PGS,TS Nguyễn Đăng Điệp (NĐĐ): Đây là một chủ đề rất hay vì bất cứ sự phát triển nào cũng đều bắt nguồn từ sáng tạo, và bản chất của sáng tạo chính là văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Cần lưu ý, người nói câu này là một danh nhân văn hóa thế giới. Khi nói “soi đường”, Hồ Chí Minh đã chỉ ra vai trò to lớn của văn hóa. Đáng chú ý là ngay từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã nhận thấy văn hóa có mặt trong “xây dựng chính trị” và “xây dựng kinh tế”, điều mà đến nay không phải ai cũng nhận thức đầy đủ. Những tư tưởng này cần nhanh chóng thấm vào “tâm lý quốc dân” để ai cũng hiểu được tầm quan trọng của văn hóa. Không phải ngẫu nhiên mà Đảng ta đặt vai trò của văn hóa ngang bằng với chính trị và kinh tế. Về thực chất, đó là sự phát triển đồng bộ, bền vững, nó cần đến sự khai phóng trong nhận thức và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong hành động.
Nhà thơ Hữu Việt (HV): Nhưng hiện nay, câu chuyện văn hóa bị tác động bởi kinh tế thị trường (KTTT) đang khiến dư luận lo lắng. Nếu trong kinh tế có sự kết tinh giá trị văn hóa thì văn hóa phải làm thế nào để tác động lại KTTT, tạo nên sự phát triển cân bằng và bền vững cho xã hội?
NĐĐ: Xác lập kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là quyết sách đúng đắn của Đảng ta. Khách quan mà nói, bản thân KTTT không có lỗi nếu được vận hành một cách đúng đắn. Ở nhiều quốc gia phát triển, mặc dù KTTT xuất hiện từ lâu nhưng văn hóa của họ vẫn phát triển kia mà. Rõ ràng, KTTT là một lực đẩy quan trọng để giải phóng sức sản xuất, trong đó có sức sản xuất văn hóa. Tất nhiên, bản chất của KTTT là biến tất cả mọi thứ thành thương phẩm, kể cả sản phẩm văn hóa - nghệ thuật. Điều cần quan tâm là phải giải quyết hài hòa hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội trong lĩnh vực văn hóa. Cốt lõi của văn hóa là nhân văn. Nếu chỉ chú trọng hiệu quả kinh tế mà lãng quên hiệu quả xã hội thì phát triển văn hóa sẽ lệch lạc. Bởi thế, gia tăng văn hóa trong kinh tế thực chất là đưa văn hóa tác động đến KTTT. Không ít trường hợp, văn hóa còn phát huy tốt vai trò dự báo và điều chỉnh phát triển kinh tế.
HV: Thời gian gần đây chúng ta nói nhiều đến việc xây dựng nền công nghiệp văn hóa (CNVH). Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?
NĐĐ: Bây giờ mới chú ý phát triển công nghiệp văn hóa là hơi muộn. Nhưng muộn còn hơn không. Ở các quốc gia phát triển, khái niệm CNVH và công nghiệp sáng tạo nhiều khi được dùng thay thế cho nhau với hàm ý, trong CNVH, sáng tạo phải là khâu đầu tiên, then chốt. Cái gọi là văn hóa trong kinh tế, kinh tế trong văn hóa thể hiện rõ nhất trong CNVH. Chẳng hạn chiếc điện thoại iPhone được ưa chuộng bởi nó kết hợp rất khéo tinh hoa công nghệ và tinh hoa nghệ thuật. Vì là sản phẩm của kinh tế tri thức và xã hội tiêu dùng, nên iPhone cũng rất biết cách chiều lòng người mua khi liên tục thay đổi mẫu mã, cấu hình,... Nghĩa là nó luôn cố làm hài lòng các “thượng đế” bằng kết hợp hài hòa công nghệ và văn hóa.
HV: Chúng ta nên chọn hướng nào để đi sau mà không chậm, đi chậm mà không tụt hậu quá xa? Và làm sao để có những sản phẩm văn hóa “make in Việt Nam” đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm CNVH khác?
NĐĐ: Đúng là so với các quốc gia phát triển, CNVH chúng ta tụt hậu khá nhiều. Vì thế, chọn chiến lược “đi tắt đón đầu” là phù hợp. Tôi nghĩ, trước hết, nên đầu tư thế mạnh vào công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp. Đây là những lĩnh vực phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta khi người Việt nổi tiếng về khéo léo. Nhưng muốn hút khách thì phải chuyên nghiệp hóa. Song song với việc chú trọng thế mạnh đã có, từng bước đầu tư vào các lĩnh vực khác như công nghiệp điện ảnh, biểu diễn, xuất bản... để thỏa mãn nhu cầu trong nước và dần vươn tầm quốc tế.
HV: Ông nghĩ thế nào đến văn hóa và du lịch?
NĐĐ: Một chủ đề quá nóng và quá nhiều thứ để bàn. Gần đây, lượng du khách đến Việt Nam tuy tăng lên nhưng số quay trở lại rất ít. Cái gì khiến họ mất hứng thú trở lại? Không phải thiên nhiên, bởi Việt Nam được trời ban cho một thiên nhiên tuyệt mỹ. Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta chưa tạo được nhiều dấu ấn văn hóa tại các điểm du lịch. Tôi nghĩ, văn hóa phải tiến vào du lịch, tăng sức cạnh tranh của CNVH tại địa hạt này. Mô hình sinh thái văn hóa cần được quan tâm thích đáng. Đó không phải là kết hợp kiểu số cộng mà là sự thẩm thấu, hài hòa và luôn đổi mới.
HV: Nhìn rộng hơn thì chúng ta còn rất nhiều tiềm năng văn hóa phi vật thể mang yếu tố đặc thù của văn hóa và con người Việt Nam. Khai thác những tiềm năng này phục vụ phát triển CNVH cũng rất cần một chiến lược căn cơ, bài bản?
NĐĐ: Đúng thế. Cái thiếu vẫn là chiến lược phát triển và thực thi hợp lý. Đã có nhiều di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận, nhưng lo nhất là sau khi được công nhận, chúng ta rất lúng túng trong việc duy trì, bảo tồn và khai thác di sản. Một mặt, ngoài bảo tồn nguyên trạng, chúng ta phải chú ý sự thích ứng với mỹ cảm đương đại để thu hút công chúng. Song nếu chỉ chạy theo mỹ cảm đương đại, bỏ rơi những yếu tố bản sắc thì chắc sẽ còn tệ hơn. Đây là một bài toán khó, nhưng tại sao các quốc gia khác làm được, chúng ta lại không? Nút thắt nằm ở sức sáng tạo và đổi mới từ nhiều phía. Hơn nữa, cần phải chuyên nghiệp hóa trong tất cả các khâu thì mới mong có sự đột phá trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
HV: Một yếu tố nữa chúng ta cũng cần nhắc đến, đó là sự sáng tạo của chính các nghệ nhân, nghệ sĩ trong từng loại hình văn hóa phi vật thể nhằm mang lại góc tiếp cận mới, thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa đa dạng của công chúng hôm nay.
NĐĐ: Chính xác. Phải có những nghệ sĩ đam mê với nghề mới làm cháy lên ngọn lửa sáng tạo. Tôi sợ nhất làm nghệ thuật mà không có đam mê. Yên tâm, nếu sáng tạo của họ thật sự có ý nghĩa thì công chúng sẽ đón nhận. Nghệ thuật là lĩnh vực đặc thù, nên việc phát hiện, đào tạo tài năng phải coi là một chiến lược quan trọng. Bên cạnh việc kích thích các ý tưởng mới, cần mời chuyên gia uy tín xét chọn một cách minh bạch. Sợ nhất là những ê kíp lợi ích nhóm, vì một khi lợi ích nhóm đã đi vào nghệ thuật thì không thể có sản phẩm tử tế.
HV: Văn hóa giải trí đang được công chúng trẻ say mê, hào hứng đón nhận. Văn hóa hàn lâm đang ngày càng bị lép vế. Làm sao để thỏa mãn nhu cầu giải trí mà không tầm thường, đại chúng mà không lấn át tinh hoa, thưa ông?
NĐĐ: Sự phát triển của văn hóa đại chúng gắn liền với ba nhân tố cơ bản: xã hội tiêu dùng; sự thỏa hiệp giữa văn hóa bác học và văn hóa bình dân; truyền thông hiện đại. Nếu văn hóa đại chúng hướng tới số đông, chú trọng yếu tố giải trí và hiệu quả kinh tế thì văn hóa tinh hoa “khó tính” hơn nhiều. Nó hướng tới công chúng chọn lọc. Vẫn nên để cả hai phát triển hài hòa mặc dù văn hóa tinh hoa phải được coi là chủ thể phát triển. Với văn hóa đại chúng, chúng ta phải tạo nên những tác phẩm mang tính giải trí lành mạnh để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa đa dạng của công chúng, tránh rơi vào tình trạng quá khích, nặng phần “con” mà nhẹ phần “người”. Còn với văn hóa tinh hoa, rất cần đến những hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước và xã hội để bảo đảm cho chủ thể văn hóa có điều kiện sáng tạo. Theo tôi, mô hình giải Goncourt của nước Pháp là một gợi ý để “bù đắp” cho những sáng tác tinh hoa: giá trị giải thưởng này chỉ là 10 Euro, nhưng sau khi đoạt giải, danh tiếng của tác giả sẽ tăng lên, đem đến cho họ những lợi ích kinh tế không nhỏ. Dĩ nhiên, với điều kiện tác phẩm của họ phải thật sự xuất sắc và ban giám khảo cũng phải thật công minh.