Một kinh nghiệm từ Nhật Bản

|

Nhật Bản đã thành công trong công cuộc bảo tồn di sản văn hóa-lịch sử theo hướng chuẩn mực, nghiêm ngặt nhưng vẫn tạo cơ hội để di sản "sống được" và tiếp biến với thời đại mới. Điều này là nhờ chiến lược hợp tác công-tư trong bảo tồn và phát triển theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, chính sách mềm dẻo tạo đồng thuận trên tinh thần "các bên cùng thắng".

Du lịch gắn kết phát triển và bảo tồn

Nhật Bản có tới 18 di sản văn hóa thế giới, chưa kể nhiều di sản cấp quốc gia. Công cuộc bảo tồn di sản ở đất nước này thường gắn với phát triển du lịch và một phần với thương mại, nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững trong mọi lĩnh vực liên quan. Theo đó, một phần tiền thu được từ du lịch, thương mại sẽ được quay trở lại phục vụ công tác bảo tồn.

Công cuộc này chia làm bốn giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ năm 1910 tới năm 1970) tập trung vào hình thành khung chính sách về bảo tồn di sản văn hóa. 10 năm tiếp theo là giai đoạn 2, tập trung vào sử dụng di sản văn hóa cho mục đích du lịch. Giai đoạn 3 (từ năm 1980 tới năm 2000) đi vào phân bổ lợi nhuận từ du lịch tới tay cộng đồng người dân. Giai đoạn 4 (năm 2000 tới nay) là thực hiện quy trình trao quyền cho cộng đồng trong phát triển du lịch địa phương.

Các công trình lịch sử được bảo hộ theo Luật Bảo tồn đền chùa cổ bao gồm cả làng mạc và nhà dân truyền thống. Chính quyền địa phương rất quan tâm đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên bảo tồn tại chỗ, đồng thời ban hành các quy chế kỹ thuật bảo tồn công trình di sản văn hóa. Những công trình được bảo tồn nghiêm ngặt nhất đều gắn với phong tục tập quán, hoạt động và lễ hội hằng năm của địa phương. Việc tu sửa định kỳ, phòng cháy và hoạt động thể nghiệm luôn được cơ quan quản lý văn hóa và chính quyền địa phương tài trợ.

Việc quản lý, tu sửa những ngôi nhà cổ mang nhiều đặc trưng văn hóa truyền thống do chủ sở hữu hoặc đoàn thể tiến hành, song Nhà nước hỗ trợ tài chính. Việc phục chế, tu sửa, bảo dưỡng đều phải tuân thủ các quy định kỹ thuật nghiêm ngặt dưới sự chỉ đạo và thẩm định của hội đồng chuyên môn (bao gồm đại diện của Nhà nước và địa phương).

Việc xây dựng mới nhà ở và các cơ sở dịch vụ du lịch ở khu vực có cảnh quan lịch sử, văn hóa truyền thống phải tuân theo quy định nghiêm ngặt của chính quyền địa phương, không phá vỡ tổng thể chung. Phong cách kiến trúc sẽ theo hướng truyền thống thay vì nhà cao tầng hiện đại. Nhờ vậy, các địa phương bảo tồn và giữ được đặc trưng kiến trúc cũng như cảnh quan truyền thống của mình.

Cùng với bảo tồn di sản kiến trúc, Nhật Bản chú trọng bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể, như các lễ hội, quy trình sản xuất sản phẩm văn hóa, ẩm thực, âm nhạc truyền thống, tạo sức hút lớn trong ngành du lịch. Nara và Kyoto là hai điển hình trong số các thành phố thành công trong công cuộc này.

Phát triển du lịch bền vững cần bốn điều kiện: Sử dụng sáng tạo di sản; quản lý, bảo tồn, bảo trì nghiêm cẩn; có hệ thống dịch vụ thu hút du lịch và cuối cùng là tăng cường nhận thức cho cộng đồng và chính quyền.

Có thể nói, du lịch là "nồi cơm Thạch Sanh" mang lại một nguồn thu lớn và lâu dài cho địa phương. Nhưng nếu quản lý không tốt, sẽ có thể gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực, như phá vỡ lối sống truyền thống, làm mất bản sắc văn hóa địa phương,… Do đó, rất cần sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả giữa tất cả các bên liên quan, từ chính quyền trung ương và địa phương, đến các cơ quan hữu quan, hiệp hội và doanh nghiệp, và đặc biệt là chính cộng đồng người dân trong công cuộc này.

Chìa khóa vàng trong phát triển và bảo tồn

Cơ chế chuyển quyền phát triển (Transfer of Development Right) là một công cụ pháp lý được nhiều nước áp dụng. Nó cho phép chủ sở hữu bất động sản được chuyển nhượng quyền hợp pháp phát triển khu đất đó sang khu đất khác do dư thừa, không có nhu cầu hoặc năng lực tài chính để xây cất cao lên hay không thể xây (vì công trình di sản thuộc diện bảo tồn). Về nguyên tắc, có thể tổ chức sàn giao dịch chuyển quyền phát triển và ngân hàng chuyển quyền phát triển kết nối giữa các tổ chức, cá nhân chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng quyền phát triển. Gần đây, công cụ chuyển quyền phát triển được nghiên cứu để triển khai thí điểm ở Việt Nam.

Nhật Bản không dùng thuật ngữ chuyển quyền phát triển mà có công cụ tương tự, tên là "Hệ thống Khu vực với Hệ số Sử dụng đất Ngoại lệ" thuộc hệ thống quy hoạch đô thị của Nhật Bản, bắt đầu từ năm 2000. Nó cho phép chuyển nhượng hợp pháp những chỉ tiêu sử dụng đất dư thừa không dùng tới (thí dụ ở các công trình di sản thấp tầng, mật độ xây dựng thấp) sang các công trình thương mại cao tầng kế bên có nhu cầu thông qua giao dịch thương mại và trích một phần tiền chênh lệch để đầu tư cho bảo tồn, tôn tạo di sản.

Công cụ này lần đầu được đưa ra cho dự án tái phát triển "đặc khu" trọng điểm hàng đầu thủ đô Tokyo là quần thể quanh Ga Tokyo (116,7 ha). Nó tạo điều kiện để chủ sở hữu nhà ga (Tập đoàn JR East) bán được 700% hệ số sử dụng đất không dùng đến (trên tổng số 900% cho phép) cho các chủ đầu tư cao ốc thương mại lân cận có nhu cầu xây "lố" chỉ tiêu sử dụng đất. Một phần tiền thu được đã dành cho quỹ dự án trùng tu tôn tạo Ga Tokyo (được xếp hạng di sản quốc gia năm 2003). Dự án trùng tu này hoàn thành năm 2012.

Một phép hoán đổi khác là Cơ chế thiết kế môi trường đô thị, lần đầu được thành phố Yokohama ban hành năm 1973, nhằm khuyến khích các chủ đầu tư tư nhân tham gia cùng chính quyền xây dựng môi trường đô thị tốt hơn. Nó cho phép thưởng thêm chiều cao công trình và hệ số sử dụng đất (so với mức trần ở khu vực đó) cho các chủ đầu tư. Đổi lại, họ xây dựng các không gian phục vụ công cộng trong khu vực có công trình.

Tái sử dụng thích ứng hay cải tạo thích ứng (adaptive reuse) là quá trình tái sử dụng một địa điểm hay công trình cũ cho một mục đích hay công năng mới, khác với gốc ban đầu. Cách tiếp cận này được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Nó được xem như phương án dung hòa mâu thuẫn nhóm lợi ích, giảm tối đa tổn thất kinh tế cho chủ công trình, khuyến khích tư nhân tham gia bảo tồn.

Nhật Bản có nhiều công trình cải tạo thích ứng một cách phù hợp và tinh tế. Nhiều chủ nhà cổ có thể có cuộc sống tiện nghi trong ngôi nhà di sản. Vỏ ngoài được giữ lại tối đa và cẩn trọng, nội thất có thể được cải tạo khá tự do. Ngôi nhà khi ấy trở thành "di sản sống" (living heritage) thay vì nhà kiểu "bảo tồn bảo tàng" nhưng không người ở.