Bình Định: Cử tri, đại biểu tán thành cao việc thành lập thành phố thứ 2

|

Theo Sở Nội vụ tỉnh Bình Định, Đề án thành lập TP An Nhơn trở thành thành phố thứ 2 của tỉnh đã được các cử tri, đại biểu HĐND các cấp tán thành cao, đạt tỷ lệ trên 99,16%.

Ngày 11-12, tại kỳ họp HĐND tỉnh Bình Định, ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Sở Nội vụ, báo cáo tờ trình về chủ trương thành lập các phường thuộc thị xã An Nhơn và thành lập TP An Nhơn.

Ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định trình bày tờ trình tại kỳ họp HĐND tỉnh

Theo ông Tuấn, các hồ sơ, đề án thành lập các phường và TP An Nhơn được thực hiện đảm bảo theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13 và khóa 15. Đề án cũng được công khai lấy ý kiến cử tri, đại biểu HĐND các cấp, đạt tỷ lệ tán thành rất cao. Trong đó, tỷ lệ tán thành việc thành lập các phường của thị xã An Nhơn đạt 97,99% trở lên; tỷ lệ tán thành việc thành lập TP An Nhơn đạt 99,16%.

Ông Tuấn cho biết, hiện có 6 xã của thị xã An Nhơn, gồm: Nhơn Phúc, Nhơn Lộc, Nhơn Thọ, Nhơn Phong, Nhơn Hậu và Nhơn An đã hoàn thành, đảm bảo đạt tiêu chí để thành lập phường. Thị xã An Nhơn cũng đạt 5/5 tiêu chí và đạt đủ số điểm để thành lập thành phố. Theo đó, TP An Nhơn có diện tích trên 224km2, quy mô dân số 208.396 người với 15 đơn vị hành chính (11 phường, 4 xã).

Sau khi lên thành phố, TP An Nhơn sẽ là địa bàn cầu nối mở rộng hợp tác, liên kết không gian phát triển kinh tế và đô thị song song với TP Quy Nhơn kết nối vùng đô thị, công nghiệp phụ cận thuộc hành lang Quốc lộ 19. Từ đây mở ra một vùng không gian phát triển mới về công nghiệp, dịch vụ, đô thị, du lịch, cảng biển hình thành “tam giác kinh tế” phía Nam Bình Định gồm: An Nhơn - Quy Nhơn - Nhơn Hội.

Tỉnh Bình Định sẽ dồn nguồn lực để phát triển cấu trúc, hạ tầng đô thị mới cho An Nhơn

Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đã phê duyệt điều chỉnh chương trình phát triển đô thị ở thị xã An Nhơn đến năm 2045. Cơ cấu dân số đô thị An Nhơn sau khi thành lập thành phố đến năm 2030 sẽ đạt 220.000 dân với 183.700 dân nội thị, 36.300 dân ngoại thị.

Qua đó, Bình Định đã dự trù kinh phí từ 2 nguồn ngân sách Nhà nước và vốn ngoài ngân sách để đầu tư, phát triển đô thị An Nhơn. Trong đó, 3.100 tỷ đồng được phân bổ xây dựng hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, cấp thoát nước; hơn 2.000 tỷ đồng dành cải tạo nội thị hiện hữu, phát triển khu dân cư; hơn 1.000 tỷ đồng đầu tư các hạng mục hạ tầng xã hội, gồm: chợ, khu thể thao, thương mại và công viên…

Trong năm 2025, Bình Định sẽ đầu tư 18 công trình chỉnh trang đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật tại An Nhơn với vốn đầu tư 500 tỷ đồng.