Phút giao thừa thường nhật

|

Phút cuối cùng của năm cũ được chú ý, ngóng chờ nhất mỗi năm, để bước sang năm mới, mùa mới, mà đỉnh điểm là khi ba kim giờ - phút - giây nhập một - khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng được cả nhân loại đón trong hân hoan. Từ cú nhích đầu tiên của kim giây, Xuân đến. Mùa vạn vật sinh sôi đã nghìn đời nay được coi là mùa sáng tạo.

Và như thế, vòng tuần hoàn, lần lượt bốn mùa. Đông qua Xuân tới, Tết đến Xuân về, tưởng quen mà chưa bao giờ cũ. Vì Xuân là khởi đầu, là mới, là sức sống. Bởi thế, Xuân là ẩn dụ kinh điển và tuyệt vời của sắc đẹp, tuổi trẻ, tình yêu, sáng tạo nghệ thuật. Với thơ ca, Xuân là bối cảnh, cảm hứng, gợi mở và thách thức của các nghệ sĩ về tài năng và sức bền dâng hiến. Nước Pháp gọi mùa Xuân là mùa của các nhà thơ. Với các nước Á Đông, được đón năm mới hai lần - theo Dương lịch (lịch Mặt trời) - lịch Công giáo và Nguyệt lịch (lịch Mặt trăng) - cho cảm giác thú vị, như thể năm dài hơn, được thêm thời gian làm nốt công việc, cuối năm và thường là sang đầu tháng 2 Dương lịch... vào năm mới.

Không chỉ vì Tết Canh Tý đến sớm hơn thường niên 10 ngày mà khiến tôi - người tuổi Canh Thân thấy thời gian quá vội. Năm 2020, Thủ đô Hà Nội 1010 tuổi. Những con số đẹp, đầy ý vị cho các phép tính và liên tưởng. Năm 2020 tôi tuổi 40. Hai lần tuổi 20, đã “tiến sâu” vào trung niên đời người, nhưng không thể có hai lần 20 tuổi. Theo quy luật sinh học, không một sinh vật nào đảo lộn, thay đổi, vay mượn, chống trả được thời gian. Tôi luôn tiếc thời gian, từ năm 20 tuổi.

Dù ở châu lục nào, theo truyền thống, văn hóa, tín ngưỡng gì, thì mọi lương dân trên mặt đất đều trân trọng giao thừa và ngày đầu năm mới. Mỹ tục dọn dẹp nhà vườn trang hoàng từ tư gia ra ngõ, xóm, phố, quảng trường sạch đẹp, lộng lẫy, tắm gội tinh tươm đón giao thừa, đã thành nghi lễ truyền lưu của nhiều quốc gia. Tục lệ kiêng đầu năm mới, nhất là mồng Một, được mọi người nhắc, dạy, dặn dò nhau. Đó là những ngày ngắn ngủi người ta sống hân hoan kiềm chế, kiểm soát mình, tươi cười độ lượng, quan tâm đến nhau hơn và bớt ích kỷ, toan tính, áp lực chen chúc ngộp thở trong tâm can lẫn trên mọi giao diện, từ lời nói, ứng xử phạm vi hẹp đến giao thông trên đường, giao tiếp nơi vui chơi, công cộng. Ở miền bắc và Hà Nội, vẫn duy trì tục tắm lá mùi để thân thể thơm tho.

Biết “quên”, loại bỏ, vệ sinh não để tiễu trừ những gì ngổn ngang, bế tắc, bi quan, chưa hay chưa tốt của năm cũ, để sống, lao động, với tinh thần mới, hay ít nhất khác trước, là rất khó, dù hầu hết đó là ý muốn của số đông - là đã vượt giao thừa của tập quán, các thói quen tiêu cực, ì trệ, yếu đuối.

Sức nhớ của bộ não không chỉ nhờ bẩm sinh, gen, “Trời cho”. Mà dung lượng và thời gian lưu nhớ dữ liệu còn do trí nhớ còn do điều kiện sống, môi trường tâm lý, nhiều biến động biến cố, sức khỏe thể chất và tinh thần. Chỉ có thể nhớ sâu, lâu, nhớ cùng nhau với những gì đặc biệt. Mà những kỷ niệm ấy, thường thuộc về ký ức. Vì thế Tết, Xuân không chỉ là mùa nảy sinh, còn là mùa nhớ, mùa hồi tưởng, mùa hoài niệm. Nhớ quá khứ để khao khát tương lai, tiếc hôm qua để quý ngày mai.

Bởi không ai nhớ đủ mọi giao thừa - phút hệ trọng đêm chót từng năm chuyển qua năm mới, nên mấy ai quan tâm giao thừa thường nhật. Giao thừa thiên nhiên là chuyển giao: Ngày, tháng, năm, mùa mới. Giao thừa của tinh thần con người là sự luân chuyển trạng thái, cảm xúc; sự chuyển đổi của ý chí, ý nghĩ, ý tưởng; những phức cảm kế tiếp hoặc đan hòa nhau, đòi hỏi phải thay đổi, chuyển động sang một cái mới, khác. Một nghệ sĩ chân chính làm nghệ thuật đích thực thường trực nỗ lực cao về cống hiến, không sáng tác như thợ quen tay, lười ẩu, sáo nhàm. Người thực tài, có lòng đam mê nghề, dù ở lĩnh vực nào đều dám cô đơn, đương đầu, dấn bước; biết trưng cầu, học hỏi, tạo ra cảm hứng, có những sáng kiến, phát kiến, tìm cách thể hiện, khai thác không lặp lại những vỉa tầng đề tài, nội dung của người khác hoặc của chính mình dù đã thành công. Làm sao có thể coi anh là một họa sĩ tầm cỡ khi anh cả đời chỉ vẽ mãi mảng tranh mà anh đã được ngợi ca, bán chạy? Làm sao có thể coi anh là một thi - văn - sĩ tài ba khi anh “ăn lộc” tiếng tăm của tác phẩm đã viết vài chục năm trước?

Ít khi thư thả, không vì không thích thong dong không biết sống chậm, do hoàn cảnh làm không hết việc và chính tôi thường nhắc nhở mình. Chỉ có một lần làm người, sinh ra với nhân dạng, hình hài, xuất xứ, tiếng nói, cái tên này thì không được để uổng phí một ngày nhác lười, vô vị. Trung bình mỗi chúng ta mất 1/3 thời gian sống cho việc ngủ (dù ngủ cần để người lớn phục hồi, tái tạo sức khỏe; để trẻ con lớn lên, và để... mơ), rất cần thiết song vô cùng phí. Phải sống gấp đôi tuổi Trời cho một kiếp thì may ra mới thực thi, xong cơ bản dự định, mong muốn của đời.

Tôi hiếm khi ngủ trước 0 giờ. Một ngày đêm của tôi kết thúc khi đã qua 0 giờ, sang ngày mới. Tôi eo hẹp, thiếu hụt thời gian vì muốn sống nhiều, sống đầy.

Bản thảo chưa ưng có thể bỏ hoàn toàn hoặc sửa bằng hay thì mới thôi. Không ít việc quá tự tin (hay ngộ nhận) vào hiểu biết, kinh nghiệm mà nhầm, sai, phí phạm thời gian, tâm sức, niềm tin, lòng tốt, tự mắng mình ngu dại, khi tuổi, kinh nghiệm tăng lên có thể không mắc sai lầm nữa. Song chẳng thể vay ai được thời gian. Không thể sống như hôm nay là bản nháp của ngày mai, dù tôi thích đoạn thơ này của Vũ Trọng Quang: “Chào bản văn khẳng khiu già nua cố định / Tôi là bản thảo của chính tôi / Cầu toàn vươn đến bất toàn / Đứng ì một chỗ là lùi lại / Mùa Đông là bản thảo của mùa Xuân tới mùa sáng tạo”.

Và như thế, mỗi đêm, tôi đón ngày mới bằng cố gắng vượt mình, vượt ranh giới giao thừa của phút cuối giờ thứ 24 và phút đầu của giờ thứ nhất. Đâu chỉ phút quý nhất - duy nhất của năm với 60 giây mà cả hành tinh cùng chú ý mừng vui, hồi hộp đếm ngược đón giao thừa thiêng nhất; mà mỗi năm sống còn 364 đêm giao thừa khác. Mà mỗi ngày sống còn những giao thừa của cảm xúc, thời điểm, buổi sáng trưa chiều tối đêm, những giao thoa, tích hợp, cộng hưởng, khai sinh, tiếp nối từ khắc “nhập ba kim” thường nhật trong ba kim của con người đời thực: ý muốn - nghĩa vụ - khát vọng, trong nhiều vai quen và không ngừng được/tự phân vai theo hoàn cảnh sống mà mỗi chúng ta phải thể hiện trong đời. Vai con, vợ/chồng, cha/mẹ, bạn/người yêu, đồng nghiệp, đối tác, với người lạ, người quen và càng ngày càng bị quên hoặc át đi vai cần thật nhất: chính mình, sống đúng mình, được là mình. Hầu hết mọi người thường xuyên vì những mưu cầu, tham vọng của bản thân, vì những ý muốn của chung quanh và vì người khác, phải khác, giấu mình đi.

Van Gogh gửi cả linh hồn vào tranh. Tôi muốn gửi linh hồn tôi vào chữ. Tôi hằng tin thi ca nghệ thuật có phép màu đảo ngược, nới thêm, chồng lớp được các thời gian và thời đại. Quen thức khuya nhiều năm, muốn làm cố, đọc cố... dù nhận cảnh báo những tác hại, hao hụt năng lượng. Song tôi không sửa được, còn vì tiếc giao thừa mỗi ngày ngày cũ sang ngày mới.

Người nghệ sĩ thực chất khổ trong con mắt người thường. Họ luôn có gì đó khác thường. Những nhu cầu hằng ngày cũng xáo trộn, ăn không ngon ngủ không yên, vì trằn trọc, đeo đuổi một ý tưởng, câu chữ, tình tiết, hình nét, giai âm, nhân vật, bối cảnh... nào đó. Nghệ sĩ là những người “lãi”, giàu có nhất khi được thặng dư trải nghiệm theo thời gian của tâm hồn, sống nhiều cuộc đời, xúc cảm.

Vô vàn giao thừa của ý nghĩ, ý tưởng, giấc mơ, tình cảm, ước vọng từ những giao thừa thường nhật và tất cả trỗi dậy, bừng sáng tuệ mỹ và thánh thiện nhất, trong lành và mới tinh mỗi khi năm mới đến. Mỗi năm và tuổi tuần tự “thêm một” ở chữ số cuối cùng, thì Xuân vẫn luôn trẻ, bởi vô vàn miên man mầm, chồi xanh non từ triệu triệu tâm hồn mong sống tốt, đẹp hơn. Và mãnh liệt nhất ở những ai được trời phú khả năng sáng tạo nghệ thuật, công việc nặng nhọc và hạnh phúc, buộc cho mình sứ mệnh phải có được thói quen chuyên nghiệp: biết nuôi dưỡng vốn sống, tri thức, gọi và tạo cảm hứng không ngừng khi mặc định phải sinh ra cái Đẹp - mới.

Ảnh trong bài: THANH TUẤN