Bác bỏ thông tin và hình ảnh sai lệch của Trung Quốc về tình hình Biển Đông

|

NDO - NDĐT- Chiều 16-6, Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức cuộc họp báo quốc tế thông báo tới công chúng trong nước và ngoài nước tình hình thực địa tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981, đồng thời bác bỏ các thông tin và hình ảnh sai lệch mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra tại cuộc họp báo ngày 13-6-2014.

Buổi họp báo do Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình chủ trì với sự tham dự của ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển; ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư; ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm UB Biên giới quốc gia; ông Nguyễn Quốc Thập, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, cùng hơn 100 phóng viên trong nước và quốc tế.

Ông Trần Duy Hải cho hay, những ngày qua phía Trung Quốc lớn tiếng vu cáo Việt Nam chủ động đâm va vào các tàu hộ vệ của Trung Quốc, thậm chí nói tàu cá Việt Nam bị đâm chìm là do đâm vào tàu Trung Quốc. Ông Hải nói rõ: “Sự thực như thế nào, mọi người đã rõ và trong số các nhà báo có mặt tại đây, có rất nhiều người đã tận mắt chứng kiến các hành vi hung hăng của các tàu Trung Quốc. Các hành vi đó của Trung Quốc không những vi phạm luật pháp quốc tế về việc cấm sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực mà còn là hành vi vô nhân đạo đối với ngư dân Việt Nam”.

Trung Quốc cố tình xuyên tạc lịch sử

Theo ông Trần Duy Hải, những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa là không có cơ sở pháp lý và lịch sử.

Trung Quốc đã đưa ra một số tư liệu lịch sử, nhưng các “tư liệu lịch sử” của Trung Quốc không có nguồn gốc rõ ràng, không chính xác và được diễn giải một cách tùy tiện.

"Các tư liệu này đều là của cá nhân, không phải là tài liệu chính thức của nhà nước phong kiến Trung Quốc. Trong các tư liệu đó, quần đảo Hoàng Sa được nêu tên và mô tả một cách thiếu nhất quán. Theo quy định của luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ, một quốc gia chỉ có thể thiết lập chủ quyền thông qua các hành động thực thi chủ quyền mang danh nghĩa nhà nước. Các tài liệu mà Trung Quốc đã công khai không chứng tỏ nhà nước phong kiến Trung Quốc đã thiết lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa khi quần đảo còn là lãnh thổ vô chủ", ông Trần Duy Hải nêu rõ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia dẫn chứng: năm 1898, sau sự kiện hai tàu Bellona và Huneji Maru bị đâm ở Hoàng Sa và bị ngư dân Trung Quốc cướp tài sản, Phó vương Quảng Đông đã lập luận rằng quần đảo Hoàng Sa là đảo bị bỏ rơi, không thuộc về Trung Quốc.Về hành chính, các đảo này không thuộc bất kỳ châu nào của Hải Nam và không có cơ quan nào có trách nhiệm quản lý quần đảo này. Do đó, phía Trung Quốc đã tuyên bố không chịu trách nhiệm về vụ ngư dân cướp tài sản.

Trong khi đó, Việt Nam đã cung cấp công khai bằng chứng xác thực cho thấy nhà nước phong kiến Việt Nam đã thiết lập chủ quyền đối với quần đảo này từ khi quần đảo là lãnh thổ vô chủ. Ít nhất từ thế kỷ 17, các triều đại nhà Nguyễn đã tổ chức các hoạt động khai thác sản vật trên các quần đảo, tổ chức đo đạc hải trình và bảo đảm an toàn cho các tàu thuyền của quốc gia khác qua lại tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Các hoạt động này đều đã được ghi nhận trong các văn bản chính thức do các triều đình phong kiến Việt Nam ban hành là các châu bản hiện đang được lưu giữ tại Việt Nam.

Tiếp theo đó, ông Hải cho biết Trung Quốc đã hai lần xâm chiếm trái phép Hoàng Sa là vào các năm 1956 và 1959. Cả hai hành động xâm chiếm này diễn ra sau khi Việt Nam đã khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa tại Hội nghị San Francisco năm 1951 mà không gặp phải bất kỳ sự phản đối nào.

Đến năm 1974, lợi dụng tình hình chiến tranh ở Việt Nam, Trung Quốc đã tấn công và chiếm quyền kiểm soát Hoàng Sa từ chính quyền miền Nam Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc nắm quyền kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa bằng vũ lực.

“Hành động sử dụng vũ lực thôn tính lãnh thổ của một quốc gia khác là vi phạm nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, không thể tạo nên chủ quyền cho Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa”, ông Hải nhấn mạnh.

Thêm vào đó, Trung Quốc cũng cố tình xuyên tạc lịch sử và diễn giải sai lịch sử khi viện dẫn Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 và một số tài liệu, ấn phẩm được xuất bản ở Việt Nam trước năm 1975 như là bằng chứng về việc Việt Nam công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa.

“Việt Nam kiên quyết bác bỏ sự xuyên tạc này”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia nêu rõ.

Tại cuộc họp báo, một lần nữa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Trần Duy Hải tái khẳng định rằng: “Thứ nhất, Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không hề đề cập đến Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là tài liệu thông báo về việc các cơ quan của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc và bức thư không đề cập gì đến vấn đề chủ quyền.

Trong bối cảnh lịch sử năm 1958, hành động của Việt Nam Dân chủ cộng hòa chỉ là nhằm ủng hộ việc Trung Quốc mở rộng vành đai an ninh trên biển từ 3 đến 12 hải lý. Nhưng đến nay, Trung Quốc đã cố tình diễn giải sai ý nghĩa và bối cảnh lịch sử của bức thư để phục vụ cho yêu sách lãnh thổ sai trái của mình.

Thứ hai, là một bên ký kết Hiệp định Geneva 1954, Trung Quốc hoàn toàn nhận thức được rằng theo quy định của Hiệp định, Hoàng Sa, Trường Sa nằm ở phía nam vỹ tuyến 17, thuộc phạm vi quản lý của Việt Nam Cộng hòa, không thuộc phạm vi quản lý thực tế của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nước CHXHCN Việt Nam, Nhà nước Việt Nam thống nhất từ năm 1976, đã ngay lập tức kế thừa và nhất quán khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa do các đại diện khác nhau của Việt Nam thiết lập vững chắc trong lịch sử.

Năm 1958, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình lúc đó là Tổng bí thư của ĐCS Trung Quốc hiểu rất rõ bối cảnh lịch sử liên quan đến các tài liệu mà Trung Quốc đã trích dẫn. Do vậy, đến tháng 9-1975, với cương vị là phó Chủ tịch Đảng, Phó Thủ tướng, trong trao đổi với lãnh đạo Việt Nam, Tổng bí thư Lê Duẩn, ông Đặng Tiểu Bình đã thừa nhận giữa hai nước có ý kiến khác nhau về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sau này hai nước sẽ bàn bạc giải quyết.

Bị vong lục của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 12-5-1988 đã ghi nhận rõ ràng nội dung phát biểu này của ông Đặng Tiểu Bình'.

Từ những chứng cứ lịch sử đó, ông Trần Duy Hải nhấn mạnh: “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng sự thật lịch sử đó và nghiêm túc đàm phán với Việt Nam về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa”.

Quốc tế không công nhận chủ quyền của Trung Quốc với Hoàng Sa

Trong phần phát biểu, ông Trần Duy Hải thông tin, trong lịch sử các hội nghị quốc tế không giao Hoàng Sa cho Trung Quốc.

Lịch sử ghi nhận, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản phải từ bỏ tất cả các lãnh thổ đã chiếm đóng bằng vũ lực trong Chiến tranh thế giới thứ hai, trong đó có quần đảo Hoàng Sa. Các Tuyên bố Cairo năm 1943, Postdam năm 1945 và Hiệp định San Francisco năm 1951 đã liệt kê tất cả các vùng lãnh thổ Nhật Bản phải hoàn trả cho Trung Quốc nhưng không bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa.

Đáng chú ý, chính quyền Tưởng Giới Thạch đã tham gia quá trình thảo luận ra Tuyên bố Cairo và Postdam mà không đề cập đến Hoàng Sa và Trường Sa. Tại Hội nghị San Francisco, đề nghị về việc điều chỉnh dự thảo Hiệp định để ghi nhận quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc đã bị bác bỏ bởi đa số 46 phiếu chống/51 phiếu.

Trong khi đó, phát biểu của ông Trần Văn Hữu, Thủ tướng, Trưởng phái đoàn quốc gia Việt Nam tham dự hội nghị, đã tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp phải bất cứ sự phản đối nào từ hội nghị.

Trong quá khứ là vậy, đến thời điểm hiện tại, cũng không có bất kỳ quốc gia nào công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.

Ông Nguyễn Quốc Thập, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN) cho biết: “Năm 2010, 2011 Trung Quốc vẫn đưa tàu ra khảo sát lô 141, 143 của Việt Nam. Năm 2012 Trung Quốc mời thầu chín lô dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Vì phi lý nên không có công ty nào tham gia với Trung Quốc”.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Thập, các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của PVN vẫn diễn ra bình thường và liên tục ở vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, trong đó có Hoàng Sa và vùng phụ cận với sự tham gia hợp tác của các công ty quốc tế từ Mỹ, Nga, Canada,… trong 40 năm qua.

Ông Thập cho biết: “Khảo sát gần đây nhất là tháng 4-2014, Việt Nam đã cùng công ty của Mỹ hoàn thành khảo sát ở khu vực Hoàng Sa. Đã có nhiều công trình nghiên cứu được tác giả trong ngoài nước trình bày ở trong và ngoài nước và được thừa nhận, đánh giá cao. Vì vậy, PVN vẫn tiến hành bình thường hoạt động ở vùng Hoàng Sa. Và tới đây, PVN sẽ tiếp tục hoạt động của mình ở vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa một cách bình thường như đã thực hiện trong 40 năm qua”.

Ông Thập cho biết thêm, trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương- 981 và tuyên bố trái phép có 57 lô dầu khí nằm trong vùng tranh chấp, họ dựa vào đường lưỡi bò phi lý, PVN đã gặp gỡ, làm việc với tất cả các công ty dầu khí đang hoạt động trong vùng mà Trung Quốc gọi là tranh chấp và đã nhận được sự ủng hộ lập trường, tuyên bố của Petro Việt Nam cũng như của Chính phủ Việt Nam.

“Họ cũng khẳng định hoạt động dầu khí của Petro Việt Nam và của họ là hoàn toàn hợp pháp. Vì vậy họ khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện các cam kết đã ghi trong hợp đồng dầu khí ký giữa Petro Việt Nam với từng công ty. Chúng tôi hiện đang có kế hoạch cùng các công ty này triển khai hoạt động dầu khí hiệu quả, tích cực nhất, mặc dù phía Trung Quốc có tuyên bố này khác”, Phó Tổng giám đốc PVN nói rõ.

Trung Quốc cố tình làm sai lệch thông tin thực địa

Trong phần trình bày, ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh-Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam đã bác bỏ mạnh mẽ các thông tin và hình ảnh sai lệch với tình hình thực tế tại hiện trường Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 mà Bộ Ngoại giao nước này đưa ra tại buổi họp báo hôm 13-6 tại Bắc Kinh.

Ông Ngô Ngọc Thu công bố: “Việc Trung Quốc công bố tính đến 12 giờ trưa ngày 13-6 các tàu Việt Nam đã tiến hành đâm húc 1.547 lần vào các tàu của Trung Quốc và làm cho mũi tàu của Trung Quốc hư hỏng, chúng tôi bác bỏ thông tin sai lệch và phi lý trên. Thực tế vừa qua chỉ có các tàu Trung Quốc mới chủ động đâm va và phun nước vào các tàu Việt Nam làm cho 36 lần/chiếc tàu Việt Nam bị hư hỏng. Từ ngày 3-5 đến nay tổng cộng có 15 kiểm ngư viên và hai ngư dân Việt Nam bị thương. Chúng tôi có đầy đủ bằng chứng và hình ảnh về những tàu TQ tiến hành đâm và tàu Việt Nam bị đâm. Các tàu Việt Nam không thể sử dụng mạn và boong tàu để đâm vào mũi tàu Trung Quốc được”.

Phó Tư lệnh Ngô Ngọc Thu cũng bác bỏ cáo buộc của Trung Quốc vu khống Việt Nam cử nhiều người nhái, thả nhiều lưới đánh cá và chướng ngại vật tại khu vực hiện trường gây ảnh hưởng tới người và tàu của Trung Quốc.

“Xin khẳng định cho tới nay Việt Nam không hề sử dụng lực lượng người nhái tại khu vực hiện trường. Về một số lưới đánh cá và một số vật trôi nổi Trung Quốc vớt được, nguyên nhân đây là vùng đánh cá truyền thống của Việt Nam, khi ngư dân Việt Nam tiến hành đánh bắt cá thì các tàu của Trung Quốc ngăn cản, đâm va và phun nước nên tàu cá Việt Nam buộc phải bỏ lưới, cơ động tàu để tránh sự truy cản của tàu Trung Quốc; tàu Trung Quốc đã thu lưới của ngư dân Việt Nam. Những vật trôi nổi trên biển như thùng phi, mảnh gỗ mà Trung Quốc vớt được trên biển là do tàu Trung Quốc đâm va vài các tàu của Việt Nam và sử dụng vòi rồng công suất lớn phun sang các tàu Việt Nam làm cho các thùng phi chứa dầu, thùng sơn, các khúc gỗ là dụng cụ huấn luyện để trên mặt boong tàu, các mảnh ván và thiết bị của tàu Việt Nam bị đâm vỡ… bị văng xuống biển. Phía Trung Quốc vớt lên coi đây là vật chứng là hoàn toàn sai với sự thật”, ông Ngô Ngọc Thu dứt khoát.

"Việt Nam ủng hộ các nỗ lực của ASEAN nói chung trong việc duy trì hoạt động hòa bình ổn định trên biển Đông và kể cả yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành động phá vỡ nguyên trạng ở biển Đông cũng như tạo ra các tranh chấp", ông Hải nói.

Bên cạnh đó, ông Thu cho hay, “Trung Quốc nói không đưa tàu chiến và máy bay quân sự đến hiện trường, trên thực tế chúng tôi và cả phóng viên các hãng thông tấn báo chí trong và ngoài nước đã ghi lại được đầy đủ các số liệu, số hiệu tàu và máy bay tại thực địa là bằng chứng không thể chối cãi. Trong hơn 40 ngày qua không thể ngày nào cũng có từ bốn đến sáu tàu chiến đi qua khu vực này bình thường như Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố”.

Về phía lực lượng Kiểm ngư, ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư cũng khẳng định, “Trung Quốc duy trì trung bình 120 tàu/ngày, chủ động tấn công uy hiếp tàu kiểm ngư Việt Nam dưới nhiều hình thức đâm va, phun vòi rồng, sử dụng âm thanh, âm tần đèn pha công suất lớn tác động tâm lý lực lượng kiểm ngư Việt Nam. Họ sử dụng phương thức tạo cớ như chặn đuôi, vượt tàu Việt Nam, cắt mặt để tàu Việt Nam đâm, tạo tư liệu giả vu cáo tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc”.

Ông Hà Lê nêu rõ: “Chúng tôi có đầy đủ bằng chứng khẳng định chưa có trường hợp nào tàu Việt Nam chủ động đâm va tàu Trung Quốc như Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa tin. Có 23 tàu kiểm ngư Việt Nam bị đâm va, hư hại, có 15 kiểm ngư viên bị thương”.

Việt Nam nỗ lực và thiện chí, nhưng Trung Quốc phản ứng thiếu tính xây dựng

Trước thực tế đó, ông Trần Duy Hải thông tin, trong hơn một tháng qua phù hợp với quy định của Hiến chương LHQ, Công ước luật biển của LHQ 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông và các thỏa thuận cấp cao giữa hai nước, Việt Nam đã nỗ lực liên lạc và đối thoại với Trung Quốc dưới nhiều hình thức và nhiều cấp để yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành vi vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, tạo điều kiện để hai bên đàm phán tìm biện pháp ổn định tình hình và quản lý các vấn đề trên biển giữa hai nước. Việt Nam đã tiến hành hơn 30 lần tiếp xúc với các cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc nhưng Trung Quốc vẫn từ chối đàm phán thực chất.

Ông Hải khẳng định, nguyên nhân trực tiếp của tình hình căng thẳng hiện nay là do Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam nhưng Trung Quốc lại tuyên bố rằng đó là vùng biển của Trung Quốc. Việt Nam đã thể hiện tinh thần thiện chí, nhiều lần đề nghị Trung Quốc rút giàn khoan để hai bên giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

“Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn khăng khăng không rút giàn khoan và không đàm phán, như vậy, việc Trung Quốc nói là cánh cửa đàm phán vẫn mở rộng là không đúng với thực tế”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia nhấn mạnh.

Do đó, "Một lần nữa, Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, ngay lập tức chấm dứt các hành vi vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và không tái diễn các hành động động tương tự trong tương lai. Việt Nam một lần nữa yêu cầu Trung Quốc giải quyết tất cả các tranh chấp, kể cả tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và quyền tài phán trên biển, thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước luật biển của LHQ 1982".

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về việc Trung Quốc hiện tiến hành bồi đắp, mở rộng và xây dựng một số công trình kiên cố chung quanh một số đảo, đá ở thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Lê Hải Bình nêu rõ:

“Việt Nam có đầy đủ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa. Cơ quan chức năng Việt Nam cho biết, thời gian qua, tại khu vực quần đảo Trường Sa, phía Trung Quốc đã tiến hành một số hoạt động mở rộng xây dựng công trình trái phép chung quanh khu vực đá Gạc Ma, cũng như một số điểm đảo khác ở khu vực Trường Sa mà đã bị Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép từ tháng 3-1988.

Việt Nam kiên quyết phản đối hành động phi pháp nói trên của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc nghiêm túc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động xây dựng mở rộng trái phép tại khu vực quần đảo Trường Sa, cũng như các hành động đơn phương khác làm thay đổi hiện trạng của khu vực quần đảo Trường Sa cũng như khu vực khác trên biển Đông, rút ngay các tàu, thiết bị của Trung Quốc khỏi khu vực này, không để tái diễn hành động tương tự trong tương lai vì nó đe dọa hòa bình, ổn định khu vực cũng như tại biển Đông”.