Phạm Như Trang (sinh năm 1986) - Giám đốc Dự án I-Nature, vẫn nhớ khi chỉ mới là một đứa trẻ, mỗi lần cùng mẹ đi phun thuốc trừ sâu, là mỗi lần sợ hãi. Trang kể: “Mẹ dặn sau khi phun thuốc phải chạy thật nhanh về đầu hướng gió”. Nhưng dù là đầu hay cuối hướng gió, mùi thuốc sâu đối với cô bé vẫn là nỗi khiếp đảm. Hơn ai hết, Trang hiểu được tác hại khôn lường của thuốc trừ sâu mỗi khi thấy mẹ mình mệt mỏi nằm ngả trên bờ. Nhưng chỉ mệt thôi thì vẫn nhẹ nhàng lắm. Trang đã tận mắt chứng kiến nhiều người dân tay chân biến dạng thành những hình thù đáng sợ, số lượng người chết vì ung thư do sử dụng hóa chất độc hại này cũng ngày một tăng. Lớn lên, tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp, sau khi đi nhiều nơi, gặp nhiều người, Trang hiểu được rằng, giờ đây nỗi lo của người dân là vì thực phẩm không sạch, chứa nhiều các loại hóa chất gây hại cho sức khỏe, chứ không chỉ là nỗi lo vì thiếu cơm ăn như trước đây nữa. Cô nhất định mình phải làm một điều gì khác đi.
Đúng lúc đó, Dự án đổi mới sản phẩm bền vững SPIN đang được triển khai tại Việt Nam, Lào, Campuchia dưới sự tài trợ của Chương trình SWITCH-Asia thuộc Liên hiệp châu Âu. Dự án này nhằm hỗ trợ khoảng 500 doanh nghiệp tại ba nước Đông Dương trong các ngành như tiểu thủ công nghiệp, gốm sứ, mây tre đan, chế biến thực phẩm… Trong nhóm làm về dự án này, Trang tình cờ gặp hai chuyên viên tư vấn được chuyển giao công nghệ về nông nghiệp hữu cơ qua cuộc thi E-idea do Hội đồng Anh tổ chức. Một bên có công nghệ, một bên có sáng kiến.Vậy là ý tưởng về việc một trang trại hữu cơ với chu trình khép kín dần dần hình thành. Nhưng để ứng dụng vào thực tế thì không đơn giản như cách mà Trang nghĩ. Sau khi trình bày ý tưởng của mình với các giáo sư tại trường đại học cùng mong muốn hỗ trợ, Trang chỉ nhận được những cái lắc đầu.
Cuối cùng vào năm 2011, Trang quyết định từ bỏ việc làm và đề tài tiến sĩ tại Trường đại học Nông nghiệp, dành thời gian làm tình nguyện viên cho Dự án đổi mới sản phẩm bền vững, nhằm nghiên cứu giải pháp tối ưu hóa, địa phương hóa cho các loại hình công nghệ phục vụ nông nghiệp hữu cơ với chu trình khép kín tại trang trại thử nghiệm ở Quốc Oai, Hà Tây. Đây là bước thử nghiệm nhằm cân bằng hóa trang trại. Trang kể: “Mọi thứ đều phải chính xác tuyệt đối, phải tính toán sử dụng vật liệu sao cho trang trại luôn ở tình trạng cân bằng nhất”. Năm 2011, sau những nỗ lực, Viện Nghiên cứu châu Á đã mời Trang về làm việc và hỗ trợ cho nghiên cứu thử nghiệm loại mô hình này. Tuy vậy, nỗi vui mừng của Trang cũng không kéo dài được bao lâu. Một năm sau, dự án đổi mới sản phẩm bền vững kết thúc, đồng nghĩa với việc sẽ không còn bất cứ sự hỗ trợ nào cho Dự án I-Nature nữa. “Nếu chỉ dừng lại như thế này thì dở dang quá, trong khi mọi số liệu về cây trồng, vật nuôi hay môi trường đều rất hoàn hảo rồi. Nông dân lại muốn mình chuyển giao công nghệ nữa”. Nhưng với mong muốn theo đuổi đam mê và khát khao dự án được ứng dụng vào thực tế, Trang quyết tâm lựa chọn con đường gian nan hơn. Cô gác lại công việc, dành 100% thời gian, sức lực để phát triển dự án một cách độc lập.Vậy là trại lõi đầu tiên ở Ba Vì ra đời vào tháng 8-2012. Chưa đầy nửa năm sau, các trại vệ tinh của bà con nông dân được chuyển giao công nghệ đã dần dần hình thành.
Còn đối với Phùng Minh Thuần (sinh năm 1989) hay Trần Thị Thơm (sinh năm 1992), vì mong muốn cung cấp các thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, đưa người dân đến với giá trị thật của sản phẩm mà đề nghị được tham gia vào dự án. Trước đó, sau khi thực tập một năm về nông nghiệp ở Israel, Thuần về làm tại Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy vậy, Thuần bảo: “Chỉ ngồi bàn giấy thôi, sốt ruột lắm, phải ứng dụng công nghệ mình học vào thực tế chứ”. Nghĩ là làm, Thuần xin nghỉ việc, chuyển vào ở hẳn trong trang trại, tập trung giám sát trực tiếp cây trồng và vật nuôi. “Thuần mới ở đây hai tháng, sút mấy cân rồi đấy, nhưng được cái trông rắn rỏi hơn nhiều”, Trang cười.
Thuần và Thơm dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại. Trang trại nằm trên mảnh đất rộng 4.000 m², trồng nhiều loại rau, củ, quả, và chăn nuôi một số giống lợn, gia súc. Vừa đi họ vừa giảng giải cho chúng tôi về kết cấu của loại mô hình khép kín không chất thải này. Nhìn Thuần tần ngần đứng trước luống bắp cải, tôi hỏi nguyên nhân, Thuần nói: “Nhìn lá bị sâu ăn lỗ chỗ với úa thế này, xót quá”. Thơm lại kể cho chúng tôi nghe, có lần xếp rau sát nhau mà cũng bị mắng, mọi người bảo “chẳng biết thương rau gì”. Ở đây ai cũng có một tình yêu vô bờ bến với cây cỏ và vật nuôi vậy đấy.
Chúng tôi lên thăm vào đúng ngày thu hoạch của một trại vệ tinh. Bác Huệ, trước là giáo viên, nay về hưu làm chủ trang trại, tâm sự: “Bác trước đây hay ốm yếu, người nhiều bệnh lắm, nhưng từ ngày được chuyển giao công nghệ làm trang trại này, ăn sạch, uống sạch, giờ thấy khỏe hẳn ra”. Bác rủ chúng tôi ra vườn cùng thu hoạch. “Nhà bác neo người, chỉ hai vợ chồng, bác gái lại hay xuống nội thành trông cháu, còn mỗi bác với trang trại rộng gần nửa quả đồi, nhiều lần muốn thôi lắm, nhưng may mà có mấy đứa trẻ con này”. Hỏi ra mới biết, cứ đến ngày thu hoạch, Thuần và Thơm lại sang phụ giúp và kiêm luôn nhiệm vụ đóng gói, có hôm đến 12 giờ đêm, rồi bốn giờ sáng lại lục đục dậy để gửi hàng vào trung tâm Hà Nội tiêu thụ”.
Những bạn trẻ ở đây biết rằng, chỉ vài năm nữa, khi người tiêu dùng nhận thức rõ ràng được những hiểm nguy khôn lường từ các loại hóa chất, ngành nông nghiệp hữu cơ sẽ trở nên bão hòa. Nhưng những “nông dân trí thức” trẻ này vẫn muốn là những người tiên phong, dám nghĩ dám làm, bỏ thời gian và sức lực để mở một lối đi mới cho ngành nông nghiệp vì mục đích chung của xã hội. Như những gì mà Trang chia sẻ trên facebook “Không có trải nghiệm, tuổi trẻ không đáng một xu”…
I-Nature được Dự án đổi mới sản phẩm bền vững (SPIN) hỗ trợ nghiên cứu phát triển công nghệ và vận hành năm 2011, cũng là đơn vị duy nhất ở Việt Nam được cấp chứng nhận sản phẩm bền vững của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO). Trang trại ứng dụng mô hình tuần hoàn vật chất khép kín trong tự nhiên. Đến nay dự án I-Nature đã phát triển ở nhiều nơi, xây dựng các trại lõi không chỉ ở Ba Vì mà ở cả Ninh Bình và Yên Bái, với nhiều trại vệ tinh.