Rốt ráo vào cuộc
Xác định ba trụ cột chính là chính phủ số-kinh tế số-xã hội số, công cuộc chuyển đổi số nước ta hiện nay đang diễn ra mạnh mẽ và toàn diện. Theo đánh giá của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, hiện 100% các bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, 52 nền tảng số được phát triển và công bố tại địa chỉ makeinvietnam.mic.gov.vn. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 là 97,3%. Tính đến thời điểm hiện tại, tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc đều đã được giao nhiệm vụ triển khai sử dụng ít nhất là một nền tảng số; 43/63 địa phương đã công bố lựa chọn nền tảng số triển khai lồng ghép trong kế hoạch chuyển đổi số; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ là 45,7% (gấp 1,6 lần so với cùng kỳ 2021); tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến là 36,9% (tăng khoảng 10% so với cùng kỳ 2021). Một số dịch vụ công trực tuyến phát huy hiệu quả rõ rệt như dịch vụ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT; dịch vụ đăng ký, cấp biển số mô-tô, xe gắn máy; dịch vụ cấp hộ chiếu phổ thông... Những cải tiến đó góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm chi phí lẫn thời gian.
Có thể nhìn thấy sự quyết liệt, nỗ lực và đồng lòng rất lớn của chính quyền nhân dân trong việc xây dựng được môi trường xã hội số, tiến tới giảm thiểu thủ tục hành chính thủ công để thay thế bằng các phương thức điện tử. Bằng sự rốt ráo và quyết tâm, từ nền tảng của hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Bộ Công an đã xây dựng hệ thống Định danh và xác thực điện tử để cấp tài khoản định danh điện tử, đưa vào vận hành từ giữa tháng 7 vừa qua. Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) tại một hội thảo về chuyển đổi số diễn ra hồi tháng 10 đã tự hào khẳng định, Việt Nam là một trong những nước sớm ứng dụng định danh điện tử và phổ cập danh tính số trên thế giới. Điều này tạo bước chuyển mạnh mẽ trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, thương mại điện tử và các nền tảng kinh doanh dịch vụ trên không gian mạng góp phần thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia.
Phát triển nhanh, tiện dụng, rộng khắp
Tính đến tháng 6/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổng hợp và công bố 55 bài toán chuyển đổi số của các bộ, ngành và địa phương tại địa chỉ: https://c63.mic.gov.vn. 35 nền tảng số quốc gia đã hoàn thành phát triển, công bố và đưa vào sử dụng (31 nền tảng số đã đưa vào sử dụng chính thức, 4 nền tảng số đang thử nghiệm). Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã công bố 50 nền tảng số, trong đó có 18 nền tảng phục vụ Chính phủ số, 16 nền tảng phục vụ kinh tế số và 16 nền tảng phục vụ xã hội số.
Mạng lưới Tổ công nghệ số cộng đồng đã được thiết lập và hoạt động hiệu quả trên toàn quốc với 40 nghìn tổ hoạt động tại làng, bản và 200 nghìn thành viên chủ yếu là thanh niên có kỹ năng số sẵn sàng đến từng nhà để hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số thiết yếu.
Quan sát thực tế cho thấy công cuộc chuyển đổi số gần đây thể hiện trên mọi lĩnh vực ngành nghề với diện mạo tích cực và lạc quan. Chuyển đổi số đang dần thay đổi các hoạt động hằng ngày của người dân, từ việc mua hàng trên các trang thương mại điện tử, đặt xe taxi qua ứng dụng trên điện thoại, hoặc sử dụng các ứng dụng ngân hàng số, học trực tuyến, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa,...
Chia sẻ về hiệu quả của việc chuyển đổi số trong cung cấp dịch vụ công của các cơ quan quản lý Nhà nước, nhiều người cho biết, thủ tục hành chính đã được các cơ quan tạo điều kiện thuận lợi, được tiếp nhận giải quyết công khai, minh bạch và rút ngắn thời gian nhất.
Trước đây người dân đi làm thủ tục giấy tờ phải gặp nhiều bộ phận, thủ tục rườm rà, máy móc thậm chí chồng chéo. Các bộ, ngành đặc biệt là những ngành liên quan trực tiếp và nhiều với đời sống dân sinh như y tế, giáo dục, sự thay đổi càng dễ nhận thấy; và đều được thực tế ghi nhận, chuyển đổi số xoay quanh mục tiêu làm sao để người dân hưởng lợi nhiều nhất. Thí dụ, việc triển khai các dịch vụ, tiện ích trên nền dữ liệu dân cư, căn cước và định danh điện tử đem lại lợi ích kinh tế lớn như tiết kiệm hàng chục tỷ đồng tiền chụp ảnh cho học sinh trên cả nước khi đăng ký thi trực tuyến; sử dụng căn cước công dân thay cho thẻ ATM; Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai thành công kết nối liên thông giữa các cơ sở khám, chữa bệnh cả nước với cơ quan Bảo hiểm xã hội. Nhờ đó, 99,5% cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Bên cạnh đó, Đề án Khám, chữa bệnh từ xa được thực hiện, tất cả các cơ sở y tế trên cả nước được hỗ trợ chuyên môn liên tục, đặc biệt ưu tiên cho vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo. Hiện cả nước có khoảng hơn 1.500 điểm cầu Trung ương, tỉnh, thành phố và 300 điểm cầu tuyến huyện có thể thực hiện kết nối khám, chữa bệnh từ xa...
Với doanh nghiệp và sản xuất nông nghiệp, việc chuyển đổi số cũng đã mang lại rất nhiều hiệu quả. Những phiên chợ online giới thiệu chào bán sản phẩm được tổ chức sôi động trên không gian mạng ngày càng nhiều hơn. Việc đẩy mạnh truyền thông quảng bá thương hiệu từ thế mạnh chuyển đổi số đã được đầu tư chú trọng.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa-thể thao-du lịch cũng thể hiện rõ nét. Đời sống văn hóa của cộng đồng được nâng cao khi người dân được thưởng thức hàng loạt các chương trình nghệ thuật, từ đỉnh cao đến bình dân, chỉ cần có một thiết bị thông minh kết nối internet... Trong suốt thời gian thực hiện giãn cách xã hội chống dịch, hàng nghìn lượt khách tham quan ngồi tại nhà nhưng vẫn xem được nhiều triển lãm chuyên đề của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, thậm chí là "đi" du lịch tham quan kinh thành Huế chỉ bằng các cú nhấp chuột. Các chương trình nghệ thuật đặc sắc được biểu diễn trực tuyến hoặc được ghi hình phát lên mạng xã hội trong dự án nhà hát online...
Xử lý các vấn đề cuộc sống
Không thể phủ nhận thành tựu nổi bật của công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến mọi mặt của đời sống xã hội. Trên cơ sở dữ liệu định danh điện tử VNeID, Bộ Công an phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan nghiên cứu cấp tài khoản an sinh xã hội; ứng dụng, tích hợp tài khoản định danh và xác thực điện tử, giải pháp xác thực căn cước công dân gắn chip để phát triển thương mại điện tử và giao kết hợp đồng điện tử... Do đó, người dân thanh toán, giao dịch với ngân hàng chỉ bằng một thẻ; tích hợp các giấy tờ như bằng lái xe, đăng ký xe, thẻ hội viên...
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng trong một phát biểu về chuyển đổi số đã bày tỏ mong muốn, rằng tới đây công nghệ số phải được cung cấp như một dịch vụ thiết yếu và phổ biến, càng nhiều người sử dụng giá trị càng cao, chi phí càng thấp. Theo đó, mọi chính sách phải hướng về kết quả cuối cùng là người dân và doanh nghiệp, và người dân và doanh nghiệp cần tham gia vào quá trình chuyển đổi số, có như vậy chuyển đổi số mới mang tính toàn dân, toàn diện và mang lại lợi ích thiết thực. Tuy nhiên để đạt được điều đó cần một cơ chế đủ thông thoáng hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số. Với sự đồng lòng quyết tâm từ nhà nước, người dân và doanh nghiệp, với những gì đang vận hành và phát triển, mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia số vào năm 2030 sẽ không còn xa vời.