Dấu ấn 2012

|

NDO - Năm 2012, với tinh thần quyết tâm đổi mới, xây dựng và không ngừng phát triển, ngành y tế Việt Nam với đội ngũ thầy thuốc vững vàng về chuyên môn đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị. Nhân Dân hằng tháng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số thành tựu được coi là những dấn ấn trong ngành y tế năm 2012.

Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh):

Phương pháp làm lạnh toàn thân

Bệnh não sơ sinh thiếu ô-xy, thiếu máu cục bộ (sinh ngạt) là một trong ba nguyên nhân gây tử vong và để lại di chứng hàng đầu ở trẻ sơ sinh (chiếm khoảng 23% trong tổng số hơn bốn triệu ca tử vong ở trẻ sơ sinh mỗi năm trên thế giới). Quá trình chuyển dạ và sinh là giai đoạn trẻ sơ sinh thay đổi môi trường sống từ trong bụng mẹ ra thế giới bên ngoài. Những dấu hiệu bất thường trước hoặc trong quá trình chuyển dạ, hỗ trợ hồi sức trẻ sau sinh... dẫn đến nguy cơ tử vong để lại di chứng não như: chậm phát triển tâm thần vận động, động kinh, bại não...

Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh), bác sĩ Tăng Chí Thượng cho biết, bệnh viện đã triển khai kỹ thuật làm lạnh toàn thân cách đây một năm cho 16 ca. Phương pháp lần đầu thực hiện tại Việt Nam là đưa nhiệt độ trẻ sơ sinh về độ sâu tối đa cho phép trong 72 giờ, giúp giảm số lượng tế bào não bị tổn thương do thiếu ô-xy và ngăn chặn các tổn thương do phù não, nâng cao chất lượng sống cho trẻ sơ sinh. Sau 72 giờ, trẻ sơ sinh được làm ấm từ từ, đưa nhiệt độ cơ thể trở lại bình thường, phát triển tâm thần vận động kết hợp với vật lý trị liệu để có kết quả tốt. Kiểm tra chặt chẽ tình hình sức khỏe của trẻ sơ sinh mắc bệnh theo định kỳ và thường xuyên từ hai đến 18 tháng tuổi. Phương pháp làm lạnh toàn thân phải áp dụng sớm cho trẻ sơ sinh ngay sau sinh (trước sáu giờ tuổi) mới mang lại hiệu quả tốt.

Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương:

Ghép tế bào gốc tạo máu (ghép tủy)

Ghép tế bào gốc (TBG) tạo máu là một trong 10 thành tựu y học của ngành y tế Việt Nam. Phương pháp ghép TBG tự thân, mang cơ hội sống cho nhiều người mắc các bệnh về máu, giúp các tế bào của người bệnh sản xuất ra các tế bào máu mới thay thế các tế bào bị phá hủy trong quá trình điều trị hóa chất và tia xạ để tiêu diệt tế bào ung thư. TBG có thể lấy được từ nhiều nguồn: Tủy xương (xương cánh chậu), máu ngoại vi, tế bào máu cuống rốn. Có hai loại ghép là tự thân và đồng loại. Ghép TBG tự thân (lấy tế bào gốc của chính người bệnh để ghép trở lại cho họ) để chữa trị các bệnh về máu như: Đa u tủy xương, u lympho ác tính và các bệnh lý tự miễn, bệnh Amylodosis và nhiều bệnh lý khác như: Ung thư, ngoại khoa, thần kinh, nội tiết, da liễu... Ghép TBG đồng loại (lấy TBG của những người thân trong gia đình: bố mẹ, chị em, hay từ người không cùng huyết thống nhưng phù hợp HLA) để chữa trị các bệnh về máu ác tính (như: Lơ-xê-mi cấp, hội chứng rối loạn sinh tủy, đa u tủy xương); hoặc không ác tính như: suy tủy xương, Thalassemia...

Trưởng khoa Ghép TBG H8 (Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương) ThS, BS Võ Thị Thanh Bình cho biết: “Viện đã triển khai ghép TBG tự thân và ghép đồng loại từ máu ngoại vi, thu được những kết quả rất khả quan. Viện ghép được 63 ca (trong đó, 44 ca ghép TBG tự thân, 19 ca ghép TBG đồng loại). Tỷ lệ thành công nhóm ghép tự thân bị bệnh đa u tủy xương là hơn 70%; nhóm bị suy tủy xương được ghép TBG đồng loại là hơn 75%. Nhiều người bệnh sau khi được ghép TBG cách đây sáu năm có chất lượng sống tốt, khỏe mạnh”. Mới đây, Hoàng Thị Diệu Thuần (sinh năm 1987), tác giả cuốn tự truyện “Như hoa hướng dương”, sau bảy năm “chống đỡ” với bệnh Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt (bệnh ung thư) đã được ghép tủy thành công. Sau ghép tủy ba tháng, các xét nghiệm trên lâm sàng, nhất là kết quả xét nghiệm máu có tiến triển tốt. Người bệnh dần hồi phục sức khỏe.

Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, GS Nguyễn Anh Trí cho biết: “Năm 2012, đề tài cấp Bộ về ghép TBG tạo máu đồng loại đã được Viện thực hiện thành công. Với những kinh nghiệm và kết quả đạt được, năm 2013, Viện tiếp tục triển khai, phát triển phương pháp điều trị ghép TBG tạo máu tự thân và đồng loại cho nhiều đối tượng người bệnh, mở ra cơ hội sống cho nhiều người bệnh mắc các bệnh về máu hiểm nghèo”.