Tấm lòng kiều bào với Trường Sa

|

NDO - Sau ba năm thực hiện, tháng 5/2021 vừa qua, truyện ký “Kiều bào với Trường Sa” của nữ nhà văn Hiệu Constant - Việt kiều Pháp đã chính thức ra mắt, thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả trong và ngoài nước.

Tác phẩm là những ghi chép chân thực, sống động về chuyến công tác của đoàn kiều bào tới từ 24 quốc gia trên thế giới ra thăm quần đảo Trường Sa năm 2018. Nhà văn Hiệu Constant chia sẻ với Nhân Dân điện tử về cuốn sách đặc biệt này.

“Miền đất thứ Tư” của Tổ quốc

Phóng viên: Quần đảo Trường Sa luôn có ý nghĩa đặc biệt đối với mỗi người dân Việt Nam. Chị có thể chia sẻ cảm xúc của mình trước và sau khi đến với Trường Sa?

Nhà văn Hiệu Constant: Người xưa đã từng nói “Trăm nghe không bằng một thấy”, tôi thấy câu này đúng 100% đối với bối cảnh ở Trường Sa, hay chí ít cũng là với tôi. Như tất cả những người dân Việt Nam và đặc biệt hơn là người Việt viễn xứ, tôi quan tâm nhiều đến đất nước mình, đến sự phát triển và những cải thiện trong cuộc sống hằng ngày ở các vùng sâu vùng xa, nhất là ở các vùng lãnh hải, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Trước đây, tôi đã đọc khá nhiều sách, tài liệu, tham gia các buổi chiếu phim, hội thảo, lắng nghe các nhà báo và nhà làm phim kể chuyện về Trường Sa và trên các mạng xã hội, tôi cũng được xem không ít những bài viết, hình ảnh,… Và tôi đã ngỡ mình biết nhiều về Trường Sa lắm rồi. Nhưng khi chính thức được đặt chân lên những hòn đảo ở ngoài khơi xa của Việt Nam, tôi đã rất xúc động và ngỡ ngàng.

Chuyến đi chỉ có 10 ngày thôi mà tôi như sống cả hàng chục cuộc đời, có vui có buồn, có xúc động và cả những phút sợ hãi, nhưng tình thương yêu lúc nào cũng dâng trào. Tôi tin rằng, ai đã một lần được đặt chân đến Trường Sa thì sẽ nhìn cuộc sống không còn giống như trước đây nữa. Trường Sa khiến cho con người cảm thấy mình thật nhỏ bé trước thiên nhiên bao la, Trường Sa khiến cho con người cùng màu da sắc tộc sẵn sàng bỏ qua mọi chính kiến để xích lại gần nhau hơn để cùng hướng về Việt Nam đất mẹ thương yêu.

 Giao lưu văn nghệ cùng các chiến sĩ trên đảo.

Phóng viên: Điều thu nhận lớn nhất của chị từ chuyến đi ý nghĩa này?

Nhà văn Hiệu Constant: Phải nói tôi đã thu nhận được nhiều thứ từ chuyến đi này, nhưng trên hết tôi khám phá ra miền đất mà tôi gọi là “Miền đất thứ tư” của Tổ quốc sau ba miền bắc-trung-nam. Qua chuyến đi, tôi đã có thể tự xác nhận những gì mình đã được biết và hiểu về Trường Sa.

Thứ nữa là trong chuyến đi này, tôi được làm quen với rất nhiều kiều bào như tôi trở về từ 24 quốc gia trên thế giới. Qua những cuộc trò chuyện với họ, tôi biết được cuộc sống và sinh hoạt của cộng đồng Việt nơi đó, mà phải thừa nhận rằng có những nơi tôi mới chỉ được nghe tên nhưng chưa hề nghĩ rằng có người Việt sinh sống.

Tôi có cơ hội khám phá những câu chuyện, những hành trình viễn xứ của một số người, những khó khăn của họ để cùng lúc vừa dạy tiếng Việt cho con, vừa giữ gìn bản sắc dân tộc của mình, nhưng vẫn làm việc và hòa nhập tốt vào cuộc sống của đất nước bản xứ. Tôi ngưỡng mộ thành quả đạt được của một số kiều bào trên xứ người và học hỏi được từ họ được ít nhiều. Cũng qua chuyến đi này, tôi được củng cố thêm rằng kiều bào ở bất kỳ đâu, cho dù là ai, thuộc thế hệ nào thì vẫn luôn hướng về quê cha đất tổ, về đất nước Việt Nam của mình.

Phóng viên: Với thành phần là các kiều bào tới từ 24 quốc gia trên thế giới, có thể nói chuyến đi là một cuội hội tụ đặc biệt của những người Việt Nam ở xa Tổ quốc. Dưới góc nhìn của một nhà văn, nhà báo, chị đánh giá sự khác biệt cũng như điểm chung lớn nhất của các thành viên trong đoàn là gì?

Nhà văn Hiệu Constant: Chị nói đúng, chuyến đi của chúng tôi gồm những kiều bào trở về từ 24 quốc gia, ngoài việc chúng tôi cùng mang trong mình dòng máu đỏ da vàng, cùng có chung mẫu số là một nền văn hóa Việt nhưng ít nhiều trong mỗi chúng tôi đều đã được lai tạo bởi nền văn hóa, ngôn ngữ của nước bản xứ mà chúng tôi đang sinh sống và làm việc.

Nói về điểm khác nhau giữa chúng tôi thì nhiều vô cùng, ngoài chuyện mỗi người có những lý do riêng để viễn xứ. Nhưng điểm chung lớn nhất của chúng tôi đó là tình cảm không phai lạt dành cho quê hương và tổ quốc mình, dành cho Trường Sa thân yêu. Mỗi người trong chúng tôi, bằng khả năng và điều kiện của mình, đều dành tâm tư, tình cảm cũng như sẵn sàng đóng góp công sức, vật chất để xây dựng quê hương mỗi khi có thể!

Là một nhà báo tác nghiệp tại Pháp, tôi có thể khẳng định rằng không phải kiều bào nào cũng có điều kiện kinh tế nhưng mỗi khi nghe được lời kêu gọi trợ giúp đồng bào trong nước gặp hoạn nạn như thiên tai, lũ lụt, hạn hán, bệnh tật… thì phần lớn kiều bào nào cũng sẵn sàng đóng góp ít nhiều.

Nhà văn Hiệu Constant tại cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa. 

Phóng viên: Hành trình 10 ngày khám phá quần đảo Trường Sa, có điều gì khiến chị bất ngờ nhất?

Nhà văn Hiệu Constant: Sự bất ngờ trong chuyến đi đối với tôi thì có rất nhiều nhưng có lẽ ấn tượng và bất ngờ nhất là khi tận mắt nhìn những hòn đảo chìm như đảo Cô-Lin hoặc đảo Đá Đông B… Tôi bị ấn tượng trước sự chênh vênh đơn lẻ của các hòn đảo này, sau đó là các vườn rau tự tạo của bộ đội trên đảo, rồi đến những tấm kính và những cánh quạt gió khổng lồ để thu năng lượng mặt trời và sẽ được biến thành điện để sử dụng.

Điều bất ngờ gây cũng ấn tượng rất nhiều đối với tôi đó là câu chuyện về đoàn kiều bào Thái Lan. Tôi đã tiếp xúc khá nhiều với các anh (từ 60 đến 80 tuổi), đa phần đều được sinh ra và lớn lên tại Lào hoặc Thái Lan nhưng các anh nói tiếng Việt rất giỏi, thông hiểu lịch sử Việt Nam, tình cảm và sự kính trọng mà các anh dành cho Tổ quốc Việt Nam và Bác Hồ thì khó ai sánh kịp.

Mong muốn kết nối người Việt Nam khắp thế giới cùng hướng về Tổ quốc

Phóng viên: Sau chuyến đi, điều gì đã thôi thúc chị viết tác phẩm “Kiều bào với Trường Sa”?

Nhà văn Hiệu Constant: Cũng giống như nhiều người làm việc công việc viết lách, ở Paris (Pháp) khi chuẩn bị va li cho chuyến đi, tôi đã dự tính thực hiện một vài bài viết nhân chuyến đi này. Nhưng khi về đến Cam Ranh, gặp gỡ các đồng bào trở về từ khắp nơi trên thế giới, ý định viết một cuốn sách đã lập tức hình thành trong tôi.

Chính vì thế nên trong suốt cuộc hành trình, tôi đã gắng gỏi thâu nhận rất nhiều ý kiến, chăm chú quan sát, trò chuyện và phỏng vấn nhiều người. Trong suốt chuyến đi, tôi đã rất phần khích, hồ hởi để có thể viết cuốn sách này, thế nhưng khi về đến đất liền, về đến Pháp, tôi đã rất khó để viết ra. Rồi cứ lần lữa mãi tôi mới viết được. Quả thật, khi viết xong, tôi cũng được nhẹ lòng. Tôi rất vui khi cuốn sách đến được tay bạn đọc.

Tôi đã nhận được không ít tin nhắn với những lời cám ơn dành cho tôi vì đã lên tiếng nói hộ nhiều người, bày tỏ tình cảm đối với quần đảo Trường Sa. Cũng qua tác phẩm này, tôi muốn gửi bức thông điệp đến đồng bào trong nước rằng kiều bào luôn hướng về tổ quốc với những tình cảm yêu thương, gắn bó chân thành nhất.

Bìa cuốn sách “Kiều bào với Trường Sa”. 

Phóng viên: Chị có thể chia sẻ về quãng thời gian dành để nghiền ngẫm và thực hiện cuốn sách đặc biệt này? Vì sao lại khó viết khi mà trong tay chị đã có vô số tư liệu hay từ chuyến đi?

Nhà văn Hiệu Constant: Phải nói rằng tôi viết cuốn sách này trong một tâm thái rất đặc biệt, và phải mất 3 năm mới hoàn thành, dẫu tác phẩm không quá dài so những tác phẩm khác mà tôi đã viết. Có lẽ do tôi quá nhiều việc chăng? Tận sâu trong tâm khảm tôi biết rằng đó không phải là lý do chính.

Việc tôi cứ trì hoãn viết cuốn sách này là bởi những tình cảm mà tôi còn giữ được trong chuyến đi ấy quá đẹp, quá chân thành, quá sâu sắc nên mỗi khi định bắt tay vào viết, tôi sợ khuấy động ký ức và khiến những gì đang đọng trong tôi bị vỡ òa mất. Tôi còn nhớ sau nhiều tháng đi Trường Sa về, tôi đã tránh gặp mọi người, tôi không muốn mọi người hỏi tôi về chuyến đi đó… Quả vậy, có những điều tôi chỉ muốn giữ cho riêng mình!

Phóng viên: Tại sao chị lựa chọn thể loại ký để thể hiện tác phẩm này?

Nhà văn Hiệu Constant: Là một nhà văn nên tôi thấu hiểu chút ít rằng trong những bối cảnh như thế nào thì nên sử dụng cách kể hay dẫn chuyện như thế nào cho hợp lý và dễ dàng dẫn dắt bạn đọc theo câu chuyện của mình, và trong bối cảnh của chuyến đi thăm và tặng quà cho quân và dân trên quần đảo Trường Sa này, tôi thấy thể loại truyện ký là hợp lý nhất: Thiết thực, tả thật, người thực việc thực. Cùng lúc vừa nêu được chính kiến của riêng mình vừa đưa được những câu chuyện của mọi người trong đoàn.

Hơn nữa, qua tác phẩm này, tôi mong muốn ai đó đã đọc sách của tôi, rồi đi công tác hay du lịch trên thế giới, có thể nắm giữ tên của các nhân vật và có thể liên hệ với họ tại các nước sở tại. Ý tưởng của tôi là kết nối kiều bào và đồng bào trên khắp thế giới, giúp họ xích lại gần nhau và đều hướng về Tổ quốc.

Phóng viên: Thách thức lớn nhất đối với chị khi thực hiện cuốn sách “Kiều bào với Trường Sa” là gì?

Nhà văn Hiệu Constant: Là một nhà văn, tôi hiểu hơn ai hết rằng khi cố trình bày những điều vượt quá ngôn từ, ta chỉ kéo những điều thiêng liêng xuống mức tầm thường, vẻ đẹp tao nhã tinh khiết thoát tục trở nên trần tục… Vâng, thách thức lớn nhất đối với tôi khi viết cuốn sách này là phải làm sao lột tả được vẻ đẹp kiêu hùng của biển đảo Việt Nam, và sự anh dũng kiên cường của các chiến sĩ hải quân, đưa được những hình ảnh ấy đến với đông đảo bạn đọc trong nước cũng như trên thế giới và tôi đã cố gắng…

Tôi cũng đã cố gắng lột tả những cảm xúc, những tình cảm của kiều bào, nhất là các thành viên có mặt trong chuyến đi ấy và của chính tôi đối với quần đảo Trường Sa. Rất vui là cuối cùng tôi đã hoàn thành được tâm nguyện, cuốn sách đã đến được tay bạn đọc.

Nhà văn Hiệu Constant trò chuyện với các y, bác sĩ trên đảo Phan Vinh. 

Phóng viên: Chia sẻ về cuốc sách, nhà thơ Trần Đăng Khoa viết: “Đây là cuốn sách quý. Chúng ta lại có thêm một cột mốc chủ quyền mà nhà văn Hiệu Constant cắm cho quần đảo Trường Sa.” Rõ ràng chúng ta rất cần những “cột mốc chủ quyền” bằng báo chí, bằng văn chương mà mỗi người viết có một phần trách nhiệm của mình ở trong đó. Chị nghĩ gì về điều này?

Nhà văn Hiệu Constant: Tôi biết nhà thơ Trần Đăng Khoa đã ưu ái nên đã dành cho tôi những lời động viên như thế! Tuy vậy tôi cũng cảm thấy có chút tự hào vì đã góp thêm được một hạt cát để xây dựng những hòn đảo ở Trường Sa. Cắm thêm cột mốc chủ quyền, xây dựng những hòn đảo vững chắc hơn, cải thiện cuộc sống cho các chiến sĩ hải quân và các hộ dân trên các đảo có lẽ đều là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam.

Với kiều bào chúng tôi cũng vậy! Tôi mong Đảng, Nhà nước Việt Nam có thể tổ chức được nhiều chuyến đi, không chỉ đưa kiều bào mà còn nhiều người dân trong nước được tới Trường Sa, được tận mắt chứng kiến những hòn đảo và cuộc sống ở đó.

Chúng tôi như bầy chim bay đi khắp bốn phương trời. Dù sải cánh bao xa, nhưng chúng tôi đều mang theo trong tâm hồn mình bóng mát của một thời tuổi trẻ được sinh ra và lớn lên tại làng quê mình, trong vòng tay của cha mẹ, của quê hương. Bóng mát đó là tinh thần và truyền thống Việt. Bóng mát đó là thư viện, giảng đường… và bóng mát đó là sự bất khuất kiên cường, vượt qua mọi gian khó, để vươn lên, tiến thẳng về phía trước của dân tộc Việt Nam. Và chúng tôi luôn tự hào về dòng máu Việt, sẵn sàng hòa nhập với đời sống nước sở tại nhưng luôn giữ vững bản sắc dân tộc của mình.

Phóng viên: Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!