“Chút sen còn lại như tình”

|

Đang là một “người của công chúng” cả về tư tưởng và hình ảnh, gặp cơn bạo bệnh, nhà thơ Hồng Thanh Quang chợt chựng lại, trầm lắng, kiệm lời hơn. Thật ra chẳng phải anh ở ẩn, mà chỉ nghỉ ngơi dưỡng sức trong không gian riêng tuyệt đẹp và tiện nghi, để rồi vẫn tư duy, ngẫm ngợi, vẫn giao đãi bạn bè, đặc biệt vẫn làm thơ. Thơ và bạn bè là thứ mà Hồng Thanh Quang khó có thể thiếu, dù ở bất cứ cảnh ngộ nào...

Vốn ham chơi, chơi cũng cầu kỳ, Hồng Thanh Quang từng có những cuộc chơi sang trọng với thơ, đưa cả thơ lên sân khấu Nhà hát Lớn. Hồi phục sức khỏe sau quá trình dài điều trị bệnh, ở nhà trong những ngày Hà Nội cách ly xã hội phòng, chống dịch, Hồng Thanh Quang cho ra mắt một tập thơ, theo cách chơi của mình: Chút sen còn lại (NXB Văn học ấn hành) mà như anh nói, “mỗi bài trong đó đều có ít nhất một chữ sen hoặc liên”. Bạn bè xúm lại mỗi người một tay, từ bức chân dung nhà thơ mà họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm vẽ hơn 10 năm trước, từ sự chăm chút mỹ thuật của họa sĩ Văn Sáng, cả những đôn đáo khâu thủ tục cấp phép, biên tập của giám đốc Nhà xuất bản Nguyễn Anh Vũ... để rồi đúng tiết giao mùa, thời khắc sen đã cạn ngày, Chút sen còn lại xuất hiện, không chỉ trên facebook chính chủ, mà cả trên tay những bạn bè, người hâm mộ thơ Hồng Thanh Quang. “Họ chỉ thấy bao lần bão táp, Cánh trắng em lấm láp bùn đen, Riêng anh vẫn đinh ninh sau trước, Em còn nguyên vẹn là sen” bài thơ 4 câu mở đầu tập thơ viết từ 1990 và “Chút sen còn lại như tình, Bừng lên sắc cuối rồi thinh lặng tàn”, bài thơ hai câu kết thúc tập thơ viết vừa tức thì, tháng 5/2021, “sen” hay “liên” tràn ngập từng trang giấy, theo lý giải của Hồng Thanh Quang, không thuần túy là loài hoa thanh tao vốn được suy tôn hết mực, cũng không nhắc nhớ về một bóng hình đàn bà cụ thể nào, mà chính là “phẩm hạnh mặc nhiên có trong từng người phụ nữ”... Hồng Thanh Quang vốn là thi sĩ của tình yêu, đọng lại sau trước trong thơ anh luôn là cảm hứng tràn đầy về tình yêu, ngay cả khi nhà thơ chạnh lòng vì bị phụ tình (trong thơ)...

“Không sao nếu lại vắng tôi, Cuộc chơi của bạn bao người tham gia, Có trẻ và cũng có già, Có đen có trắng ngầy ngà gia duyên, Không sao nếu đã chìm quên, Con đường kí ức về miền viễn du, Sen tàn thổi cúc vào thu, Đồi thông gió nuốt tiếng ru nhọc nhằn, Còn gì đâu để băn khoăn, Một khi đã trộn rối vần thơ yêu, Không tôi bạn cứ sang chiều, Mượn đêm bóng tối phủ liều lên mơ...” (Không sao nếu lại vắng tôi), “trên cánh đồng của tôi âm thầm tan mùa hạ, lá sen che gương mặt trăng rằm, tiễn tôi tới những chân trời không bóng, cứ lung liêng sắc trắng nón ai chằm” (Cánh đồng của tôi)..., nhà thơ đã thấu được lẽ đời, thấm được những biến chuyển khôn lường của cuộc đời, đã luôn biết tự nhắc mình: “Cuộc chơi nào cũng chỉ là chơi thôi. Kết cục sao thì chấp nhận vậy, đừng quá cay cú”, luôn hài ước, biết tự trào, luôn duy tình và hồn nhiên chọn chữ tình để dẫn lối cuộc đời...