Trên ngọn sóng AI

|

Trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong những bước nhảy vọt đáng kể nhất về công nghệ, với khả năng ứng dụng đa dạng ở hầu hết các lĩnh vực trong cuộc sống, là chủ đề thảo luận nổi bật của năm 2023.

THÁNG 1/2023, báo cáo của UBS (ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ) đã gây bất ngờ khi công bố ChatGPT đạt cột mốc 100 triệu người dùng chỉ sau hơn hai tháng phát hành. Để so sánh, TikTok và Instagram cần lần lượt chín tháng và hơn hai năm mới chinh phục được kết quả tương tự.

Ứng dụng có thời gian phát triển nhanh nhất trong lịch sử khiến cả thế giới phải sửng sốt bằng khả năng thực hiện các cuộc trò chuyện như người, hỗ trợ sáng tác âm nhạc, soạn thảo văn bản, tóm tắt tài liệu phức tạp bất chấp mọi rào cản ngôn ngữ... Các chuyên gia nhận định: Dù chỉ còn thu hút hơn 1,4 tỷ lượt truy cập hằng tháng trong nửa cuối năm 2023, chatbot của OpenAI sẽ không biến mất, mà còn thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống.

Theo công bố mới nhất trên tạp chí Nature, hệ thống mang tên Coscientist đã sử dụng ChatGPT-4 để tìm hiểu tài liệu từ mạng internet, qua đó thiết kế, mã hóa và thực hiện một số phản ứng hóa học ngoài đời thật. Đây là một trong số những bước đi quan trọng nhằm phát hiện ra các loại thuốc và robot tự động đã đạt thành tích cao ở bài kiểm tra này.

Với sự trợ giúp của AI, dịch vụ chăm sóc khách hàng tự động làm việc ngày càng trơn tru và hiệu quả hơn. Các hình thức đầu tư tài chính được phân tích và cá nhân hóa theo nhu cầu của mỗi người. Các công cụ dịch thuật cũng ngày một thông minh hơn, giúp xóa bỏ rào cản ngôn ngữ, đồng thời cho phép sinh viên toàn cầu tiếp cận nội dung giáo dục mọi lúc mọi nơi.

Thực tế, các mô hình siêu trí tuệ nhân tạo đã chứng tỏ được tiềm năng to lớn giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, tiến bộ khoa học và mở ra nhiều lợi ích cho xã hội. Song, sự phát triển như vũ bão của AI cũng tạo nên những rủi ro tiềm tàng với sự an toàn của thế giới nếu không được nghiên cứu một cách có trách nhiệm.

Vào tháng 11, Hội nghị cấp cao Toàn cầu về An toàn AI đã được tổ chức lần đầu tại Anh, nhằm đánh giá những nguy cơ tồn tại và thảo luận về cách giảm nỗi lo thông qua hành động hợp tác quốc tế. Đại diện 28 quốc gia và một tổ chức, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU)... đã ký kết Tuyên bố Bletchley về An toàn AI. Sự kiện này giúp xây dựng cơ sở vững chắc cho việc quản lý rủi ro mà không làm cản trở việc tận dụng những lợi ích của công nghệ AI.

KHÔNG đứng ngoài làn sóng ấy, nhiều công ty Việt Nam đã phát triển và ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động của mình. Theo Software Review, nền tảng FPT.ai đã được vinh danh là top 1 nền tảng AI toàn cầu năm 2023, phục vụ 20 triệu người dùng thuộc nhiều lĩnh vực trong hơn 100 doanh nghiệp tại 15 quốc gia trên thế giới.

Đầu tháng 12, VinAI cũng giới thiệu mô hình PhởGPT có khả năng hiểu và viết văn phong tiếng Việt một cách vượt bậc so các công nghệ về ngôn ngữ thế hệ trước. Sau đó ít ngày, Viettel đã đề nghị hợp tác với Nvidia để tạo siêu máy tính chứa 1.000 GPU nhằm xây dựng và huấn luyện mô hình ngôn ngữ lớn ở nước ta.

Theo báo cáo Market Insights của Statista, quy mô thị trường Generative AI ở Việt Nam ước tính sẽ vượt mốc 100 triệu USD trong năm 2023. Chúng ta nằm trong nhóm những nước dẫn đầu về chú trọng nghiên cứu và phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo.

"Việt Nam hội tụ đủ các thành phần để phát triển AI, gồm dữ liệu, cơ sở hạ tầng và đặc biệt là lực lượng nhân lực công nghệ thông tin dồi dào. Nếu có thể cưỡi trên con sóng AI, Việt Nam sẽ tăng trưởng thịnh vượng và có nhiều cơ hội rộng mở", CEO Nvidia Jensen Huang nhận định.

Thực tế, khoảng cách về hạ tầng số được xem như thách thức lớn nhất cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Sự khác biệt quan trọng nằm ở hệ thống mạng lưới công nghệ và cơ sở hạ tầng. Bởi, các ứng dụng AI phụ thuộc toàn bộ vào việc thu thập, phân tích dữ liệu, nhằm giải quyết các bài toán được đặt ra trong cuộc sống. Các hệ thống thường phát triển mạnh mẽ ở những thành phố lớn và không được chú trọng nhiều ở các vùng nông thôn.

Tại Tọa đàm Trí tuệ nhân tạo: Tiềm năng đột phá và thách thức, chương trình nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2023, TS Padmanabhan Anandan, nhà khoa học về thị giác và AI, thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, nhấn mạnh: Với bài toán xây dựng nguồn lực và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ hơn nhiều quốc gia đang phát triển khác. Đây chính là bệ phóng giúp Việt Nam thúc đẩy khả năng phát triển ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo.