Hãy tận hưởng Messi

|

Messi sang Mỹ. Vâng, vậy là Messi đã đi theo con đường của... “tiền nhân” và “dưỡng già” ở Mỹ. Nhưng cái sự dưỡng già ấy nó khác lắm. Với Messi, có thể những trận đấu cùng Inter Miami ở Mỹ chỉ là những cuộc dạo chơi trước ngày chia tay, nhưng với phần còn lại của thế giới, đây là những ngày tận hưởng Messi. Tận hưởng một cách thật sự và hết tâm.

1. Sau chức Vô địch World Cup 2022, Messi được coi như Thánh, là huyền thoại vĩ đại nhất bóng đá thế giới mọi thời đại. Chẳng sai đâu. Messi xứng đáng được nhận tất cả những gì siêu việt nhất mà người ta phong tặng. Và từ đây, Messi không chỉ đơn giản là một cầu thủ nữa. Anh là thiên sứ.

Trở lại Paris sau khi đánh bại chính Pháp ở trận chung kết World Cup 2022, Messi thậm chí bị kỳ thị, bị ghét, bị chửi rủa trong từng pha chạm bóng. Nhưng con người ấy vẫn chơi hết mình đến phút cuối, dù ai cũng nhận ra Messi thi đấu với sự nặng nề, không thoải mái. Và khi rời PSG, Messi như thường lệ, lấy lại cảm xúc với trái bóng. Cái cảm xúc ấy còn mãnh liệt hơn nữa khi anh chơi ở Mỹ, nơi cách đây vài năm, Messi có vẻ như đã xác định đó là điểm kết cho hành trình thần thánh của mình.

Không thể trở lại Barca, Messi từ chối luôn Saudi Arabia, nơi sẵn sàng trả cho anh mỗi năm cả tỷ euro. Con số không tưởng ấy không thể mua được Messi, bởi 2 năm ở PSG, Messi hiểu rằng, sứ mệnh của anh không phải là kiếm tiền nữa. Và hành trình của Messi trở lại đúng với tầm vóc, quyền năng và tầm ảnh hưởng toàn cầu.

Ảnh trong bài: GETTY

2. Cách đây 5 năm, từng có những điều tra tạo ra đồn đoán về việc Messi sẽ sang Miami khi vài tờ báo tại Anh khẳng định, Messi có tiếp xúc với Beckham. Hơn thế nữa, Messi nhiều lần nói rằng anh thích cuộc sống ở Miami, một nơi anh cảm thấy thư giãn, yên bình và thoải mái. Thậm chí, việc Messi sở hữu một căn Penhouse sang trọng tại một khu siêu cao ốc được phát hiện. Nó có diện tích 600 m2, có bể bơi vô cực và theo yêu cầu của Messi, nó có hẳn một lối đi riêng cho gia đình Messi, cộng một chiếc thang máy cỡ lớn đủ để... đưa 1 chiếc xe hơi siêu sang của anh lên nhà.

Khi đó câu chuyện Messi đến Inter Miami nếu có nói ra cũng chỉ để thiên hạ cười vui. Nhưng cuối cùng nó đã diễn ra. Messi được cho là đã hứa với Beckham sẽ tới đây thi đấu và anh đã làm như vậy. Không, không phải chỉ là thi đấu, mà Messi còn là sứ giả truyền bá một thứ tín ngưỡng bóng đá ở cấp độ mới tại nước Mỹ vốn không chuộng bóng đá. Giải đấu MLS từng mời nhiều siêu sao sang thi đấu, từ Pele, Beckanbeuer... đến cả chính Beckham. Thậm chí Beckham còn là người khai phóng, mở ra một kỷ nguyên mới cho bóng đá Mỹ. Nhưng Messi lại còn ở tầm cao hơn. Khi Beckham tới Mỹ đá cho LA Galaxy, chỉ trong 2 tuần, số áo đấu của Beckham mà CLB bán được đủ sức phủ kín 12 lần sân vận động của LA Galaxy. Sự có mặt của Beckham tạo cơn bão truyền thông, tầm vóc bóng đá Mỹ được nâng lên tầm cao mới.

Khi Messi đến Mỹ, hãng thời trang thể thao tài trợ cho Miami còn quá tải không thể sản xuất kịp đáp ứng nhu cầu mua, dù cuộc càn quyét này đã được báo trước. Có những người đặt mua áo 1 ngày sau khi Messi ra mắt Inter Miami phải đợi đến tháng 10 mới có... áo mà mặc. Tổng số tiền chỉ tính bán áo đấu của Messi cũng có thể đạt 2 triệu chiếc với giá trị dự kiến khoảng 300 triệu euro. Khủng khiếp! Khủng khiếp đến mức chính Inter Miami hay những hãng tài trợ cũng không tưởng tượng nổi.

Khi Messi đến, Inter Miami đứng bét bảng xếp hạng MLS. Và với sự xuất hiện của anh, Inter Miami đá trận nào thắng trận đấy. Messi vừa đá như vừa dạo chơi, như trình diễn, như cống hiến, như chìm trong đam mê tận cùng cho giai đoạn có lẽ chính anh cũng cảm thấy: Đây là lúc để đốt nốt những mảnh thiên tài để cảm ơn bóng đá. Có lẽ Messi ở tầm cỡ quá cao đối với bóng đá Mỹ. Nhưng có thể dễ dàng thấy, Messi chơi khác hẳn khi ở PSG, ít nhất là về mặt cảm xúc, sự thăng hoa và say đắm. Khi đó, người Mỹ hưởng thụ Messi. Cả thế giới hưởng thụ Messi. Bởi ai cũng hiểu rằng, sẽ không còn lâu nữa, những bước chạy phi thường ấy sẽ không còn nữa. Và người Mỹ đã bất chấp, làm tất cả chỉ để Messi trình diễn.

Truyền thông không tọc mạch, bới móc Messi. CĐV không quá làm phiền Messi. Đến mức anh và gia đình có thể thoải mái đi siêu thị mà không cần đeo khẩu trang, đội mũ, đeo kính đen. Và bóng đá Mỹ cũng hiểu phải làm tất cả để cùng nhau tận hưởng những bước chân của Messi. Tại giải Vô địch quốc gia Mỹ, các sân vận động đều là sân đa năng, dùng cho nhiều môn thể thao khác như bóng chày, bóng đá Mỹ... Gần như tất cả các sân đều vẽ chằng chịt các kiểu vạch đến hoa mắt. Nhưng khi Messi đến, các sân bóng được chuẩn bị kỹ hơn, sạch sẽ hơn. Inter Miami sắp khánh thành sân vận động cho riêng mình, chỉ dùng để đá bóng. Hiện tại, còn 7 câu lạc bộ ở giải nhà nghề Mỹ vẫn đang dùng cỏ nhân tạo và Liên đoàn Bóng đá Mỹ đã cảnh báo, quyết liệt buộc các CLB này phải đổi thành mặt sân cỏ tự nhiên để... Messi chơi bóng được tốt nhất.

3. Ở tuổi 36, thời gian để thế giới nhìn ngắm Messi không còn nhiều. Và sứ mệnh của Messi giờ cũng đã khác. Nâng tầm bóng đá Mỹ, thay đổi quan điểm và định kiến về bóng đá của người Mỹ. Tạo ra sự thu hút cực đại về truyền thông, sự quan tâm của thế giới. Và quan trọng hơn, Messi đã trút bỏ được tất cả áp lực để được chơi thứ bóng đá ma thuật nhất có thể, thuần khiết nhất có thể, mà không vướng bận chuyện thành tích, sự kỳ vọng đáng sợ của bóng đá đỉnh cao.

Và đương nhiên, người Mỹ cũng đã và đang trao cho Messi những đặc quyền hiếm ai có được. Họ tự thay đổi mình để phục vụ Messi, để giúp cả thế giới có thể cùng tận hưởng Messi...