Kỳ thi vừa kết thúc, nhiều học sinh (HS) và chuyên gia đánh giá là đề "dễ thở", tính phân loại ở mức phù hợp (chứ không cao như mọi năm). Tuy thế, cũng còn nhiều ý kiến băn khoăn, những "vấn đề" của năm nay sẽ ảnh hưởng tới chất lượng tuyển sinh đại học, cao đẳng tới đây thế nào?
Nhanh chóng rút kinh nghiệm
Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT), tổng số thí sinh (TS) đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2020 đợt 1 là hơn 900.000; số thực tế đến làm thủ tục dự thi hơn 800.000, đạt tỷ lệ 96,3%; tổng số thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên không thể dự thi đợt này lên tới 26.308.
Kỳ thi vừa kết thúc đầu tuần này, được nhiều người ví von là "chưa từng có" trong lịch sử, một kỳ thi vừa phải bảo đảm tính nghiêm túc, công bằng vừa bảo đảm an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Kỳ thi với 2.029 điểm thi và 38.210 phòng thi, diễn ra tương đối nghiêm túc, tỷ lệ TS vi phạm quy chế không nhiều, Bộ GD&ÐT đánh giá là kỳ thi đạt được mục tiêu trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh gây ra.
Trong bối cảnh dịch bệnh, các địa phương, nhất là các tỉnh miền trung và những thành phố lớn đã phải căng mình vừa lo chống dịch, vừa lo phát triển kinh tế, song vẫn cơ bản bảo đảm tổ chức tốt kỳ thi. Sự cố gắng của toàn ngành giáo dục và các địa phương đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của kỳ thi. Nhưng, trước mắt vẫn còn đó là đợt 2 với hơn 26.000 TS bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh. Tất nhiên, đây là yếu tố khách quan, nhưng rút kinh nghiệm đợt 1, ngoài sự nỗ lực của các thầy cô, TS vẫn còn nhiều băn khoăn và lo lắng. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ GD&ÐT thừa nhận đợt 1 kỳ thi vẫn còn có những sự cố. Cụ thể, do có 18 cán bộ ở ba tỉnh chưa thực hiện đúng quy chế thi đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của TS, khiến hơn 100 TS ở Bình Phước, Bắc Ninh và Ðiện Biên phải thi lại vào ngày 11-8 theo đề thi dự phòng. Mặc dù quyền lợi TS được bảo đảm, song chắc chắn tâm lý không ít TS phải thi lại sẽ không tốt, thậm chí ảnh hưởng đến chất lượng bài thi.
Thách thức lớn của ngành giáo dục cũng như các địa phương chịu tác động mạnh của dịch thời gian tới là làm sao tổ chức đợt 2 kỳ thi bảo đảm công bằng, nghiêm túc, đúng quy chế. Bài học đó, chắc chắn lãnh đạo Bộ GD&ÐT cùng các địa phương phải nghiêm túc rút kinh nghiệm qua việc phổ biến, tập huấn giám thị trong thời gian tới. Trong khi đó, việc xác định thời điểm để tổ chức cho hơn 26.000 thí sinh thi đợt 2 hiện vẫn chưa thể xác định.
"Dễ thở" nhưng khó phân loại
Ông Mai Văn Trinh khẳng định, đề thi năm nay đáp ứng yêu cầu "đặc biệt" theo chương trình tinh giản mà Bộ GD&ÐT đã công bố trong học kỳ 2 do bối cảnh của dịch Covid-19. Do yêu cầu "đặc biệt" này, kết thúc kỳ thi nhiều ý kiến lo rằng mức độ đề thi có phần nhẹ nhàng, dễ hơn mọi năm và như vậy là "an toàn" để tốt nghiệp THPT, nhưng lại khó khăn cho các trường đại học khi khó xác định, phân loại chính xác học lực TS để tuyển đầu vào. Tuy nhiên, ông Mai Văn Trinh khẳng định, đề thi có tính phân hóa phù hợp, và kết quả thi tốt nghiệp THPT chỉ là một kênh để các trường đại học căn cứ tuyển sinh bên cạnh các điều kiện khác.
Nhìn nhận từ góc độ giáo viên phổ thông, một số thầy cô có quan điểm trái ngược. Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên Trường THPT chuyên Trần Ðại Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho biết, đề thi vừa qua được xem là bám sát với đề thi minh họa và được đánh giá là dễ hơn so với mọi năm, điều này phù hợp và đúng với thực tế. "Ðề dễ không ảnh hưởng tới chất lượng tuyển sinh, dù lý thuyết không tuyển được TS giỏi như các năm, nhưng ngoài việc tuyển sinh dựa trên kết quả thi tốt nghiệp thì một số trường còn có các điều kiện khác như: xét học bạ, các giải thưởng, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và các điều kiện khác. Nhiều em năm nay đã đậu vào các trường đại học, thi tốt nghiệp chỉ là điều kiện", cô Huyền Thảo cho biết và nêu quan điểm, có thể việc siết chặt đầu vào đại học công lập sẽ lại mở ra cho đại học tư thục, dân lập, quốc tế có nhiều cách xét tuyển tiên tiến, "mở đầu vào, siết đầu ra". Ngược lại, thầy giáo Thịnh Nam, giáo viên Trường THPT Ðoàn Kết (Hà Nội) cho rằng, đề năm nay chỉ phù hợp với mục tiêu tốt nghiệp: "Ðề dễ thì rất khó để khẳng định những điểm 9, 10 ai giỏi hơn ai, khi số lượng học sinh đạt điểm cao nhiều sẽ thiệt cho những em ở khu vực không được cộng điểm ưu tiên. Tôi thấy đề năm nay phân loại tốt ở nhóm học sinh trung bình và khá, tính phân loại không cao ở nhóm học sinh giỏi. Do đó, học sinh giỏi không có đất để thể hiện và ảnh hưởng trực tiếp tới đầu vào của nhóm học sinh điểm cao", thầy Nam phân tích.
Trao đổi ý kiến với Nhân Dân cuối tuần, GS Ðặng Ứng Vận (Trường đại học Hòa Bình) cho biết, thông thường đề dễ sẽ khiến trường tốp trên khó lựa chọn được những TS giỏi nhất, còn các trường tốp dưới đương nhiên sẽ cảm thấy "dễ thở" hơn. Trong khi đó, bà Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Giáo dục Ðại học (Bộ GD&ÐT) khẳng định, đề năm nay phân hóa tốt, đáp ứng được yêu cầu của các trường đại học trong công tác tuyển sinh.
Các trường đại học đã có kế hoạch tuyển sinh, mặc dù đã lường trước được bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài, nhưng việc có nhiều TS phải thi tốt nghiệp đợt 2, nhiều trường vẫn rơi vào bị động tuyển sinh và phải điều chỉnh. Cũng theo lãnh đạo Vụ Giáo dục Ðại học, việc hỗ trợ TS thi đợt 2 và hỗ trợ các trường, Bộ đã có công văn đề nghị các trường phải dành tỷ lệ nhất định, chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp với tình hình thực tiễn cho các em dự thi đợt 2. Bên cạnh đó, trong công văn, Bộ cũng yêu cầu các trường công khai những điều chỉnh trong đề án tuyển sinh tới đây để các TS kịp thời nắm bắt.
NHƯ QUỲNH