Phía sau một cuộc đời...

|

Kết thúc mỗi kỳ World Cup, những gì chúng ta nhìn vào thế giới bóng đá lại thêm phần hào nhoáng. Đó là thế giới của những siêu sao. Đó là một thế giới mà người ta chỉ có thể nhìn vào mà... tưởng tượng! Nhưng thực tế, cuộc sống của họ có phải là thiên đường? Chúng ta hãy đến với câu chuyện của Kevin De Bruyne...

1. Căn nhà của De Bruyne có đầy đủ mọi thứ, hơn cả quy mô của một khách sạn nhỏ, thậm chí là cả một con đường chạy xuyên qua nhà. Nhưng cách bài trí của nó lại giống tính cách của De Bruyne, đơn giản và thẳng thắn. De Bruyne mặc một bộ thể thao mầu nâu xám, cặm cụi trong bếp, làm đồ ăn cho cả nhà. Mọi thứ cứ nhẹ nhàng như vậy, nhưng mỗi khi De Bruyne lên tiếng, mọi thứ sẽ hoàn toàn khác. Khi 20 tuổi, De Bruyne đã nói toáng lên trong phòng thay đồ ở giờ nghỉ giữa hiệp trong trận đấu của Genk (Bỉ) rằng: “Tôi xấu hổ vì các đồng đội như thế này, ai không muốn thi đấu thì biến đi”.

Điều đầu tiên ai cũng thấy, cuộc sống của De Bruyne rất sang trọng, bởi ngôi sao người Bỉ là một trong những cầu thủ nhận lương cao nhất tại câu lạc bộ Man City và cả giải Ngoại hạng Anh với mức lương 20 triệu bảng/năm chưa kể thu nhập khác. Nhưng khi được hỏi rằng, số tiền đó có lớn không, De Bruyne không ngại thừa nhận: “Vâng, nó không ít, nhưng có quá nhiều không thì chắc là không”. Nó sẽ là rất nhiều nếu so sánh với mức lương của cha De Bruyne, người làm việc trong nhà máy sơn xe lửa, nhưng sẽ không cao, nếu so với những gì De Bruyne đã làm. Rời gia đình khi mới 14 tuổi để đi đá bóng, cuộc sống của tiền vệ này là những lần lang bạt, những chuyến đi và sự thiếu thốn tình cảm. Thậm chí, đó có thể coi là một canh bạc cuộc đời của một cậu bé.

2. Khi bước chân vào sự nghiệp bóng đá chuyên nghiệp, cuộc sống của De Bruyne trôi theo cách mà chính anh không mong muốn. Năm 21 tuổi, De Bruyne hẹn hò với bạn gái Lacroix mà giờ là vợ anh. Cô không quan tâm lắm đến bóng đá và đương nhiên không chuẩn bị cho cuộc sống bên cạnh một siêu sao được săn đón ở mọi nơi. Lacroix tiết lộ rằng: “Khi De Bruyne càng thành công, chúng tôi càng cảm thấy như bị cô lập nhiều hơn. Trước đây, khi đi ra ngoài đường chỉ có vài ba người chạy tới gần chúng tôi, nhưng giờ thì có lẽ mọi thứ chỉ nên gói gọn ở nhà với bạn bè”. Và một sự thật không thể khác được, De Bruyne hay bất kể ngôi sao nào cũng vậy, họ phải chi tiêu nhiều hơn và trong đó có một khoản lớn gọi là: chi phí trả thêm để mua quyền riêng tư... của chính mình! Loại chi phí này thì gần như bất kỳ ngôi sao lớn nào đều cũng phải chi trả, hoặc công khai hoặc bí mật. Và con số ấy không rẻ. Cho nên, thu nhập của họ dù cực cao thì những chi phí kiểu này cũng cao theo. “Chúng tôi phải sống giấu mình hơn. Thông thường, một chuyến đi của gia đình sẽ chẳng có gì phải lo lắng, nhưng chúng tôi phải thực hiện nó bí mật, riêng tư, mang tính cá nhân và vì thế, giá đắt hơn thông thường rất nhiều”.

Với gia đình De Bruyne, đây không phải sự lựa chọn mà là điều bắt buộc. Khi cả gia đình ra ngoài mà không có anh, họ có thể tự do hơn. Nhưng khi có sự xuất hiện của De Bruyne, mọi thứ hoàn toàn khác: “Chúng tôi đã thử đến hội chợ để giải trí một chút. Nhưng khi đến đó, Kevin đã phải chụp ảnh với khoảng gần 200 người. Tôi và bọn trẻ chỉ biết chờ đợi và chờ đợi. Điều ấy chẳng thú vị chút nào. Rất lâu sau, mấy người bảo vệ đi tới. Chúng tôi đã nghĩ họ có thể giúp được gì đó. Nhưng đến nơi họ lại nói: “Chúng tôi có thể chụp ảnh với anh ấy được không?”- Lacroix vừa cười vừa kể.

Đó là một đặc quyền không phải ai cũng có. Nhưng có vẻ như không phải là cuộc sống bình thường. Ngay cả việc đi tập của ngôi sao cũng khổ. De Bruyne hay C.Ronaldo, Messi, Suarez... đều từng nhiều lần rơi vào hoàn cảnh bị theo dõi, rồi bị bám theo suốt dọc đường di chuyển. Họ lái xe ngay bên cạnh ngôi sao rồi quay phim, chụp ảnh. Những lần các cổ động viên đứng chặn đầu xe, nhảy lên đầu ô-tô rồi người đi cạnh làm nhiệm vụ chụp ảnh. De Bruyne từng nhiều lần còn bị người hâm mộ “ăn vạ” nằm lăn trước đầu xe để xin được chụp hình. Đến mức anh phải nói: “Khi bạn chưa được chú ý, bạn sẽ mong được thành tâm điểm. Nhưng khi sự chú ý ngày càng nhiều, bạn sẽ thấy mình như bị nuốt chửng, ngay trong thế giới của mình”.

“Tôi đã nghĩ mình kiếm được nhiều tiền. Nhưng thật sự là có nhiều không? Chưa chắc, vì không ai nhìn thấy cái giá bạn phải trả”. De Bruyne nói đúng, bởi chấn thương có thể cướp đi sự nghiệp bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào. Nhưng cứ loại bỏ trường hợp đó, việc một ngôi sao có thu nhập lớn không phải điều đáng để bàn bạc: “Khi nhỏ, gia đình tôi không giàu, nhưng tôi có đủ những gì mình cần. Giờ cũng vậy. Chúng tôi có đủ những gì mình muốn. Nhưng đó là một hành trình không dễ dàng, thậm chí đầy cạm bẫy. Bài học đầu tiên là bạn phải trưởng thành khi 17-18 tuổi, khi phải sống cạnh những người 30-35 tuổi. Không dễ. Bởi thể thao đỉnh cao vô cùng tàn bạo”. Trầm ngâm một lúc, De Bruyne nói tiếp: “Tôi đã bỏ lỡ một phần cuộc đời khi rời gia đình năm 14 tuổi. Khả năng tôi trở thành kẻ vô dụng hoàn toàn có thể”. Và khi trở thành ngôi sao, De Bruyne cũng phải thay đổi để theo kịp với những áp lực khủng khiếp ngày càng tăng của sự kỳ vọng.

3. Lacroix kể rằng, ít ai biết De Bruyne nhiều khi như kẻ bị trầm cảm. Khi chấn thương, không thi đấu, De Bruyne căng thẳng ngồi xem và thường xuyên nổi điên, la hét, đập phá mỗi khi đội nhà bị thua. Và có sự thật mà cô không giấu diếm: “De Bruyne chưa bao giờ đến trường của con, khi chúng được nghỉ học cuối tuần thì đó là lúc De Bruyne thi đấu. Những sinh hoạt thường có ở một gia đình trở nên khó khăn hơn với chúng tôi. Và Kevin thường nói, bây giờ cần tập trung vào bóng đá, kiếm tiền để sau này có thể tận hưởng mọi thứ cùng nhau. Vì thế mà trong suốt thời gian dịch Covid-19 hoành hành, De Bruyne tập điên cuồng gấp đôi bình thường, thậm chí anh còn chạy quanh bộ sofa suốt cả ngày”.

Phía sau một cuộc đời luôn có những góc khuất. Ở đó không chỉ có tiền bạc, sự hào nhoáng mà còn có đam mê, sự nỗ lực, tận hiến và cả những thách thức...

Ảnh trong bài: Getty