Chủ động nắm chắc tình hình, đấu tranh không khoan nhượng

|

Để cuộc chiến chống ma túy đạt hiệu quả đòi hỏi nỗ lực và quyết tâm cao của toàn xã hội, trong đó có lực lượng chuyên trách PCMT. Nhân Dân hằng tháng trao đổi với Trung tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng Cục CSĐTTPMT (ảnh bên) về những giải pháp đấu tranh, phòng ngừa trong thời gian tới.

Thời gian qua, lực lượng CSĐTTPMT tập trung triệt phá nhiều chuyên án xuyên quốc gia đặc biệt lớn, mua bán, vận chuyển qua đường biển tới cả tấn ma túy. Có kết quả này, phải chăng nhờ sự chuyển hướng trong đối sách đấu tranh?

Với vai trò chủ công trong đấu tranh chống TPMT, Cục CSĐTTPMT đã chỉ đạo toàn lực lượng liên tiếp triệt phá nhiều đường dây ma túy lớn ở các điểm nóng tuyến biên giới Việt- Lào và gần đây đánh mạnh TPMT hoạt động trên tuyến đường biển, địa bàn bắc miền trung, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam, vụ bắt giữ nhiều nhất hơn 1,1 tấn ma túy. Nếu trước đây thường chỉ bắt được ở “khúc giữa”, thì nay đã triệt phá triệt để, bắt được cả đối tượng cầm đầu người nước ngoài, thâm chí còn áp dụng vận chuyển có kiểm soát để trao đổi thông tin cho nước bạn bắt giữ.

Cần nhấn mạnh là phá án thành công không thể thiếu sự phối hợp trao đổi thông tin kịp thời, khăng khít, hợp đồng chiến đấu hiệu quả giữa các lực lượng và giữa công an Việt Nam với cơ quan PCMT các nước. Từ nguồn tin về đối tượng (nhân thân, mối quan hệ, biểu hiện nghi vấn), chúng tôi đã xác minh, phân tích, phán đoán chính xác, từ đó khui ra nhiều đường dây, tập đoàn ma túy rất lớn. Chúng tôi được lãnh đạo Bộ cho phép trao đổi trực tiếp qua điện thoại với lực lượng chức năng nước bạn và nhanh chóng xử lý thông tin, quyết định phương án tác chiến. Đánh giá cao nỗ lực và quyết tâm chống ma túy của Việt Nam, các nước nhiệt tình phối hợp giúp đỡ bởi họ cũng muốn chủ động phòng ngừa từ xa. Ma túy đang là thảm họa của toàn cầu và TPMT hoạt động xuyên quốc gia đòi hỏi các nước phải phối hợp chặt chẽ trong phòng, chống, không chỉ trên văn bản ký kết mà còn đi vào những nội dung cụ thể, qua quá trình tác chiến.

Có phải trấn áp mạnh TPMT góp phần giảm nguồn cung ma túy trong nước, không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển là mục tiêu lớn trong đấu tranh, thưa ông?

Đúng vậy. Chúng tôi luôn sắt son với bốn lời thề của lực lượng CSĐTTPMT. TPMT hoạt động càng mạnh, chúng tôi tăng cường trấn áp. “Cứu một người phúc đẳng hà sa”, tiêu diệt một TPMT cứu được cả nghìn người thoát khỏi hiểm họa rình rập. Năm 2018, Cục bắt giữ 163 vụ, 364 đối tượng thì trong năm tháng đầu năm 2019 đã đánh trúng nhiều đường dây ma túy lớn, xuyên quốc gia, thu hơn ba tấn ma túy, khởi tố hàng trăm đối tượng mua bán ma túy sừng sỏ.

Trận tuyến chống ma túy còn gian nan, khốc liệt. Đã có hàng trăm CBCS bị thương, 24 CBCS và người dân tham gia đấu tranh anh dũng hy sinh. Nhưng chúng tôi không chùn bước và tin tưởng sẽ giành thắng lợi bởi lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo sát sao, người chỉ huy bản lĩnh, quyết đoán, dày dạn kinh nghiệm, CBCS nhiệt huyết, không quản ngại khó khăn, gian khổ và dũng cảm, mưu trí đánh án. Bản thân tôi trực tiếp xung trận chỉ huy phá các chuyên án lớn vừa qua, lực lượng mình mạnh, chủ động, nắm rõ thủ đoạn, quy luật hoạt động của đối tượng, triển khai vây ráp nhiều mũi, phá án đúng thời điểm thì đối tượng buộc phải quy hàng, bảo đảm an toàn cho CBCS và nhân dân.

Để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đòi hỏi lực lượng chuyên trách chống TPMT không ngừng nâng cao trình độ, tinh thông nghiệp vụ, yêu nghề, trách nhiệm cao, vận dụng pháp luật chặt chẽ, linh hoạt sáng tạo, đấu tranh không khoan nhượng TPMT. Điều tra cơ bản, rà soát, lên danh sách các đường dây, ổ nhóm tội phạm trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, nắm chắc tình hình, xây dựng thế trận liên hoàn, vững chắc trong phòng, chống và kiểm soát ma túy mới “hạ nhiệt” thành công. Tuyến đường biển cần tiếp tục tập trung đấu tranh nhưng cũng tính toán để vừa tạo điều kiện thông quan thông thoáng phục vụ phát triển kinh tế nhưng vẫn bảo đảm kiểm soát, phát hiện kịp thời các vụ vận chuyển ma túy. Trước tình hình MTTH hoành hành nhức nhối và nguy cơ các đối tượng là người nước ngoài liên kết với tội phạm trong nước tổ chức sản xuất loại ma túy độc hại này, bên cạnh tăng cường triệt xóa các đường dây, tụ điểm mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng, cần kiểm tra, quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp nước ngoài có hoạt động nghi vấn, ngụy trang để tổ chức sản xuất, vận chuyển trái phép chất ma túy; quản lý chặt chẽ lượng tiền chất nhập khẩu trong lĩnh vực công nghiệp, y tế.

Từ năm 2002, Thủ tướng ban hành Quyết định 133 về quy chế phối hợp giữa lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan trong đấu tranh phòng chống TPMT tại địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển. Thời gian tới, bốn lực lượng cần phối hợp chặt chẽ thế nào để trấn áp mạnh mẽ hơn, thưa ông?

Bốn lực lượng chủ công (CSĐTTPMT, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển) phối hợp tạo quả đấm thép trấn áp, thể hiện rõ nét qua kết quả bóc gỡ nhiều đường dây, sào huyệt ma túy lớn, triệt xóa những “chảo lửa” ma túy ở biên giới. Thẳng thắn nhìn nhận, có lúc vẫn xuất hiện tình trạng cát cứ, chưa thật sự tập trung sức mạnh. Lực lượng Bộ đội Biên phòng sáp nhập về Bộ Công an là một hướng gợi mở khả thi cho đấu tranh chống tội phạm nói chung, TPMT nói riêng cần nghiên cứu xem xét. Cần xây dựng hàng rào, phòng tuyến ở biên giới vững chắc để ngăn chặn ma túy thẩm lậu vào nước ta, trong đó lấy cấp huyện làm nòng cốt gắn với trách nhiệm của chính quyền và công an cơ sở, tập trung đầu tư biên chế và nguồn lực. Tăng cường công an chính quy cho các xã giúp nắm được các đối tượng, cơ sở có biểu hiện bất minh liên quan đến ma túy, từ đó xác minh thông tin nghi vấn, lập án đấu tranh. Nghiên cứu xây dựng trạm kiểm soát công khai hiện đại tại Tân Lạc (Hòa Bình) nhằm thí điểm kiểm soát chặt chẽ từ các tỉnh Tây Bắc chảy về xuôi, nếu có hiệu quả thì đầu tư nhân rộng…

Hơn 225 nghìn người nghiện trong toàn quốc có hồ sơ quản lý chính là nguồn cầu tạo áp lực trong đấu tranh, ông có đồng ý với nhận xét đó?

Số người nghiện trong xã hội còn lớn hơn. Người nghiện và gia đình họ, thậm chí một số địa phương muốn đạt đủ tiêu chí nông thôn mới cũng có tâm lý muốn che giấu thực trạng nghiện và phạm tội về ma túy. Giảm cầu cần tiến hành thường xuyên. Khi không còn người nghiện thì ma túy bán không có người mua, nhưng khi người nghiện còn đông ắt xuất hiện nguồn cung dồi dào đúng theo quy luật thị trường. TPMT là căn nguyên phát sinh các loại tội phạm. Một ngày người bình thường nhịn đói thì chỉ mệt nhưng nghiện không sử dụng ma túy là lên cơn vật, thiếu tiền hút, chích dẫn đến gây án. Vấn đề đặt ra là cần thay đổi tư duy trong phòng, chống bởi nếu chỉ lao vào đấu tranh để chặn cung, bắt giữ sẽ không xuể, nên phải bằng mọi cách giảm cầu hiệu quả. Cục đã đề xuất xây dựng tiêu chí để thống kê chính xác hơn số người nghiện trên toàn quốc, từ đó có đối sách cụ thể, phù hợp trong quản lý và phòng ngừa.

Nâng cao nhận thức cho người dân về kiến thức, pháp luật, tác hại của ma túy là giải pháp quan trọng trong phòng ngừa. Theo ông, tuyên truyền đã đủ thấm để toàn xã hội chung tay phòng, chống hiểm họa này?

Trong cùng một thời điểm, lực lượng chuyên trách quân số mỏng chỉ có thể dồn sức, căng mình đấu tranh ở một vài điểm nóng, khó có thể dàn quân đánh mạnh trong cả nước, bởi “bóp chỗ này lại phình chỗ kia”, siêu lợi nhuận của ma túy thì chỗ nào an toàn đối tượng sẽ lợi dụng hoạt động. Vì vậy không thể lơ là phòng ngừa xã hội, trong đó tuyên truyền là biện pháp then chốt nhưng hiện còn tồn tại hạn chế như dàn trải, bề nổi nên cần đi vào chiều sâu nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về kiến thức, pháp luật, tác hại của ma túy từ đó cam kết không sử dụng và không vi phạm pháp luật về ma túy, tích cực tham gia phòng, chống; tăng cường xét xử lưu động các vụ án điểm để răn đe, giáo dục phòng ngừa chung. Song hành vẫn phải chú trọng phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là các đối tượng có nguy cơ cao, dễ bị lôi kéo phạm tội.

Một minh chứng điển hình cho thấy tuyên truyền hiệu quả là nhiều người dân nâng cao cảnh giác, chủ động cung cấp thông tin giá trị tố giác tội phạm giúp phá án thành công. Đêm 12-4, một người dân ở Hà Tĩnh được thuê vận chuyển thấy có biểu hiện nghi vấn về trọng lượng chiếc loa thùng nên điện báo cho tôi. Tôi nghi là ma túy đã trực tiếp hướng dẫn cho họ liên hệ ngay với công an các tỉnh, từ đó nhanh chóng xử lý thông tin, kịp thời bắt giữ cả tấn ma túy đá.

Muốn PCMT hiệu quả không thể thiếu sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt từ các chủ trương, đường lối, chính sách tầm vĩ mô. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Đảng, Nhà nước ta luôn coi ma túy là vấn nạn quốc gia nên nhiều năm qua đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo sát sao, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân chung tay phòng, chống. Trong bối cảnh diễn biến tình hình ma túy phức tạp như hiện nay, cần sớm tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị và ban hành chỉ thị mới để lãnh đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy với nhận diện, cách thức mới và ở tầm cao mới, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực tầm vĩ mô để triển khai thực hiện hiệu quả. Cục CSĐTTPMT và Cục Pháp chế (Bộ Công an) đang đồng chủ trì tổ chức tổng kết Luật PCMT năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008); tham mưu dự thảo Luật PCMT mới và các văn bản pháp luật có liên quan theo hướng cho phép lực lượng CSĐTTPMT được áp dụng các biện pháp nghiệp vụ đặc biệt để điều tra, phá án; sửa đổi những vướng mắc liên quan đến quy định cai nghiện, cho phép tịch thu các vật chứng thu giữ được trong các chuyên án như tiền, xe, tài sản, nhà mà các đối tượng có được từ ma túy để trang bị lại cho lực lượng đấu tranh (Luật PCMT của nhiều nước đã cho phép điều này, thực tế nhiều xe ô-tô đời mới là vật chứng các vụ án sau vài năm phơi mưa, nắng hư hỏng nặng, gây lãng phí); đầu tư trang thiết bị, phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại một cách dài hơi (nhất là trong thời đại 4.0); bố trí, sắp xếp đủ biên chế và có chế độ chính sách đãi ngộ đặc thù thỏa đáng đối với cán bộ trực tiếp chiến đấu, nhất là ở các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp.

Trân trọng cảm ơn ông!