cầu này. Nói thế lại nhớ kẹo bột, mùa đông ngậm viên kẹo có vị gừng, cũng thấy ấm người. Hồi tôi đi sơ tán tại một làng ở miền trung du. Làng heo hút, hằng ngày ngoài một buổi đi học, tôi ở nhà, thi thoảng lại theo đám bạn bè đi chăn trâu, lấy củi. Một trong các thú vui của tôi ngày ấy là theo mẹ đi chợ, mà chỉ được đi vào phiên nào trùng với chủ nhật, và mỗi hôm mẹ thường cho tôi một hào, muốn mua gì thì mua. Một lần, thấy mẹ mặc cả lâu quá, tôi tót đi ngó nghiêng một mình. Loanh quanh một lúc, tôi dừng lại trước một bà bày dưới là cái thúng, trên là cái mẹt đựng những miếng hình chữ nhật mầu gan gà, tẩm bột trắng. Nghĩ đó là chè lam, tôi mua năm xu được hai miếng, bà cụ lấy lá chuối khô gói cho tôi mà mắt lại nhìn tôi là lạ. Chạy về chỗ mẹ, tôi đưa món vừa mua ra khoe, mẹ nhìn hai miếng "chè lam" trên tay tôi rồi vội nói: "Sao con lại mua cái thứ này, của đàn bà "ăn dở", mang trả lại đi!". Nghe mẹ nói vậy, tuy chẳng biết "ăn dở" là gì, tôi vẫn lon ton đến chỗ bà cụ để trả lại. Về sau đi bộ đội, trên đường hành quân, đêm nghỉ lại đúng nơi tôi từng sơ tán ngày trước. Tò mò hỏi chuyện bác chủ nhà, bác bảo đó là đất sét nung non dành cho các chị "ăn dở", thế mà hồi bé tôi lại tưởng là chè lam!
Nói đến ăn vặt, lại nhớ lần tôi đến bản của đồng bào Ba Na - Rơngao ở Kon Tum (Rơngao là một nhánh của người Ba Na). Ði loanh quanh trong bản, thấy dưới cầu thang một nhà sàn có tốp cô gái đang ngồi xúm xít, tôi đi vào lân la làm quen. Nghe tôi hỏi chuyện, các cô cứ ôm nhau cười, giả vờ không biết tiếng Kinh. Hỏi chuyện một lúc không được, thấy cũng hơi vô duyên, tôi định chào các cô và đi chỗ khác. Nhưng nhìn vào chiếc cối gỗ các cô đang ngồi vây quanh, thấy trong đó có đu đủ xanh thái mỏng trộn với lạc, tôi hỏi đó là cái gì, tôi ăn được không, một cô nhanh nhảu mời. Tôi thò tay bốc một miếng. Nhai trong miệng thấy vừa đắng đắng, vừa mặn, vừa chát, vừa cay, vừa chua, vừa rất là... khó tả. Thế rồi, "miếng đu đủ thành đầu câu chuyện", để tôi và các cô trò chuyện như pháo ran. Hóa ra lên nương về, các cô ngồi chơi thấy buồn mồm. Liền hái đu đủ xanh thái mỏng, trộn với lạc rang giã nhỏ, đường, nước mắm, ớt và mẻ, thành một món ăn chơi.
Trưởng bản ở đây tên là Ngô, 43 tuổi mà đã có 11 đứa con. Vợ anh vừa bế cháu ngoại vừa bế con út. Anh Ngô đi vắng, tôi ngồi ở đầu sàn trò chuyện với vợ anh. Chị Ngô khá vui tính, 40 tuổi, nhìn khỏe mạnh. Con gái đầu của chị mới sinh con thứ hai, nên đem cháu lớn gửi bà. Khi về, tôi đứng cạnh chân cầu thang chào, rồi nói vọng lên: "Thôi nhé, đẻ 11 đứa thôi nhé!". Chị đứng trên sàn trả lời: "Bảo thằng Ngô ấy!", rồi ré lên cười! Bản của bà con người Ba Na - Rơngao này còn lưu giữ một tục khá độc đáo. Ðôi trai gái nào ưng ý nhau, nếu nhà trai chưa có tiền cưới hỏi thì chàng trai có thể sang nhà gái ở, bao giờ nhà trai có tiền mới cưới. Mấy ngày ở lại bản, tôi đã đi theo một đoàn đón dâu. Chú rể khoác một chiếc túi to đựng quần áo, còn cô dâu thì tay dắt một con, tay bế một con. Từ xa thấy hai vợ chồng cười tươi như hoa.
Cái thú ăn vặt còn đeo bám cuộc sống hằng ngày của con người thì các hàng quà vặt còn có cơ tồn tại, và người ta phát minh ra các kiểu quà vặt mới, vừa tạo điều kiện thuận lợi vừa kích thích nhu cầu. Thích ứng với thời đại, người bán quà vặt bây giờ cũng có phong cách fastfood, nghĩa là họ cũng sản xuất thức ăn nhanh. Các món như mít, mía, dứa, củ đậu, củ mã thầy,... đều được bóc, gọt, róc, tiện sẵn rồi cho luôn vào túi ni-lông, đến nước mía, nước rau má, chè thập cẩm cũng cho vào túi lại cắm cả cái ống hút. Với sự tiện lợi ấy, người sử dụng không bị bẩn tay, nếu cần thì cho vào túi xách đem đến cơ quan lúc rảnh thì lấy ra, chị em cùng tí tách hoặc nhấm nháp. Chưa kể là các loại thức ăn vặt cần phải luộc như sắn dây, khoai lang, sắn vàng, củ từ, củ ấu, ngô non, hay cần nướng như ngô, khoai lang. Vào mùa đông, đa số các món này đều được làm nóng tại chỗ, hơi bốc nghi ngút... Mùa nào thức ấy, các chị các cô hàng rong gánh, đẩy xe, ngồi đầu ngõ, mua thoải mái.
Nói thế nhưng cái chuyện ăn vặt cũng không hoàn toàn xô bồ, gặp gì mua nấy, mà thường là người ta mua của người quen, hay đã biết tiếng. Còn lạc rang húng lìu thì tôi đặc biệt có cảm tình với một nhà ở phố Hàng Thiếc, do bạn bè chỉ. Gọi là nhà vì không có cửa hàng, trên ngõ nhỏ hai bên là cửa hàng bán các loại đồ dùng bằng tôn, thấy treo tấm biển bé tí đề tên bà bán lạc rang, bên cạnh có gắn cái chuông điện. Cứ bấm chuông là người nhà đi ra, hỏi mua lạc ngọt hay mặn, mua bao nhiêu. Chờ một lát có người mang ra, gói ghém cẩn thận. Cũng với kiểu bán hàng không có cửa hàng mà kinh doanh bằng uy tín và sự rỉ tai, ở phố Hàng Rươi có một nhà ở rất sâu trong ngõ, chuyên bán gà tần. Luồn lách trong ngõ một đoạn mới đến nhà, ngồi vào bàn ăn gà tần bên cạnh lại có đám trẻ con nhà chủ đang học bài, tôi buồn cười và có ý ngại, bạn tôi đoán ra, liền bảo: "Việc mình ăn mình cứ ăn, chúng nó học cứ học, kệ chúng nó!". Thế là tôi cũng kệ, và ăn ngon thật.
Ở phố Hàng Than cũng thế, hầu như cả dãy phố là cửa hàng bán bánh cốm, bánh xu xê (phu thê) xanh đỏ tím vàng, tầng tầng lớp lớp. Cửa hàng Nguyên Ninh thì chẳng bày biện, chỉ thấy treo cái biển, có một anh ngồi trông xe máy xe đạp, nhưng cửa hàng lúc nào cũng đông. Xem ra, nhà này bán hàng bằng uy tín chứ không cần quảng cáo.