Thế là cả xe cả người suốt ba, bốn ngày cứ chìm trong mênh mang mờ mịt. Buồn man mác. Lênh loang tâm hồn. Như đang độc quyền thiên nhiên, độc quyền vũ trụ, lẻ loi, cô độc nhưng những mảnh suy tưởng vẩn vơ và thăm thẳm trong chiều sâu hỗn tạp lại vỡ ra, nảy nở, khi lóe rỡ khi rối nhằng vào nhau. Bỗng ngỡ ngàng: Chao ôi, ngày đó một bồng một súng vượt Trường Sơn làm cuộc hành trình vào trận, đâu có nghĩ rằng mình còn sống để hôm nay đây được tự lái xe đi ngược lại đoạn đường đó trong thênh thang, vun vút, mưa và gió cứ miên man xé hai bên thành xe. Nhanh thật, mới đó với đó mà đã già rồi. Cái già đủ độ để trải nghiệm để nghĩ về mọi điều, mọi thứ trong suốt những tháng năm nhọc nhằn và bươn chải vừa qua của mình, của bạn bè, của nhân quần và của đất nước. Một đất nước đến lắm bão giông và cũng thật nhiều dịu dàng, ấm áp. Một đất nước đã trải qua một năm 2014 nhiều biến động đến nao lòng, một cột mốc trong muôn ngàn cột mốc thời gian dằng dặc, vật vã, bươn chải với đủ mọi ngọt bùi cay đắng, khúc nhôi và cả những nhức nhối thăng trầm.
Nhưng non sông vẫn vậy, hết mưa lại nắng, hết cơn bĩ cực rồi niềm hy vọng lại mở ra, dạt dào, le lói. Có những điều làm đầu óc ta phân vân song cũng lại có những điều khiến lòng ta yên tĩnh. Lý tính và cảm tính. Vạn biến và bất biến. Tĩnh lặng và sôi sủi. Chưa bao giờ hai cặp phạm trù tâm lý lại giao tranh, đan xen vào nội hàm ta như những ngày này…
Tôi vẫn đang đi trong mưa bay mờ mịt. Dải đất này, non sông này đã chịu quá nhiều đau thương, mất mát, đã chịu quá nhiều thiên tai địch họa. Địch họa ngàn năm tạm lắng, thiên tai ngàn năm vẫn réo gào. Địch họa kết dính được ý chí và lòng tin, thiên tai lại thổi bùng được ngọn lửa lòng thương yêu đồng loại. Thiên tai là do trời, địch họa là do người nhưng nạn lại do ta. Nạn tham nhũng, nạn bạo hành, nạn làm ăn, nạn về những giá trị đạo đức, văn hóa đang có chiều xuống cấp đang là những câu hỏi thao thiết treo ngang trời đất Việt.
Non sông đã có lúc tưởng như đang chênh chao trên miệng vực của hiểm họa giao tranh nhưng rồi lại ung dung đứng vững. Cái giàn khoan như vết nhục lịch sử của tư tưởng đại bá, như cái mụn ruồi của mối bang giao hai nước rồi cũng phải rút về, nhưng hai tiếng Gạc Ma, hai tiếng Bảy Chín vẫn lơ lửng trước biển trời như một nỗi đau, niềm uất hận, sự bừng tỉnh chiến lược để gấp gáp hoàn thiện sức vóc nội hàm của chính mình chứ không thể trông nhờ vào ngoại binh, ngoại viện nào khác.
Kinh tế đã tưởng rơi vào khủng hoảng không thể cứu vãn lại đang rục rịch phục hồi, những con sâu đục khoét vào thành quả cách mạng lần lượt cúi đầu chịu tội. Vết rách lòng tin đã có chiều được hàn vá nhưng vẫn còn biết bao vết lở loét đang bám dính tầm gửi trên cơ thể non sông.
Hành tinh vẫn vô cùng biến động. Chính trị toàn cầu vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Súng vẫn nổ nơi này nơi khác. Nền chính trị ở ta vẫn tỉnh táo giữ được ở thế cân bằng, kinh tế vẫn nhúc nhích đi lên dù nhọc nhằn lắm lắm, nhưng chẳng lẽ lại dửng dưng đứng nhìn văn hóa đang đi xuống? Mệnh đề nghịch này không dễ trả lời nhưng lại không thể không trả lời bởi lẽ nó là đạo lý của dân tộc, là núi xương sông máu ta đã bỏ ra, bởi lẽ rồi tất cả sẽ trôi qua, mọi nhọc nhằn vất vả, kể cả những lạc đường lầm lỗi rồi cũng sẽ trôi qua, khi đó chỉ có văn hóa là mãi trường tồn, cứu rỗi.
Văn hóa chính là nền tảng khí lực của một cộng đồng. Văn hóa sẽ tạo nên nội hàm bươn chải, vượt lên trong mọi sóng gió ba đào, trong mọi thời tiết phũ phàng của thế giới, của khu vực không bao giờ ổn định. Dĩ bất biến ứng vạn biến. Triết thuyết hiền minh này đã cho ta đi qua được mọi cuộc chiến tranh tự vệ sống còn, triết thuyết này cũng sẽ là giá đỡ, là chỗ dựa để cho ta đi qua được muôn nẻo thác ghềnh trong làm ăn và hội nhập.
Vận hội vẫn đang ở phía trước. Số phận dân tộc cũng đang ở phía trước. Tất cả đang ở phía trước. Chỉ e rằng lòng yêu nước, ý chí tự cường, khát vọng bay lên của ta lại ở phía sau. Vận hội không bao giờ chỉ là một mầu hồng tươi sáng, vận hội đòi hỏi một phẩm chất, một nội lực có thể tương thích với nó. Không tương thích, vận hội sẽ qua đi như một vệt nắng mỏng manh cuối chiều, nếu tương thích, nó sẽ ở lại cùng ta, quẫy cựa, vẫy gọi và hiện hình một ban mai rạng ngời xanh thẳm. Không sợ sai, chỉ sợ không nhìn ra cái sai, không sợ vấp chỉ sợ không nhìn ra cái tại sao mà vấp. Nhưng phải là một cái nhìn ra thật lòng, đau đáu, trung thực, một cái nhìn phải được chiết ra từ nỗi niềm dân tộc, từ vui buồn nhân dân.
Và cả từ dáng hình, tâm hồn, lời nói, tư tưởng bình dị, lồng lộng suốt đời vì dân vì nước không màng chút gì cho riêng mình của ngọn gió Hồ Chí Minh đã thổi và đang thổi trên khắp bản làng, ngõ phố những ngày chao chênh này.
Ngày ấy một thế hệ hào hùng đã chích máu xin được xông pha vào chỗ chết vì sự tồn vong giống nòi, ngày nay cái động thái linh thiêng đó chẳng lẽ lại bị lãng quên cho rằng vô nghĩa không cần thiết trong khi đáng lẽ nó càng cần được làm sống lại như một cứu cánh vô cùng cần, bởi sự đi lên hay tụt hậu của dân tộc cũng chính là sinh tử tồn vong nơi nòi giống.
Một năm cũ đã qua, một năm mới sắp đến. Niềm vui và nỗi buồn. Cái làm được và cái chưa làm được. Cộng trừ vẫn còn dương nhưng sao cái độ dương ấy lại chưa sâu rễ bền gốc khiến cho ta chẳng thể chẳng nao lòng.
Bảy mươi năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân đã qua, bốn mươi năm ngày non sông liền dải đang đến gần. Những cột mốc lịch sử, những giá trị thiêng liêng của sơn hà đang trở về nhỡn tiền, đã thúc vào lòng ta một câu hỏi buộc phải trả lời: Tại sao cái nhục mất nước ta không chịu được mà cái nhục đói nghèo, cái nhục tệ nạn lại khiến ta vô cảm chấp nhận hay sao?
Non sông vẫn non sông này. Bầu trời vẫn bầu trời này. Mưa hay nắng, hanh hao hay bão tố vẫn thế, vẫn là của ta, vĩnh hằng bất biến. Chỉ có con người và những diễn biến phức tạp, tế vi trong lòng người là thay đổi. Thời gian là vô tận, không gian là vô cùng, cái thiện vẫn không ngừng giao tranh với cái ác trên phạm vi toàn cầu, phạm vi khu vực, phạm vi ngay trong mỗi con người.
Đi lặng lẽ trong một chiều mưa mờ mịt sao cứ thấy trào dâng lên trong lồng ngực đã bắt đầu có chiều ọp ẹp của mình những buồn vui, thăng trầm của cả chiều dài lịch sử, của cả số phận nhân dân cần lao cơ hàn, thủy chung, tần tảo. Đau thương lắm nên yêu thương nhiều, nhọc nhằn lắm nên quá đỗi vị tha. Sự vị tha và kiên trung này ngõ hầu sẽ là cái nền móng nhân văn nhân tình để con người Việt Nam có thể tiếp tục vượt qua được mọi thác ghềnh sóng dữ để khoan thai, tự tại đi lên khẳng định phẩm cách đã được trui rèn qua bao lửa máu của mình.
Tôi tin như thế và nhất định sẽ là như thế, vận hội và tình yêu, cũng như phía trước con đường mờ mịt gió mưa tôi đang chìm vào kia, dường như xa xa đang ửng hồng lên những vệt nắng tươi vàng.
Mưa bay...
Đường xa mưa bay
|