Bài học từ những thành phố không ngủ

|

Kinh tế đêm không phải là khái niệm mới ở nhiều nước trên thế giới có ngành du lịch phát triển. Nhiều quốc gia đã chú trọng phát triển kinh tế đêm và đã có những kết quả đáng ghi nhận, thí dụ kinh tế đêm ở Anh đóng góp 6% GDP, ở Úc chiếm 4% GDP. Những kinh nghiệm về phát triển kinh tế đêm trong du lịch các nước bạn là căn cứ thực tiễn có giá trị tham khảo quan trọng để triển khai ở Việt Nam, theo định hướng mà Chính phủ đã chỉ đạo.

Sau hàng thập kỷ cấm đoán, cuối cùng chính quyền Singapore, bất chấp những quan ngại về ảnh hưởng xấu tới xã hội, đã bật đèn xanh cho hoạt động kinh doanh sòng bạc từ năm 2005 với việc cho phép xây dựng casino đầu tiên trên hòn đảo nhân tạo Sentosa với chi phí xấp xỉ 4,5 tỷ USD. Theo Bloomberg, việc thay đổi nhận thức này đã làm cho hoạt động du lịch ở Singapore kéo dài 24/24, qua đó lượng khách tăng nhanh đột biến, đặc biệt khách du lịch Trung Quốc có khả năng chi trả cao tăng gần gấp đôi so với trước kia.

Tiếp theo thành công, Singapore nhắm tới một mục tiêu cao hơn khi hợp tác với tập đoàn giải trí Las Vegas Sands Corporations để xây dựng casino sang trọng và đắt tiền nhất thế giới. Cuối tháng 6-2012, đảo quốc Sư tử đã khai trương một quần thể giải trí Marina Bay Sands được đánh giá ngang ngửa Macau và Las Vegas, nơi có sự kết hợp hoàn hảo, độc đáo giữa bể bơi trên không, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí và casino với chi phí đầu tư thuộc dạng “khủng” lên tới 5,7 tỷ USD. Casino được xây dựng trên bốn tầng lầu với hơn 600 bàn chơi bài, nhiều máy chơi jackpot và màn hình chơi poker điện tử cùng hàng loạt nhà hàng và quán bar, cộng thêm một viện bảo tàng và hai sân khấu lớn dành cho các màn trình diễn của các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới.

Số liệu thống kê cho thấy doanh thu ngành du lịch Singapore đã tăng 25% trong vòng bốn năm, kể từ khi hai tổ hợp nghỉ dưỡng - sòng bạc đầu tiên được mở vào năm 2010. Năm 2013, doanh thu từ hai tổ hợp casino Marina Bay Sands và Genting Resort World Sentosa đạt 6,07 tỷ USD. Hiện nay doanh thu từ hoạt động sòng bạc và giải trí về đêm được xem là nguồn thu lớn nhất của ngành du lịch Singapore, chiếm tới gần 24% doanh thu toàn ngành kể từ năm 2015.

Mặc dù là quốc gia có hoạt động vui chơi giải trí và casino về đêm vào loại lớn nhất trên thế giới, nhưng để hạn chế các tác động tiêu cực đến xã hội, Singapore đã thành lập cơ quan chuyên trách của Chính phủ để quản lý hoạt động casino (Casino regulatory authority) với những quy định cụ thể về nguyên tắc hoạt động, luật chơi, chuẩn mực đạo đức...

Bangkok được xem là thành phố không ngủ với nhiều loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách khi chọn thủ đô của Thailand là điểm đến.

Trước hết Bangkok được xem là thành phố sở hữu nhiều quán bar tầng thượng (rooftop bar) nhất trên thế giới mà tiêu biểu là Sky Bar Rooftop, Lebua; Octave Rooftop Bar; Three Sixty, Millennium Hilton Bangkok, v.v. Đây là nơi khách du lịch sẽ có được góc nhìn toàn cảnh Bangkok khi lên đèn, tận hưởng thời gian bên nhau với bạn thân, gia đình hoặc thậm chí là... tiệc tùng trọn đêm trong bầu không khí hội hè náo nhiệt ở Bangkok.

Tiếp đến, khách du lịch sẽ không ngủ với các chương trình biểu diễn sân khấu hoành tráng mang đậm văn hóa truyền thống hoặc xem các trận Muay Thai Live Show, vốn là những điểm nhấn “dịch vụ văn hoá” đêm đặc sắc của du lịch Thailand nói chung và Bangkok nói riêng. Du khách sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời cùng hoạt động về đêm này tại các trung tâm trình diễn như Siam Niramit Show hoặc Calypso Cabaret Bangkok. Siam Niramit Show được Kỷ lục Guinness công nhận có phần sân khấu trình diễn cao nhất thế giới (11,95 m), là show biểu diễn hoành tráng với sự góp mặt của cả voi và dê thật để tái hiện không gian Xiêm La cách đây hàng thế kỷ.

Ẩm thực đêm cũng được xem là “đặc sản” kinh tế đêm ở Bangkok với nhiều hình thức khác nhau. Tại các nhà hàng sang trọng, trên các đường phố ẩm thực, các quán bar, nhà hàng sáng đèn xuyên đêm bên bờ, hoặc trên các nhà hàng nổi xuôi dòng Chao Phraya, du khách có thể vừa ăn vừa ngắm nhìn Cung điện, cầu Rama VIII, đền chùa lung linh huyền ảo và rực rỡ trong ánh đèn tạo nên khung cảnh tuyệt vời về đêm của Bangkok.

Bangkok còn có nhiều tổ hợp mua sắm - vui chơi giải trí nổi tiếng mà tiêu biểu là Asiatique với hơn 1.500 cửa hàng và 40 nhà hàng, nơi du khách có thể mạnh tay chi tiêu với các thương hiệu nổi tiếng thế giới. Nếu muốn mua hàng giá rẻ và trải nghiệm chợ địa phương, chỉ cần ghé những ngôi chợ truyền thống nổi tiếng như Chợ đêm Patpong, Chợ đêm JJ Green, Chợ Rot Fai (Chợ xe lửa)... mở cửa xuyên đêm.

Như vậy có thể thấy sự đa dạng các dịch vụ về đêm đã tạo cho Bangkok thương hiệu “điểm đến không ngủ” nổi tiếng, không chỉ trong khu vực mà còn trên thế giới góp phần quan trọng vào phát triển du lịch với những chỉ số ấn tượng. Theo đó, năm 2018 lượng khách quốc tế đến với Thailand là hơn 38 triệu lượt, với thu nhập du lịch đạt gần 80 tỷ USD.

Là nền văn hóa có phần bảo thủ và đối mặt với tình trạng thiếu lao động, Nhật Bản vẫn quyết tâm phát triển nền kinh tế đêm nhằm thúc đẩy ngành du lịch và tăng thu nhập quốc gia. Cách đây một thập kỷ, Nhật Bản chỉ đón khoảng 7 triệu lượt khách du lịch nước ngoài mỗi năm, nhưng đến năm 2018 đã lên đến hơn 32 triệu. Chính phủ Nhật Bản còn đặt mục tiêu cao hơn là 40 triệu du khách vào năm 2020 và 60 triệu vào năm 2030.

Tuy nhiên, khi lượng du khách đến Nhật Bản tăng mạnh, sự khan hiếm cuộc sống về đêm ở nơi đây càng trở nên rõ rệt hơn. Tomoe Makino - Cố vấn quốc gia Nhật Bản từng nhận định, nước này có nhiều hoạt động vui chơi giải trí, nhưng tất cả đều đóng cửa quá sớm.

Các bảo tàng và đền thờ thường đóng cửa lúc 17 giờ, còn các buổi hòa nhạc và show diễn thì kết thúc lúc 20 giờ 30 phút. Chính vì vậy, Chính phủ Nhật Bản đề xuất chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ban đêm từ cuối năm 2017 với trọng tâm giải quyết cơ sở hạ tầng giao thông và các quy định liên quan đến địa điểm và điều kiện làm việc.

Năm 2017, Nhật Bản sửa đổi Luật giải trí dành cho người lớn, giúp các doanh nghiệp dễ dàng gia nhập thị trường hoạt động đêm. Bên cạnh việc nới lỏng các chính sách cho phép các dịch vụ vui chơi giải trí, ăn uống, mua sắm về đêm hoạt động tới sáng, việc bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch và hạn chế tiếng ồn từ các hoạt động dịch vụ ảnh hưởng đến các khu dân cư được quan tâm thực hiện.

Có thể thấy một đặc điểm chung là kinh tế đêm thường phát triển mạnh ở các đô thị - trung tâm du lịch lớn như Tokyo (Nhật Bản), Bangkok (Thailand), Las Vegas, New York, Hollywood (Hoa Kỳ); Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Quyến (Trung Quốc); Paris, Toulouse (Pháp)... Để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế đêm gắn với du lịch, hầu hết các quốc gia đều phân quyền cho chính quyền địa phương trong quy hoạch và phát triển kinh tế đêm tại địa phương.

Tại Trung Quốc, năm 2018, Bắc Kinh đã xây dựng kế hoạch hành động xây dựng thành phố đầu mối quốc tế về tiêu dùng giai đoạn 2018-2022, với mục tiêu đến năm 2022, Bắc Kinh sẽ trở thành điểm đến tiêu dùng quốc tế đẳng cấp và đến năm 2035 trở thành trung tâm tiêu dùng quốc tế mang thương hiệu “Đêm Bắc Kinh” hàng đầu thế giới với tổ chức ba cấp quản lý kinh tế đêm (thành phố, quận, và khu phố).

Tại Anh, chính quyền thành phố London đang đưa nội dung về phát triển kinh tế đêm vào trong Quy hoạch phát triển thành phố mới với mục tiêu trở thành “Thành phố London 24h”...

Tại Úc, năm 2013, chính quyền thành phố Sydney đã xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động phát triển kinh tế đêm đến năm 2030 với mục tiêu biến Sydney thành một thành phố toàn cầu về đêm và thành lập Ủy ban kinh tế ban đêm.

Từ những kinh nghiệm quốc tế trên đây, có thể rút ra một số bài học mà Việt Nam nói chung và các địa phương nơi có hoạt động du lịch phát triển cần chú trọng khi có kế hoạch phát triển kinh tế đêm gắn với phát triển du lịch.

Thứ nhất, cần có nhận thức đầy đủ về vai trò của kinh tế đêm đối với phát triển du lịch, đặc biệt là trong việc kéo dài ngày lưu trú và tăng chi tiêu của khách, qua đó tăng nguồn thu từ du lịch, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.

Thứ hai, trên cơ sở nhận thức đầy đủ về kinh tế đêm và nhu cầu của thị trường, cần rà soát, điều chỉnh hoặc ban hành chính sách mới phù hợp nhằm cho phép một số loại hình dịch vụ được xem là “nhạy cảm” với văn hóa, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, song lại là nhu cầu của thị trường được hoạt động với một số điều kiện cụ thể. Tăng cường năng lực quản lý nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực đến văn hóa và cuộc sống người dân.

Thứ ba, cần điều chỉnh hoặc bổ sung vào quy hoạch chung xây dựng đô thị phân khu đặc biệt “Kinh tế đêm” khá biệt lập với các khu dân cư tập trung, nơi tổ chức cung cấp các dịch vụ được xem là “nhạy cảm” hoặc gây âm thanh, ánh sáng có khả năng ảnh hưởng đến cuộc sống về đêm của cộng đồng. Trong quá trình thực hiện quy hoạch cần tham khảo ý kiến cộng đồng để có thể có những điều chỉnh phù hợp nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của hoạt động kinh tế đến văn hóa và cuộc sống của người dân địa phương.

Thứ tư, để tạo điều kiện cho các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế đêm gắn với du lịch, chính phủ cần phân quyền cho chính quyền địa phương thực hiện quy hoạch và chính sách cụ thể phát triển kinh tế đêm tại địa phương, trong đó bao gồm cả quyền thành lập tổ chức chuyên trách về quản lý phát triển kinh tế đêm.

Thứ năm, cần đa dạng hóa các dịch vụ trong hoạt động kinh tế đêm trên cơ sở khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa và ẩm thực địa phương kết hợp các hiệu ứng ánh sáng hiện đại để đáp ứng yêu cầu thị trường. Chú trọng xây dựng các chương trình biểu diễn (show diễn) thực cảnh hoành tráng tái dựng lại đời sống văn hóa truyền thống địa phương (như “Ký ức Hội An” tại Hội An, “Huyền thoại làng chài” tại Phan Thiết hay “Tinh hoa Bắc Bộ” tại Hà Nội) hoặc về những truyền thuyết mang tính lịch sử hay tâm linh. Bên cạnh đó, trong điều kiện cho phép, có thể mời các ban nhạc, các nghệ sĩ nổi tiếng trong nước và quốc tế đến trình diễn tại các tổ hợp vui chơi giải trí lớn.