Gia đình mình về quê. Ông bà nội chạy ra tận ngõ đón, con trai bé hơn một tuổi ngậm bình sữa lạ lẫm nhìn mọi người rồi khóc thét lên khi bà nội bồng trên tay. Bà khóc vì “thằng cháu vàng đích tôn” bụ bẫm, kháu khỉnh vượt gần 2.000 km để về với bà, cháu khóc lạ hơi rồi lại cười khanh khách trong lòng bà. Con gái nhõng nhẽo đòi ông cho thăm mấy gia đình bồ câu năm ngoái giờ đã đông đúc hơn chưa? Mình và ông xã nhìn nhau cười, quãng đường xa, mệt nhọc tưởng ngấm chật người giờ tan biến, hạnh phúc đôi khi thật giản dị và nhẹ nhõm…
Sáng hôm sau theo mẹ chồng ra chợ Nấp. Những hàng quán đông gấp hai lần ngày thường, người đi chợ cũng lèn chặt không kém gì các khu chợ lớn. Sự nhộn nhịp, tất bật của chợ phiên ngày giáp Tết không hề lấy mất đi những câu chào hỏi của người làng, người xã: “Bác ởi, sắm sửa Tết đến đâu rồi?”. “Cũng như mọi nhà bác ạ. Thế nhà bác gói mấy cân nếp?”; “Độ chục cân ăn ra giêng luôn thể. Thế con cháu nhà mình có về quê ăn Tết không đới?”; “Chúng nó về tất bác ạ. Đi cả năm rồi có mấy ngày Tết phải về với bố mẹ chứ”; “Thế là bác có phúc đới. Không phải nhà nào con cái cũng thế cả đâu”… Mình men theo câu chuyện của hai cụ đi từ hàng quán này đến hàng quán khác. Chạnh lòng ước muốn giá như mẹ mình còn sống để những ngày này được đi bên mẹ, được hít hà đầy ngực hơi thở thơm tho của mẹ, được nắm lấy đôi bàn tay mẹ hôn lên những nốt sần chai. Mẹ mình mất sớm khi tóc chưa kịp phai, tuổi chưa kịp già, da chưa kịp trổ đồi mồi. Mưa lây phây không đủ ướt áo, lòng ấm hơn khi mẹ chồng hỏi: “Có lạnh không hở con?”.
Cái làn của hai mẹ con đầy lên đến tận quai. Toàn là bánh kẹo và rau củ. Bố bảo Tết năm nay ăn thịt lợn đụng, giò nạc, giò mỡ tự làm, vịt gà nhà tự nuôi, các loại rau củ nhà tự trồng nên chỉ mua những thứ nhà còn thiếu. Cũng không có gì nhiều: một ít kẹo lạc của bà cụ Bối năm nào cũng bán ở ngay lối vào chợ; một ít bánh nhãn của cô Thoa, rồi ít mứt dừa, mứt bí, khoai lang, mẹ mua thêm cân gừng tươi làm mứt để “con dâu có tí việc mà làm cho đỡ buồn”. Mình mua thêm thúng mủng, rổ rá tre, mẹ bảo rổ rá nhựa tiện mà lâu hỏng sao không mua, mình cười bảo nhìn chúng chẳng cảm tình gì cả, chứ nhìn rổ rá tre là đã thấy thương rồi. Thương vì nhìn thấy chị bán rổ rá có nụ cười tươi quá, chị vừa bán vừa thoăn thoắt tay đan. Thương vì mình nhìn thấy bóng dáng mẹ mình chẻ lạt tre, dạy con đan nong mốt, nong hai, dạy con cạp rổ rá phải chắc tay, mịn lạt, khéo ôm tròn thì rổ rá mới bền, mới đẹp… Từ nhỏ chị em mình đã biết đan rồi, sau này rời quê đến Lâm Đồng, chị em mình đi đan mây phụ mẹ kiếm sống, chủ xưởng mây Lam Sơn tấm tắc khen hàng gì giao cho gia đình mình làm cũng đều rất khéo và đẹp. Hai mươi năm sau, xưởng mây Lam Sơn chỉ còn là những dãy nhà xưởng tiêu điều, hoang vắng nằm im lìm giữa những tán điều, xưởng giải thể vì làm ăn thua lỗ. Vài lần về lại Madaguil đi ngang đó mình luôn dừng lại để hình dung mẹ với mấy chị em mình ngồi thành vòng tròn đan mây… Tiếng cười mẹ con mình lan trên cánh đồng, làm rung rinh mấy luống hoa cải cúc để quá lứa trổ bông rực rỡ. Hai mẹ con đi trên triền đê, gió chiều trong chút nắng mùa đông vẫn lạnh dù không tê tái. Gió mang theo mùi thơm của cỏ ngai ngái, của lúa nếp non, của hơi đất đổ ải... ngấm đầy ngực mình.
Về nội rồi về ngoại. Rời Nam Định đến Bắc Giang. Những chuyến xe ngày giáp Tết bao giờ cũng “kinh hoàng”, một ghế đến hai người ngồi, các lối đi tận dụng hết, trẻ con ngồi trong lòng mẹ vì không đủ chỗ, lạ kỳ, chẳng ai phàn nàn gì về điều đó, mọi người chỉ mong ngóng cái đích đến là về nhà, thế là mọi chuyện tốt lành cả, còn cái sự lèn người đến chảy mồ hôi hột giữa cơn gió mùa đông bắc ngoài kia chẳng phải là cái điều phiền phức lắm.
Từ xa nhìn thấy cây gạo cổ thụ sừng sững đầu làng… Bao lần mở rộng đường, bao lần quy hoạch làng Dục Quang thành thị trấn người ta đã muốn đốn bỏ, nhưng những bậc cao niên nhất quyết không cho. Cây gạo tuổi đã trăm năm, đó là linh hồn, là dáng vóc, là chứng nhân cho những cuộc bể dâu của ngôi làng cổ này… Mình chạm vào thân cây gạo, rưng rức nhớ dáng mẹ tựa trông về phương nam mong cha trở về… Những đốm lửa xanh, những đốm lửa hồng nẩy lên từ những cành khẳng khiu. Chồng bóp tay mình nhè nhẹ: “Vào nhà bà thôi em…”. Bà mình mất từ mấy năm trước, giờ vợ chồng cậu Út ở, nhưng mọi người vẫn gọi là “nhà bà”, vẫn gọi “U ởi” từ ngoài ngõ như khi bà còn sống.
Lối xoan ngõ nhà bà… Nỗi nhớ của mình đây. Tết ở đâu đó, lẫn với ngày thường, không còn rộn rã như trước kia nữa, nhưng cuối năm vẫn là mùa nhớ, người tha hương nhớ quê mà tìm về, người ở quê nhớ những điều cả năm quên chưa làm thì làm nốt, trẻ con nhớ quần áo mới và bao lì xì, người già nhớ những điều xưa cũ…
Thỉnh thoảng mình vẫn mơ cùng một giấc mơ, mẹ mình từ miền xa thẳm trở về, vuốt lên tóc mình, xoa lên đôi chân đã mỏi mòn những cung đường dịch chuyển, rồi người mỉm cười trìu mến giang đôi tay ôm lấy mình, ôm lấy các con của mình…
Mà lạ, chúng ta cứ hay chùng chình điều nọ, điều kia để rồi nén cảm xúc lại chờ cuối năm để nhớ… Tại sao lại phải chờ? Khi nỗi nhớ đến thì hãy đón nó thôi…