Thị trấn du lịch Sa Pa bây giờ cứ hễ cuối tuần là đông vui, náo nhiệt. Thế nhưng chỉ cần chạy xe máy, mà tốt nhất là nên chọn xe máy, đi về phía đông nam chừng chục cây số thôi là tha hồ một mình một cõi, tận hưởng khung cảnh thần tiên, quyến rũ của những bản làng nằm dọc theo con suối Mường Hoa.
Đường cấp xã hơi gập ghềnh khó đi, nhưng bù lại cảnh quan thì tuyệt đẹp. Đặc biệt hơn các vùng khác một chút, những thửa ruộng ở đây là “tác phẩm” kết hợp giữa việc canh tác lúa nước trong thung lũng hẹp của người Giáy, với kỹ thuật khai khẩn trên sườn dốc cao của người Mông và Dao. Thế nên mới có cảnh Bản em lưng chừng núi, lưng chừng đèo/ Từng bậc thang lên xuống như cung đàn ngân dài… như cố nhạc sĩ tài danh An Thuyên đã viết.
Suối Mường Hoa uốn lượn chảy như một mạch sống qua các bản Lao Chải, Tả Van, Bản Hồ… xinh xắn, bừng mầu ấm no. Dân vùng này cũng khá thức thời, bản nào bản nấy đều đã có dịch vụ homestay, rồi ăn uống, dẫn khách trekking… cực kỳ thú vị mà giá lại hợp lý. Sau một ngày dài thăm Thác Bạc, Cầu Mây, check-in đỉnh đèo Ô Quy Hồ lừng danh, chúng tôi chọn nghỉ đêm trong ngôi nhà gỗ trên đỉnh đồi của anh Thành ở bản Tả Van, đắm mình giữa mùi thơm ngạt ngào, dễ chịu của lúa đang vào vụ thu hoạch. Để rồi sáng mở mắt, gần như bị choáng váng trước hừng đông ló rạng từ dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, rọi lên những đóa hoa ướt đẫm sương đêm và “thiên đường” ruộng bậc thang trải ra tít tắp chân trời. Thiên nhiên chính là nghệ sĩ “đỉnh” nhất khi phối nên một bức tranh lúa vào độ chín trong thung lũng với hàng nghìn sắc độ mầu, từ xanh non mơn mởn, xanh cốm đến vàng mơ, vàng óng, vàng cam… Lúa ở trong mây, mây ôm ấp lúa. Có người nói vui: “Ở đây chỉ ngồi ngắm mây thay hình đổi dạng thôi, cũng đủ hết ngày”.
Mà còn vui hơn nữa là chúng tôi ở Mường Hoa tình cờ đúng vào ngày hội cốm của người Giáy. Lúa nếp tầm này chưa chín hết, vẫn còn chút sữa ở đầu hạt, vỏ ngả vàng ánh sắc xanh và chưa căng hẳn, rất lý tưởng để làm ra loại cốm vừa dẻo ngậy vừa thơm lừng. Khắp bản, nam thanh nữ tú kéo nhau đi cắt lúa non, rồi về sàng sẩy, rang, giã, rộn ràng đông vui như Tết. Những hạt cốm đầu tiên sẽ được dành làm lễ vật dâng lên bàn thờ, cảm tạ trời đất, tổ tiên ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bản làng no ấm. Từ cốm, đồng bào còn chế biến được rất nhiều món ăn ngon như cốm rang phồng, cháo cốm, cốm lửng, xôi cốm trộn lạc, hoặc thịt ba chỉ băm cùng hành lá, bánh cốm ép đường… tạo nên những hương vị ẩm thực riêng biệt.
Lang thang mãi qua những con đường đầy bông lúa trĩu nặng ríu rít ngang bắp chân, lòng cứ bâng khuâng mong ước cho thời gian ngừng trôi, để khoảnh khắc bình yên, đẹp đẽ này được lưu lại mãi.