Xiếc đâu chỉ dành cho con trẻ

|

“Nhiều người Việt Nam thường nghĩ, xiếc chỉ dành cho trẻ con. Trong khi ở những quốc gia có nghệ thuật xiếc phát triển, phần lớn khán giả đến rạp là người lớn. Thay đổi tư duy làm nghề để đáp ứng thị hiếu người xem là nỗ lực lớn nhất hiện nay của chúng tôi, nhằm mang lại cái nhìn mới cho công chúng yêu xiếc”. NSƯT Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ, ngay sau khi Sống mãi với Điện Biên - vở xiếc mới vừa ra mắt đúng dịp kỷ niệm 65 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và nhận được sự đón nhận khá nồng nhiệt của công chúng

Muốn khán giả thay đổi tư duy...

Cảm xúc của anh thế nào khi chứng kiến nhiều khán giả thưởng thức Sống mãi với Điện Biên mới đây đã không giấu nổi sự ngạc nhiên và nhận ra xiếc không chỉ đơn thuần là trò diễn đơn lẻ mà trở thành một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh?

Bạn thấy đấy, vẫn là những tiết mục xe đạp chồng người - múa sạp - nhào lộn - đế trụ tập thể - múa cờ - thăng bằng trên dây... nhưng khi được kết nối với dàn hợp xướng, với các ca sĩ và nghệ sĩ múa... trên nền các ca khúc đi cùng năm tháng như Hò kéo pháo, Qua miền Tây Bắc, Người Mèo ơn Đảng, Hành quân xa, Trên đồi Him Lam, Giải phóng Điện Biên..., chúng tôi đã làm nên một bữa tiệc âm thanh và thị giác mang lại nhiều cung bậc cảm xúc. Những giọt nước mắt xúc động cùng những tràng vỗ tay không ngớt của khán giả - trong đó có nhiều cựu chiến binh từng làm nên chiến thắng lịch sử này là phần thưởng lớn nhất đối với tập thể nghệ sĩ chúng tôi.

Với nỗ lực liên tục cho ra mắt những chương trình hướng tới chủ đề đặc biệt mà Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã và đang triển khai thời gian gần đây như Những cánh hồng bay (tôn vinh những nữ nghệ sĩ xiếc trong ngày Quốc tế Phụ nữ), Đi cùng năm tháng (kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ), Hà Nội của những giấc mơ (kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô), Cuộc phiêu lưu của chú Tễu (cho ngày Quốc tế Thiếu nhi), Phù thủy đại chiến (cho dịp Tết Trung thu)..., xiếc mới đã trở thành sản phẩm nghệ thuật đáp ứng được thị hiếu đa dạng của nhiều lứa tuổi khán giả, từ người lớn tới trẻ em. Tôi định danh như thế, để phân biệt với xiếc truyền thống thường khai thác những tiết mục đơn lẻ như Cầu ngô, Thạch Sanh đánh chằn tinh cứu công chúa... đã từng gắn với nghiệp diễn của chính mình. Vở xiếc được lồng ghép nhiều loại hình nghệ thuật, được sự hỗ trợ tối đa của công nghệ âm thanh và ánh sáng hiện đại, được xâu chuỗi gắn kết bằng chủ đề xuyên suốt giúp chuyển tải hiệu quả các thông điệp là hướng đi mà chúng tôi đang lựa chọn.

Vậy có thể hiểu vở xiếc đang mở ra biên độ sáng tạo rộng hơn cho các nghệ sĩ làm nghề?

Từ tiết mục Cầu ngô, giờ chúng tôi xây dựng thành Hội làng (với nhân vật thầy bói của sân khấu chèo, với những màn ảo thuật hấp dẫn và các màn múa cờ hội - múa quạt và múa sen). Từ cuộc chiến với chằn tinh, chúng tôi phát triển thành vở xiếc Thạch Sanh - Lý Thông... Khán giả đều thích những chương trình xiếc có nội dung. Để có được tiết mục lẻ kéo dài dăm bảy phút, người nghệ sĩ phải mất tới hai, ba năm tập luyện nhưng diễn một thời gian sẽ dễ gây nhàm chán. Lồng ghép nhiều tiết mục trong một vở xiếc sẽ mang tới cho tác phẩm những giá trị nhân văn mới mẻ, hấp dẫn. Vở Làng tôi đã trở thành một hiện tượng, bởi đó là một tác phẩm nghệ thuật tổng hợp sử dụng chủ đạo ngôn ngữ xiếc tre. Kết hợp với hiệu ứng âm thanh và ánh sáng hiện đại, với vũ đạo và nghệ thuật sắp đặt, Làng tôi đã trở thành nhịp cầu giới thiệu văn hóa Việt Nam ra với thế giới.

Cá nhân tôi cũng đã từng chọn “sử dụng chất liệu trò chơi dân gian trong sáng tạo sản phẩm xiếc” làm đề tài luận văn thạc sĩ, chuyên ngành Nghệ thuật sân khấu. Tôi cũng từng đạo diễn xiếc cho chương trình nghệ thuật giải trí Ionah với sự kết hợp cùng nhiều loại hình như múa, hip hop, kịch, nghệ thuật thị giác... Xiếc hội đủ những yếu tố hấp dẫn như sự nguy hiểm của tiết mục (khiến khán giả luôn hồi hộp và phải tập trung cao độ suốt quá trình thưởng thức), lao động nghệ thuật của nghệ sĩ luôn thật 100% bởi diễn xiếc không thể làm giả hay “nhép” được... Theo tôi, nếu biết tìm tòi sáng tạo, biết khéo léo kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật, xiếc sẽ trở thành loại hình có ưu thế trong ngành công nghiệp giải trí giúp chuyển tải sâu sắc ý tưởng, thông điệp mà người nghệ sĩ mong muốn gửi gắm.

... Nghệ sĩ xiếc phải thay đổi trước tiên

Sở hữu nhiều ưu thế, nhưng xiếc Việt hiện vẫn chịu cảnh thiệt thòi. Theo anh, nguyên nhân chính là do đâu?

Ở nước ngoài, xiếc được trân trọng như một loại hình nghệ thuật hàn lâm. Và 70% khách yêu sân khấu tròn là người lớn. Xin được khẳng định một lần nữa, xiếc không chỉ dành cho đối tượng trẻ em, xiếc dành cho đông đảo công chúng.

Cảnh trong vở xiếc Sống mãi với Điện Biên.

Như bạn đề cập ở trên, một số người đã thay đổi góc nhìn sau khi xem vở xiếc Sống mãi với Điện Biên. Nhưng số đó không nhiều và phần đông còn lại vẫn mặc định chỉ trẻ con mới đi xem xiếc. Thời gian gần đây, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã nỗ lực trong xây dựng chương trình mới, mở rộng đối tượng khán giả phục vụ, tổ chức hội nghị khách hàng nhằm tìm hiểu nhu cầu và mong muốn của công chúng để điều chỉnh sao cho hiệu quả nhất. Nhưng có lẽ những hạn chế còn tồn tại trong khâu truyền thông đã khiến nhìn nhận của người xem ít có sự thay đổi tích cực.

Hiện tại, ngoài sân khấu tròn của Rạp xiếc Trung ương với sức chứa 1.300 chỗ, Liên đoàn luôn có sẵn hai rạp bạt di động để có thể đáp ứng các chuyến lưu diễn dài ngày tại các địa phương vùng sâu, vùng xa. Không chỉ vậy, chúng tôi luôn sẵn sàng cung cấp và đáp ứng chương trình riêng theo yêu cầu cụ thể của từng khách hàng, thậm chí có thể kết hợp biểu diễn xiếc với quảng bá truyền thông cho sản phẩm cũng như thương hiệu nếu họ cần.

Vậy là đã có sự thay đổi mạnh mẽ từ tư duy của người quản lý. Còn với từng nghệ sĩ thì sao, thưa anh?

Nhiều ý kiến xót xa về chế độ đãi ngộ cho nghệ sĩ xiếc hiện nay còn khiêm tốn, lực lượng nghệ sĩ trẻ thiếu hụt để kết luận xiếc Việt đang chịu cảnh thiệt thòi. Thay đổi thực tế đó không thể là câu chuyện ngày một ngày hai. Nhưng điều nghệ sĩ xiếc có thể làm ngay, đó là thay đổi tư duy trong cách làm nghề. Có một thực tế là sinh viên xiếc ra trường cần có thời gian biểu diễn thực tế trên sân khấu. Trong khi đó, xu thế phát triển của xiếc mới yêu cầu người diễn viên phải trau dồi kiến thức, kỹ năng về rất nhiều loại hình phụ trợ như âm nhạc, vũ đạo, kỹ thuật biểu diễn, khả năng diễn xuất... Nghệ sĩ càng đa năng, đa tài thì cơ hội tham gia các chương trình đa dạng sẽ nhiều hơn, thu nhập sẽ được bảo đảm.

Không chỉ là người lăn lộn đưa từng ý tưởng kịch bản lên sàn diễn, tôi còn được anh chị em nghệ sĩ gọi bằng cái tên “người truyền cảm hứng”. Bởi tôi luôn nhắc họ, “người nghệ sĩ phải luôn hết lòng vì khán giả. Yêu nghề, nghề không phụ”. Tôi tin xiếc Việt sẽ khởi sắc, sẽ kéo nhiều đối tượng khán giả trở lại với sân khấu tròn trong tương lai gần. Nhất định thế!

Trân trọng cảm ơn anh!