Thẳng thắn nhận diện khuyết điểm
Buổi sinh hoạt ở chi bộ Trung tâm Thông tin, Văn phòng Công an tỉnh Đác Nông sôi nổi, cởi mở với nhiều ý kiến góp ý, phê bình "tự soi, tự sửa" thẳng thắn, chân thành cho các đảng viên theo Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII). Trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, những mặt tồn tại, hạn chế của mỗi đảng viên được đề cập và tập thể chi bộ nhận xét, đóng góp ý kiến. Tâm lý cán bộ, chiến sĩ (CBCS) góp ý cho cấp trên thường nể nang, né tránh nhưng người chủ trì khéo léo khơi gợi vấn đề, đề cao tính dân chủ, lãnh đạo cầu thị tiếp thu nên xóa nhòa rào cản e dè, ngại ngần. Anh em góp ý cho một đồng chí lãnh đạo từ những việc nhỏ nhặt như có lúc đi dép lê, trực ban không mặc quân phục hay dẫn chứng một trường hợp cụ thể còn thiếu linh hoạt trong thỉnh thị báo cáo, ảnh hưởng tiến độ xử lý công việc...
Bầu không khí dân chủ, nói thẳng nói thật không chỉ qua sinh hoạt chi bộ hằng tháng mà còn tại các hội nghị, đợt sinh hoạt kiểm điểm "tự soi, tự sửa" ở các chi bộ, đảng bộ. Căn cứ 27 biểu hiện suy thoái "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", mỗi cán bộ, đảng viên liên hệ kiểm điểm bản thân và góp ý, phê bình đối với các đồng chí khác trong cuộc họp và đề ra kế hoạch cam kết khắc phục. Muốn "soi" đúng, nhận diện hết đòi hỏi ý thức tự giác, dũng cảm, không giấu giếm. Các khiếm khuyết của CBCS được chỉ rõ phổ biến là thiếu tu dưỡng, rèn luyện, học hỏi nâng cao trình độ; chọn việc dễ, bỏ việc khó, nể nang trong phê bình; có biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống; vi phạm quy trình công tác, chấp hành điều lệnh chưa nghiêm, ứng xử thiếu chuẩn mực, chưa thường xuyên bám địa bàn..., của chỉ huy một số đơn vị là tác phong làm việc thiếu khoa học; chưa thật sự gương mẫu, quản lý cán bộ chưa chặt chẽ, xử lý vi phạm chưa nghiêm, chưa quan tâm nhiều công tác xây dựng đảng... Không ít dẫn chứng cụ thể như đi làm muộn, hút thuốc lá trong cơ quan, nóng tính trong phê bình, bảo thủ không chịu tiếp thu ý kiến góp ý, phát ngôn không đúng nơi đúng chỗ... cùng nguyên nhân và phương hướng khắc phục cũng được thẳng thắn đề cập.
Phó Trưởng Công an huyện Đác Glong Đinh Công Hiếu chia sẻ dù đã nỗ lực nêu gương tiên phong trong công tác nhưng bản thân cũng nhận thấy một số hạn chế và ý kiến đóng góp của mọi người rất quý báu để mình rút kinh nghiệm và điều chỉnh phù hợp. Đảng ủy Công an huyện rà soát kiểm điểm tại các chi bộ, nếu làm qua loa, chiếu lệ kiên quyết yêu cầu làm lại cho đạt; đồng thời xây dựng bộ công cụ theo 27 biểu hiện của Nghị quyết T.Ư 4, mỗi biểu hiện có năm thang điểm từ 0 đến 4 để từng đảng viên soi chiếu, chi bộ nhận xét và bỏ phiếu bảo đảm chính xác, thông báo công khai kết quả chấm điểm.
Dưới sự chỉ đạo sát sao, bài bản của Đảng ủy Công an tỉnh, các đảng bộ, chi bộ triển khai trên tinh thần xây dựng, nhân văn, giúp nhau cùng tiến bộ, đảng viên được tạo điều kiện sửa chữa, khắc phục khiếm khuyết dưới sự theo dõi, giám sát của cấp ủy nhưng cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình chây ỳ, chậm tiến bộ hoặc mắc sai phạm nghiêm trọng theo đúng quy định.
Siết chặt kỷ cương, nêu cao tinh thần trách nhiệm
Trong bối cảnh nhiều năm trước, tỷ lệ CBCS Công an tỉnh Đác Nông sai phạm, bị xử lý kỷ luật đều ở mức cao, thậm chí có trường hợp bị giáng chức, khởi tố, cho ra khỏi ngành, không khí làm việc trầm lắng, không ít cán bộ lơ là công việc, kỷ luật kỷ cương bị buông lỏng, nhiều mảng công tác chuệch choạc, hiệu suất công tác thấp, thì đòi hỏi "tự soi, tự sửa" càng cấp thiết. Đầu năm 2018, đồng chí tân giám đốc cùng tập thể Đảng ủy, lãnh đạo công an tỉnh thống nhất ban hành bốn nghị quyết chuyên đề trọng tâm, tập trung bốn vấn đề nóng như đấu tranh, phòng chống tội phạm trong quản lý và bảo vệ rừng; nâng cao chất lượng công tác nghiệp vụ cơ bản; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; tăng cường quản lý cán bộ, phòng ngừa sai phạm, siết chặt kỷ luật kỷ cương.
Chuyển biến rõ nét nhất có thể cảm nhận được ngay từ ý thức chấp hành điều lệnh CAND, kỷ luật kỷ cương, quy chế làm việc, quy trình công tác, lễ tiết tác phong của CBCS. Theo quy định, CBCS nào cũng phải chấp hành nghiêm điều lệnh, nhưng để biến thành hành động tự thân không đơn giản, nhất là trước đây quen thoải mái, xông xênh. Bên cạnh phát huy tự giác của mỗi CBCS, nhiều biện pháp giám sát, quản lý chặt chẽ được áp dụng chấn chỉnh như lắp camera ở cổng ra vào, trích xuất lại những trường hợp đi muộn về sớm, đội điều lệnh tăng cường kiểm tra, ghi hình vi phạm như bỏ trực, vắng học, mang trang phục và kiểu tóc không đúng điều lệnh, vệ sinh trụ sở chưa gọn gàng, sạch sẽ... làm chứng cứ để nhắc nhở, xử lý; chấn chỉnh lễ tiết, tác phong các lực lượng thường xuyên tiếp xúc với dân, xử lý kịp thời CBCS nhũng nhiễu, gây phiền hà, trục lợi; CSGT thường xuyên tuần lưu trên đường giữ gìn TTATGT... Ban đầu không ít CBCS khó chịu, phàn nàn vì bị gò vào khuôn khổ nhưng khi thấy mọi người đều tuân thủ dần tự nâng cao ý thức, rèn thói quen chấp hành. Bước chuyển còn thể hiện từ những hành vi thường nhật như đi làm đúng giờ, không uống rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa trong ngày làm việc, ngày trực; chấm dứt tiệc tùng khi đề bạt, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm...
Tinh thần trách nhiệm của CBCS được nâng cao, chú trọng chất lượng công tác nghiệp vụ cơ bản, nắm sát tình hình, tăng cường lực lượng cho các xã trọng điểm phức tạp về ANTT; giao chỉ tiêu gắn với công tác thi đua, rà soát bố trí cán bộ đúng người đúng việc, đề cao vai trò tiên phong gương mẫu, quy trách nhiệm liên đới của người đứng đầu khi để cấp dưới sai phạm, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, của nhân dân, báo chí tạo đà đột phá, khí thế mới trong công tác. Hàng loạt vụ việc nổi cộm, bức xúc về an ninh nông thôn, tranh chấp khiếu kiện đất đai từ quản lý, bảo vệ rừng cũng như các loại tội phạm mới xuất hiện trên địa bàn như đánh bạc qua mạng, trốn thuế, mua bán người... từng bước được giải quyết, đấu tranh hiệu quả. Đề cao tầm quan trọng từ sự giúp đỡ, ủng hộ của chính quyền và quần chúng, Thượng tá Nguyễn Mậu Truyền, Trưởng Công an huyện Cư Giút nhấn mạnh, qua nguồn tin phản ánh của nhân dân không chỉ góp phần phá án thành công mà lãnh đạo nắm bắt thái độ làm việc, sâu sát dân, bám địa bàn của từng CBCS để uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời. Vì thế, công an huyện luôn cố gắng tạo dựng uy tín để bà con tin yêu, giúp đỡ nhiều hơn, điển hình là lập nhiều chuyên án, duy trì đội 141 tuần tra 24/24 bảo vệ tài sản, giữ gìn bình yên địa bàn; khuyến khích người dân phản ánh, tố giác, tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái, đẩy mạnh tiếp xúc, lắng nghe, đối thoại trực tiếp và xử lý kịp thời những kiến nghị của nhân dân.
Thực tế cho thấy, nhiều đơn vị dù các mặt công tác đều tốt nhưng tỷ lệ CBCS sai phạm vượt quá mức quy định sẽ mất hết danh hiệu thi đua, ảnh hưởng thành tích chung, thế nên việc chủ động phòng ngừa, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, quản lý chặt chẽ, kèm cặp thường xuyên, đi sâu tìm hiểu đời sống tâm tư CBCS, nhất là những CBCS trẻ, công tác ở lĩnh vực nhạy cảm dễ bị mua chuộc, sa ngã càng được quan tâm chú trọng. "Từ đầu năm nay, việc bình xét, xếp loại thi đua hằng tuần, hằng tháng theo cờ đỏ, cờ xanh, cờ vàng, thưởng phạt nghiêm minh cùng áp lực từ khoán chỉ tiêu công tác nên công an huyện phải gắng sức hơn nhiều. Lãnh đạo giao việc kết hợp kiểm tra đôn đốc, đi báo việc về báo công, những vụ việc nóng luôn sát cánh cùng anh em có mặt tại hiện trường mới giải quyết nhanh chóng, rốt ráo", Phó Trưởng Công an huyện Đác Song Nguyễn Đức Thùy bộc bạch.
Sơ kết đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm vừa qua, công an Đác Nông ba lần được Bộ Công an khen thưởng, lọt trong top đầu địa phương trong cụm thi đua là tín hiệu khả quan đáng khích lệ. Tuy nhiên, để xóa tan những "gam mầu trầm" vốn u ám, kéo dài lâu nay đòi hỏi nỗ lực không ngừng, đồng lòng chung sức của tất cả CBCS. Đại tá Lê Văn Tuyến, Giám đốc công an tỉnh khẳng định, "tự soi, tự sửa" luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết T.Ư 4, là nội dung được duy trì thường xuyên trong sinh hoạt thường kỳ của các đảng bộ, chi bộ, nhất là trong bối cảnh tác động tiêu cực từ mặt trái cơ chế thị trường và tình hình ANTT diễn biến còn phức tạp.