“Dị nhân” Tây Phong

|

NDO - Tây Phong ngoài đời tóc dài buông xõa, áo choàng nhiều lớp, vòng vèo khăn khố quấn quanh, trông như một rocker trước giờ lên sân khấu. Chỉ gương mặt đẹp là rất hiền và giọng nói, khi cất tiếng còn hiền đến không tưởng. Là dân bắc, gốc Hải Phòng, học hành lập nghiệp thành danh ở TP Hồ Chí Minh, Tây Phong lững thững trong đời sống văn nghệ, ghé chỗ này chút, tạt sang bên kia một hồi, nhưng làm gì thì làm, chơi gì chơi, Tây Phong luôn chăm chút nặng lòng với văn hóa dân tộc. Tinh văn diễn ca, chương trình sân khấu truyền thống, chú trọng hơn hết đến âm nhạc cổ truyền do Tây Phong khởi xướng, diễn ra định kỳ tại TP Hồ Chí Minh đã đi được vài số, đang là tâm huyết mà anh chăm chút hiện giờ.

Cuộc đời của Tây Phong là một chuỗi nối tiếp những sự tình cờ. Tham gia văn nghệ ở trường phổ thông, tình cờ giúp bạn đến gặp cô giáo thanh nhạc lấy bản ký âm, được cô phát hiện và khuyến khích đi học hát. Ngần ngại vì gia đình chẳng có ai hoạt động văn nghệ, cũng chưa mộng tưởng đến danh xưng nghệ sĩ, chỉ là vui vui mà thi vào Nhạc viện, rồi cậu trai mang cái tên khai sinh Lê Thanh Phong chuyển hướng số phận từ đó. Tốt nghiệp chính quy thanh nhạc tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, ra trường đi hát giữa lúc xu thế nhạc nhẹ đang rất sôi động, muôn màu muôn vẻ, anh từng đầu quân cho Nhà hát ca múa nhạc Bông Sen, Đoàn nghệ thuật quân khu 7, từng lập nhóm nhạc ồn ào biểu diễn để hình thành nên nghệ danh Tây Phong nhưng rồi vẫn chưa thể giải tỏa được phần nào nguồn năng lượng dồi dào trong sâu thẳm cõi lòng. Thế rồi thêm một sự tình cờ nữa, Tây Phong lại được bạn rủ rê thi tuyển vào Nhà hát kịch TP Hồ Chí Minh. Vốn sở hữu vóc dáng sáng dễ hợp với những vai kép đẹp, tiếng nói khỏe vang trong rõ, Tây Phong dễ dàng được đạo diễn Khánh Hoàng chấm chọn vào lớp diễn viên tạo nguồn của Nhà hát. Rồi từ Nhà hát sang trường Sân khấu điện ảnh thành phố học đạo diễn, đã thành lựa chọn đương nhiên và tạo nên đoạn đường mới cho Tây Phong nhẩn nha bước, đến tận bây giờ.

Năm 2016, Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh ra mắt vở nhạc kịch Cuộc sống Paris mang âm hưởng vui nhộn, quy tụ những giọng hát cổ điển sáng giá bậc nhất lúc bấy giờ như nữ nghệ sĩ Duyên Huyền, Khánh Ngọc; nam nghệ sĩ Đào Mác, Trung Kiệt, Nam Khánh… do Tây Phong đảm nhiệm vai trò đạo diễn sân khấu. Anh, bằng sự cởi mở tự tin của mình, đã Việt hóa hết cỡ một vở opera nổi tiếng trong văn hóa phương tây, đã trải qua hàng trăm năm tuổi đời. Cuộc sống Paris như một mối duyên lành giúp Tây Phong có tấm danh thiếp, đường hoàng bước vào sân khấu kịch nói. Những vở diễn liên tục xuất hiện, trình làng trên sân khấu kịch Hồng Hạc của Giám đốc nghệ thuật - đạo diễn Việt Linh, từ Ngộ nhận - vở diễn tốt nghiệp đại học sân khấu đến Eugenie Grandet - chuyển thể tiểu thuyết của Honore de Balzac, rồi Giấc mơ người coi chim đầy không khí đương đại trên sân khấu Trường múa TP Hồ Chí Minh… đã định hình một Tây Phong đạo diễn vượt ra khỏi những bài bản giáo khoa thường lệ… Càng ghé chơi nhiều nơi, thử sức nhiều chốn, càng có dịp cọ xát nghề nghiệp với nhiều tên tuổi tài năng uy tín, Tây Phong càng xác thực được cái đam mê hơn cả của mình, ấy là sân khấu truyền thống. Những ngày tháng làm vở cùng đạo diễn Đoàn Bá, Khánh Hoàng, Việt Linh hay các tác giả Lê Chí Trung, Chu Thơm; đứng cùng sân khấu cùng lớp diễn với NSND Hoàng Yến là những tích lũy quý giá mà Tây Phong luôn ghi nhớ, trân trọng.

Đến với nghệ thuật đầy ngẫu nhiên, nên làm nghệ thuật cũng như một cuộc chơi không toan tính, Tây Phong toàn lách qua các khe cửa hẹp mà mọi người thường ngó lơ và bằng năng lực sáng tạo kiểu dị nhân, anh từ tốn hiện thực hóa các tham vọng của mình. Hình thành, xây dựng, phát triển nên chuỗi chương trình Tinh văn diễn ca như muốn tìm một nơi - ngay tại TP Hồ Chí Minh sôi động - bình tâm giữ vẻ đẹp của cổ truyền Việt Nam. Tập hợp nhiều nghệ sĩ cổ nhạc giàu kinh nghiệm, tổ chức những Đêm ả đào, Đêm nguyệt cầm phương nam, À í a… kết nối cả người diễn lẫn người thưởng ngoạn và còn thành một tụ điểm thu hút khách du lịch. Chầu văn, ca trù, quan họ, hát then, hát ru xứ bắc hay vọng cổ miền nam… lần lượt được diễn tấu trong bối cảnh hiện đại, đầy hứa hẹn. Tinh văn diễn ca đã tới chương trình thứ 5 và đang hy vọng để đi một hành trình dài hơi, bền bỉ.

Các nghệ sĩ trong chương trình Tinh hoa diễn ca.

Trong bối cảnh chung của sân khấu, dù ở TP Hồ Chí Minh cũng khó tiếp cận khán giả hơn các tụ điểm ca nhạc thì Tây Phong và ê kíp của mình vẫn nhẫn nại bán từng tấm vé Tinh văn diễn ca. Càng có nhiều người tới với chương trình, các nghệ sĩ càng được đắp bồi tưới tắm tình yêu với nghề và hơn nữa, vẻ đẹp của cổ nhạc càng được lan tỏa chia sẻ sâu rộng hơn trong cộng đồng. Dường như có những sự đối lập giữa một Tây Phong rất tài tử, phong cách với một “bầu sô”, đạo diễn chăm chút lo toan từng đêm diễn, đốc thúc tới từng tấm vé bán ra. Nghệ thuật với Phong, đích thị là cuộc dạo chơi, mà chơi gì cũng tới số, chơi cho thỏa chí tang bồng, chơi tới tận cùng để đốn ngộ. Học thật nhiều, thật nghiêm ngắn bài bản, anh tâm niệm những đúc kết mà soạn giả tuồng Mịch Quang - một tác giả đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đã chắt lọc từ kinh nghiệm truyền đời của các nghệ nhân dân gian: “học cho chết để dùng cho sống”, nhập tâm nhuần nhuyễn vốn cổ mới đủ kiến thức, hiểu biết, trải nghiệm mà diễn giữa đương thời.

Đạo diễn Tây Phong.

Ngoài 40 tuổi, đang tràn trề năng lượng và sức lực, Tây Phong luôn ăm ắp những ý tưởng và sắp đặt để biến những ý tưởng đó thành tác phẩm. Tóc vẫn dài, áo vẫn thụng, vòng vèo khăn khố vẫn chằng chịt quanh mình, Tây Phong vẫn rất chịu khó dịch chuyển, đi lại. Mỗi một chuyến đi tới một vùng đất là được dùng tất cả giác quan của mình cảm nhận văn hóa, lối sống của xứ sở ấy. Những tài nguyên đó kết dính thành những lớp trầm tích để anh thêm cơ hội thấu hiểu nghệ thuật dân tộc ngay tại không gian bản địa của loại hình đó, để có lúc sau này, chuyển hóa thành một màn diễn xướng trên sân khấu. Làm ca sĩ, diễn viên tạo được dấu ấn với những nhân vật lịch sử như Thái sư Trần Thủ Độ, “cậu trời” dâm ác Đặng Mậu Lân…, rồi đạo diễn cũng có thành tựu được ghi nhận, Tây Phong chưa hề có ý định dừng lại. Không vội vàng, không sốt ruột, anh điềm đạm nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật. Nặng lòng với sân khấu dân tộc, với các nhân vật lịch sử, Tây Phong như một kiểu thoát tục ngay giữa đời thường, như cái cách mà anh đang suy tư, chiêm nghiệm cho một hình tượng mới, nhân vật Chúa Trịnh Sâm trong giai đoạn đầy biến động của đất nước. “Trong sương lạnh khói mờ nhân ảnh/Bao lâu đài thành quách tan hoang/ Bia kia khắc bốn chữ vàng/Thánh tổ tịnh vương vàng danh Bắc cõi, Tĩnh đô vương một thời sáng chói/ Thạo kiếm cung lưng ngựa đề thơ/ Nhân gian bia miệng mơ hồ/ Để danh tiếng vùi trong ảo ảnh/ Công hay tội há để đời sau tính/ Một kiếp tung trời nghiệp cả bốn phương/ Khéo khen ai con mắt tinh tường/ Soi quá khứ tìm vàng son một thuở/ Trong câu thét nhạc vang lừng đó/ Cả một thời thịnh trị an khang/ Nhưng tiếc thay thời vận suy tàn/ Để oan án cho đời sau ngẫm/ Ai xoay vần con tạo khéo trêu ngươi”...