Những ngày mùa thu này, mỗi chúng ta trào dâng xúc động khi biết rằng, ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, thì ngay ngày hôm sau (3-9), Bác Hồ chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, bàn thảo và thông qua sáu nhiệm vụ cấp bách: 1. Chặn nạn đói; 2. Diệt giặc dốt; 3. Tiến hành Tổng tuyển cử toàn quốc; 4. Ngăn ngừa nạn hút thuốc phiện; 5. Xóa bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò; 6. Thực hiện tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết.
Trong bộn bề công việc buổi đầu lập nước, với cương vị là người đứng đầu, Bác Hồ rất coi trọng việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cùng những “hiến kế” dựng nước và giữ nước của các tầng lớp nhân dân. Vì vậy, cũng trong ngày 3-9 ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua lịch “Tiếp chuyện đại biểu” gồm 12 đoàn thể được Bác ghi rõ, trong đó có cả đại biểu nhi đồng! Bác lưu ý: “1. Gửi thơ nói trước, để tôi sắp thì giờ, rồi trả lời cho bà con, như vậy thì khỏi phải chờ đợi mất công; 2. Mỗi đoàn đại biểu, xin chớ quá 10 vị; 3. Mỗi lần tiếp chuyện, xin chớ quá một tiếng đồng hồ”.
Hơn mười năm qua, chúng ta đã và đang tiến hành việc học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nạn quan liêu, sách nhiễu, “hành dân” đây đó vẫn chưa giảm; việc phê duyệt các dự án, như xây dựng, giao thông, thành lập doanh nghiệp... có quá nhiều tầng nấc, bắt nhân dân phải chờ đợi lâu, phải đi lại nhiều lần, mới được gặp trình bày với các cơ quan công quyền về những vấn đề bức xúc; chưa kể sau nhiều lần, đều nhận được những lời “hứa suông”, hoặc đùn đẩy trách nhiệm sang các cơ quan khác! Thiết nghĩ, để kỷ niệm 70 năm Quốc khánh có ý nghĩa thiết thực, mỗi cán bộ, công chức, mỗi cơ quan công quyền hãy suy ngẫm, vận dụng lời căn dặn cùng những việc làm của Bác Hồ ngay từ ngày đầu lập nước để cải tiến, đổi mới tác phong làm việc với ý thức đề cao trách nhiệm trước nhân dân, vì bao nhiêu “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” - như lời khẳng định của Bác.
Với tâm nguyện nấu nung theo suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác: “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tư do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với thiếu nhi và phụ lão. Ngày 17-9-1945, nhân Tết Trung thu độc lập đầu tiên, Bác Hồ gửi thư cho “các trẻ em yêu quý” với lời lẽ tràn ngập thương yêu và tin tưởng: “Trung thu năm ngoái, nước ta còn bị áp bức, các em còn là bầy nô lệ trẻ con. Trung thu năm nay, nước ta đã được tự do và các em đã thành những người tiểu quốc dân của một nước độc lập”, vì vậy, Bác “mong các em ra sức học tập” để sánh vai với các cường quốc năm châu. Tiếp đó, ngày 21-9-1945, Bác Hồ gửi thư tới các vị phụ lão với tấm lòng chân tình, kính trọng: “Hiện nay, nước ta mới tranh lại quyền độc lập tự do, nhưng còn phải qua nhiều bước khó khăn..., vậy nên quốc dân ta, bất kỳ già trẻ, đều phải ra sức gánh một vai... Chúng ta già cả, không làm được công việc nặng nề, thì khua gậy đi trước, để khuyến khích bọn thanh niên và san sẻ những kinh nghiệm của chúng ta cho họ...”. Chính tư tưởng yêu dân, kính dân, coi trọng dân, từ trẻ đến già của Bác, đã khơi dậy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc sau năm 1945. Và cũng chính tư tưởng “nước ta là nước dân chủ, dân làm chủ” đang là ngọn đuốc soi đường cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đổi mới và hội nhập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thành công!
Đọc những dòng trên đây, mỗi người lại nhớ và biết ơn nhà thơ Tố Hữu đã nói thay sự xúc động của chúng ta trước tình cảm sâu nặng của Bác Hồ dành cho toàn dân, đặc biệt là cho thiếu nhi và phụ lão:
“Sữa để em thơ, lụa tặng già”
“Bác ơi, tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông, mọi kiếp người”.