Binh nghiệp khó quên
“Chuyện kéo cờ trên đảo Song Tử Tây ngày ấy trở thành kỷ niệm. Một kỷ niệm khó quên của riêng tôi!”, Thượng úy Lê Xuân Phát nhắc lại mốc son của một thời trai trẻ.
Nhà ông nằm bên quốc lộ 5, thuộc địa bàn phường Quán Toan, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng. Tuy vậy, ông có gốc gác cách xa nơi này. Ông Phát quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Nhập ngũ năm 1972, lúc đó mới 19 tuổi. Vào quân ngũ, cấp trên thấy ông nhanh nhẹn, khỏe mạnh, lại thạo về sông nước, nên chuyển sang đào tạo về đặc công. Khóa học khắc nghiệt, đòi hỏi học viên phải nỗ lực hết mình. Sau thời gian huấn luyện binh chủng gian khổ, ông được biên chế về đơn vị chiến đấu ở Đội 1, Tiểu đoàn 861 thuộc Binh chủng Hải quân.
Lúc đó, cả nước đang hừng hực khí thế chuẩn bị cho cuộc nổi dậy tổng tiến công. Sau ba năm huấn luyện, ông nhận được lệnh vào nam chiến đấu. Đây là lần ra trận đầu tiên trong đời binh nghiệp của ông. Phải đến lúc vào đến cảng Đà Nẵng, ông mới biết nhiệm vụ của mình và các đồng đội là giải phóng đảo Song Tử Tây, thuộc quần đảo Trường Sa.
Ông Phát (áo trắng) trong buổi họp Chi bộ. Ảnh: SONG SONG
Hành trình đưa Quốc kỳ ra đảo
Khí thế chiến đấu vẫn còn vẹn nguyên trong câu chuyện của người lính ngày nào. Ở tuổi 63, vóc dáng vẫn còn nhanh nhẹn, bản tính người lính dễ gần. Ông cười xòa khi tiếp chúng tôi: “Có được sức khỏe như ngày hôm nay là nhờ có quá trình khổ luyện từ thời trai trẻ làm lính đặc công nước”. Khi ấy, cao 1m64 nặng chưa đầy 48 kg, vậy nhưng ông biết: “Điều chờ chúng tôi phía trước sẽ là một trận đánh sinh tử”.
Ngày ấy, ai cũng lạ lẫm với đảo, nhưng cứ nghĩ đến chuyện chạm chân mình vào đảo lại thấy khí thế vô cùng. Biển cả mênh mông và những con sóng như hát lên trong tim người lính. Nghĩ vậy, nên ai cũng quyết tâm giải phóng, dù có phải hy sinh. Trên hành trình, đơn vị đi ba tàu không số, được ngụy trang như những con tàu đánh cá của ngư dân quanh vùng. Sàn tàu bằng gỗ được nạy hết lên để lấy chỗ cho hơn 20 chiến sĩ gồm bộ đội chủ lực, bộ binh, hải quân và hỏa lực… ngụy trang. Trên tàu giăng đầy lưới để tránh sự chú ý của địch. “Chúng tôi bắt đầu xuất phát từ Đà Nẵng vào ngày 11-4. Qua hai ngày lênh đênh, đến 4 giờ 30 phút sáng 14-4-1975 thì đến Song Tử Tây. Sau khi đồng chí chỉ huy xác định mục tiêu, thả neo và báo động các chiến sĩ dưới boong lên tiếp cận mục tiêu, anh em chúng tôi lúc đó vẫn say sóng, cảm giác lâng lâng. Nhưng khi đặt chân xuống xuồng cao-su để tiếp cận đảo thì ai cũng tỉnh”, ông Phát nhớ lại.
Đảo Song Tử Tây ngày ấy cây sâm đất mọc um tùm như cây cỏ, trên đảo mấy cây dừa thưa lá cao vút do chịu gió biển. Chim nhiều vô kể, nhiều đến nỗi anh em vận động tiếp cận đảo sát mép nước mà giẫm, bò phải trứng chim nghe nổ bôm bốp như pháo tép vậy! Thấy động, một số chim nhớn nhác bay lên, địch liền bắn cầm canh vu vơ mấy loạt đạn, thấy yên chúng lại thôi. Khoảng hơn bốn giờ, anh em từ bốn hướng tiến công đảo, sau hơn 20 phút chiến đấu, tiếng súng đã co cụm về phía đài chỉ huy của địch, thượng sĩ Lê Xuân Phát tách khỏi đội hình, nhanh chóng tiếp cận cột cờ.
Lá cờ giải phóng được chiến sĩ Phát buộc chặt quanh người từ trong đất liền. Bằng thao tác nhanh gọn, thượng sĩ Phát một tay kéo lá cờ ngụy xuống, một tay nâng lá cờ giải phóng ngang đầu. Thấy cờ nguỵ bị kéo xuống, súng nổ từ phía đài chỉ huy của địch quay trở lại mỗi lúc một nhiều hơn. “Tôi không nghĩ đến cái chết mà chỉ muốn ngay tức khắc, lá cờ giải phóng tung bay trên hòn đảo này”. Thượng úy Phát nhớ lại: “Lúc nước sôi lửa bỏng, cờ của ngụy đã gần xuống tới mặt đất thì đột nhiên bánh xe bị kẹt lại. Tôi phải leo lên cột, lấy tay giật cờ địch xuống rồi gắn cờ của ta lên và cứ thế kéo. Vừa kéo tôi vừa khóc. Sau đó, tôi dùng loa đài, kêu gọi địch ra hàng. Quân ngụy lúc đó biết không thể kháng cự được nữa, nên chỉ 15-20 phút sau là trận chiến kết thúc”.
Chỉ trong ít phút sau khi lá cờ được cắm trên đảo Song Tử Tây, tất cả lính ngụy trên đảo đều tự nguyện ra hàng. Ánh bình minh đầu tiên của ngày 14-4-1975 dưới ánh mắt chàng trai Lê Xuân Phát sao mà đẹp đến thế! Ông bảo, bởi đó là ánh bình minh đầu tiên của một hòn đảo tự do.
Và vẫn mãi trường tồn
“Mới đó mà đã 40 năm rồi, nhanh nhỉ”, ông Phát trầm ngâm. Ông kể tiếp, năm 2012, tôi lại được đứng trên một con tàu vượt biển, trở lại đảo Song Tử Tây với những bồi hồi. Đứng trên boong tàu nhìn vào, tôi đã không nhận ra. Hòn đảo lộng lẫy như một thành phố nổi. Song Tử Tây - một minh chứng cho sự phồn thịnh của đất nước. Trước sự đổi thay, ông xúc động trào nước mắt… Cùng chuyến đi ấy có Trung tướng Lê Văn Tấn, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Lớn giai đoạn 1982-1987. Ông Tấn rất vui, cho biết cảm xúc của mình: “Ở đảo bao năm nhưng chuyến đi đó tôi mới được gặp người cắm cờ trên đảo. Là người trực tiếp cắm lá cờ giải phóng, mở màn các trận đánh giải phóng tuyến đảo Trường Sa. Sau này, tôi mới biết, chúng tôi là đồng hương với nhau!”.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa, Lê Xuân Phát lại tiếp tục lên đường chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Năm 1988, ông rời binh nghiệp, sau đó đi xuất khẩu lao động tại Liên Xô (trước đây).
Trở về năm 1990 đến giờ, ông và gia đình vẫn sinh sống tại Hải Phòng, quê vợ. Ông dành một mảnh đất sau nhà, hằng ngày trồng rau sạch và thả gà. Mùa nào rau ấy, ông có thêm một niềm vui giản dị của tuổi già. Được đảng viên, cán bộ tổ dân phố yêu mến, tin tưởng, nhiều năm liền, ông Lê Xuân Phát được bầu giữ chức Bí thư Chi bộ tổ dân phố… Kể đến đây, ông cho chúng tôi xem lại những tấm hình trong chuyến quay trở lại Trường Sa. Những kỷ niệm của tuổi đôi mươi ngày ấy trong ông vẫn còn tràn đầy tươi mới! Và dù đã có biết bao đổi thay trên hòn đảo Song Tử Tây, nhưng hình ảnh lá Quốc kỳ tung bay trong buổi bình minh ngày 14-4-1975 vẫn mãi trường tồn.