Những điểm sáng về nghị lực
Ra về với mười HCV, 11 HCB, 11 HCĐ, không chỉ hoàn thành chỉ tiêu đặt ra, Điền kinh Việt Nam còn lập một kỷ lục SEA Games ở nội dung Nhảy ba bước nam, sáu kỷ lục quốc gia (KLQG) ở các nội dung nhảy ba bước (nam - nữ); Chạy 5.000 mét, Chạy 10.000 mét nam; Marathon nữ và Ném lao nam.
HCV của Nguyễn Văn Hùng là một trong những thành tích bất ngờ của Điền kinh Việt Nam tại SEA Games lần này. (Ảnh: bongdaplus)
Đặc biệt, ở hai nội dung Chạy 5.000 mét và 10.000 mét nam, VĐV Nguyễn Văn Lai đã xuất sắc giành liên tiếp hai tấm HCV, đồng thời lập hai KLQG cho Điền kinh nước nhà.
Thú vị ở chỗ, trước khi bước qua tuổi 21, anh không phải là VĐV chuyên nghiệp. Vốn là một chiến sĩ anh nuôi của Tiểu đoàn 3, Học viện quân sự Quân đoàn 1, tới tận năm 2007, anh mới bắt đầu tham gia huấn luyện chuyên nghiệp tại Trung tâm TDTT Quân đội. Vậy mà, chỉ hai năm sau, chính anh là người phá KLQG môn Điền kinh ở cự ly 5.000 mét.
Trong khi các thành viên của Đội tuyển Điền kinh Việt Nam được đào tạo bài bản từ khi ngồi ghế nhà trường, sau đó lại đi tập huấn, tham gia các khóa bồi dưỡng đặc biệt ở nước ngoài, Nguyễn Văn Lai, chàng VĐV “anh nuôi” lại chỉ luyện tập trong nước, mà cụ thể là ở Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia (Hà Nội).
Với số “vốn liếng” vỏn vẹn có như vậy, chỉ trong hai ngày 17 và 19-12 vừa qua, Nguyễn Văn Lai đã ghi tên mình ở vị trí cao nhất trên bảng vàng SEA Games, đồng thời phá KLQG của chính mình. Hai năm trước, khi còn “bỡ ngỡ” với sân chơi SEA Games, mà cụ thể là SEA Games 2011 tại Indonesia, anh chỉ giành HCĐ ở hai nội dung 5.000 mét và 10.000 mét. Nhưng ở kỳ Đại hội lần này, cũng ở hai nội dung đó, chàng VĐV xứ Thanh đã chiến thắng cùng một đối thủ là Srisung của Thái-lan, vốn được giới chuyên môn đánh giá cao, để mang về hai tấm HCV chói lọi.
Một trong những tấm gương về sự nỗ lực và ý chí quật cường khác là nữ VĐV Phạm Thị Bình, người được mệnh danh “cô nàng chân đất” của Điền kinh Việt Nam. Cô đã giành HCV ở nội dung Marathon nữ, với thành tích chạy hơn 42 km trong vòng 2 giờ 45 phút 34 giây.
Niềm hân hoan chiến thắng của "cô nàng chân đất" Phạm Thị Bình khi về đích ở nội dung Marathon nữ. (Ảnh: Zing)
Sở dĩ, Phạm Thị Bình được đồng đội và người hâm mộ gọi bằng cái tên mộc mạc “cô nàng chân đất” là vì cô luôn thi đấu với đôi chân trần. Nhưng hơn thế nữa, ít ai biết được rằng, Phạm Thị Bình đã từng phải vật lộn với căn bệnh tim quái ác, thậm chí có nguy cơ phải từ bỏ hẳn con đường thể thao.
Gia cảnh không được may mắn như nhiều người, cô gái quê Quảng Ngãi gia nhập Đội tuyển trẻ quốc gia năm 2005. Nhưng trong khi đang nuôi hoài bão và phấn đấu ghi tên mình vào Đội tuyển quốc gia, năm 2010, Bình phát hiện mình bị bệnh tim nặng. Nếu không có sự giúp đỡ từ một tổ chức nhân đạo, Bình có thể đã không có cơ hội phẫu thuật và đạt được vinh quang như ngày hôm nay.
Những cơ hội đáng tiếc
Nói Điền kinh vượt thành tích ở SEA Games 26 một HCV là đúng, nhưng nếu so với mức chỉ tiêu 10-12 HCV đặt ra trước khi lên đường, Điền kinh Việt Nam chỉ hoàn thành ở mức thấp nhất.
Thực tế, các VĐV của chúng ta có thể làm nhiều hơn thế. Chắc hẳn người hâm mộ Việt Nam chưa thể quên được những giọt nước mắt buồn tủi của nữ VĐV Nguyễn Thị Thanh Phúc sau bài thi đấu nội dung 20 km Đi bộ nhanh sáng 15-12.
Với thành tích 1 giờ 37 phút 08, bỏ xa kỷ lục nội dung này ở kỳ SEA Games trước là 1 giờ 39 phút 25 do chính mình lập ra, Thanh Phúc vẫn phải chịu thua một “kỷ lục” được lập bởi nữ VĐV chủ nhà Saw Mark Larnwe: 1 giờ 35 phút 03 giây.
Những giọt nước mắt tủi hờn, tiếc nuối của "Nữ hoàng đi bộ" Nguyễn Thị Thanh Phúc. (Ảnh: Dân Trí)
Điều đáng nói là ở khu vực Đông Nam Á, các nhà chuyên môn nội dung Đi bộ nhanh chưa bao giờ nhắc tới Myanmar trong danh sách các nước thế mạnh. Vậy mà, ở SEA Games 27, một nữ VĐV Myanmar đã đạt thành tích chỉ kém chưa đến mười phút so với kỷ lục thế giới 1 giờ 25 phút 08 giây của nội dung Đi bộ nhanh 20 km, được lập bởi Vera Solokova (LB Nga) vào năm 2011.
Trên đường thi đấu, mỗi lần Thanh Phúc, nữ VĐV từng giành HCĐ châu Á, tăng tốc bám đuổi Saw Mark Larnwe là trọng tài lại “nhăm nhe” phạt lỗi phạm quy. Trong khi đó, nữ VĐV chủ nhà mặc sức “đi như chạy” về đích và giành tấm HCV “kỷ lục”.
Chẳng phải riêng Thanh Phúc, ngay chính em trai cô, VĐV Nguyễn Thành Ngưng cũng không ngoại lệ với những tấm thẻ phạt “khó hiểu” của các trọng tài. Cũng thi đấu ở nội dung 20 km Đi bộ nhanh, Thành Ngưng về đích thứ hai, nhưng do lỗi phạm quy, thành tích của anh đã bị hủy. Tham gia SEA Games 27 với chấn thương hông, Ngưng đã phải rất cố gắng. Vậy mà, kết thúc kỳ Đại hội, anh đã phải ra về tay trắng, còn phía chủ nhà Myanmar “bỗng nhiên” giành thêm một HCĐ Đi bộ nhanh 20 km nam.
Không chỉ vì lý do khách quan, ở nhiều nội dung được kỳ vọng lớn như 400 mét vượt rào, 400 mét nữ, 4x400 mét nữ… những gì Điền kinh Việt Nam thu được chỉ là HCB.
Ở các nội dung 400 mét, Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Oanh… là những gương mặt trẻ được giới chuyên môn đánh giá cao, đồng thời là người có nhiều khả năng giành HCV. Tuy nhiên, những gì đã diễn ra lại không như mong đợi.
Trên đường chạy Vượt rào nữ, trong gần hết 400 mét thi đấu, Quách Thị Lan đã dẫn đầu, thậm chí bỏ xa Wassana Winatho của Thái-lan, nhưng ở 20 mét cuối cùng, cô lại để đối thủ bứt tốc vượt lên một cách khá dễ dàng, để rồi ngậm ngùi chấp nhận chiếc HCB chung cuộc.
Quách Thị Lan ngã khi về đích ở vị trí thứ hai nội dung 400 mét Vượt rào nữ, bên phải là Wassana Winatho của Thái-lan. (Ảnh: bongdaplus)
Ở nội dung 400 mét nữ, Việt Nam có tới hai “hy vọng vàng” là Quách Thị Lan và Nguyễn Thị Oanh. Trong đó, Nguyễn Thị Oanh là nữ VĐV trẻ có thành tích rất xuất sắc trong các kỳ Đại hội Thể thao Học sinh Sinh viên khu vực, ngoài ra, ở SEA Games 26, cô cũng từng giành HCĐ tại Indonesia. Cả hai nữ VĐV này đều đã có thành tích tốt ở vòng loại trong buổi sáng 15-12, nhưng đến khi trận chung kết diễn ra, Quách Thị Lan cũng chỉ giành HCB, còn “đàn chị” Nguyễn Thị Oanh của cô cũng không thể đổi màu chiếc HC từ SEA Games 26.
Tạm kết
Sau năm ngày thi đấu, Đội tuyển Điền kinh đã chia tay SEA Games 27 với thành tích vừa đủ đạt chỉ tiêu. Ra quân với lực lượng hùng hậu nhất Đoàn Thể thao Việt Nam, nhưng có thể nói, Điền kinh đã có phen “thót tim” tại Myanmar, nếu như không có những HCV “bất ngờ” từ nhiều nội dung như Nhảy ba bước nam, Chạy 10.000 mét nam… hay như chiếc HCV “nghẹt thở” của nội dung 1.500 mét nam.
Đành rằng, thi đấu ở một giải mang tính chất khu vực, còn nhiều quyết định mang tính khách quan, nhưng thiết nghĩ, trước khi nói đến yếu tố công bằng nơi đất khách, Điền kinh nên chăng xem xét lại thực lực của chính mình.