Lựa chọn mới cho phát triển bền vững

|

Trước những bài học đắt giá về môi trường giai đoạn qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam lựa chọn tăng trưởng bền vững thay vì tăng trưởng nóng. Vì vậy, cần tính toán chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn như một giải pháp cho vấn đề xử lý xả thải và thúc đẩy sử dụng nguyên liệu, bảo vệ môi trường một cách hiệu quả.

Mặt trái của thu hút đầu tư

Sự cố môi trường biển tại bốn tỉnh miền trung do hoạt động xả thải của Nhà máy Formosa đã khiến cho vấn đề quản lý môi trường trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Trong suốt một thời gian mở cửa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam luôn phải đối diện với nghịch lý: Một mặt, xác định không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế, nhưng nền kinh tế còn nhiều hạn hẹp dẫn đến việc lựa chọn đầu tư công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường là khó khả thi. Bên cạnh đó, khi đặt ra mục tiêu chế biến sâu, tạo ra nhiều giá trị gia tăng, Việt Nam cũng phải giải quyết những vấn đề môi sinh hóc búa, vốn chưa từng được đặt ra khi chỉ đơn thuần đóng vai trò nhà lắp ráp, gia công.

Nạn xả thải còn là hệ quả của cách tiếp cận đơn chiều, khi chúng ta chỉ nhìn từ góc độ phải bỏ chi phí ra để xử lý, nên mới có tâm lý càng tiết giảm, càng tốt. Thế nhưng, vấn đề chất thải và phát thải phức tạp hơn thế rất nhiều. Nó thực chất là quá trình sử dụng hiệu quả nguồn vật liệu đầu vào, kiểm soát năng lượng lãng phí trong sản xuất…

Thực tế đã chứng minh trên thế giới, nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng trở nên cạn kiện và khan hiếm, dân số bùng nổ, các cuộc di cư vì xung đột… dẫn đến các chi phí của doanh nghiệp tăng, các nước tiên tiến có xu hướng chuyển dịch sản xuất đến những nước mà họ có thể tận dụng được khả năng giảm chi phí cho xử lý môi trường. Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố hồi tháng 4-2016, gần 70% số doanh nghiệp FDI cho biết, đầu tư vào Việt Nam sẽ tiết kiệm chi phí về môi trường từ 10 đến 50% so với đầu tư ở nước họ.

Những hậu quả về môi trường là bài học đắt giá chúng ta đã phải trả để có thêm quyết tâm chuyển đổi hành vi nhằm xây dựng một nền sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Giá trị Xanh của vòng tuần hoàn

Với nền kinh tế tuyến tính, người ta bắt đầu sử dụng hàng hóa và kết thúc quá trình sử dụng là chất thải. Nhưng hiện nay, việc sử dụng hàng hóa được chuyển đổi như là khởi đầu của một quá trình không có điểm kết thúc. Quá trình này chính là nền kinh tế tuần hoàn, biến hàng hóa sử dụng ngày hôm nay thành nguồn lực sử dụng trong tương lai.

Một trong những lợi ích lớn nhất khi thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn là các nguồn lực được sử dụng hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững thông qua xây dựng nền kinh tế phát thải bằng 0. Đây cũng là điều mà Chính phủ Việt Nam rất coi trọng và theo đuổi nhằm thực hiện thỏa thuận Pa-ri về hợp tác chống lại biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP 21 và Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.

Nguyên lý của nền kinh tế tuần hoàn vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Vì vậy, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi cần có sự đồng thuận của cả Nhà nước, người dân và cộng đồng doanh nghiệp; tạo ra một cơ chế chính sách khuyến khích các hoạt động có lợi cho xã hội và chế tài để giảm dần những hành động có hại đến môi trường.

Đầu tư vào nền kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp cũng đã nâng cao được năng lực cạnh tranh của mình trên một sân chơi toàn cầu. Tuy vậy, do đặc thù hơn 95% số doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên có không ít băn khoăn về tính khả thi của quá trình chuyển đổi này. Nhưng, doanh nghiệp vừa và nhỏ lại có lợi thế dễ thích ứng khi nhận thức được động lực cho chuyển đổi. Vấn đề còn lại là chúng ta có tạo được môi trường bà đỡ cho chuyển đổi đó hay không? Chúng ta có truyền thông được cho cộng đồng doanh nghiệp thấy được xu thế tất yếu đó không?

Để tạo nên hệ sinh thái cho kinh tế tuần hoàn, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) đang triển khai kế hoạch hình thành thị trường nguyên vật liệu cũng như xúc tiến và hiện thực hóa các sáng kiến về nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Bắt đầu từ lựa chọn đón đầu xu thế tất yếu, tin rằng, Việt Nam sẽ sớm trở thành nền kinh tế Xanh!

Nền kinh tế tuần hoàn giúp đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng tái sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả. Quá trình biến chuyển nhận thức về 3R (Giảm thiểu - reduce, tái sử dụng - reuse và tái chế - recycle) thành hành vi và hành động sẽ cần nhiều thời gian. Nhưng, Việt Nam không thể bỏ lỡ xu thế chung của thế giới.

Nguyễn Quang Vinh

Tổng Thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam