KHE CỬA HẸP ÐANG DẦN RỘNG MỞ

|

Choáng váng là cảm giác chủ đạo của tôi, khi nhìn vào lịch trình của hàng loạt cung đường khám phá hấp dẫn mà một số đơn vị lữ hành trong nước đang mời chào du khách, với mức phí dường như chỉ dành riêng cho giới siêu giàu. Vài trăm triệu đồng cho một chuyến du lịch giờ đã là chuyện nhỏ, nếu đặt bên cạnh chi phí hơn 1 tỷ đồng để có được 22 ngày thám hiểm Bắc Cực hay trên 5 tỷ đồng để nhận lại 15 ngày trải nghiệm vĩ độ -90 của cực nam trái đất.

Muốn tận mắt ngắm nhìn mùa thú di cư nơi châu Phi hoang dã hoặc thám hiểm băng đảo lớn nhất hành tinh, muốn nín thở dõi theo đàn sư tử oai phong lười nhác lượn quanh xe jeep ở Tanzania hay ghé qua diện kiến ông già Noel rồi nhân tiện “săn cực quang” ở xứ sở Bắc Âu lạnh giá? Bạn chỉ cần bày tỏ ước mong, những lộ trình độc đáo được dán nhãn luxury travel - tạm dịch “du lịch xa xỉ” luôn sẵn sàng phục vụ hết mình!

Hiện thực hóa những giấc mơ không tưởng

Chỉ cần gõ từ khóa luxury travel, du khách dễ bị ngợp giữa ma trận quảng cáo của khá nhiều đơn vị lữ hành tên tuổi trong nước, với đủ loại cung đường khám phá “độc nhất vô nhị” bao phủ khắp mọi địa hình, mọi châu lục lẫn đại dương. Điểm chung của các tuyến điểm quyến rũ kể trên đều là những kỳ quan thiên nhiên độc đáo hoặc tiềm ẩn nguy cơ có thể biến mất vĩnh viễn, rất giàu dấu tích lịch sử cùng bề dày văn hóa đặc sắc, vẹn nguyên vẻ hoang sơ và có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đòi hỏi thái độ dám dấn thân và sẵn sàng vượt khó để chinh phục.

Du lịch xa xỉ đòi hỏi tính cá nhân hóa rất cao, cung cấp những trải nghiệm chân thực, độc đáo và khó quên cho những đối tượng du khách cao cấp, luôn sẵn sàng mạnh tay chi trả để có được những trải nghiệm để đời. Đa dạng sản phẩm, muôn màu trải nghiệm, độc đáo thử thách cần chế ngự và vượt qua nhưng chúng đều gặp nhau ở vài điểm chung: thời gian du hành khá dài, dịch vụ đẳng cấp “năm sao” và chi phí cao chót vót.

Thí dụ, để có thể di chuyển bằng tàu phá băng hạt nhân 17 nghìn mã lực, thám hiểm và chụp ảnh từ trực thăng, cắm cờ ngay tại đỉnh cực bắc vĩ tuyến 900N của Trái đất, hành trình của bạn sẽ kéo dài 17 ngày với chi phí 800 triệu đồng. Tour chinh phục Nam Cực bằng tàu năm sao, hải trình lên tới 32 ngày sẽ tiêu tốn tới 2,4 tỷ đồng. Để lần giở những trang sử Tân Thế Giới trên hành trình khám phá Nam Mỹ và lang thang từ kênh đào Panama đến Mũi Sừng, từ thiên nhiên hùng vĩ trên dãy Andes tới khu rừng nhiệt đới lớn nhất hành tinh Amazon, bạn sẽ phải bỏ ra 550 triệu đồng cùng 35 ngày không ngừng di chuyển.

Nếu là một tín đồ say mê khoảng không vũ trụ, cơ hội gặp gỡ phi hành gia và chứng kiến con tàu vũ trụ được phóng lên tại sân bay Baikonur huyền thoại trong 8 ngày sẽ ngốn của bạn khoảng 130 triệu đồng. Chọn chuyến tàu hỏa xuyên lục địa Siberia dài gần 9.300 cây số trong 19 ngày với chi phí 258 triệu đồng sẽ mang lại cho du khách cơ hội ngắm nhìn từ thủ đô Moskva tới vùng Viễn Đông, từ Mông Cổ - Trung Quốc tới Hàn Quốc.

Nhưng phần thưởng nhận lại sau mỗi chuyến đi “xứng đáng tới từng xu”. Chị Lê Thị Phương, hành khách từng góp mặt trong chuyến thám hiểm Bắc Cực của VYCTravel sau gần một năm đăng ký và chờ đợi đã chia sẻ “cảm giác như chạm tới thiên đường, khi đặt chân tới Svalbard, khu vực hoang sơ băng tuyết và lượng gấu Bắc Cực đông hơn người, nơi cây cối không thể sinh trưởng vì băng giá, nơi ngày và đêm tan vào nhau suốt mùa hè vì mặt trời không bao giờ đi ngủ”.

Tới Nam Cực, lục địa lạnh nhất, khô nhất, nhiều gió nhất thế giới, du khách sẽ được ngắm mặt trời 24/24 giờ trong suốt mùa hè, thỏa sức nhìn chim cánh cụt, sư tử biển, gấu trắng nô đùa giữa thiên nhiên hoang dã... Nhẫn nại trekking từng vòng kora hành hương quanh đỉnh non thiêng Kailash, lái xe road trip theo những cung đường gập ghềnh sỏi đá ở Pakistan, ngồi xe chuyên dụng và bay lượn trực thăng để khám phá sông băng giá lạnh Alaska..., loại hình tour “sang chảnh” này có mọi điểm đến mà bạn ước mơ, mọi thử thách để bạn chinh phục.

Để được trượt trên chiếc xe chó kéo thú vị này, chị Quách Mỹ Dung phải ngồi trực thăng băng qua các đỉnh núi tuyết và hạ cánh xuống sông băng Mendahall (Mỹ). Ảnh | NVCC

Thị trường ngách giàu tiềm năng phát triển

Khai thác tour xa xỉ được coi là thị trường ngách bởi phân khúc khách hàng nhắm tới là những người đam mê xê dịch, đã trải nghiệm hầu hết tuyến điểm quen thuộc nên chuyển hướng muốn có được những hành trình độc đáo. Ngoài điều kiện tài chính dồi dào, họ cũng phải sở hữu sức bền thể lực, tâm lý vững vàng để có thể hoàn tất lịch trình dài ngày trong điều kiện di chuyển, lưu trú, thời tiết, địa hình khắc nghiệt.

Cũng có nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ, rằng dạng tour này được một số đơn vị lữ hành trong nước thiết kế cho “đủ mâm đủ bát” chứ nhiều tiền thế thì ai đi? Nhưng theo chia sẻ của Giám đốc Viet Global Travel (VGC) Hoàng Phụng Hiếu, người đã trực tiếp đưa khách tới nhiều điểm đến trong mơ như Nam Cực, Bắc Cực và một số vùng lãnh thổ độc-lạ thuộc châu Mỹ và châu Phi thì “tour xa xỉ có tiềm năng rất lớn, vì đời sống và mức thu nhập của nhiều người Việt hiện đã cải thiện hơn nhiều. Sau khi đã đặt chân khám phá những thị trường quen thuộc, theo lộ trình khá tương đồng từ gần tới xa, từ thấp tới cao, họ bắt đầu mơ đến những cái đích khó khăn hơn - chinh phục cả năm châu bốn bể”.

Từ thực tế khai thác của công ty, ông Hiếu nhận định lượng tour mạo hiểm-thám hiểm chiếm từ 5-10% tổng số lộ trình xa xỉ do VGC xây dựng, tỷ lệ lớn 90% còn lại là những lộ trình tuy không quá thách thức nhưng vẫn phải đặt yếu tố mới lạ, độc đáo lên hàng đầu.

Theo nhận định từ một số tập đoàn khách sạn quốc tế, Việt Nam là một thị trường du lịch xa xỉ mới nổi, với tỷ lệ tăng trưởng ổn định từ năm 2018 (trừ thời gian đại dịch Covid-19) với tốc độ năm sau gấp 2-3 lần năm trước. Đây là xu hướng chung, cũng là cơ hội chuyển mình cho giới kinh doanh dịch vụ lữ hành trong nước, nếu nhanh nhạy thích ứng và tận dụng lợi thế một cách khôn ngoan.

Chỉ tính riêng từ Ushuaia - điểm cực nam của Argentina, mỗi năm đã có khoảng 500 hải trình với trung bình 200 khách/tàu hướng về bán đảo Nam Cực. Cũng chừng ấy chuyến hướng lên bắc bán cầu, để khoảng 10 vạn du khách toàn thế giới có cơ hội chiêm ngưỡng hệ sinh thái độc đáo và khai thác trọn vẹn mùa hè của cả hai vùng cực.

Nhìn vào thực tế đó, sẽ thấy “với thị trường trăm triệu dân như Việt Nam, một công ty gom khoảng trên chục khách cho một sản phẩm mỗi năm là tương đối khả thi. Số lượng người Việt có khả năng chi trả 400 triệu đồng cho một hành trình không ít. Vì thế, miếng bánh thị phần tưởng rất nhỏ nhưng lại ẩn chứa nhiều tiềm năng. Với công ty chúng tôi, sau chuyến đầu tiên, 70% lượng khách trở thành khách hàng trung thành lựa chọn những hành trình kế tiếp, 30% còn lại nhờ vào hiệu quả quảng cáo, truyền thông” - ông Hiếu phân tích.

Sau ba hành trình đưa khách tới Nam Cực, nếu chuyến mở màn chỉ mời gọi được hai khách thì năm 2019 đã có tới 12 người ghi danh. Cả thảy có 30 du khách đặt chân tới cực nam năm 2023 và cho tới giờ này đã có hơn chục người đặt cọc cho năm 2024. Tò mò hỏi ông Hoàng Phụng Hiếu về tệp khách hàng đam mê luxury travel, câu trả lời nhận lại khá thú vị, “90% du khách chọn lựa loại hình đặc thù này nằm ở độ tuổi từ 50 đến 70, trong đó phái nữ chiếm ưu thế với 70%”.

Thực tế này cũng có sự tương đồng, khi nhìn ra thế giới, báo cáo Luxury Travel Marketcủa công ty nghiên cứu thị trường Allied cũng cho thấy thế hệ “baby-boomer”(sinh ra trong giai đoạn bùng nổ dân số giai đoạn 1946-1969) là nhóm có công lớn nhất thúc đẩy biểu đồ tăng trưởng của thị trường du lịch xa xỉ. Cũng theo báo cáo này, phân khúc cao cấp đó đang có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của kinh tế toàn cầu.

Ông Hoàng Phụng Hiếu (bìa phải, hàng trên) trong lần thứ ba dẫn đoàn khách Việt Nam khám phá Nam Cực. Nguồn ảnh | Viet Global Travel

Từ khe cửa rất hẹp lúc ban đầu, du lịch xa xỉ đang trở thành một trào lưu mạnh mẽ được giới đam mê xê dịch đón chào. Xu hướng sống sâu hơn, chậm rãi hơn và trải nghiệm nhiều hơn, để hòa mình và nhờ đó thêm nâng niu, trân trọng thiên nhiên là những thay đổi đáng kể trong nhận thức của giới nhà giàu, giai đoạn hậu đại dịch Covid-19. Cánh cửa thị trường đã rộng mở thênh thang, khai thác hiệu quả đến đâu là tùy thuộc vào nỗ lực thích ứng, tăng lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt.