Đột phá chiến lược từ phát triển nguồn lực con người

|

Sự phát triển chóng mặt của ngành công nghệ thông tin, cũng như sức ảnh hưởng rộng khắp tới hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống đã và đang đặt ra nhiều thách thức. Trong đó, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, vẫn là một trong những bài toán căn bản cần nhanh chóng tìm lời giải.

Trong 5 năm trở lại đây, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng đáng chú ý trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin (ICT). Từ mức doanh thu khoảng 103 tỷ USD vào năm 2018 đã tăng vọt lên 148 tỷ USD năm 2022, đạt mức tăng trưởng 8,7% so năm 2021.

Trên bảng xếp hạng chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam cũng ghi nhận sự tiến bộ mạnh mẽ, tăng 10 bậc từ vị trí 67 năm 2022 lên 57. Trong đó, chỉ số ICT adoption (thể hiện mức độ áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong môi trường kinh doanh và xã hội) đã tăng 40 bậc.

Báo cáo về Chính phủ điện tử (EGDI) năm 2023 được Liên hợp quốc công bố cũng đưa Việt Nam lên vị trí thứ 84 trong 193 quốc gia thành viên, tăng bốn bậc so năm 2022. Những bước nhảy vọt kể trên cho thấy sự tiến bộ, mức độ phát triển của ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam, đồng thời cũng tạo nên những sức ép không nhỏ cho thị trường nhân lực trong nước.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đến năm 2023, Việt Nam ghi nhận khoảng 400.000 kỹ sư và hơn 50.000 sinh viên đang làm việc và học tập tại lĩnh vực này. Đến năm 2030, số lượng nhân sự công nghệ thông tin được dự báo sẽ tăng gấp đôi so thời điểm hiện tại và đạt mức 1,2 triệu người. Trong số đó, 80% có trình độ đại học và cao đẳng.

Giai đoạn từ năm 2016-2023, tốc độ tăng trưởng nguồn nhân lực công nghệ thông tin mỗi năm ở nước ta đạt trung bình 25%. Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin, đặc biệt ở các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), và điện toán đám mây (cloud computing), sức ép từ việc thiếu hụt nhân sự là khó tránh khỏi.

Ước tính tới năm 2025, Việt Nam sẽ thiếu hụt từ 150.000 đến 200.000 lập trình viên và kỹ sư công nghệ thông tin mỗi năm. Riêng với trình độ đại học, chúng ta cần đào tạo 80-100 nghìn cử nhân mới đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Hiện tại, tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam trên tổng số lao động quốc gia ước đạt 1,1% (trong tổng số 51 triệu lao động). Con số này thấp hơn rất nhiều so các nước định hướng công nghệ như Mỹ (4%), Hàn Quốc (2,5%) hay Ấn Độ (1,78%). Tuy nhiên, tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên gấp đôi trong những năm tới bên cạnh sự cải thiện rõ rệt về chất lượng nguồn nhân sự.

Nhìn vào bảng xếp hạng Skillvalue năm 2023, chuyên trang đánh giá kỹ năng của các lập trình viên, Việt Nam đứng thứ 28 trên toàn thế giới. Thậm chí, bảng xếp hạng TopCoder 2023 còn xác định chúng ta nằm ở vị trí thứ 10.

Những kết quả này chứng tỏ lập trình viên Việt Nam ngày càng được công nhận về trình độ, với kỹ năng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đây là dấu hiệu tích cực cho ngành công nghệ thông tin, đồng thời cũng là minh chứng cho quá trình phát triển mạnh mẽ của đội ngũ nhân sự nước ta. Song, việc có tới 10% số lượng nhân sự chất lượng cao quyết định làm việc tại các nước phát triển cũng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt.

Không những vậy, dù năng lực của lập trình viên Việt Nam được đánh giá cao trên thế giới, chỉ 30% số sinh viên tốt nghiệp trong nước mỗi năm đáp ứng được yêu cầu chuyên môn thực tế. Số còn lại vẫn cần được đào tạo thêm tại doanh nghiệp từ ba đến sáu tháng mới đạt được hiệu quả công việc tương ứng.

Có thể kể đến những hạn chế điển hình về kỹ năng chuyên môn, như chỉ 30% số kỹ sư có đủ kỹ năng về phần mềm, 20% về an ninh mạng và 15% về dữ liệu lớn. Khoảng 15% số kỹ sư công nghệ thông tin được đánh giá cao ở khả năng tư duy sáng tạo. Năng lực ngoại ngữ còn kém, đặc biệt trong việc sử dụng tiếng Anh (với khoảng 20% số kỹ sư có trình độ từ B1 trở lên).

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh, một trong ba đột phá chiến lược chính là "phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo". Đây là chủ trương hết sức đúng đắn, thể hiện tư duy, tầm nhìn mới của Đảng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước trong thời kỳ mới.

Đặc biệt, cần quan tâm đào tạo nhân lực trong cả ba lĩnh vực: Nghiên cứu, quản lý và ứng dụng, nhất là các ngành mũi nhọn, các xu thế phát triển mới để có thể "đi sau, về trước" như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo… trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước và tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.

Để đưa "đột phá chiến lược" nói trên vào đời sống, đã có nhiều nghị quyết, cơ chế, chính sách được ban hành đồng bộ. Có thể kể đến Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia… Quyết định số 146/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ngay trong năm đầu thực hiện Đề án, đã có đến 196.340 lượt cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành, địa phương được bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số. Có hơn 188.738 lượt truy cập và tham gia khóa tập huấn "Phổ cập kỹ năng số cho Tổ công nghệ số cộng đồng" trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà.

Không chỉ nâng cao nhận thức, nhân lực chuyên trách công nghệ thông tin và chuyển đổi số liên tục được bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Ngoài ra, Đề án cũng tổ chức triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số và chương trình "Học từ làm việc thực tế". Trong đó, cơ quan nhà nước có vai trò dẫn dắt, liên kết các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo với doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu thực tế và đặt hàng của doanh nghiệp.

Theo GS, TS Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, sự hợp tác giữa nhà trường-viện nghiên cứu-doanh nghiệp từ lâu đã được coi như đặc trưng của mô hình đại học nghiên cứu. Ðó vừa là phương thức, vừa là mục tiêu hướng tới sự phát triển của từng đối tác và cả sự phát triển chung của ba bên.

Tương tự, Đại học Bách khoa Hà Nội đã ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn (như Viettel, Samsung, Ericsson, ACE Technologies…). Đây là nỗ lực của nhà trường nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, tham gia tích cực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến cho các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế xã hội cho đất nước.

Hay mới nhất, vào ngày 29/11, Trường đại học Công nghiệp Hà Nội đã ký kết Thỏa thuận hợp tác nhằm đẩy mạnh hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ bán dẫn và vi mạch tại Việt Nam với hai doanh nghiệp là Công ty TNHH LG Electronics Development Việt Nam (LGEDV) và Công ty TNHH LG CNS Việt Nam (LGCNS).

Những hoạt động thiết thực trong quá trình hợp tác giữa nhà trường-viện nghiên cứu-doanh nghiệp trong và ngoài nước chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam.