“Di cư” đến Hội An

|

Nhiều người nước ngoài “di cư” đến Hội An với dự định nghỉ dưỡng vài tháng đến nửa năm. nhưng trong thời gian ở đây, họ đã tìm thấy một sự kết nối khá tốt khiến họ ở lâu hơn dự định.

Như đã thấy...

Sau thời gian dài làm việc, nghỉ hưu, người nước ngoài đã tìm đến Hội An ở dài ngày. Đầu tiên họ thuê một phòng homestay, sau đó dựa trên thu nhập, họ tìm villa trong ngôi làng yên tĩnh, thỉnh thoảng tổ chức bữa BBQ, rủ vài người bạn đến. Serge Lafrance (Australia), cho biết: “Đến đây, tôi tránh cái giá lạnh quê nhà. Ở đây nhiều nắng, các nhà hàng quốc tế cũng nhiều, dễ dàng lựa chọn”.

Với một chân dung khác, kính đen, mũ bảo hiểm cài tươm tất, môi mắm hờ, mặt hơi ngửa lên, hai tay vươn về phía trước. Đó là hình ảnh trên dòng thời gian của Chris Pallett, với đề từ ngắn gọn: emigrated (di cư)! Nếu chỉ nhìn bức ảnh, người khác sẽ chỉ ra, ông ấy đang ngồi trên xe máy, như vậy phải viết là di chuyển mới đúng. Nhưng bức ảnh đó định vị nơi ở mới, giao thông bằng xe hai bánh, nhiệt độ ấm áp. Những người biết Chris Pallett thì “comment”, một vài năm nữa tôi sẽ đến đó.

Chris Pallett là công dân thủ đô Ottawa (Canada). Ông đã di chuyển đến một quốc gia khác. Và ở quê nhà vẫn gửi cho ông những clip tuyết rơi trắng xóa trên mọi nẻo đường. Mỗi buổi sáng thức giấc, ông đều xem thời tiết ở Canada, với một cái nhún vai “too cold” (quá lạnh)! Cũng trên dòng thời gian Chris Pallett có một bức ảnh đèn lồng. Một đặc điểm nữa, Chris Pallett không đăng ảnh nhiều, một trang cá nhân đơn điệu, với một dòng viết: “tôi nghỉ ngơi”. Qua hai bức ảnh như vậy, bạn bè nhận ra Chris Pallett đang ở Hội An. Họ đặt câu hỏi, bạn sẽ ở lại đó mãi mãi? Cũng có “comment” rằng: “Nhìn bạn rất quyến rũ... Ở Ottawa, tôi không bao giờ nhìn thấy bạn. Vì bạn toàn lái xe hơi”.

Chris Pallett đã có hai năm sống ở Hội An. Trong thời gian đó, Chris Pallett đọc những tin tức về nơi mình đang sống và cho rằng mình lựa chọn đúng: “Mẹ của tôi, bạn của tôi... luôn nghĩ về nơi tôi đang sống và rất yên tâm”.

Hội An không phải chỉ nằm ở trung tâm phố cổ với những địa điểm tham quan được nhiều trang báo điểm danh, mà còn có một Hội An khác đậm làng quê. Cảm nhận rõ nhất, đó là khi bạn đi trên đường Lý Thái Tổ, Trần Nhân Tông... không xa phố cổ là mấy. Ở đây, hiện diện một bên phố, một bên làng. Đừng vội đi thẳng, hãy rẽ vào một lối nào đó, nó chỉ đi lọt được ba chiếc xe máy, hoặc một chiếc xe hơi. Mùa này, những thửa ruộng đã được cày bung đất. Mùi bùn ngai ngái, gió thổi, một cảm giác chớm lạnh. Bù vào đó, vườn cau, lũy tre, không gian tách biệt hoàn toàn với quán xá, xe cộ. Ở đó, chen trong những nhà dân là những villa, homestay.

Tự mình đi khám phá Hội An thì Hội An vẫn là hình ảnh cố định, thiếu tính ngạc nhiên. Nhưng đi cùng người nước ngoài, mình lại thấy một Hội An khác. Myles Tasha (người Scotland) đã bảo tôi đi cùng, đến chợ Thanh Hà, bạn ra hiệu dừng xe, đi xuống mép nước bờ sông Thu Bồn. Bạn chỉ cho tôi những chiếc thuyền nhỏ dập dềnh nằm trên mặt nước, bên trên căng bạt che mưa, đó là những chiếc thuyền đánh cá. Myles Tasha giải thích rằng: “Với một phương tiện đơn giản kiếm sống, không cau có phàn nàn, mà luôn mỉm cười. Tôi thán phục họ”.

Đô thị Hội An khởi phát từ cảng thị, lấy dịch vụ, buôn bán mưu sinh. Sau bao năm bị lãng quên, khi được khởi động trở lại, họ lại tiếp nối mạch quá khứ của mình. Họ điềm tĩnh khi tiếp xúc với người nước ngoài. Bước chân vào chợ dù mua hay chỉ đi chơi cũng không bị nghe một lời nói quá mạnh đến mức khiếp sợ. Ở các chợ Hội An luôn bắt gặp cảnh những đoàn khách theo chân hướng dẫn viên. Đến mỗi quầy hàng, hướng dẫn viên nâng bó rau muống, rau khoai, quả đu đủ... giới thiệu một thứ rau địa phương. Họ nói xong rồi cùng đoàn khách đi tiếp. Người bán hàng cũng không nheo mắt, cau mày, hất hàm bất mãn mà ngược lại tươi cười cảm ơn. Đây là hình ảnh hiếm gặp ở những chợ nơi khác.

Và như đã nghe

Trong một bữa ăn tối cùng nhau, chúng tôi hỏi ba người, họ đến từ Anh, Scotland, Canada. Hai trong ba người nói đến Việt Nam lần đầu, chọn Hội An là điểm nghỉ ngơi, dưỡng sức khi tuổi làm việc đã hết. “Chúng tôi tin vào những gì chúng tôi đã đọc được, khi quyết định đến đây”- Neil, người Anh cho hay.

Hành trình ban đầu, họ muốn ở ngắn hạn, nếu cảm thấy không ổn, họ sẽ đến Nha Trang, Phú Quốc hoặc sẽ di cư sang một nước khác. Nhưng Hội An đã không làm họ thất vọng.

Có dịp trò chuyện với một người làm dâu phố cổ đã hơn 15 năm, chị cho rằng, chất Hội An đang phai lạt đi. Hà Văn Công người gốc Hội An, làm quản lý quán cà-phê Mun trên đường Nguyễn Duy Hiệu, cho rằng Hội An không phải là trung tâm sản xuất, điều gì sẽ xảy ra khi khách du lịch ít đến đây? Mang hai suy nghĩ này hỏi người nước ngoài, họ chỉ bật cười và kết luận, đó là suy nghĩ bi quan.

Vì sao họ lại thích Hội An? Ở nơi này không có siêu thị lớn, chỉ có hàng tạp hóa, chợ quê? Mark Rozanski (người Anh), đã ngoài 60 tuổi, đến Hội An nghỉ ngơi, cho rằng: “Chúng tôi đi siêu thị bên Đà Nẵng hoặc nhờ bạn mua cho mình những gì cần”. Một lần, khi chúng tôi cùng ngồi xem phim trên Netflix, một bộ phim nước ngoài có những hoạt cảnh sân khấu hát đối nhau. Tôi xem cũng không hiểu vì tiếng Anh của mình có hạn. Mark Rozanski bảo, khi mùa hè đến, trên bãi biển hay trên phố Hội An, ông cũng được nghe họ hát, họ đánh nhạc. Ông không hiểu nhưng cũng thích.

Bài chòi, phố cổ, đèn lồng hay những làng quê bên lề phố cổ đang tạo nên một sức hấp dẫn của riêng Hội An khiến cho nhiều người nước ngoài đến đây, ở lại với một sự quyến luyến khó tưởng. Và nếu bạn có một người bạn Việt Nam ở Hội An, bạn sẽ biết các món ăn cơm gà, mì Quảng, cao lầu, bánh xèo, bánh đập. Đổi món sẽ chọn nhà hàng Thái, Nhật Bản. Nói tóm lại, nó có tính tương đồng. Nhưng nếu bạn có một người bạn là người nước ngoài sống ở Hội An, bạn sẽ biết vô số những nhà hàng quốc tế, những món ăn phương tây do chính người nước ngoài tìm đến Hội An, thuê mặt bằng kinh doanh. Bạn sẽ phải “cài đặt” lại cái dạ dày của mình, bởi thức ăn rất khác biệt. Và điều đó khiến cho một Hội An hình hài cũ, vẫn hội nhập trong dòng chảy hôm nay.

Phố cổ Hội An. Ảnh: TL