Bà bầu vượt biên bán con

|

Trong khoảng một năm nay, tại Nghệ An rộ lên tình trạng mua bán bào thai - một thủ đoạn mới của các đối tượng mua bán người (MBN) mà pháp luật vẫn chưa có những quy định cụ thể. Mục tiêu dụ dỗ của chúng là những phụ nữ người dân tộc thiểu số đang mang thai tháng thứ năm đến sắp sinh. Những đứa trẻ bị định đoạt số phận ngay từ khi còn đang trong bụng mẹ.

Quản lý bà bầu

Ngày đầu tháng 7, vừa xong công việc ở trụ sở xã, ông Hà Văn Thái - Trưởng Công an xã Hữu Kiệm (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) lại tất bật chạy vào bản Đỉnh Sơn trên chiếc xe máy cà tàng. Cũng như các đồng nghiệp, ông Thái được giao nhiệm vụ quản lý một số phụ nữ đang mang thai ở bản này. Đỉnh Sơn 1 và Đỉnh Sơn 2 là bản của những người Khơ Mú rộ lên tình trạng vượt biên qua Trung Quốc sinh rồi bán con. Theo thống kê của công an, có khoảng 20 phụ nữ ở hai bản này đã vượt biên bán bào thai trong vòng hơn một năm qua.

Quản lý các bà bầu là một trong những biện pháp mà Công an huyện Kỳ Sơn triển khai từ đầu năm nay để phòng ngừa tình trạng mua bán bào thai. Theo Trung tá Lô Văn Thao, Phó trưởng Công an huyện Kỳ Sơn, sau khi lên danh sách, công an xã có trách nhiệm chia từng người, từng bản để quản lý. "Đồng chí nào được giao phụ trách quản lý phụ nữ nào thì đến gặp người đó ít nhất hai lần mỗi tuần. Phải mặc trang phục công an, vào tận nhà và nhìn thấy bà bầu vẫn còn ở đó rồi ra về. Ngoài ra, chỉ cần nghe ngóng được một chút thông tin nào đó cũng phải xuất hiện ngay để ngăn chặn họ qua Trung Quốc bán con", ông Thao nói và cho hay, việc quản lý này chỉ kết thúc sau khi bà bầu sinh con tại địa phương.

Trong danh sách này, công an cũng tập trung chú ý hơn đối với những phụ nữ người Khơ Mú, những người đang mang bầu con thứ ba trở lên là tầm ngắm của những kẻ chuyên dụ dỗ. "Ở một số bản, nếu mang bầu đứa thứ ba trở lên, mình mà quản lý không chặt thì chắc chắn sẽ đi bán", Trung tá Thao nhận định.

Một phụ nữ vừa vượt biên trở về, sau khi sinh con rồi bán.

Cần mua xe máy, bán con

Mua bán bào thai là thủ đoạn rất mới của tội phạm MBN. Các đối tượng hoạt động rất tinh vi, thường đi tới các vùng có nhiều đồng bào Khơ Mú sinh sống, nhắm tới những phụ nữ mang thai vỡ kế hoạch, có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, nhận thức kém để gạ gẫm. Đánh trúng tâm lý sợ bị phạt vì sinh con thứ ba của người dân đồng thời đưa ra những lời đường mật như "nếu đưa con sang Trung Quốc sinh thì vợ chồng vừa được tiền, vừa không phải vất vả nuôi con. Con sinh ra sẽ được chăm sóc tử tế..." nên không ít người đã sập bẫy.

Sau khi nhận lời, hai bên bắt đầu thỏa thuận giá cả. Các đường dây hoạt động khép kín, bí mật, có sự móc nối chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước và ở bên kia biên giới. Khi đạt được thỏa thuận, đối tượng thường không trực tiếp xuất hiện mà dùng điện thoại để liên lạc, hướng dẫn đường.

"Ở đây nhiều người giàu hơn mình họ cũng bán, mình nghèo bán một đứa cũng chẳng sao", Moong Thị Thảo nói, giọng tỉnh bơ. Thảo lấy chồng gần 10 năm trước, đã có một con trai hơn tám tuổi. Gia đình Thảo là một trong những hộ nghèo nhất bản. Cho đến bây giờ, bán con trở về, cái nghèo vẫn không chịu buông tha.

Ý định bán con của Thảo bắt đầu từ ngày có kết quả siêu âm giới tính. Hôm đó, sau khi nghe bác sĩ thông báo là con trai, hai vợ chồng đều rất buồn. "Nhà mình đã có một đứa con trai rồi. Nếu thêm đứa nữa rất khổ. Sau này không biết lấy gỗ đâu làm nhà cho nó", Thảo phân trần lý do mang bào thai đem bán. Trong khi đó, ước mơ "thoát cái nghèo" luôn quanh quẩn trong đầu.

Sau khi hỏi "kinh nghiệm" của một số phụ nữ trong bản vừa vượt biên bán con trở về, Thảo quyết định một mình lên đường, chẳng cần môi giới dẫn theo. Tại Trung Quốc, Thảo được đưa đến một tòa nhà mà theo lời chị là "cao đến tám tầng". "Họ nhốt một mình em trong phòng. Không cho đi đâu cả. Gần 10 ngày sau thì em sinh", Thảo nói. Cũng như những phụ nữ khác, Thảo không được tiếp cận con mà chỉ liếc nhìn qua những tấm kính. Chỉ hai ngày sau sinh, ngày 5-5, Thảo được đưa về nước. "Ban đầu họ hứa sẽ trả 50 triệu đồng nhưng sau đó chỉ đưa 40 triệu, phần còn lại là chi phí dọc đường", Thảo kể.

Những kẻ MBN rất cao tay. Lo sợ những người phụ nữ này đổi ý, chúng giam lỏng, không cho họ tiếp cận ai, nếu kiên quyết từ chối bán con sẽ bị hăm dọa "bán cả mẹ lẫn con". Đáng buồn là các đối tượng này vốn dĩ trước đây từng là nạn nhân bị lừa phỉnh, sau khi lấy chồng Trung Quốc thì quay trở lại quê hương, trở thành thủ phạm.

Nhiều phụ nữ sau khi bán bào thai trở về lập tức dựng nhà mới, trả nợ ngân hàng, có người lại sắm xe máy đi lại... Mỗi đứa trẻ được mẹ bán trung bình từ 40 - 80 triệu đồng, trong đó bé gái có giá cao hơn bé trai. Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp vượt biên bán con trở về nhưng không nhận được tiền từ đối tượng MBN hoặc chỉ được trả với cái giá rẻ mạt.

Lữ Thị Linh (32 tuổi, bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn), là một trong số đó. Linh tự hào khi cho rằng, cô là "người mở đầu cho phong trào đi bán con thoát nghèo" ở xã vùng cao này. Lấy chồng từ 13 năm trước, Linh hiện là mẹ của ba bé gái. Vài năm trước, khi đang mang bầu đứa thứ tư, Linh nhận được điện thoại của một người họ hàng ở bên Trung Quốc bảo muốn mua lại đứa con trong bụng cô. "Lúc đó ở đây chưa ai qua bên đó bán con, không ai biết là có thể kiếm tiền bằng cách như vậy cả", Linh nói.

Ít ngày sau, Linh nghe theo hướng dẫn của "người bà con" một mình bắt xe khách ra Quảng Ninh rồi được đón qua Trung Quốc. Sau khi sinh bé gái, Linh được trả 10 triệu đồng rồi đưa lên xe khách quay trở lại Việt Nam. "Về đến nhà thì em chỉ còn được 6 triệu nữa thôi", người phụ nữ được cho là đầu tiên ở Kỳ Sơn đi bán con xót xa.

Chưa có chế tài xử lý

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nhấn mạnh thủ đoạn mới của các đối tượng MBN bắt đầu rộ lên từ đầu năm 2018, chủ yếu tập trung ở đồng bào người Khơ Mú, huyện Kỳ Sơn. Chỉ riêng tại hai xã Hữu Kiệm và Hữu Lập của huyện này đã có ít nhất 22 phụ nữ mang thai qua Trung Quốc để bán con. Trước thực trạng này, Công an Nghệ An cũng đã trao đổi với Viện Kiểm sát và Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an), tuy nhiên đến nay cũng chưa có hướng xử lý. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có năm tội liên quan đến hành vi MBN nhưng không đề cập việc mua bán bào thai. Trong khi đó, để cấu thành tội phạm thì phải có bị hại. "Trong các vụ án này không có bị hại nên không thể xử lý được. Bị hại ở đây chính là những đứa trẻ, những bào thai. Nhưng nhiều chuyên gia luật cho rằng, bào thai chưa phải là con người. Vì biết đâu cái thai bị hỏng trước khi được sinh ra, hoặc vừa sinh ra đã chết", Thiếu tướng Cầu nói.

Được biết thời gian qua, lực lượng công an đã phát hiện khá nhiều vụ mua bán bào thai qua Trung Quốc, tuy nhiên việc xử lý còn khá nhiều vướng mắc. Đối với các vụ việc dụ dỗ phụ nữ mang thai sang Trung Quốc sinh con đem bán, bản chất của hành vi là "mua bán trẻ em", nhưng do không giải cứu được nạn nhân (cháu bé) và không có tài liệu, căn cứ nào xác định được mẹ nạn nhân đi Trung Quốc (chỉ có lời khai của mẹ nạn nhân và của đối tượng), nên việc điều tra, xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Công an một số địa phương bắt quả tang một số đối tượng đang trên đường đưa người phụ nữ mang thai vượt biên để sinh rồi bán con cho người Trung Quốc, nhưng giai đoạn này, người mẹ chưa sinh, nên nếu truy tố về tội "mua bán người" hoặc "mua bán người dưới 16 tuổi" theo Điều 150, 151 Bộ luật Hình sự thì không phù hợp và chưa có văn bản nào hướng dẫn truy tố về hành vi này. Chưa có quy định pháp luật điều chỉnh đối với hành vi mua bán bào thai hiện đang là rào cản và đương nhiên nguy cơ các bà bầu vượt biên bán bào thai vẫn còn nhãn tiền.