Khoảng trống của điền kinh

|

Sau kỳ ASIAD 19 trắng tay, giải vô địch quốc gia 2023 bế mạc cuối tháng 10 đã kết thúc một năm buồn của điền kinh Việt Nam. Cùng những lời giã từ, giải đấu cũng ít xuất hiện nhân tố mới và đã đến lúc các nhà quản lý bắt buộc phải tìm hướng đi, chiến lược mới cho môn thể thao này.

Tham dự ASIAD 19 với 12 VĐV, chỉ tiêu của điền kinh Việt Nam rất khiêm tốn chỉ 1 HCĐ. Nhưng tất cả các niềm hy vọng đều thi đấu không như ý và không thể mang về tấm huy chương nào. Trong khi đó, các quốc gia trong khu vực lại có thành tích khá tốt, Singapore và Philippines có 1 HCV còn Thái Lan có 2 HCB và Malaysia có 3 HCĐ. Trước đó, ASIAD 18 chính là kỳ Á hội rực rỡ nhất của điền kinh Việt Nam với 2 HCV, 3 HCĐ, còn ở ASIAD 17 là 2 HCB. Điểm cộng duy nhất tại ASIAD 19 của điền kinh Việt Nam là một vài VĐV trẻ giàu tiềm năng như Trần Thị Nhi Yến, Hoàng Thị Ánh Thục, Hoàng Thị Minh Hạnh, Nguyễn Thị Thu Hà có tiến bộ.

Từ vị thế số 1 Đông Nam Á tại hai kỳ SEA Games liên tiếp ở Philippines 2019 với 16 HCV và Việt Nam 2022 với 22 HCV, điền kinh Việt Nam chỉ giành được 12 HCV và đánh mất ngôi vị số 1 vào tay Thái Lan tại SEA Games 32 ở Campuchia hồi tháng 5.

Tại sân chơi trong nước được xem là cao nhất của điền kinh Việt Nam là giải vô địch quốc gia 2023 vừa khép lại, chỉ có 3 kỷ lục được thiết lập trong tổng cộng 50 nội dung thi đấu. Bên cạnh những gương mặt trẻ quen thuộc như Trần Thị Nhi Yến (Long An), Nguyễn Thu Hà, Bùi Thị Ngân (Nam Định), Lê Thị Tuyết (Phú Yên)... đều giữ được phong độ, một vài gương mặt mới cũng dần lộ diện. Kim Thị Huyền (sinh năm 2003) phá sâu kỷ lục quốc gia ở môn đẩy tạ nữ. Hoàng Thanh Giang cũng là cái tên gây bất ngờ khi đánh bại đàn chị Bùi Thị Thu Thảo để giành HCV ở nội dung nhảy xa nữ. Nguyễn Đức Sơn giành HCV nội dung 400m rào.

Sau giải đấu, nhiều VĐV tên tuổi từng làm nên thế mạnh cho điền kinh Việt Nam nhiều năm qua đã tuyên bố giải nghệ. Nguyễn Thị Huyền là một trong những VĐV chạy 400m xuất sắc nhất thế hệ của mình đã quyết định chuyển sang công tác huấn luyện. Nhà vô địch nhảy xa ASIAD 18 Bùi Thị Thu Thảo cũng nói lời chia tay sự nghiệp thi đấu đỉnh cao ở tuổi 31. “Lão tướng” Nguyễn Văn Lai cũng chia tay hai nội dung 5.000m và 10.000m sở trường để tập trung cho nội dung mới là marathon. Những VĐV khác dù còn khá trẻ nhưng cũng đang tính đến việc chia tay điền kinh đỉnh cao, như Phạm Thị Huệ (Quảng Ninh) và Phạm Thị Hồng Lệ (Bình Định)...

So với vài giải vô địch quốc gia gần đây, điền kinh ngày càng ít tài năng trẻ xuất hiện, thành tích ở những nội dung được xem là chủ lực khi thi đấu quốc tế như cự ly ngắn nữ (100m, 200m, 400m), cự ly trung bình nam và nữ (800m và 1.500m)... đang có dấu hiệu thụt lùi. Điều đó về lâu dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tham vọng “ra biển lớn” của điền kinh nước nhà. Tuy các tài năng trẻ đều có triển vọng tiến xa hơn nữa, nhưng để so với đẳng cấp của các trụ cột mới từ giã đội tuyển thì cần nhiều thời gian mới có thể lấp đầy. Khoảng trống ấy nếu không chuẩn bị ngay từ bây giờ, môn thể thao vốn là thế mạnh của Việt Nam này sẽ sớm bị các nền thể thao khác trong khu vực bỏ lại phía sau.

Những tài năng trẻ như Hoàng Thanh Giang cần được đầu tư mạnh mẽ. Ảnh: Thủ Khúc

Năm tới, đấu trường lớn mà điền kinh hướng tới là Olympic Paris 2024. Nhưng với những gì đang diễn ra, việc giành chuẩn đến Pháp sẽ rất khó khăn và nếu không có kỳ tích thì gần như chắc chắn điền kinh Việt Nam sẽ góp mặt bằng vé đặc cách. Chưa kể, SEA Games 33-2025 và ASIAD 20-2026 không còn cách quá xa. Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Thời gian tới, Liên đoàn điền kinh Việt Nam sẽ phải xem xét lại, tập trung nhiều hơn cho công tác đào tạo trẻ, tìm ra nhiều nhân tố tiềm năng đủ sức kế cận thế hệ đàn anh, đàn chị đã thành danh nhiều năm trên đấu trường quốc tế”.

Ngay lúc này, điền kinh Việt Nam đang rất cần một chiến lược đầu tư có chiều sâu, mang tính tập trung hơn vào một số VĐV trọng điểm và nội dung trọng điểm để tạo nên sức bật mới thay vì dàn trải. Tiếp tục đầu tư nghiêm túc vào các lớp VĐV trẻ để có thể tạo nguồn, ít nhất cũng lấy lại vị thế ở khu vực và luôn bảo đảm cơ hội tranh chấp huy chương ở ASIAD. Còn Olympic mặc dù là sân chơi quá tầm, nhưng với định hướng lâu dài thì mục tiêu giành suất chính thức tham dự là điều mà điền kinh Việt Nam phải kiên định hướng tới.