Cơn gió lạ mang tên nhạc kịch

|

“Nhạc kịch” trở thành từ khóa được cộng đồng những người yêu nghệ thuật biểu diễn nước nhà tìm kiếm nhiều nhất, trong những ngày cuối năm 2020 này. Bốn đêm ra mắt cháy vé đã giúp Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) tự tin lên kế hoạch cho những buổi diễn Những người khốn khổ tiếp theo vào tháng 1 năm 2021. Nhạc kịch Tôi đọc báo sáng nay sống động, tươi tắn trên sàn diễn Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long. Và ngay trước thềm buổi công diễn Matilda, Hanoi Arts for You (HAY) đã rộn ràng thông báo tuyển chọn dàn diễn viên tay ngang cho dự án nhạc kịch tiếp theo The Witches (Phù thuỷ) dự kiến ra mắt vào tháng 6 năm 2021.

Cũ người mới ta

Bốn năm đã trôi qua, kể từ khi đạo diễn trẻ Nguyễn Phi Phi Anh khuấy động khán phòng L’Espace bằng 35 đêm diễn liên tục trong dự án HOPE. Với ba vở nhạc kịch, từ Góc phố danh vọng, Đêm hè sau cuối đến Mộng ước không xa vời, Phi Anh ôm ấp giấc mơ từng được coi là viển vông vào thời điểm đó - thu hút một vạn khán giả thưởng thức nhạc kịch. Những tác phẩm đậm phong cách nhạc kịch Broadway nhưng lại được thổi vào những suy tư về một xã hội Việt từ một tâm hồn nghệ sĩ Việt đã khiến giới trẻ hào hứng vỗ tay, huýt gió, cười ngả nghiêng thích thú. Đêm gala kết thúc, nghệ sĩ "ba trong một" (biên kịch - đạo diễn và nhà sản xuất) còn hào phóng tặng người hâm mộ The Sound of Hope, một vở mới quy tụ toàn bộ cốt truyện và các nhân vật được nhớ mặt thuộc tên trong cả ba nhạc kịch trước. "Nhạc kịch cháy vé", "hiện tượng Nguyễn Phi Phi Anh"... là những cụm từ mà báo giới liên tục nhắc tới, trong suốt ba tháng trời HOPE chinh phục khán giả, bằng sự tươi mới trẻ trung đầy hấp dẫn của chính mình. Chỉ tiếc là sau lần chào sân nhạc kịch đầy ấn tượng đó, Phi Anh rẽ sang ngả khác. Nhưng đốm lửa mà anh thắp lên đã cho thấy tín hiệu lạc quan, rằng hạt giống nhạc kịch có thể nảy mầm, sống khỏe trên mảnh đất showbiz Việt.

Nhạc kịch hiện diện ở khắp nơi trên thế giới, với bề dày lịch sử hình thành và phát triển cả trăm năm. Loại hình sân khấu kết hợp ca khúc, lời thoại cùng diễn xuất, vũ đạo này tỏa sáng từ những sàn diễn danh giá nhất thế giới như West End (Anh), Broadway (Mỹ)... đến những khán phòng nhỏ với số ghế cực kỳ khiêm tốn. Những vở diễn đỉnh cao như Bóng ma trong nhà hát (The Phantom of the Opera), Chicago, Những người khốn khổ (Les Miserables), Vua Sư tử (Lion King)... có đời sống dài tới vài thập kỷ, với nhiều thế hệ nghệ sĩ tham gia diễn xuất. Nhạc kịch là loại hình biểu diễn khá mới mẻ ở Việt Nam, nhưng với số đông người yêu nghệ thuật năm châu, nó đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu.

Thực ra, nhạc kịch đã có những bước đi thăm dò ban đầu tại Việt Nam từ dăm năm về trước. Có thể kể tới dự án Majorin, cô bé phép thuật - cái bắt tay giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát nhạc kịch Shiri (Nhật Bản) khởi động vào tháng 7-2016. Nhóm kịch Buffalo đưa vở diễn nổi tiếng Chicago về TP Hồ Chí Minh năm 2017. Cơn dơi của tác giả Johann Strauss II (Áo) được Viện Goeth cùng Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh công diễn từ năm 2018. Tuyệt tác của đại thi hào Nguyễn Du lần đầu tiên được tái hiện trên sân khấu nhạc kịch bằng tác phẩm Kim Vân Kiều của đạo diễn Pháp Christophe Thiry, với sự góp mặt của sáu nghệ sĩ Pháp thuộc L’Attrape Theatre và hai nghệ sĩ Việt đã ra mắt khán giả trong nước vào năm 2019. Gần đây nhất vào đầu năm 2020, FRAGMENTS - một tổ chức phi lợi nhuận dành cho sinh viên, học sinh mang Viên đạn cho Valentine lên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ... Điểm chung giữa những cái tên kể trên, chúng đều là những tác phẩm nước ngoài, được đến với khán giả Việt nhờ các dự án giao lưu, trao đổi văn hóa chứ không phải là sản phẩm kinh doanh thương mại.

Bên cạnh đó, cũng có một dòng chảy nhạc kịch thuần Việt được tạo nên từ nỗ lực làm mới không ngừng nghỉ của các đơn vị hoạt động nghệ thuật biểu diễn (thuộc các nhà hát công lập, các đơn vị xã hội hóa lẫn các nhóm trẻ độc lập). Những điểm sáng trong danh mục nhạc kịch do người Việt, cho người Việt có thể kể tới Dế mèn phiêu lưu ký của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh; Hà Nội ngày tháng năm: Những thanh xuân rực rỡ cùng Hà Nội xưa và nay của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long; Tiên nga của sân khấu Idecaf, Chuyện tình nàng Giáng Hương hay chùm tác phẩm Tuyết Sài Gòn, Tấm Cám, Vũ nữ của nhóm Buffalo; Lọ Lem truyền kỳ của sân khấu Trịnh Kim Chi, Trót yêu của sân khấu Thế giới trẻ...Ba tháng trước đây, Nhà hát Tuổi trẻ cũng vừa cho ra mắt Trại hoa vàng được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Từng bước chậm rãi, nhạc kịch đã đi vào đời sống showbiz Việt. Vẫn còn mới mẻ nhưng đã bớt đi những lạ lẫm, mông lung lúc ban đầu trong suy nghĩ của đông đảo công chúng lẫn giới làm nghề. Để rồi trở thành cơn gió trẻ trung, mát lành cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn nước nhà, khi năm mới 2021 đang cận kề.

Hướng đi của sân khấu trong tương lai

Đó là nhận định mà đạo diễn, NSƯT Trần Minh Ngọc đưa ra, khi những tác phẩm dán nhãn musical vừa manh nha xuất hiện tại Việt Nam. Và sự hưởng ứng nồng nhiệt mà khán giả dành tặng Những người khốn khổ, Tôi đọc báo sáng nay... trong những ngày qua đã cho thấy, nhạc kịch hoàn toàn có thể sống khỏe tại Việt Nam, nếu đi đúng hướng và làm đúng cách.

Những người khốn khổ có nền tảng vững chắc là vở diễn được công diễn liên tục lâu đời nhất tại sân khấu West End, đã được dịch ra 21 ngôn ngữ khác nhau và trình diễn tại 42 quốc gia. Không chọn cách Việt hóa, VNOB đưa kiệt tác này lên sân khấu trong hình hài nguyên bản tiếng Anh (chạy phụ đề tiếng Việt). Rụt rè đưa ra lịch diễn mở màn hai đêm, lượng vé bán ra được tiêu thụ quá nhanh đã khiến nhà hát mạnh dạn kéo thêm hai đêm và lên lịch cho bốn đêm kế tiếp một cách đầy tự tin. Có sự chung tay của những nghệ sĩ trẻ tài năng được đào tạo bài bản về nhạc kịch ở nước ngoài như đạo diễn Triều Dương, biên đạo múa Linh An, giám đốc âm nhạc Đồng Quang Vinh, phục trang Ellie Vũ..., VNOB đã có thể nghĩ tới những bước đi xa hơn cho vở diễn, như lưu diễn trong nước, như biểu diễn định kỳ...

Nhạc kịch Trại hoa vàng của Nhà hát Tuổi trẻ. 

Đưa một góc phố Hà thành lên sân khấu nhạc kịch, Tôi đọc báo sáng nay xinh xắn về cả quy mô diễn viên lẫn chi phí đầu tư nên rất dễ khai thác thương mại. Không gói ghém quá nhiều thách thức về học thuật, nhưng câu chuyện kiểu "lướt qua tít báo" và những bình luận kiểu "thông tấn xã vỉa hè" duyên dáng, hóm hỉnh là một cách tiếp cận thông minh, hiệu quả. Hội tụ những gương mặt được giới trẻ yêu mến như nhạc sĩ Dương Cầm, ca sĩ Đông Hùng - Bảo Trâm - Khánh Linh..., vở diễn hoàn toàn có thể giúp khán phòng mới toanh ở 31 Lương Văn Can đỏ đèn hằng đêm, như một lựa chọn phải đến của công chúng Thủ đô và khách du lịch.

Trại hoa vàng chọn ngôn ngữ nhạc kịch mới mẻ để chuyển tải những thông điệp quý báu cho các bạn trẻ trong chuỗi chương trình hướng nghiệp "Chọn nghề trong muôn nghề". Không chỉ thu hút được lượng fan đông đảo của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, bài học chọn nghề rút ra từ câu chuyện tình yêu tuổi ô mai của Chuẩn Bermuda và Cẩm Phô, được chuyển tải qua những ca khúc hit của Soobin Hoàng Sơn, Mew Amazing, Trọng Hiếu...sẽ còn có thể phục vụ khán giả rất nhiều đêm diễn, khi câu hỏi "làm gì" luôn chiếm lĩnh mỗi người trẻ trước ngưỡng cửa cuộc đời.

Nhưng cũng vì sự mới mẻ của loại hình biểu diễn này, có dũng cảm lựa chọn, có dám thử sức mới nhận ra hành trình phía trước vẫn còn lắm gian nan. Thế mạnh dàn dựng các tác phẩm nhạc kịch hiện nghiêng về những nhà hát "đa nhiệm" - kiểu VNOB, Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long... Do đặc thù kết hợp ca khúc, lời thoại cùng diễn xuất, vũ đạo nên nhạc kịch đòi hỏi diễn viên tham gia tích hợp nhiều kỹ năng. Không dừng lại ở khả năng diễn xuất và chuyển tải đời sống tâm lý nhân vật, diễn viên nhạc kịch phải sở hữu đài từ tốt, hát hay, nhảy giỏi, thậm chí phải sử dụng thành thạo một hoặc vài ngoại ngữ. Hội đủ từng ấy yêu cầu đâu dễ, bởi thế nguồn diễn viên đủ chuẩn để diễn nhạc kịch đang thiếu trầm trọng. "Diễn viên không nắm vững nhạc lý, nhất là về nhịp" khiến NSƯT Thành Lộc đau đầu, khi dựng Tiên nga. Diễn viên phát âm tiếng Anh vất vả là thực tế mà VNOB phải đối mặt, khi triển khai Những người khốn khổ...Dễ dàng hiểu được nguyên nhân, bởi cho đến hiện tại, chúng ta chưa hề có khoa đào tạo nhạc kịch, ngay cả tại các trường chuyên ngành sân khấu - điện ảnh. Một nhà hát đạt chuẩn dành riêng cho nhạc kịch, những nghệ sĩ nhạc kịch được đào tạo bài bản trong nước... vẫn chỉ là giấc mơ đang kỳ vọng được hiện thực hóa, trong một tương lai gần.

Từ cơn gió lạ trở thành trào lưu vẫn là một chặng đường dài. Nhưng có đi thì mới thành đường, mong thế và cũng hy vọng thế!