“Phải coi không gian xanh là tài sản quý cần bảo vệ và phát triển”

|

Không gian xanh (KGX) được ví như lá phổi của đô thị và là yếu tố của nghệ thuật bố cục không gian và cảnh quan đô thị. Hệ lụy tăng trưởng nóng, đô thị hóa quá nhanh khiến KGX bị thu hẹp. Đã đến lúc nhận thức toàn diện, coi KGX là tài sản quý cần được bảo vệ và phát triển. Cuộc trao đổi giữa phóng viên Nhân Dân hằng tháng và KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam (ảnh bên) làm rõ hơn vấn đề này.

Nhiều hệ lụy do thiếu không gian xanh

Trong bối cảnh các đô thị lớn bị quá tải bởi nhà cao tầng và nạn kẹt xe, ô nhiễm không khí trầm trọng, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, chúng ta càng thấy rõ tầm quan trọng của KGX?

Không gian công cộng, trong đó có cả KGX là một phần của cấu trúc đô thị. KGX làm tăng tính thẩm mỹ, mầu sắc, cảnh quan của đô thị, tạo nên sự hài hòa và tăng yếu tố sinh thái trong cảnh quan đô thị. KGX công cộng góp phần cân bằng xã hội, môi trường sống, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. KGX là nơi mọi người đều có quyền được tiếp cập, hưởng thụ. Đô thị có nhiều KGX sẽ giúp con người đỡ stress, sống thân thiện, thể trạng và sức đề kháng tốt hơn.

Nhiều thành phố trên thế giới có KGX rất rộng lớn gọi là lâm viên, như ở Moscow (Nga), center park hàng trăm ha ở New York (Mỹ). Ở nước ta, KGX trong những đô thị cũ đã trở thành nét đặc trưng. Không phải ngẫu nhiên mà Hải Phòng được gọi là thành phố Hoa Phượng đỏ với lễ hội Hoa phượng đã trở thành một phần của bản sắc văn hóa đất Cảng, TP Hồ Chí Minh xao xác lá me bay. Ở Hà Nội, hình ảnh nhiều tuyến phố với hàng cây sấu cổ thụ, cây phượng, cây cơm nguội, hoa sữa tạo cảm hứng sáng tạo cho nhiều văn nghệ sĩ.

KGX còn gắn với đặc điểm văn hóa - xã hội - tự nhiên và trình độ phát triển khác nhau của mỗi đô thị. Đánh giá một đô thị phát triển thế nào, có văn minh hay không hãy đến công viên. Công viên không chỉ là không gian kết nối mọi người mà còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí... nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng. KGX góp phần phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ.

 

Ông có thể chia sẻ bức tranh tổng thể về thực trạng KGX trong đô thị hiện nay, từ quy hoạch, quản lý phát triển các dự án, quá trình đầu tư xây dựng?

KGX bị xâm hại, thu hẹp dần, thiếu cả số lượng và chất lượng khiến những người làm kiến trúc như chúng tôi xót xa, chạnh lòng. Tỷ lệ cây xanh trên đầu người ở nhiều thành phố nước ta còn quá thấp.

Quy hoạch Hà Nội thời Pháp thuộc, khi xây Tòa thị chính thì người ta đã xây vườn bách thảo, ươm các loại cây để lựa chọn trồng trên các đường phố, nên mới có nhiều đường phố đẹp. Sau này Hà Nội mở rộng, phát triển KGX thiếu bền vững. Trước sức ép về nhà ở và quỹ đất hạn hẹp, nhiều tòa chung cư, khu đô thị mọc lên tận dụng tối đa diện tích, thiếu KGX, không gian công cộng, khiến môi trường sống trở nên ngột ngạt và bí bách. Nhiều chung cư xây bám mặt đường để tăng giá bán, trong khi giữa chung cư và mặt đường phải là khoảng trống để trồng cây và làm các dải cây xanh.

Mật độ cây xanh giảm bởi bị cắt, tỉa tùy tiện, thiếu khoa học. Ở nhiều nước, muốn cắt chỉ một cành cây cũng phải kiểm tra kỹ lưỡng, tựa như cơ thể con người đau bộ phận nào thì chữa đấy, trong khi ở nước ta thợ chặt, cắt tỉa cây xanh, rất thiếu kiến thức về lâm nghiệp. Diện tích ao hồ bị lấp quá nhiều.

Lẽ ra Hà Nội nên có lâm viên vì có cả một vùng bán sơn địa sau khi sáp nhập Hà Tây vào. Tuy nhiên những nơi nào có thể làm được lâm viên thì các nhà đầu tư làm resort, mà ai có tiền mới vào được đấy. Chưa kể, có dự án trong nội đô tận dụng không gian công cộng sẵn có để xây nhà ở, nhiều loại hình không gian chung như cảnh quan đồi núi, hồ, bờ sông hay bờ biển trong các dự án đô thị mới, resort, khu du lịch-nghỉ dưỡng lại coi như thuộc quyền chủ đầu tư, trong khi trước kia cộng đồng thụ hưởng.

Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quy hoạch có quy định về KGX. Nhưng do áp lực tăng trưởng kinh tế, ưu tiên cho một số dự án xây dựng, nên quy hoạch thường bị điều chỉnh. Quy hoạch sau phủ định quy hoạch trước, quản lý quy hoạch còn bộc lộ “khoảng trống” khiến KGX bị thu hẹp. 1m2 cây xanh không có giá trị bằng 1m2 nhà ở nên nhiều chủ đầu tư nghĩ cái lợi trước mắt, khiến bức tranh đô thị méo mó.

Không được để chủ đầu tư dẫn dắt, chi phối quy hoạch

Vậy giải pháp nào thúc đẩy phát triển KGX trong đô thị, định hướng cho các đô thị của Việt Nam có hướng đi bền vững, đúng đắn đáp ứng đồng thời mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế?

Thiết lập hệ thống KGX trong đô thị, coi trọng đầu tư chiều sâu là giải pháp tối ưu. Một đô thị xanh phải có môi trường sống xanh với một tổng thể kiến trúc xanh đơn lẻ được sắp xếp hài hòa và quản lý theo quy hoạch của kiến trúc đô thị. Quy hoạch phải có tầm nhìn và phải triển khai thực hiện đúng.

Đã qua thời kỳ đô thị phát triển bằng bất động sản mà nay phải bằng KHCN, nâng cao giá trị của đô thị bằng chất lượng sống chứ không “ăn xổi” từ nhà cao tầng. Phát triển KGX phải được giám sát, quản lý chặt chẽ và thực thi phù hợp, tránh nảy sinh bất bình đẳng là những người nghèo hưởng bầu không khí bị ô nhiễm, còn người giàu có điều kiện ở nhà điều hòa, kính phản quang, sử dụng máy lọc không khí. KGX đã có phải được bảo vệ, chăm sóc tốt, nơi nào thiếu KGX thì phải tạo dựng. Ngay cả đô thị ở miền núi, ven biển có sẵn tiền đề là khí hậu, địa hình tốt cũng phải chú trọng giữ gìn và phát triển KGX. Cần có sự kết hợp giữa các chủ thể: chính quyền, cơ quan chức năng, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, đội ngũ chuyên gia.

Chúng ta không thể phá các công trình hiện hữu trong nội đô để làm KGX, vì thế, phải kiểm soát chặt chẽ quá trình đô thị hóa vùng ven đô. Không chỉ xây dựng nhiều KGX ở đô thị nén mà cần mở rộng diện tích KGX ở các vùng ven đô. Với đô thị lớn, phát triển đô thị vệ tinh và xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp xanh, tạo dựng vành đai xanh góp phần cân bằng KGX cho nội đô, vừa hút khách du lịch tới thăm quan các di tích, trải nghiệm ở nông trại, lại tạo nguồn thực phẩm sạch cung cấp cho người dân đô thị. Trong nội đô không cho phép xây chung cư cao tầng, nhà bám sát mặt đường, khơi thông những dòng sông để tận dụng KGX của mặt nước.

Các hành vi vi phạm chỉ tiêu sử dụng đất và xâm chiếm diện tích ao hồ, cây xanh phải có khung pháp lý để xử lý nghiêm: quy định rõ các mức xử phạt hành chính, nếu vi phạm nghiêm trọng phải xử lý hình sự để răn đe. Tuyệt đối không để chủ đầu tư dẫn dắt, chi phối quy hoạch nếu không phù hợp với sự phát triển chung của cộng đồng, của thành phố, đất nước.

Nếu chỉ tập trung đầu tư cho công viên, cây xanh trong giai đoạn tới có thể cải thiện được tình hình, thưa ông?

Theo tôi, không nên duy trì cách quản lý công viên theo kiểu bao cấp mà cần tham khảo cách làm ở một số nước là Nhà nước không trực tiếp quản lý mà do một hội đồng của những người yêu cây xanh cùng góp quỹ bảo vệ, phát triển công viên lập ra. Không nên cổ phần hóa công ty công viên, tránh tình trạng núp dưới danh nghĩa này để khai thác, sử dụng không đúng mục đích mà xã hội hóa bằng cách kêu gọi các hiệp hội, tổ chức, công dân yêu cây xanh chung tay giữ gìn, phát triển KGX phục vụ cộng đồng với cơ chế phù hợp. Tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tư nhân tham gia quản lý, khai thác, duy trì, phát triển các CVCX qua hình thức đấu thầu, trên cơ sở hài hòa lợi ích và tuân thủ pháp luật.

Các cơ quan chức năng, chính quyền đô thị có trách nhiệm phát triển công viên, có sự hỗ trợ của kiến trúc sư, chuyên gia cây xanh. Đầu tư ngân sách thỏa đáng và có giải pháp về khung cơ chế, đội ngũ nhân lực quản lý công viên, CXĐT phù hợp yêu cầu phát triển KGX hiện nay.

Làm thế nào để nâng cao nhận thức, khuyến khích các thành phần của xã hội chung tay phát triển KGX trong đô thị?

Muốn thay đổi về tư duy và lối sống, nâng cao ý thức của cộng đồng, phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục. Qua đó, mọi người thấu hiểu hơn về giá trị của hệ thống KGX đô thị, biết sống xanh, tích cực tham gia các mô hình, phong trào quản lý KGX ngay trong cộng đồng dân cư. Mỗi người dân, mỗi gia đình cần có ý thức tạo dựng KGX của chính ngôi nhà mình với những chậu cây xanh, bồn hoa..., bảo vệ cây xanh để cải thiện môi trường sống, góp phần tạo xanh cho đô thị.

Điều tôi nhấn mạnh là muốn tạo bước chuyển trong nhận thức của cộng đồng thì trước hết lãnh đạo phải làm gương. Người đứng đầu chính quyền đô thị phải có tâm, hiểu, trân quý mảnh đất, những KGX mình được giao quản lý. Một chính quyền có tri thức, có văn hóa, có năng lực quản trị và liêm chính sẽ có nhiều biện pháp hiệu quả để xây dựng đô thị trở nên xanh và phát triển bền vững.

Trân trọng cảm ơn ông.