Biến cơ hội thành hiện thực!

|

Ngày 30-6-2019 vừa qua, tại Hà Nội, đã diễn ra lễ ký chính thức Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) giữa EU với Việt Nam. Đây là hiệp định thương mại đầu tư song phương được Việt Nam và EU nhất trí bàn thảo từ tháng 10-2010; đến tháng 6-2012, hai bên chính thức khởi động đàm phán. Như vậy sau bảy năm triển khai các cuộc đàm phán, vượt qua rất nhiều trở ngại, với số lượng các văn bản nặng tới bảy kg, lễ ký chính thức ngày 30-6 vừa qua, là cột mốc lịch sử, mở ra "chân trời mới" trong quan hệ Việt Nam - EU về hợp tác đầu tư.

Thực hiện EVFTA, hai bên sẽ cắt giảm theo lộ trình tới 99% thuế quan đối với hàng hóa của nhau. Ngoài ra, nó còn bao gồm các điều khoản về bảo vệ sở hữu trí tuệ, tự do hóa đầu tư và phát triển bền vững theo các tiêu chí quốc tế. Vì vậy, EVFTA được đánh giá là thỏa thuận "thế hệ mới, toàn diện, chất lượng cao" gắn thương mại và đầu tư với các chuẩn mực về xã hội, lao động, môi trường... Như nhận định của Cao ủy Thương mại EU, X.Man-xtrôm, Việt Nam là một thị trường sôi động đầy hứa hẹn và là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong ASEAN, cả hai bên cùng thu lợi từ mối quan hệ mạnh mẽ, các sản phẩm bổ sung cho nhau. Các doanh nghiệp EU xem Việt Nam là đối tác quan trọng trong khu vực; và qua đầu tư vào đây, sẽ mở ra con đường tiếp cận sâu rộng vào thị trường ASEAN. Với nước ta, Hiệp định này sẽ tạo thuận lợi mới để các sản phẩm, hàng hóa tiếp cận thị trường EU rộng lớn, đầy tiềm năng, tạo "cú huých" cho xuất khẩu Việt Nam, đa dạng hóa thị trường, nhất là các mặt hàng ta có thế mạnh, như nông thủy sản, dệt may, da giày... Các doanh nghiệp EU sẽ tăng đầu tư vào nước ta, như công nghệ cao, năng lượng sạch, tự động hóa, tài chính - ngân hàng, vận tải, logistics... vào thị trường với hơn 90 triệu dân. Như vậy, đây là bước tiến lớn để Việt Nam từ một nước đi sau, lần đầu tiên vươn lên thuộc nhóm đi đầu trong khu vực. Đây cũng là cơ sở để nước ta tiến hành mạnh mẽ hơn công cuộc cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, hiệu quả, đủ sức đối đầu với những thách thức trong giai đoạn vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Rõ ràng là, "chân trời hội nhập" đang mở ra viễn cảnh tươi sáng. Song, bài học thực tiễn của hơn 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế vừa qua, chúng ta càng thấm thía, mỗi bước tiến lên, mỗi thành quả kinh tế, đều là sự kết hợp chặt chẽ giữa yếu tố chủ quan và khách quan, trong đó nhân tố chủ quan là quyết định. Chúng ta vui mừng, ngày càng có nhiều doanh nghiệp EU và thế giới đầu tư vào nước ta vì họ yên tâm khi thấy tình hình chính trị - xã hội ổn định; khi nhiều cơ chế, chính sách đầu tư được thông thoáng hơn; khi các chủ trương lớn trong cam kết hợp tác song phương hoặc đa phương, được Nhà nước ta thể hiện nhất quán. Nhưng còn đó là những lời phàn nàn về một số thủ tục hành chính rườm rà; nạn sách nhiễu đòi hỏi "bôi trơn", nạn "chém chặt" trong thu phí dịch vụ..., nhiều lúc làm nản lòng các nhà đầu tư ngoài nước và trong nước. Suy cho cùng, vấn đề lớn nhất là con người, nhân tố quyết định biến cơ hội thành hiện thực. Con người trong chỉ đạo, điều hành nền kinh tế và con người thực thi các chủ trương chính sách cụ thể, còn không ít điều bất cập trong việc nắm bắt pháp luật kinh tế thế giới cũng như tiếp nhận, áp dụng có hiệu quả những thành quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do vậy, hơn bao giờ hết, việc tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên nhiều bình diện của nền kinh tế..., đã và đang là đòi hỏi cấp bách để mọi thời cơ được tạo ra từ EVFTA và EVIPA, nhanh chóng thành hiện thực trên đất nước ta!