Khả năng đến đâu, trao quyền đến đó

|

Được chủ động hơn trong các hoạt động của đơn vị mình, được tự quyết định đường hướng phát triển, được quyền tự xây dựng và định vị thương hiệu giáo dục của đơn vị... Vẫn còn nhiều bộn bề khi nói đến câu chuyện tự chủ ở bậc giáo dục phổ thông. Có trường hồ hởi đón nhận, nắm bắt cơ hội, nhưng cũng có không ít những trường còn nhiều băn khoăn lo lắng trước áp lực đổi mới. Chẳng có một công thức chung nào cho bài toán tự chủ. Mỗi một cơ sở giáo dục đã và đang tự tìm một lối đi phù hợp và vừa vặn với mình.

Loay hoay phát huy sở trường

Về Hưng Yên, vùng đất nghèo vốn có truyền thống hiếu học và khoa bảng những ngày đầu năm học mới, các gia đình có con em trong độ tuổi đến trường đã rộn ràng sách bút. Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở (THCS) Nguyễn Thiện Thuật (Khoái Châu, Hưng Yên) Hoàng Phượng Ly cho biết: Đội ngũ giáo viên cũng sẵn sàng về công tác chuyên môn cũng như tâm lý để đón nhận sự đổi mới. Chúng tôi mong muốn và luôn ủng hộ chủ trương trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục. Về kinh phí mặc dù chưa có văn bản nào hướng dẫn về quyền tự chủ, nhưng theo như tôi hiểu và vẫn truyền đạt cho cán bộ giáo viên, tự chủ là chúng ta được chủ động, sáng tạo trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, làm sao cho học sinh hứng thú với việc học, thích được đến lớp. Tự chủ là làm sao với nguồn ngân sách nhất định mà Nhà nước giao cho, nhà trường xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ bảo đảm cân đối các khoản chi hợp lý, chủ động linh hoạt nhằm phục vụ tốt nhất cho định hướng hoạt động của nhà trường. Thực tế, để bảo đảm nâng cao chất lượng, những hoạt động giáo dục do giáo viên đề xuất xét thấy hợp lý, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ kinh phí. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng luôn khuyến khích anh em phát huy vai trò sáng tạo. Vườn hoa - tiểu cảnh trong khuôn viên trường bảo đảm không gian luôn xanh mướt, đẹp đẽ do tổ bộ môn Văn Thể Mỹ đảm nhận. Tượng danh nhân Nguyễn Thiện Thuật được đặt trong khuôn viên là tác phẩm của thầy giáo Nguyễn Đình Văn, hiện vẫn đang đảm nhiệm bộ môn mỹ thuật của nhà trường.

“Khả năng đến đâu, trao quyền đến đó” - Quan điểm của ông Ngô Minh Hưng, Trưởng phòng giáo dục và đào tạo, UBND thành phố Bắc Giang khi đề cập đến chủ trương trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đồng cảm với nhiều cán bộ quản lý cơ sở giáo dục công lập. Tỉnh nghèo, dân còn nghèo, các cơ sở giáo dục hoạt động chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước, quản lý tốt hiệu quả nguồn kinh phí nhà nước cấp, bảo đảm việc dạy và học đạt yêu cầu, đó là điều chúng tôi nỗ lực cố gắng. Điều này cũng phù hợp với chủ trương chung, tự chủ là cần thiết nhưng ở bậc phổ thông thì đổi mới cơ chế quản lý theo hướng tăng cường vai trò chủ động, sáng tạo của các trường học. Câu chuyện cười ra nước mắt, rằng một trường dân lập ở tỉnh, mỗi tháng nhà trường thu 200 nghìn học phí nhưng học sinh sắp tốt nghiệp ra trường rồi vẫn còn nợ nguyên học phí cả ba năm. Và thực tế, ở môi trường giáo dục thì cũng không thể đình chỉ học đối với học sinh chỉ vì lý do phụ huynh chưa có tiền cho con đóng học.

Khó khăn bộn bề, nhưng mục tiêu trao quyền tự chủ cho nhà trường vẫn vẫn luôn được tạo cơ chế, tìm cách triển khai. Từ một trường thực hành của Trường đại học Sư phạm Hà Nội, sau đó thực hiện cơ chế trường công lập tự chủ tài chính, tháng 3-2013 Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành chính thức trở thành trường phổ thông thực hành theo mô hình phát triển năng lực học sinh theo đề án được Bộ GD-ĐT phê duyệt. Bằng nguồn đầu tư kinh phí ban đầu của Bộ GD-ĐT, cùng với nguồn kinh phí tự có hằng năm, Trường Nguyễn Tất Thành đã và đang được xây dựng thành một mô hình nhà trường tự chủ tài chính khá hiệu quả. Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cũng là mô hình tự chủ thành công của ngành giáo dục Thủ đô. Đây là cơ sở giáo dục tư thục được thành lập hơn 20 năm trước. Từ 75 học sinh đầu tiên ghi danh năm đầu thành lập, đến nay đã phát triển thành một hệ thống các trường tiểu học, THCS, THPT với khoảng 3.000 học sinh học bán trú. Trường đã từng bước xây dựng, trở thành một môi trường học tập đáng mơ ước với nhiều học sinh. Từ mười năm trước, trường đã xây dựng Trung tâm trải nghiệm sáng tạo theo mô hình Trường trong vườn ở Vĩnh Phúc. Với diện tích hơn 7,5 ha, mức đầu tư 50 tỷ đồng, cách trường 50 km, trung tâm có đầy đủ sân bóng, hai bể bơi tiêu chuẩn phục vụ cho lứa tuổi từ 6 đến 18, có nhà dành cho các hoạt động giáo dục thể chất rộng 300 m2, có phòng thí nghiệm, phòng pha chế đồ uống không cồn, nhà ăn tập thể tiêu chuẩn bốn sao, sân bóng... Năm năm trước, trường tiếp tục phát triển thêm một trung tâm ở Hoài Đức (Hà Nội) theo mô hình Công viên trường học. Cơ ngơi đó là thành quả hơn 20 năm qua, mỗi năm thêm thắt một chút, mà thành...

Cứ đi, rồi sẽ thành đường...

Chương trình giáo dục phổ thông mới được ghi nhận hướng đến sự phát triển toàn diện, lấy người học làm trung tâm, nội dung chương trình học có tính kết nối cao đòi hỏi người dạy chủ động sáng tạo và hết sức linh hoạt... được thể hiện khi thiết kế, xây dựng chương trình. Bên cạnh đó, chương trình mới cũng phát huy tính tự chủ của các cơ sở giáo dục, thể hiện ở việc xây dựng kế hoạch dạy học. Người dạy có “đất” để phát huy năng lực và sự chủ động, được phát triển chương trình, vận dụng thực tế vào bài giảng, chủ động bổ sung nội dung mang tính đặc thù của địa phương, được quyền xây dựng và áp dụng các phương pháp giáo dục phù hợp với địa phương mình...

Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) là trường công lập thực hiện mô hình tự chủ từ tài chính tới xây dựng nội dung chương trình học tập. Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Khi các trường được trao quyền tự chủ, đặc biệt là tự chủ tài chính thì áp lực rất lớn, tất cả các khoản chi đều từ học phí, từ cha mẹ học sinh đóng góp. Áp lực đó buộc Ban giám hiệu nhà trường, đặc biệt là người đứng đầu cơ sở giáo dục luôn phải nung nấu, làm cách nào để khẳng định được chất lượng, tạo uy tín cho nhà trường để thu hút học sinh. Đi kèm với quyền được chủ động đó là tự chịu trách nhiệm. Trong tuyển sinh cũng được chủ động tuyển đầu vào theo tiêu chí của nhà trường. Đó là cơ hội và cũng là cả quá trình đầy thách thức đòi hỏi nhà trường vượt qua để đứng vững và làm nên thương hiệu.

Thực tế hiện nay, tổng chi phí xã hội đầu tư cho giáo dục nói chung và chi phí của mỗi gia đình cho con đi học nói riêng là rất lớn. Ở tỉnh Quảng Ngãi, học sinh THPT đóng học phí 110.000 đồng/tháng để học tới 13 môn và các hoạt động giáo dục trong nhà trường, trong khi đó không ít phụ huynh chấp nhận đóng gấp 10 lần số tiền ấy để học thêm vài ba môn ở bên ngoài. Hầu như học sinh nào cũng học thêm, sinh ra căn bệnh dạy thêm - học thêm trầm kha khó chữa. “Nên chăng thay đổi bằng cách tạo điều kiện để phụ huynh được lựa chọn cho con em mình một môi trường học tập theo khả năng và nhu cầu. Hiện tượng ngày càng nhiều người cho con vào trường tư thục, dân lập chất lượng cao, các trường gắn “mác” quốc tế, cho con đi du học từ cấp phổ thông... là một minh chứng cho nhu cầu và khả năng của một bộ phận không nhỏ phụ huynh. Chính vì thế theo tôi mức học phí thấp và mang tính cào bằng như hiện nay là không hợp lý, cần xem xét thay đổi” - ông Phạm Hải Bằng, phụ huynh có con đang theo học một trường dân lập ở quận Long Biên (Hà Nội) chia sẻ.

Khi đề cập đến quyền tự chủ, nhiều ý kiến vẫn lăn tăn, tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục, xóa bao cấp có làm mất đi tính ưu việt của chế độ. Ông Hà Xuân Nhâm cho rằng, Nhà nước sẽ cấp ngân sách đóng học phí cho các đối tượng chính sách, cho các học sinh không đủ khả năng chi trả học phí. Đối với những học sinh đã trúng tuyển vào các trường tương ứng với năng lực học tập của mình, nhưng không đủ khả năng chi trả học phí thì cơ sở giáo dục buộc phải dành một tỷ lệ kinh phí nhất định trong tổng thu và huy động tài trợ để cấp học bổng hoặc miễn học phí cho đối tượng này như cách làm của nhiều trường lớn trên thế giới. Khoản chi này càng cao, sức thu hút của cơ sở giáo dục ấy càng lớn, chất lượng nguồn tuyển được nâng cao. Các đối tượng còn lại Nhà nước nên cấp kinh phí đào tạo. Như vậy, “miếng bánh” ngân sách Quốc gia không chia đều mà đầu tư có trọng điểm (học sinh giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vùng sâu, vùng xa, học sinh cần phổ cập GDPT...).

Các thế hệ học sinh - sản phẩm giáo dục làm nên thương hiệu của một cơ sở giáo dục, là thước đo mức độ tín nhiệm của xã hội với cơ sở giáo dục đó. Phát huy quyền tự chủ là quy luật, là hướng đi tất yếu hướng đến một nền giáo dục khỏe mạnh và đáp ứng tốt nhu cầu học tập chính đáng của xã hội.