Thành sao nhờ... sáng tạo nội dung video
Quang Linh Vlog chỉ là một trong số các kênh video lành mạnh, lan tỏa giá trị tích cực đang được người dùng mạng xã hội quan tâm, yêu mến. Quang Linh đạt nút vàng YouTube chỉ sau một năm từ những video chân thực về cuộc sống châu Phi. Tạo được niềm tin, Quang Linh đã nhân lên niềm tin đó bằng các hoạt động giúp đỡ trẻ em nghèo, thanh niên nghèo địa phương. Trong số 10 kênh YouTube tiêu biểu nhất Việt Nam năm 2020 theo công bố của Google, Hậu Hoàng là một trường hợp lạ. Cô gái Hà Nội sinh năm 1995, tên thật Hoàng Thúy Hậu, vốn không quá có lợi thế về sắc vóc lẫn năng khiếu nghệ thuật vượt trội như các ngôi sao ca nhạc, sân khấu, điện ảnh... đã duy trì kênh YouTube HauHoang đạt hơn bảy triệu lượt đăng ký và 2,3 tỷ lượt xem video (tính đến tháng 2-2021). Nổi tiếng với các video nhạc chế vui nhộn, dễ nghe, dễ thuộc, dễ học theo, Hoàng Thúy Hậu đã là một hình mẫu cho việc thành công trong không gian mạng với những video thuần túy giải trí. Cựu nữ sinh Học viện Tài chính Hà Nội khởi nghiệp bằng clip cover hài ước mang tên Lép tung lên trang 9GAG (một web giải trí do người dùng tự cung cấp nội dung) được đón nhận nhiệt tình, Hậu Hoàng đã quyết định nghỉ việc văn phòng, trở thành nhà sáng tạo YouTube chuyên nghiệp. Ngược lại với Hậu Hoàng, Trấn Thành - một nghệ sĩ được yêu mến cũng nằm trong top 10 các YouTuber ăn khách nhất Việt Nam hiện thời. Kênh Trấn Thành town có khoảng năm triệu người đăng ký và theo ước tính, doanh thu từ quảng cáo của kênh này tới hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Không phải ngẫu nhiên mà cộng đồng mạng và các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới coi các YouTuber, Facebooker, Vlogger nổi tiếng, có ảnh hưởng là những nhà sáng tạo. Công việc của họ, như Độ mixi - YouTuber với kênh Mixi Gaming có lượng người đăng ký đông hơn cả Trấn Thành, khởi đầu chỉ là streamer. Chính bản tính hài hước, tư duy mở phù hợp thời đại internet phổ cập, sự tuân thủ pháp luật cũng như các Tiêu chuẩn cộng đồng... đã kích thích năng lực sáng tạo của họ, để biến những cá nhân bình thường trong xã hội thành người nổi tiếng - nổi tiếng không kém các ngôi sao showbiz, thậm chí tầm ảnh hưởng nhiều lúc còn rộng hơn.
Ai cũng có thể thiết lập một kênh YouTube miễn là đủ 18 tuổi hoặc có người giám hộ đủ 18 tuổi. Một kênh YouTube đủ điều kiện bật chức năng kiếm tiền khi đạt các yêu cầu: Có 1.000 người đăng ký. Có tối thiểu 4.000 giờ xem trong 12 tháng gần nhất. Có 10.000 lượt view thật đã liên kết với tài khoản AdSensen...
Làm giàu nhờ YouTube đang là xu hướng được nhiều người trẻ quan tâm. Vì thế, các kênh YouTube mang tính giải trí nhẹ nhõm, đáng yêu, truyền thông những điều tốt đẹp được những ê kíp chuyên nghiệp nuôi dưỡng một cách bài bản như hàng loạt kênh YouTube kids nhắm tới khách hàng trẻ em... Các kênh YouTube kids Việt Nam hầu hết đều phát phim hoạt hình, ca nhạc hoặc các trò chơi bổ ích, dạy tiếng Anh... Giữa cuộc chiến cam go với dịch Covid-19 dai dẳng gần hai năm qua trên toàn thế giới, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phối hợp với các nghệ sĩ, các nhân tố trẻ trong cộng đồng YouTube, Facebook, Tik Tok... sản xuất nhiều video tuyên truyền phòng, chống dịch như hiện tượng bản cover Ghen Covy và điệu nhảy của Quang Đăng. Ở bối cảnh mà điện thoại thông minh là vật dụng bất ly thân của nhiều người, kể cả trẻ em, sáng tạo nên những kênh chia sẻ video trên nền tảng mạng xã hội không biên giới là mục tiêu kiếm tiền và lập danh của những cá nhân thức thời, năng động, giàu cá tính...
Kiếm tiền từ YouTube có dễ không?
Tốc độ phát triển không thể kìm hãm của công nghệ dẫn theo xu thế kinh tế chia sẻ làm nội dung trên các nền tảng mạng xuyên biên giới. Dường như bất cứ ai biết truy cập internet, biết sử dụng smarphone cũng có thể tự giúp mình thành một YouTuber, Vlogger... Đấy là mong muốn chính đáng, một công việc hợp pháp được pháp luật bảo hộ. Nhưng thuật toán chia sẻ tiền quảng cáo cho những người làm nội dung dựa vào view đã khiến một bộ phận những người làm nội dung ra sức cày view, chạy theo lượt view, thu hút người xem không màng tới các giá trị đạo đức lẫn pháp luật. Các cơ quan chức năng của Việt Nam mà tiên phong là Bộ Thông tin - Truyền thông đã phối hợp, làm việc với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới và đạt được thỏa thuận không chia sẻ tiền quảng cáo cho các nội dung có sai phạm. Cắt nguồn tiền dành cho các video nhảm nhí, câu like nặng nề sẽ khiến chủ các kênh sai phạm đó ảnh hưởng thu nhập và phải điều chỉnh hành vi của mình...
Chỉ trong một thời gian không dài, Việt Nam đã có thêm nhiều những tỷ phú tiền đồng nhờ sản xuất nội dung video chia sẻ trên không gian mạng. Tôn trọng pháp luật, tôn trọng các Tiêu chuẩn cộng đồng, các chủ kênh chia sẻ video còn buộc phải tuân thủ nghĩa vụ thuế. Theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, căn cứ trên Nghị định 126/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý thuế, các cơ quan thuế sẽ rà soát, truy thu thuế của các chủ kênh video có chức năng kiếm tiền cũng như các hoạt động thương mại điện tử khác. Thông tin từ các cơ quan chức năng, một số kênh YouTube nổi tiếng đã thực hiện nghĩa vụ thuế đúng quy định... Có những YouTuber hăng hái khoe mức thuế đã đóng, như một cách thể hiện đẳng cấp cá nhân cũng như ý thức công dân của mình. Con đường trở thành YouTuber, Vlogger nổi tiếng, giàu có tưởng đơn giản nếu chứng kiến từ trường hợp cá biệt Bà Tân vlog, nhưng thực tế cũng nan giải và chông gai không kém bất cứ một công việc nào. Con đường ấy càng bấp bênh vô tận hơn nếu các nhà sản xuất nội dung không xây dựng kênh chia sẻ video của mình trên nền tảng sự tuân thủ pháp luật và tôn trọng các giá trị cộng đồng...
Tại Hà Nội, 18.304 cá nhân, tổ chức cá nhân đã nhận được số tiền 1.462 tỷ đồng từ Facebook, Google, YouTube... và do đó, các cơ quan thuế vẫn tiếp tục quá trình rà soát, vận động, tiến tới truy thu thuế cũng như có chế tài xử lý hành vi trốn thuế...