Soi mói và mủi lòng hay sự sa ngã của truyền thông

|

Gửi bạn Facebooker (1), Bạn bảo mình đang tạm “cai” FB một thời gian nhưng cuối cùng vẫn viết thư tay hỏi tôi “tình hình thời sự” cộng đồng mạng internet. Những ngày qua, cộng đồng đang nổi sóng vì chuyện “ca sĩ Lệ Rơi” và hai người của công chúng bỗng kê chân ghế ngồi lên đống sách tán gẫu. Nhưng đó mới là “chuyện đã qua” còn nay mai sẽ xảy ra chuyện gì thì tôi chịu, có lẽ chỉ ông trời mới biết! Bởi cái cộng đồng của chúng ta nhạy cảm, mong manh và nhẹ dạ quá trong môi trường truyền thông mà tôi tạm gọi là đang nhiều soi mói và dễ mủi lòng như hiện nay.

Ngay từ khi mới xuất hiện internet, người ta đã dự báo, đến một ngày kia truyền thông trên mạng có thể trở thành con mãnh thú càng ăn càng đói. Thức ăn của nó chính là thông tin và với một bộ phận của giới này thì món ăn càng lạ, càng kỳ khôi, và tiếc rằng (đôi khi) càng nặng mùi lại càng khoái khẩu.

Chỉ việc một thanh niên nông thôn trồng ổi bỗng ngày nọ cao hứng đưa lên mạng youtube những bài hát dở òm do anh “tự sướng” hát hò lúc nông nhàn mà đã khiến cả triệu cư dân mạng soi kính lúp. Chuyện chỉ có vậy nhưng người chửi (theo nghĩa đen, mà thôi, cứ gọi là chê cho văn hóa) thật nhiều mà khen cũng thật nhiều. Nếu chỉ tán tầm phào trên mạng xã hội thì không bàn, nhưng con “mãnh thú truyền thông” dường như chờ có vậy đã ngay lập tức nhào dô để giải tỏa cơn khát thông tin. Thế là ôi thôi, “chuyện chẳng có gì mà ầm ĩ thế”, mượn tên một vở kịch của Shakespeare, bỗng trở nên náo nhiệt hơn bao giờ hết! Phe “soi mói” thì liên tục cảnh báo về một thảm họa văn hóa mang tên Lệ Rơi, còn phe “mủi lòng” lại cực lực bảo vệ anh “ca sĩ” chân chất, sao cho người đọc phải rơi lệ!

Chuyện chung quanh những giọt lệ này còn chưa biết đi về đâu thì lại nảy ra việc rò rỉ bức ảnh hậu trường giữa một đạo diễn và một cô hoa hậu lấy sách để kê chân ghế (dĩ nhiên đây là ý tưởng của nhà đài) trong một talkshow chưa phát hành. Thực hư chưa rõ ra sao nhưng với truyền thông và các cư dân mạng thì nó vẫn trở nên hót cực. Và thế là hai phe “soi mói” cũng như “mủi lòng” tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu mới...

Bạn thân mến,

Gần đây người ta hay nói đến sự ra đời của một ngành kinh tế có tên là “Sự chú ý”. Ở đâu có sự chú ý, ở đó sẽ có tiền, thậm chí rất nhiều tiền. Vì vậy người ta tìm cách gây bằng được sự chú ý của đám đông, càng nhiều càng tốt, càng nhanh càng chiếm ưu thế. Và đôi khi họ làm điều đó bằng mọi giá, bất chấp những chuẩn mực xã hội.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến cuối năm 2013, Việt Nam có hơn 31 triệu người sử dụng internet, chiếm hơn 1/3 dân số nước mình và nằm trong “top 20 thế giới”. Có thể nói, cộng đồng mạng là một cộng đồng lớn hơn bất cứ cộng đồng nào ở nước ta. Chính vì vậy, nó đã trở thành đối tượng, thành thị trường của “sự chú ý” mà khá nhiều kênh truyền thông chính thống và phi chính thống cùng tham gia. Lẽ ra, đó phải là nơi lan tỏa những điều tốt đẹp mang hàm lượng tri thức, trí tuệ và thẩm mĩ cao, có sức tập hợp và cổ vũ cộng đồng thì, tiếc thay, thời gian gần đây nó đang dần “sa ngã”, trở thành chỗ cho những điều nhỏ bé, vụn vặt, tầm thường, lăn lóc như những mảnh sành của đời sống. Góp phần không nhỏ vào sự sa ngã ấy có những kênh truyền thông, trồng những “vườn cải” và cả “vườn ổi” trên mạng.

Bạn có đồng ý với tôi rằng,

Đến một ngưỡng nào đó, có thể các cơ quan quản lý sẽ buộc phải can thiệp, nhưng giữa môi trường thông tin mênh mông bể sở thì chẳng có sự kiểm soát nào bằng việc tự kiểm soát của chính những người làm truyền thông, bằng lương tâm và trách nhiệm với cộng đồng của mình.

_______________

(1) Người chơi facebook theo cách viết tiếng Anh.

Ngay từ khi mới xuất hiện internet, người ta đã dự báo, đến một ngày kia truyền thông trên mạng có thể trở thành con mãnh thú càng ăn càng đói. Thức ăn của nó chính là thông tin và với một bộ phận của giới này thì món ăn càng lạ, càng kỳ khôi, và tiếc rằng (đôi khi) càng nặng mùi lại càng khoái khẩu.