Bí mật trong lòng phố

|

Mỗi thành phố đều cất giữ trong mình những bất ngờ thú vị... Ở một trong những khu phố đông dân, lắm ngoằn ngoèo của TP Hồ Chí Minh, có một khu chợ đặc biệt. Nơi ấy cổ kim giao thoa, nơi ấy có những niềm yêu khi chạm lại được hoài niệm.

Cứ mỗi khi có dịp đi công tác phía nam, chị Thanh Mai (Hà Nội) bạn tôi luôn muốn tìm cơ hội để được trở lại TP Hồ Chí Minh vào sáng chủ nhật. Để làm gì ư, chỉ đơn giản là tìm về quán cà-phê đồ cổ, nơi mà không lần nào chị ra về tay không. Ít ai ngờ, trong một hẻm nhỏ trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh lại có một chợ đồ cổ thú vị, suốt từ năm 2013 đến giờ. Chợ “cứu” tình thế khó khăn cho quán cà-phê của nghệ sĩ Cao Minh, nhưng rồi không chỉ có thế!

Họp duy nhất một buổi từ 6 giờ sáng đến 14 giờ chiều của ngày chủ nhật mỗi tuần, nên chợ luôn náo nhiệt, những người mê đồ cổ mặc nhiên hẹn bạn chơi, và hẹn với chính mình để tìm đến mỗi phiên. 30 nghìn đồng/vé cho cả người bán lẫn người mua (đã bao gồm một phần đồ uống), dòng người đổ về đây có dân chuyên, sành sỏi về đồ cổ, cũng có không ít những người nghiệp dư, thích đến để cảm cái không khí náo nức bán mua này. Có người cầu kỳ bày biện một gian hàng “Những điều xưa nhất”, có quầy định danh cổ vật được bán gắn với địa danh thân thuộc như “Hà Nội”, “Sài Gòn”, “Hội An”, nhưng đa phần là những bàn nhỏ bày biện theo chủ đề, nào là chuyên về tiền, hay chuyên về đồ cổ của Pháp, của Nhật…

Gọi là chợ bởi có người bán có người mua, nhưng cũng là nơi để giao lưu trò chuyện bên ly cà-phê trên mái vòm phía cao hơn, đủ để có thể bao quát không gian chợ mà vẫn không xa rời lời bán lời mua, vẫn cảm nhận được nét mặt rạng rỡ của người chọn được món đồ ưng ý hay có thời gian để theo dõi một cuộc mặc cả, đấu trí chẳng kém gì cuộc thương thảo hợp đồng.

Chị bạn tôi sà ngay vào địa chỉ đã quen, quầy hàng của cặp vợ chồng Pháp - Việt. Ông Jon Allsop, từ Pháp qua Việt Nam được hai năm, cũng là từng ấy thời gian, ông đưa những món đồ cổ từ Pháp về bán ở chợ. Chị chọn được hai cây đèn cổ rất tâm đắc, nhưng rồi lại chia sẻ một đèn với chị khách lặn lội từ Cam-pu-chia sang. Mặt còn vương nét ngẩn ngơ, nhưng chị nhủ rằng, mình đã có được một món đồ gợi nhớ lại kỷ niệm xưa, thế là đủ! Đến nơi này, đâu phải để quyết có cho được những gì mình muốn. Một vé vào chợ đồ cổ, cũng là vé trở lại với những hoài niệm.

Với người ngoại đạo như tôi, chẳng thể phân biệt được niên hạn của mỗi món đồ, cũng không phân biệt được đâu là thật là giả. Vậy nên, cứ chầm chậm đi qua các gian hàng, ngắm nghía, nâng niu những món đồ nhuốm màu xưa, cũ, với tôi, đã là đủ.

Dừng lại lâu hơn ở gian sách báo cũ, lần giở những trang đã ngả mầu quá vãng của quyển Truyện Kiều, soạn giả Nguyễn Văn Vĩnh, xuất bản từ năm 1942. Hẳn là chào mức giá 5 triệu cho ấn bản, người bán cũng biết tôi không phải khách mua. Nhưng ông để tôi được nán lại đọc đôi trang, và nhắc, sách có minh họa của tài danh Mạnh Quỳnh, nét vẽ bay bổng, vài đường đã khắc họa được nhân vật và tâm trạng…

Giữa ồn ào mua bán, chợt nhớ lại thầy giáo dạy văn từng rưng rưng khi giảng về Kiều. Nhớ cả câu hỏi mình đã từng thắc mắc, sao cả đời dạy Kiều mà thầy vẫn rưng rưng như thế!

Giờ tôi đã không còn hỏi những câu như thế!