Thy Nguyên - Người đàn bà làm thơ buồn

|

Thơ gắn với buồn từ khi nào, có lẽ từ lúc thơ bắt đầu. Buồn là một phẩm chất của thơ, là một phẩm chất của đời sống con người vốn mong manh hữu hạn, nhiều bất toại hơn như ý. Người cầm bút tìm đến thơ như một cách để cất giấu, lại như một cách để phơi bày nỗi buồn trên mặt giấy. Ðể tìm kiếm một sự đồng cảm, tìm kiếm tri âm. Thy Nguyên là kiểu người làm thơ như vậy, “chơi” với buồn, và “phơi” nỗi buồn, không đắn đo giấu giếm.

“Phố vợ cũ” là tên tập thơ mới nhất của Thy Nguyên. Người đàn bà làm thơ sinh ra và lớn lên ở đất Cảng đã viết về một con phố của Hải Phòng: Phố vợ cũ. Bạn đọc thắc mắc, Hải Phòng có “Phố vợ cũ” thật không. Xin thưa, con phố ấy có thật. Nhưng theo Thy Nguyên thì thành phố nào cũng có Phố vợ cũ. “Nó nằm trong tâm tưởng của những CHỒNG những VỢ từng chung nhau một đoạn đời cũ”. Con phố ấy tất nhiên buồn, “phố vợ cũ” mà, và bao chứa nhiều ẩn ức, hoài niệm, thương yêu.

Là con phố dịu dàng bao dung nhưng không ít dằn vặt, đau nhức của người trong cuộc, nhất là những người đàn bà đã đi qua thăng trầm, đã thấm mọi dư vị đời sống để chọn làm “cây rau đắng trổ hoa vàng”. Trên con “Phố vợ cũ” ấy, Thy Nguyên bày biện những khoảng sáng tối trong cảm xúc và tâm hồn mình. Một đàn bà tự soi gương, đôi khi sa vào ngắm quá lâu vết thương ngày cũ, không cho nó cơ hội liền da. Cảnh cũ, người cũ như vệt nắng quá khứ, dù có nhạt vẫn thường được khêu lên với một chút chạnh lòng, cảm thương thân phận.

Ký ức - người thật khó chịu khi cứ thường hiện diện trong đời sống của mỗi cá nhân, nhưng xét đi xét lại, chúng ta làm thế nào để xóa đi ký ức. Và cũng đâu cần xóa đi ký ức. Nó còn đó để nhắc nhớ khi cần, để rồi cho ta một lựa chọn thái độ sống.

Trong bài thơ “Nhớ mẹ chồng” Thy Nguyên viết: “Chiều nay nhớ mẹ người xưa/ Cứ quanh quẩn khóc... bưng mưa bạn bầu/ Mẹ chồng ngày trước con dâu/ Bánh xe tước cả hai đầu nhớ quên...”. Và trong bài thơ “Nhớ mẹ” (chắc là mẹ của mình) Thy Nguyên ngậm ngùi: “Lối nào là lối mẹ qua/ Để con tránh bước gấm hoa nhà người”.

Mẹ chồng, mẹ mình, nhớ, là để nhớ ra mình, với những nỗi niềm đàn bà không dễ tỏ bày, để bao dung hơn với cuộc đời. Dầu cho những xót xa cay đắng không phải không có lúc trào lên khi đối mặt hiện thực: “Số mười năm chưa đổi/ Chuông điện thoại reng reng/ Tiếng chồng cũ khô khốc/ “Alo ai đầu dây/ Mình lặng im tắt máy... Đường không đi cỏ mọc/ Nghĩa tình nhạt nhẽo thôi/ Con của mình, mình nuôi/ Hà cớ gì thưa đáp” (Cũ-mới). Những câu thơ thật như là kể chuyện, mà buốt lạnh nhân tình.

Khi một người đàn bà soi gương làm thơ, là khi họ rốt ráo với tâm can mình. Thơ Thy Nguyên có cái chân thật của một người không định làm đẹp cho những vết thương. Trong thơ của chị có cái bã bời của vật lộn nội tâm, có cái nặng của ám ảnh quá khứ, có cái chênh chao của nỗi cô đơn và may thay, có cái nhẹ nhõm của người đã ít nhiều vượt được lên trên những bi kịch đời sống.

Nhờ vậy, nỗi đau vẫn có đó mà an nhiên cũng có đó: “Em là ai mà nhỡ chục nẻo đường/ Tai dửng dưng nghe đời lô xô vỡ/ Tay dửng dưng buông vạn ngày hong lửa” (Tự vấn). “Son có nhạt tô lại/ Kéo chăn đắp bòng bong/ Cái cũ đã cũ đi/ Đừng cưới lần nghĩa mới” (Cũ-mới).

“Phố vợ cũ” là tập thơ đàn bà đậm chất. Ở đó thể hiện một tâm hồn nhạy cảm, giàu nữ tính. Người đàn bà trong thơ Thy Nguyên sẵn sàng sống và yêu hết mình, tận cùng với mọi cung bậc, sẵn sàng với hạnh phúc và cũng sẵn sàng với khổ đau. Đôi khi mất mát nhiều hơn nhưng trái tim người thơ không vì thế mà nguội lạnh với cuộc đời. Từ nỗi riêng mình, cộng với những nỗi chung của người, thơ Thy Nguyên tìm được tri âm và đồng cảm của nhiều người đọc, nhất là phụ nữ.

Nỗi buồn trong thơ Thy Nguyên là nỗi buồn chung đàn bà ít nhiều đều mang theo: “Có vệt nhớ nằm ngang/ Có ô cửa mở dọc/ Có lời ầu ơ ru con sớm/ Có khát tận muộn mằn góc người lỡ xuân” (Khảo cổ mùa thu), “Có hạt mưa vô tình đậu trên nhành mắt/ Con hỏi mẹ khóc à/ Mẹ vội vã gạt đi/ Mười tám năm gối đầu giường ngả đường nào vân vũ/ Rỗng những trật tự, gói những trật tự/ Không nhớ nổi bao lần giăng mắc/ Gió như tên/ Mưa như đao/ Cuộn về nơi nào thả gầy tiếng nấc” (Đưa con đi thi).

Thy Nguyên tỏ ra khá nhuần nhuyễn trong thể thơ lục bát, nhờ sự uyển chuyển trong ngôn từ và tinh tế trong cảm xúc. Chị cũng khoáng đạt trong thơ tự do. Ý thức tìm tòi trong chữ của Thy Nguyên thể hiện rõ, nhiều câu thơ lạ, không sa vào lối mòn. “Có những ngày như nằm trên cạn/ Em co mình không biết duỗi về đâu/ Trời chiều bọc men rượu sâu/ Thổi tuổi chúng mình nâu dần phía mắt/ Anh và mặt hồ nông cạn/ Đổ những ngày suông ấy sang ngang” (Phía mắt).

Nếu có một điều gì cần nói với Thy Nguyên ở “Phố vợ cũ”, có lẽ là sự mở rộng hơn nữa thế giới quan trong thơ. Dầu cho nhà thơ có chủ định “loanh quanh” với những góc nhỏ cuộc đời, viết về những điều bé mọn và thân phận đàn bà, tôi vẫn có ý muốn chờ một sức nghĩ, sức cảm vượt lên, mang tính biểu đạt khái quát mạnh mẽ hơn.

Tôi thích những “tuyên ngôn” của Thy Nguyên về thơ trong một bài thơ của chị: “Một bài thơ hay em ơi không vuông vức bao giờ/ Như cách quả xanh như rừng quả đỏ/ Thơ hãy như lau và như cỏ/ Trắng đến bạc người và xanh hiến tận non” (Mùa xuân biên giới nói với em về câu thơ cách tân).

Thy Nguyên sinh năm 1981, chị viết nhiều những năm gần đây, đã in 8 đầu sách gồm 6 tập thơ và 2 tập trường ca. Thy Nguyên đang xác lập một phong cách riêng trong thơ và đang ở độ chín. Bạn đọc chắc chắn sẽ còn được đọc những trang viết mới của chị, nữ tính, đằm thắm, nhiều bứt phá hơn nữa trong nghệ thuật.

Nhân Dân hằng tháng trân trọng giới thiệu hai bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Thy Nguyên

Giặt lại bình minh

Hơn cả bài thơ là câu thơ dang dở
Em giặt những bình minh và treo lên bậu cửa
Cánh cửa của những ngày chưa xa
Cánh cửa của những người đang cũ

Anh bảo rằng hoa thì phải nở
Gió phải xuân
Nắng phải hanh
Còn em cần rạng rỡ

Chiếc áo rộng một gang tay
Giày thừa ra một số
Những vòng tay em soi lên đáy cốc
Hơn một lần son uống giọt cuối cùng
Em phải lấy chồng

Bình minh mang em đi giặt
Hoàng hôn phơi lặng thầm nghiêng ngả
Không tiếc một đời
Chỉ nhỡ tay mà thanh xuân tuột mất...

Minh họa | NGUYỄN MINH

Gửi tháng Bảy

Cho Bông mùa sinh

Tháng Bảy hạt mưa giòn hơn
Mẹ lặng ngắm mưa xiên qua cửa
Vuốt ve gấu bông con xếp đầy khuông sổ
Gặp tuổi hai mươi phập phồng phía xa nào

Lượm lặt mùi con
gối nhỏ
lỏng tay
Đêm như dán những hành lang ngái ngủ
Đèn đường bắc cây cầu thả ánh vàng đậu đầy chuông gió
Tiếng đêm gói sự im lặng vào trong lặng im

Có nhiều tháng Bảy khô giòn đuôi mắt
Mẹ trò chuyện, mẹ gối đầu, mẹ giặt
Giặt những hơn thua đổi lấy yên lành
Ơi khúc cua nào lòng người vàng mã
Đổi một đời người phơi chín thanh xuân

Tháng Bảy thắp nôn nao trong ly trà con ướp
Sáng nay lũ chim xao động khu vườn
Chúng ta cùng gieo tuổi hai mươi gió thắp
Đợi những yêu thương
nơi tháng Bảy nảy mầm...