Tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

|

Chủ trương, chính sách nhất quán của Ðảng và Nhà nước là tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh doanh nghiệp (DN) Việt; tập trung hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), DN khởi nghiệp. Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV vừa được QH thông qua ngày 12-6, khi đi vào cuộc sống kỳ vọng khơi dậy những nguồn lực còn tiềm ẩn để khu vực DNNVV phát triển nhanh và bền vững, trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế giai đoạn tới.

DNNVV chiếm 97% trong tổng số DN, đóng góp khoảng 50% GDP, 33% thu ngân sách nhà nước, tạo ra 62% việc làm. Các DNNVV cần hỗ trợ tổng thể, toàn diện để phát triển, nâng cao sức cạnh tranh, tuy nhiên việc hỗ trợ chưa hiệu quả, chưa đi vào cuộc sống, còn nhiều vướng mắc do cơ chế, chính sách, pháp luật khá nhiều, quy định ở nhiều văn bản khác nhau, nội dung dàn trải, chưa đồng bộ, thiếu cơ chế điều phối thống nhất và thu hút khu vực tư nhân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia trong khi nguồn ngân sách nhà nước hạn chế. Việc xây dựng và ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV nhằm thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình hỗ trợ DNNVV có chọn lọc, phù hợp mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước. Nhiều quốc gia cũng đã ban hành Luật về hỗ trợ DNNVV và xem đó là nhiệm vụ trọng tâm bởi DNNVV là "động lực tăng trưởng", "xương sống" của nền kinh tế.

Chú trọng khởi nghiệp sáng tạo

Thực tế có không ít DN, cá nhân, nhất là giới trẻ có ý tưởng độc đáo đang trong quá trình thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới có khả năng tạo ra giá trị cao khi thành công, góp phần tạo sự đột phá. Để đạt được mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các nguồn vốn chủ yếu của xã hội và tư nhân đầu tư vào các ngành nghề lĩnh vực mới, dựa trên tri thức và đổi mới sáng tạo. Quy định về hỗ trợ và đầu tư DNNVV khởi nghiệp sáng tạo tại Điều 17, Điều 18 dự thảo Luật tạo khung pháp lý cho DNNVV khởi nghiệp thuận lợi.

Khởi nghiệp sáng tạo là vấn đề mới, mức độ rủi ro cao đòi hỏi thực thi với những bước đi thận trọng. Một số đại biểu quốc hội (ĐBQH) đề nghị làm rõ khái niệm, nội dung, tính chất, loại hình, quy mô... của DNNVV khởi nghiệp sáng tạo để hỗ trợ đúng đối tượng và tránh lãng phí đồng thời công nhận và khuyến khích khu vực tư nhân góp vốn hợp pháp thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo để đầu tư, tài trợ nhằm cổ vũ, khuyến khích cho hoạt động đổi mới sáng tạo, thực hiện các ý tưởng. Với quy định vốn đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương không quá 30% tổng vốn đầu tư vào DN khởi nghiệp sáng tạo, ĐBQH Trần Anh Tuấn (TP Hồ Chí Minh) phân tích sự tham gia có thể thành công hay thất bại, nên cần làm rõ cơ chế chịu trách nhiệm chia sẻ rủi ro và có thêm sự đóng góp từ quỹ trung ương nhằm đa dạng hóa kênh tiếp cận vốn. Với loại hình quỹ hoàn toàn mới này, ĐBQH Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) cũng thận trọng kiến nghị xem xét kỹ lưỡng về mức độ cần thiết thành lập, nếu cần thì làm rõ các vấn đề pháp lý về chu trình hoàn vốn, trình tự thủ tục thoái vốn của quỹ khi DN được đầu tư thành công, cơ chế xử lý khi DN được đầu tư từ quỹ mà bị phá sản.

Hỗ trợ hợp lý và hiệu quả

DNNVV không có hoặc thiếu kinh nghiệm trong thương trường, thiếu hiểu biết pháp luật, tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng khó khăn do thiếu tài sản bảo đảm, trình độ khoa học, công nghệ và năng lực đổi mới còn thấp, trình độ quản lý và chất lượng nguồn lao động, năng lực tiếp cận chính sách hạn chế nên rất cần được hỗ trợ bài bản, thường xuyên về tiếp cận vốn từ các ngân hàng, thuế, thuê mặt bằng sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp, đào tạo, thông tin, tư vấn, pháp lý…Thu hẹp đối tượng được hỗ trợ, hỗ trợ DNNVV có trọng tâm, trọng điểm và gián tiếp thông qua các tổ chức trung gian trong một thời gian nhất định, có giới hạn về quy mô, không cào bằng, dàn trải và trên tinh thần DNNVV cần cái gì thì hỗ trợ cái đó là quan điểm được nhiều ĐBQH đồng tình. Nhất là trong bối cảnh nguồn lực từ ngân sách hạn hẹp, dự luật cần thiết kế giao cho Chính phủ xem xét "khoanh vùng" lựa chọn nhóm, ngành, DN có tiềm năng phát triển, có nền tảng và cơ bản có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng, tập trung ưu tiên nhóm DN áp dụng công nghệ cao, chế biến nông, lâm, thủy, hải sản, phần mềm, du lịch và dịch vụ, chăm sóc sức khỏe, giáo dục…Việc cân đối nguồn lực phải tính toán bảo đảm tính khả thi của chính sách.

Thực tế cho thấy DNNVV khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng vì năng lực quản trị hạn chế; phương án, dự án kinh doanh, vay vốn xây dựng không bài bản; hệ thống sổ sách tài chính, kế toán thiếu minh bạch; tiềm lực tài chính yếu, dễ bị rủi ro. Bất cập này cần được khắc phục như bổ sung trong dự thảo Luật quy định DNNVV được hỗ trợ nâng cao năng lực tiếp cận tín dụng thông qua các cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ và Chính phủ quyết định chính sách hỗ trợ các tổ chức tín dụng tăng cho vay đối với các DNNVV trong từng thời kỳ. Trước tình trạng DN tiếp cận mặt bằng sản xuất còn khó khăn, phức tạp, ĐBQH Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) bày tỏ băn khoăn quy định về hỗ trợ mặt bằng sản xuất còn thiếu cụ thể, khả thi khi số lượng DNNVV thì lớn trong khi quỹ đất hỗ trợ lại có hạn còn ĐBQH Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) kiến nghị tháo gỡ nút thắt do thủ tục hành chính rắc rối, phiền hà, nếu không quy định hỗ trợ tại dự thảo chỉ mang tính khẩu hiệu. Ngoài ra, chính sách ưu đãi cho DNNVV về thuế, trong đấu thầu, có cơ chế khuyến khích DN lớn liên kết chuỗi giá trị với các DNNVV để DN nhỏ tham gia làm phụ trợ cho DN lớn... cũng là đòn bẩy thiết thực. Trước mắt, cải cách thủ tục hành chính, đổi mới tinh thần phục vụ của công chức hỗ trợ thuận lợi nhất cho DN về thủ tục đăng ký thành lập, tiếp cận nguồn vốn tín dụng, kê khai nộp thuế... để giảm thời gian, chi phí cho DN là những việc làm hữu ích trong điều kiện hiện nay.

Hỗ trợ để DNNVV chủ động vươn lên, không ngừng phát triển chứ không chỉ ổn định, nằm im không chịu lớn lên là đề xuất của nhiều ĐBQH, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Muốn hỗ trợ đúng và trúng đối tượng, tránh lạm dụng, ỉ lại thì không thể thiếu những chế định cụ thể, chặt chẽ như tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục hỗ trợ và nghĩa vụ hoàn trả chi phí hỗ trợ, chế tài xử lý trường hợp vi phạm hoặc lợi dụng trục lợi, có tiêu chí xác định rõ DN đã lớn mạnh để ngưng hỗ trợ... Ý kiến của ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) cũng là mong muốn của nhiều ĐBQH, bởi nếu áp dụng ưu đãi mang tính đại trà cho nhiều đối tượng với phạm vi quá rộng sẽ làm mất đi ý nghĩa của chính sách hỗ trợ và việc kiểm soát hiệu quả, tránh lợi dụng chính sách phải được coi trọng.

Với đặc thù luật chỉ đưa ra những quy định khung và nguyên tắc để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết, việc sớm dự thảo bốn Nghị định hướng dẫn Luật trình kèm theo và rà soát, sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong các Luật liên quan tránh xung đột, mâu thuẫn với Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ là tiền đề bảo đảm Luật này sớm đi vào cuộc sống. Luật Hỗ trợ DNNVV ra đời được ví là món quà quý cho cộng đồng DNNVV bởi sẽ cởi trói, tháo gỡ kịp thời khó khăn, bất cập thông qua các chính sách cụ thể và đồng bộ, tạo hành lang pháp lý quan trọng trong môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy DNNVV dấn thân làm giàu cho chính mình và cho đất nước.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Chúng ta đã chuyển DN là đối tượng quản lý thành đối tượng phục vụ, đồng hành cùng phát triển trong xã hội, đấy là tinh thần mới góp phần xây dựng một nhà nước kiến tạo. Nếu chúng ta quy lại luật khung thì tùy thuộc vào tình hình thực tế, mục tiêu hỗ trợ trong từng thời kỳ và nguồn lực của ngân sách nhà nước, Chính phủ sẽ linh hoạt hơn và sẽ có những quy định phù hợp trong từng thời kỳ.

ĐBQH Bế Minh Đức (Cao Bằng)

Với 66% DN vẫn phải trả các chi phí không chính thức- con số của VCCI khảo sát 11.000 DN cho thấy vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức khi giải quyết thủ tục hành chính cho DN. Việc hỗ trợ kịp thời, đúng nơi, đúng chỗ, có công bằng hay không phụ thuộc rất lớn vào những người thực thi chính sách. Trong Luật, cần có các quy định về trách nhiệm cá nhân cán bộ, công chức trong thực hiện các chương trình hỗ trợ DN.