“Chưa thành tài cũng phải thành người”

|

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Trương Minh Sang và Nguyễn Thu Hà (ảnh bên), cặp huấn luyện viên (HLV) được ví là “tiên đồng ngọc nữ” của làng thể thao Việt Nam có những chia sẻ với Nhân Dân hằng tháng về công việc, cuộc sống và không quên gửi lời tri ân tới các thầy, các cô đã giúp mình có được hôm nay.

Thể dục dụng cụ mang lại nhiều đặc biệt

Sau thành công tại SEA Games 31 trên sân nhà, trên cương vị là HLV trưởng đội tuyển thể dục dụng cụ (TDDC) Việt Nam, anh có thể chia sẻ về mục tiêu sắp tới của đội, như là “tấn công” đấu trường châu lục hay Olympic?

HLV Trương Minh Sang (TMS): Năm 2017 vận động viên (VĐV) Lê Thanh Tùng đã từng giành được tấm HCV châu Á đầu tiên cho TDDC nam Việt Nam, đó là một bước đệm rất tốt để TDDC Việt Nam có được định hướng tốt hơn ở các giải đấu cao hơn.

Ở kỳ SEA Games 31 vừa qua, TDDC Việt Nam đã rất nỗ lực, cố gắng để đạt được kết quả như mong muốn. Qua đó, Ban huấn luyện và toàn thể VĐV luôn mong muốn, phấn đấu nhiều hơn để ngày một phát triển, nâng cao thành tích ở đấu trường châu lục, đặc biệt là ở đấu trường ASIAD, Olympic.

Anh đánh giá thế nào về sự phát triển của phong trào TDDC Việt Nam, đặc biệt là khâu tuyển chọn, huấn luyện đội tuyển trẻ?

Có thể nói những năm gần đây TDDC rất được mọi người quan tâm, yêu thích vì ngoài thành tích tốt thì mọi người nhìn thấy được những điều rất hay khi tập luyện bộ môn này. Theo TDDC đòi hỏi tính linh hoạt, sự nhanh nhẹn, thể lực tốt, sự phối hợp cân bằng, tính uyển chuyển của các bộ phận trên cơ thể cùng với niềm đam mê thể thao. Vì các VĐV tập luyện môn này được phát triển kỹ năng vận động toàn diện, sự linh hoạt, tính kiên trì... Qua đó, khán giả sẽ được chứng kiến những màn biểu diễn đẹp mắt đến từ các VĐV.

TDDC chỉ tập trung ở một vài thành phố lớn, trong khi ngay cả với đội tuyển quốc gia thiết bị tập luyện cũng rất thiếu thốn và lạc hậu. Liệu TDDC có thể xã hội hóa, kêu gọi tài trợ như một số môn khác?

Với TDDC, việc thu hút tài trợ còn hạn chế vì đặc thù của bộ môn này chưa được mở rộng tính phong trào. Theo tôi được biết, Liên đoàn Thể dục Việt Nam trong tương lai sẽ phối hợp với một số đơn vị để phát triển phong trào của bộ môn này, để mọi người được tiếp cận và cảm nhận sâu hơn về những điều đặc biệt mà TDDC mang lại. Không phải tự nhiên TDDC nằm trong ba môn trọng tâm của Olympic.

Chạnh lòng cùng thể dục nghệ thuật

Là môn khá “non trẻ” trong làng thể thao Việt, thể dục nghệ thuật (TDNT) đang có những khó khăn và thuận lợi như thế nào để phát triển?

HLV Nguyễn Thu Hà (NTH): Từ khi có dịch Covid-19, TDNT gặp rất nhiều khó khăn, các VĐV không còn đi thi đấu quốc tế, điều đó cũng dẫn đến việc tâm lý VĐV cảm thấy chán và thành tích cũng có phần đi xuống.

Sau thời gian giãn dịch, đội đã tập luyện lại và mất nhiều thời gian để có thể lấy lại phong độ cho VĐV và đặc biệt cân nặng là điều kinh khủng đối với các VĐV TDNT. Ở SEA Games 31 vừa qua, thời gian chuẩn bị của đội không nhiều mà lại vừa nhiễm Covid-19 cả đội nên ai cũng cảm thấy nhiều lúc tụt ý chí. Cô trò phải động viên nhau mỗi ngày để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn và hoàn thành nhiệm vụ thật tốt.

Ở môn TDDC, các VĐV thường được đi tập huấn, thi đấu quốc tế cọ xát, còn TDNT lại không. Đó có phải là một sự thiệt thòi?

TDDC là môn trọng điểm của thể thao Việt Nam nên sự đầu tư cho các VĐV rất nhiều và họ cũng đạt nhiều thành tích rất tốt ở các giải đấu rất lớn. Mỗi lần như vậy bản thân tôi và các VĐV đều cảm thấy rất vui cho các VĐV thể dục của mình nhưng trong sâu thẳm vẫn có chút chạnh lòng và tủi thân khi TDNT thành tích chưa cao tại Đông Nam Á. Và tôi cũng luôn động viên các VĐV của mình và nỗ lực âm thầm cố gắng để có thể có được thành tích tại quốc tế dù chỉ ở các giải nhỏ.

Hiện tại đội chúng tôi vẫn luôn nỗ lực kiên trì tập luyện không ngừng nghỉ và nếu có những cơ hội có thể tham gia các giải đấu quốc tế trong tương lai. Mong rằng đội sẽ có thể đạt được thành tích tốt. Đó cũng là động lực của cô trò chúng tôi.

Đồng lòng đam mê

Cả Trương Minh Sang và Nguyễn Thu Hà đều đang làm công việc huấn luyện, hai bạn có sự bổ sung thế nào cho nhau về công việc ở đội tuyển?

TMS: Tôi đang phụ trách huấn luyện đội tuyển quốc gia nên công việc, trách nhiệm đòi hỏi rất cao. Hai vợ chồng lúc nào cũng tập trung cao độ và về nhà cũng rất muộn. Nhưng vẫn thường xuyên giành thời gian trao đổi, vừa chia sẻ cũng như cho nhau những lời khuyên và động viên.

NTH: Tuy là hai môn khác nhau nhưng đều cùng thuộc một bộ môn nên cũng có tính tương đồng. Tôi huấn luyện khá nghiêm nên nhiều lúc khá căng thẳng. Anh Sang hay trao đổi và đưa ra những lời khuyên rất hợp lý, qua đó giúp nhiều cho công việc cũng như giải tỏa được phần nào áp lực.

Có “độ vênh” nào không trong công tác huấn luyện của hai vợ chồng?

TMS: Giống thì có giống nhưng cũng có cái khác, cho nên nhiều lúc trao đổi không phải lúc nào cũng đồng thuận hoàn toàn.

NTH: Anh Sang dạy các VĐV nam còn học trò của tôi toàn các VĐV nữ, cho nên nhiều lúc cũng có sự khác nhau về mặt huấn luyện và quản lý. Tất nhiên cả hai vẫn có thể trao đổi và trò chuyện với nhau để chia sẻ cùng nhau trong công việc để cảm thấy bớt áp lực hơn.

Cả hai dành bao nhiêu thời gian cho việc huấn luyện mỗi ngày?

TMS: Tôi làm từ 7-8 tiếng một ngày, có hôm phải hơn như thế. Nhiều lúc huấn luyện xong 8h tối mới về đến nhà.

NTH: Tôi cũng vậy, nhiều lúc về còn muộn hơn anh Sang, cũng vì thế hai vợ chồng cũng khó chịu nhau vì cuộc sống gia đình bị ảnh hưởng. Nhưng rất may là cả hai đều hiểu cho công việc của nhau nên cũng đỡ.

Hai bạn thường nhắn nhủ và đề cao điều gì đầu tiên với các VĐV?

Bên cạnh việc huấn luyện chuyên môn ra chúng tôi rất chú trọng đến đạo đức và lối sống của VĐV. Ngoài thành tích đạt được thì VĐV cần có ý thức sống tốt, tôn trọng mọi người, có vậy VĐV mới hiểu và biết được bản thân cần làm gì để tốt hơn, nếu chưa thể thành tài thì ít ra cũng “thành người”.

Cuộc sống của cả hai có bị đảo lộn khi bận công việc ở đội tuyển, cụ thể là ở SEA Games 31?

Cứ mỗi lần đến các kỳ SEA Games, ASIAD thì chúng tôi đều phải nhờ ông bà trông con giúp. Nếu không có ông bà ngoại thì cũng mệt lắm!

HLV Trương Minh Sang và con trai.

Hai bạn có muốn con mình sau ngày theo nghiệp VĐV như bố mẹ?

Chúng tôi cũng có cho con tham gia tập thể dục, đầu tiên là để con làm quen và hiểu về công việc của ba mẹ. Còn lâu dài có thích hay đam mê hay không thì sẽ để con tự chọn.

Được xem là cặp HLV thành công nhất làng thể thao Việt Nam, nhưng có bao giờ hai bạn muốn bỏ cuộc, theo đuổi công việc khác?

Công việc mà, ai cũng có lúc rơi vào tâm trạng suy nghĩ đến chuyện đó cả nhưng sau vài hôm thì máu nghề nghiệp lại nổi lên thì trở lại bình thường, đến bây giờ có thể nói niềm đam mê của chúng tôi đã ngấm vào máu rồi.

Hiện đều là những người thầy mang trọng trách dìu dắt lứa mầm non của thể thao Việt Nam, hai bạn có thể chia sẻ những suy nghĩ của mình nhân dịp 20/11?

Chúng tôi luôn ghi nhận, biết ơn đến những người thầy, người cô đã dạy dỗ, dìu dắt mình. Có người dìu dắt từ lúc nhỏ, có người dạy dỗ mình trên hành trình trở thành HLV cho đến nay. Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Chúng tôi xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất, xin tỏ lòng biết ơn và cảm ơn các thầy, cô rất nhiều!

Cảm ơn những chia sẻ thú vị của Minh Sang và Thu Hà!