Khoảng trống cần lấp đầy

|

Có tới 61% hộ gia đình không biết các loại công việc bị nghiêm cấm với trẻ em dưới 15 tuổi, 15% nghĩ rằng việc sử dụng người lao động dưới 18 tuổi làm bất kỳ công việc nào cũng là hợp pháp. Và 37% số trẻ từ 11 đến dưới 18 tuổi quan niệm, cha mẹ có quyền bắt buộc các em làm việc và kiếm sống cho gia đình. Kết quả thu được từ một khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam đã cho thấy khá nhiều khoảng trống trong nhận thức xã hội về vấn nạn lao động trẻ em (LĐTE) hiện nay.

Nhức nhối những con số

Báo cáo quốc gia về LĐTE 2012 (gọi tắt là Báo cáo 2012) do Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ,TB&XH) thực hiện đã khẳng định rõ, “Không phải mọi hình thức lao động của trẻ em đều được coi là LĐTE. Trong bối cảnh Việt Nam, khi kinh tế hộ gia đình còn chiếm tỷ trọng lớn, thị trường lao động chưa phát triển thì trẻ em trong những lứa tuổi nhất định có thể tham gia làm một số công việc, với lượng thời gian nhất định mà không gây ảnh hưởng đáng kể tới sức khỏe, học tập và sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, một bộ phận trẻ em đang tham gia vào những công việc có thời gian kéo dài, có nguy cơ thuộc nhóm nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm (ĐHNH) đòi hỏi phải có những giải pháp phòng ngừa, can thiệp để bảo vệ, tạo môi trường lành mạnh cho các em phát triển toàn diện”. Như vậy, nếu vế trước mang ý nghĩa tích cực, là “trẻ em tham gia làm việc” thì vế sau - hàm chứa yếu tố tiêu cực chính là khái niệm “lao động trẻ em” mà chúng ta đang đề cập. Cụ thể, LĐTE là trường hợp trẻ phải làm công việc quá sức, quá nặng nhọc so với độ tuổi; phải làm việc dưới sự giám sát của người lớn và bị lạm dụng; phải làm việc nhiều giờ, bị hạn chế hoặc không có thời gian đi học, vui chơi; môi trường làm việc độc hại; bị bắt buộc làm việc, dễ bị lạm dụng về tinh thần, thể chất và tình dục.

Nhiều trẻ em hiện vẫn làm những công việc nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm. Ảnh | Phan Hien / ilo

Số liệu của Báo cáo 2012 cho thấy, nhóm LĐTE có tới 1,75 triệu em, chiếm 9,6% dân số trong độ tuổi từ 5 đến 17. Và có tới 32,4% trong số đó phải làm việc bình quân trên 42 giờ một tuần, 75% có nguy cơ làm trong những nhóm nghề bị cấm sử dụng lao động chưa thành niên hoặc điều kiện lao động có hại theo quy định của Thông tư liên bộ số 09-TT/LB ngày 13-4-1995. Cũng trong 1,75 triệu LĐTE ấy có gần 85% sinh sống ở khu vực nông thôn. Tuổi bắt đầu phải làm việc khá sớm, phổ biến là 12 tuổi. LĐTE chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp; tiếp đó là khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.

LĐTE tham gia vào khoảng 111 công việc lao động khác nhau nhưng những trẻ bị lạm dụng sức lao động chủ yếu làm việc trong 23 công việc, đa phần thuộc khu vực kinh tế phi chính thức nên rất khó phát hiện. LĐTE tham gia vào quan hệ lao động thường không được ký kết hợp đồng bằng văn bản, hợp đồng miệng là hình thức phổ biến nên không tồn tại những ràng buộc pháp lý giữa người sử dụng và lao động, khi xảy ra tranh chấp không có cơ sở pháp lý để xử lý người vi phạm và bảo vệ quyền lợi của các em.

Theo quan điểm của ILO, công việc ĐHNH là một trong những hình thức LĐTE tồi tệ nhất, khi đe dọa trẻ em ở cả ba yếu tố: sức khỏe, an toàn và đạo đức. Riêng với nhóm này, chỉ có gần một nửa còn được đi học. Trẻ em tham gia vào nhóm ĐHNH thường phải làm việc trên 42 giờ một tuần, trong các lĩnh vực nông nghiệp, nhà máy và xưởng sản xuất, công trường xây dựng... hoặc làm việc thời gian dài trên đường phố, trong nhà hàng - quán ăn, hay trong các hộ gia đình hoặc môi trường lưu động và phải đối mặt với hàng loạt vấn đề sức khỏe và an toàn lao động. Báo cáo 2012 khảo sát LĐTE từng bị tai nạn trong quá trình làm việc: bị côn trùng cắn/đốt; bị thương bề mặt; quá sức, mệt mỏi; sai khớp, gãy xương... Môi trường lao động độc hại, nguy hiểm gây tổn thương rất lớn đến sự phát triển thể chất của trẻ.

Theo bà Lê Hồng Loan - Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em (UNICEF Việt Nam) thì vấn đề đáng quan ngại hơn cả là hiện chúng ta còn thiếu số liệu về trẻ em phải tham gia các hình thức lao động tồi tệ nhất như bị bóc lột tình dục vì mục đích thương mại; bị ép tham gia vào những nhóm ăn xin có tổ chức; bị lừa bán vào làm việc tại các trang trại trồng cần sa ở nước ngoài; và bị buôn bán ở trong nước và ra nước ngoài. Phân tích do UNICEF và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện năm 2011 tại một số tỉnh thành ở Việt Nam cho thấy Việt Nam tồn tại một số hình thức bóc lột tình dục trẻ em vì mục đích thương mại. Trong đó, mại dâm trẻ em xảy ra nhiều nhất, nhiều em tham gia hoạt động mại dâm khi tuổi còn nhỏ, thường khoảng 12-15 tuổi.

Lỗ hổng trong nhận thức

Khảo sát tại làng nghề truyền thống chế tác gỗ và đá mỹ nghệ tại xã Hiền Giang (Thường Tín, Hà Nội) vào năm 2013, ILO thống kê được có tới 240 trẻ từ 5 đến 17 tuổi tham gia lao động ĐHNH. Khoảng 2/3 LĐTE làm việc cho các hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh với hai hình thức hưởng lương hoặc không, 1/5 làm việc cả ban ngày lẫn buổi tối. “Trong môi trường cả nhà làm việc, người lớn lao động vất vả thì trẻ con cũng phải tham gia ít nhiều” - chủ doanh nghiệp điêu khắc gỗ đá MP cho biết.

Chỉ trong hai xã Lao Chải và San Sả Hồ thuộc huyện Sapa, ILO thống kê được tới 538 trẻ lao động trong lĩnh vực nặng nhọc, chiếm tới gần 22%. Trẻ tham gia lao động từ khi còn nhỏ, tới 66,54% ở độ tuổi từ 5 đến 14. Điều kiện làm việc không thuận lợi, nguy cơ bị lạm dụng tình dục từ khách du lịch, công việc đa phần nặng nhọc và nguy hiểm nhưng các em vẫn chọn gia nhập đội ngũ LĐTE, vì “học tập là không cần thiết”. Có tới 40,2% bỏ học, cha mẹ các em cũng có tới 2/3 mù chữ hoặc không biết đọc/viết tiếng Việt. Gia đình và bản thân trẻ em đang rất thiếu những kiến thức cơ bản trong lĩnh vực LĐTE nên đã và đang “hồn nhiên” vi phạm luật pháp, vi phạm quyền trẻ em mà không hề biết.

Tóm lại, nghèo đói, kinh tế gia đình khó khăn, trình độ hiểu biết của các bậc phụ huynh còn thấp, hạn chế trong tiếp cận dịch vụ giáo dục có chất lượng... chính là những nguyên nhân cơ bản đẩy trẻ vào con đường phải lao động rất sớm, phải đối mặt với những nguy hiểm, độc hại, nặng nhọc mà gánh nặng mưu sinh đang đè lên đôi vai nhỏ bé của các em.

Vẫn là vấn đề nan giải

“Đừng để trẻ em làm việc trên đồng ruộng, hãy để trẻ em nuôi dưỡng ước mơ” là thông điệp mạnh mẽ mà Ngày thế giới phòng chống lao động trẻ em năm 2019 vừa phát động. Và đó cũng chính là cái đích đầy tính nhân văn mà Chính phủ đã và đang tích cực hướng tới, trong nỗ lực ngăn ngừa, giảm thiểu LĐTE.

Việt Nam là nước đi đầu khu vực châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em (CRC) năm 1990. Cho đến nay, về cơ bản hệ thống pháp luật quốc gia về bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã tương đối đầy đủ, bảo đảm tính đồng bộ hài hòa với pháp luật quốc tế nhằm tạo hành lang pháp lý toàn diện bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bạo lực, lạm dụng, bóc lột và ngược đãi, nhất là với nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của pháp luật.

Chính phủ cũng đã phê chuẩn hai Công ước cơ bản của ILO liên quan đến LĐTE. Đó là Công ước 138 về độ tuổi làm việc tối thiểu và Công ước 182 về các hình thức LĐTE tồi tệ nhất. Bộ luật Lao động 1994 là văn bản pháp lý toàn diện nhất quy định các vấn đề liên quan đến trẻ em tham gia lao động và lao động vị thành niên. Sửa đổi năm 2007, bộ luật này nghiêm cấm sử dụng trẻ dưới 15 tuổi và có quy định riêng đối với người chủ khi sử dụng lao động chưa thành niên. Ngoài ra, nhiều chương trình hành động nhằm bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trong đó có nội dung bảo vệ trẻ em lao động cũng đã được liên tục triển khai mà mới nhất là Chương trình quốc gia Phòng ngừa giảm thiểu LĐTE giai đoạn 2016-2020 đang được thực hiện.

Thế nhưng, LĐTE là một vấn đề nan giải ngay cả với các quốc gia phát triển nên hành trình đến với cái đích ngăn ngừa và giảm thiểu LĐTE mà Chính phủ đặt ra vẫn còn rất dài. Với quá nhiều việc cần làm, nhiều bất cập phải khắc phục và thay đổi.

Hệ thống pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về quyền hạn, trách nhiệm của các chủ thể quản lý và thiếu những quy định về cơ chế phát hiện, tố giác, xử lý vi phạm LĐTE. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa phát huy được vai trò khi hầu như không thể can thiệp vào khu vực kinh tế phi chính thức. Việc xử lý những trường hợp lạm dụng LĐTE còn nhẹ, chủ yếu dừng ở mức xử phạt hành chính chứ ít khi được xử lý hình sự nên thiếu tính răn đe. Chính quyền địa phương còn chậm chạp trong phát hiện và xử lý vi phạm, chỉ những vụ gây hậu quả nghiêm trọng mới bị xử phạt. Khó khăn của cơ quan chức năng vì độ tuổi của LĐTE thường chỉ căn cứ vào lời khai các bên, nếu khai tăng trên 15 tuổi thì không đủ căn cứ để xử lý.

Ngoài ra, hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng cũng chưa thật sự hiệu quả. Khảo sát của dự án ENHANCE cho thấy đa phần thông điệp chỉ đề cập chung chung đến vấn đề, thiếu chi tiết và ít đi kèm câu chuyện thực tế. Giải quyết LĐTE được người dân mặc định là trách nhiệm của cơ quan chính quyền chứ không phải của các bậc cha mẹ, nên dẫn đến quan điểm sai lầm là cá nhân và cộng đồng không thể làm gì trong cuộc chiến cam go này.