Tình thế nan giải

|

Trung tâm Triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh được đổi tên thành Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh, trực thuộc Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, theo Quyết định số 711/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày 8/3/2018. Quy chế về hoạt động giám định tác phẩm mỹ thuật-tác phẩm nhiếp ảnh tại Trung tâm cũng được ban hành từ ngày 1/10/2018. Thế nhưng 5 năm qua, không có một khách hàng nào đến Trung tâm ký hợp đồng giám định tác phẩm.

1 Từ khoảng 5-7 năm trở lại đây, việc kinh doanh tác phẩm mỹ thuật của các họa sĩ, nhà điêu khắc Việt Nam thời kỳ Đông Dương và tiếp sau đó là của cựu sinh viên các khóa Mỹ thuật Kháng chiến, khóa Tô Ngọc Vân ngày càng sôi động. Nhiều tác phẩm của một số họa sĩ này đã đạt mức giá trên dưới một triệu USD, tại các phiên giao dịch của hai hãng đấu giá có lịch sử lâu đời nhất thế giới: Sotheby’s và Christie’s.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà Sotheby’s đã chính thức hiện diện ở Việt Nam thông qua việc tổ chức hai phiên triển lãm tác phẩm mỹ thuật thời kỳ Đông Dương, mở cửa miễn phí, thu hút hàng nghìn lượt công chúng đến tham quan tại mỗi phiên (Hồn xưa bến lạ, năm 2022 và Mộng Viễn Đông, năm 2023, mỗi phiên diễn ra trong bốn ngày). Christie’s cũng đã loan tin về việc tìm nhân sự địa phương cho vị trí đại diện tại Việt Nam. Những biểu hiện trên cho thấy lượng khách hàng Việt Nam tại các phiên đấu giá của hai hãng này nói riêng, của nhiều nhà đấu giá nước ngoài khác là rất lớn, cả về số lượng và số tiền họ chịu chi trả. Đây là biểu hiện tích cực của một thị trường đầy tiềm năng.

Đồng thời, hấp lực của đồng tiền cũng đã góp phần tạo ra sự xuất hiện công khai, tràn lan những tranh giả, tranh sao chép, tranh bị tùy tiện phiên sang chất liệu khác… của nhiều tác giả quá cố, thậm chí kể cả của người đang còn sống và sáng tác. Chính vì vậy, sự ra đời của bộ phận giám định thuộc Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh được coi như một biện pháp mạnh của nhà quản lý nhằm hạn chế tình trạng tranh giả, tranh vi phạm bản quyền tác giả gây tác động xấu đến thị trường.

Khi được hỏi về thực trạng không có khách hàng, họa sĩ Ngô Quang Dương-Giám đốc Trung tâm đã có nhiều chia sẻ chân thành với chúng tôi. Theo anh Dương, trong thời gian qua, có một số nhà sưu tập đến Trung tâm đặt vấn đề giám định tác phẩm. "Vì bản thân họ cũng đã phân vân về tác phẩm mình sở hữu, thông qua những luồng thông tin tự tìm hiểu trước đó. Tuy nhiên, họ vẫn nuôi hy vọng vào một kết quả tích cực hơn nên đã tìm đến Trung tâm… Sau khi nghe tư vấn và chia sẻ những cảm quan ban đầu của chúng tôi, phần lớn họ đều dừng lại, không đề nghị tiến hành các bước tiếp theo của quy trình giám định tác phẩm" - anh Dương nói.

2 Tình thế nan giải của Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh cho thấy còn nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý việc kinh doanh tác phẩm mỹ thuật ở nước ta hiện nay, khiến cho môi trường kinh doanh này trở nên khó kiểm soát, mất an toàn. Tình trạng này đồng thời khiến cho một số chuyên gia độc lập về phục chế tác phẩm mỹ thuật e ngại khi muốn phát triển nghề nghiệp của mình tại Việt Nam.

Những sáng tác mỹ thuật từ thuở ban đầu của mỹ thuật hiện đại Việt Nam, có sức hấp dẫn bởi lịch sử ra đời và cuộc đời của tác giả. Tuy nhiên, sự hư hại bởi thời gian và điều kiện bảo quản là khó tránh khỏi. Chính vì thế, việc phục chế tác phẩm mỹ thuật đang trở thành một công việc đắt giá, cần nhiều nhân sự hơn bao giờ hết. Nhưng trước khi tiến hành phục chế, việc giám định tranh thật-giả là rất quan trọng bởi việc này còn liên quan đạo đức của người làm nghề, không thể cứ nhắm mắt làm ngơ trước nhiều thủ đoạn tinh vi của kẻ buôn bán mà tiến hành "phục chế" cả tranh giả, góp phần lừa mị người mua tranh tiếp sau, gây rối loạn thêm cho thị trường. Tuy nhiên, ai dám chấp nhận kết quả giám định tranh giả? Và ai đứng ra bảo vệ người chỉ ra bức tranh giả qua công việc phục chế, giám định?

Câu chuyện từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước do một nhà sưu tập nước ngoài kể lại cho chúng tôi vẫn còn nguyên vị chua xót: Sau khi chứng kiến một nhà phê bình mỹ thuật tên tuổi của Việt Nam im lặng trước câu hỏi thật hay giả của một khách hàng người Nhật Bản mua tranh Bùi Xuân Phái, nhà sưu tập này đã thẳng thắn đặt câu hỏi tại sao. Đáp lại, nhà phê bình nhỏ nhẹ giãi bày: "Nếu nói đó là tranh thật thì tức là tôi nói dối nhưng nếu bảo là tranh giả, rất có thể ngày mai, khi ra đường, tôi sẽ bị tạt acid".