Gây dựng lòng tin để phát triển thương hiệu

|

Được đánh giá là “hiện tượng nông nghiệp” và trở thành vùng trồng cây ăn quả lớn nhất miền bắc với những dấu ấn nổi bật, tỉnh Sơn La đã tạo ra các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng có mặt tại nhiều nước trên thế giới. Kết quả khả quan đó do làm tốt việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, góp phần xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông sản.

Những bước đi vững chắc

Tỉnh Sơn La có gần 85.000 ha cây ăn quả và cây sơn tra với sản lượng năm 2023 dự kiến đạt hơn 450.000 tấn quả, tăng 28% so với năm 2022. Một số loại cây ăn quả có sản lượng lớn, như: chuối 55.000 tấn, mận gần 90.000 tấn, xoài 81.000 tấn, nhãn 139.000 tấn. Hiện Sơn La có 281 mã số vùng trồng xuất khẩu sang các thị trường Australia, New Zealand, Mỹ, Trung Quốc, EU... với diện tích hơn 4.600 ha trồng những loại cây ăn quả: xoài, nhãn, chuối, thanh long, mận hậu, mắc-ca, đạt tổng sản lượng 46.000 tấn, có 34 cơ sở đóng gói quả tươi phục vụ xuất khẩu...

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Xu thế cạnh tranh của thị trường đòi hỏi sản phẩm phải có thương hiệu, do vậy tỉnh đã tập trung chỉ đạo làm tốt nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng cho sản phẩm nông sản, nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ từ cơ quan chức năng. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp triển khai 24 dự án xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực mang địa danh của tỉnh, trong đó có một dự án cấp quốc gia và 23 dự án cấp tỉnh. Sơn La đã có 24 sản phẩm nông sản mang địa danh của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, đã và đang khẳng định được giá trị, thương hiệu và chất lượng trên thị trường quốc tế.

Việc gắn tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa đã giúp người dân minh bạch được nguồn gốc sản phẩm dưới sự giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước. Sơn La thu hút được sự tham gia của doanh nghiệp, người dân đưa vào áp dụng, sử dụng hệ thống mã QR để truy xuất nguồn gốc hàng hóa, hướng đến một nền nông nghiệp sạch, an toàn, thông minh, nâng cao giá trị sản phẩm cho người sản xuất và các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã. Vì thế, sau khi được chứng nhận nhãn hiệu, nhiều sản phẩm nông sản của tỉnh tiếp tục khẳng định được lợi thế, vươn xa hơn trên thị trường. Đến đầu năm 2023, Sơn La đã xuất khẩu và giới thiệu được 17 sản phẩm nông sản sang thị trường 21 nước và vùng lãnh thổ.

Ông Lò Văn Xiên, Giám đốc Hợp tác xã Đại Dương (xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La) chia sẻ: khi triển khai thí điểm, hợp tác xã được các cơ quan chuyên môn hướng dẫn quy trình sản xuất theo hướng VietGAP, thiết kế, tạo tài khoản đăng nhập thông tin trên hệ thống truy xuất nguồn gốc. Các sản phẩm quả sau khi thu hoạch dán mã QR và đóng gói theo quy cách, để người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, tin tưởng sử dụng. Các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đã được đưa vào tiêu thụ tại siêu thị và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Niên vụ 2022, hợp tác xã đã xuất bán ra thị trường gần 140 tấn quả các loại, trong đó có 50 tấn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Thương hiệu Na Mai Sơn được khẳng định khi sản phẩm được kiểm soát và cấp tem nhãn truy xuất nguồn gốc.

Thời gian qua, tỉnh Sơn La đã đưa ra nhiều giải pháp chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng, phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2030” theo Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện đề án, từ năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Công ty cổ phần chứng nhận và giám định quốc tế ISOCERT lựa chọn 15 doanh nghiệp, hợp tác xã đủ điều kiện để khảo sát, xây dựng và cấp tem truy xuất nguồn gốc. Nhờ đăng ký truy xuất nguồn gốc, nhiều sản phẩm đã giữ vững thương hiệu, cho doanh thu ổn định. Ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La cho biết: xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững song song với xây dựng truy xuất nguồn gốc là xu thế tất yếu. Đến hết năm 2022, Sở đã thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với 81 sản phẩm hàng hóa đạt chứng nhận OCOP từ ba sao trở lên và đã hoàn thành trong tháng 6/2023. Qua thực tế việc ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử đã giúp các hộ sản xuất có thể cập nhật hồ sơ về sản phẩm rõ ràng, nhanh chóng, không mất nhiều thời gian cho việc ghi chép và lưu trữ nhật ký sản xuất như cách ghi chép truyền thống. Bộ thông tin được cập nhật trên hồ sơ điện tử sẽ rất khó bị làm giả và sửa đổi. Đây là giải pháp hữu hiệu, giúp người sản xuất tạo dựng niềm tin vững chắc với người tiêu dùng.

Cùng với đó, tỉnh Sơn La còn chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai quy trình xây dựng thương hiệu một số sản phẩm như: Đăng ký bảo hộ, xây dựng và triển khai hệ thống quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Sơn La”, “Dứa Sơn La”, “Chè Tà Xùa Bắc Yên”...

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ: UBND tỉnh Sơn La đã phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030 với mục tiêu cụ thể, như phấn đấu đơn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ được chấp nhận đạt từ 250 đơn trở lên, số văn bằng bảo hộ được cấp tăng từ 1,5 lần so với giai đoạn 2015-2020. Đồng thời, hỗ trợ tạo lập và quản lý, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng dưới hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể từ 30 sản phẩm chủ lực, đặc thù, sản phẩm OCOP và sản phẩm của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Khai thác, quản lý và phát triển, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng từ năm sản phẩm hàng hóa đã được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, sáng chế, giải pháp hữu ích...

Lợi ích từ Sàn nông sản Sơn La

Tỉnh Sơn La còn triển khai thí điểm Sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản an toàn, giao cho VNPT Sơn La phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai. Hiện hệ thống đã nhập đầy đủ thông tin các hợp tác xã, doanh nghiệp và các sản phẩm OCOP của 12 huyện, thành phố; tiếp tục rà soát các thủ tục hồ sơ cần thiết của các sản phẩm mới để đưa lên hệ thống, bảo đảm tính chính xác và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Chỉ bằng một click chuột vào đường link Sannongsansonla.vn, tất cả các sản phẩm được cập nhật chi tiết, rõ ràng về chất lượng, công dụng và đơn vị sản xuất, cung ứng sản phẩm. Sàn giao dịch còn dành riêng một chuyên mục hỗ trợ kết nối cung cầu giữa người mua và người bán, cũng như tìm kiếm đối tác tiêu thụ nông sản. Người tiêu dùng có thể trực tiếp đánh giá, gửi phản ánh về chất lượng, nguồn gốc cũng như các vấn đề liên quan sản phẩm tới đơn vị cung ứng hoặc các cơ quan quản lý Nhà nước.

Hồ hởi cho biết Hợp tác xã Thái Tuấn (xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai) là đơn vị được cập nhật thông tin đưa lên sàn giao dịch, bà Đinh Thị Yến chia sẻ, chúng tôi có sản phẩm cá tép dầu khô đạt sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Khi nhấn chuột vào mỗi sản phẩm, sẽ hiển thị thông tin đầy đủ từ số điện thoại liên hệ, địa chỉ email, doanh nghiệp cung cấp sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ. Người tiêu dùng có thể nhận xét, đánh giá để doanh nghiệp cung cấp sản phẩm và các cơ quan quản lý Nhà nước nắm được chất lượng sản phẩm. Khi người tiêu dùng có nhu cầu mua sản phẩm, quá trình giao dịch được thực hiện từng bước trên hệ thống... giúp truy tìm nguồn gốc của sản phẩm, góp phần quan trọng trong việc đẩy lùi những nông sản không rõ nguồn gốc.

Tuy vậy, quá trình triển khai thực hiện, cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm truy xuất nguồn gốc các sản phẩm, hàng hóa, nhằm bảo đảm công bằng cho các đơn vị, cá nhân tích cực tham gia thực hiện về truy xuất nguồn gốc nông sản - bà Yến nói thêm.

Theo ông Quàng Văn Xuân, Giám đốc Hợp tác xã Xuân Tiến (xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu), từ khi đăng ký chỉ dẫn địa lý “Xoài tròn Yên Châu”, sản phẩm xoài tròn đã tạo được thương hiệu riêng và nâng tầm giá trị, giá bán cao hơn trước và được thị trường ưa chuộng. Tỉnh cần tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức và triển khai về truy xuất nguồn gốc cho các cơ quan và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan và chủ thể sản xuất hàng hóa nông sản; hướng dẫn hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng các quy trình quản lý, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa, cơ sở dữ liệu về truy xuất nguồn gốc, hệ thống bảo đảm theo quy định của pháp luật.

Việc ứng dụng phần mềm quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nông sản đang là hướng đi mới, giúp người dân quản lý được các mặt hàng nông sản trên nền tảng số. Do đó, tỉnh Sơn La tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành phối hợp các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án. Trong đó, dành nguồn vốn hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng tem truy xuất nguồn gốc; tuyên truyền để nông dân thấy được hiệu quả của việc gắn, sử dụng những sản phẩm có tem truy xuất nguồn gốc, ưu tiên lựa chọn hàng hóa có xuất xứ rõ ràng, tạo động lực cho các đơn vị, doanh nghiệp không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, chung tay đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.